Ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã chính thức loan báo rằng Ngài sẽ từ chức Mục Tử Thế Giới – chức Giáo Hoàng. Tin này đã làm chấn động khắp thế giới, và một số tín hữu đã có những phản ứng hoang mang.
Lợi dụng cơ hội này, nhiều lời đồn đoán có tính cách chủ quan và võ đoán cũng đã được tung ra nhằm khủng hoảng niềm tin của nhiều người, kể cả việc cắt nghĩa và suy đoán lời tiên tri của Thánh Malachy liên quan đến các vị Giáo Hoàng. Trang nhà Nazareth xin được tổng hợp một số tin tức và các bài viết của nhiều tác giả trong đó trưng dẫn những nhận định có thẩm quyền để độc giả đọc, suy nghĩ và cầu nguyện cho Giáo Hội. Đây là thời gian mỗi Kitô hữu phải tự vấn chính mình, và phải học hỏi thêm về Giáo Hội để yêu mến, xây dựng Giáo Hội, chứ không phải là lúc để mình bị khuynh đảo và hoang mang. Chúa Giêsu đã biết rõ những chuyện gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội, và vì thế Ngài đã phán với Phêrô khi trao chìa khóa nước trời cho Ông, và đặt Ông làm thuyền trưởng con thuyền Hội Thánh của Ngài: “Ngươi là Đá và trên đá này Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta và quyền lực hỏa ngục cũng không thắng nổi” (Mat 16:18). Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa. Ngài mới chính là Đấng chăn dắt, hướng dẫn và điều hành Giáo Hội. Vậy chúng ta hãy tín thác nơi Ngài, và cầu nguyện cho Giáo Hội, nhất là sống hiệp thông và thực thi lời Giáo Huấn của Giáo Hội.
ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐÍCTÔ XVI CHÍNH THỨC
THÔNG BÁO QUYẾT ĐỊNH TỪ CHỨC
Lê Đình Thông
(Tin tổng hợp).- Trong diễn từ bằng tiếng latinh đọc trước mật nghị hồng y sáng nay (11/02), Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã chính thức thông báo quyết định từ chức giáo hoàng vì lý do tuổi tác và sức khỏe. Linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh, cho biết quyết định của Đức Bênêdictô XVI sẽ có hiệu lực lúc 20 giờ ngày 28/02.
Thông báo bằng tiếng latinh được đài Vaticana dịch sang tiếng Ý và nhiều ngôn ngữ khác, nguyên văn như sau : ‘‘Sau khi nhiều lần tự vấn lương tâm trước Thiên Chúa, tôi tin chắc rằng sức lực và tuổi tác không còn cho phép tôi hành sử đúng đắn nhiệm vụ. Trong thế giới ngày nay thường phải chịu nhiều đổi thay, sức mạnh thể lực và trí tuệ là yếu tố cần thiết để lèo lái con thuyền của thánh Phêrô, loan truyền Phúc âm. Trong nhiều tháng qua, sức lực mòn mỏi khiến tôi phải nhìn nhận không còn đủ sức cáng đáng sứ mệnh đã được giao phó. Tôi thành thực xin lỗi (tất cả) về những thiếu sót của tôi.”
Đức Bênêdictô là đấng kế vị thánh Phêrô thứ 265 đại diện Chúa Kitô. Ngài là vị giáo hoàng người Đức đầu tiên kể từ thế kỷ XI. Ngày 19/04/2005, ngài lên ngôi giáo hoàng và sẽ mừng sinh nhật 86 tuổi vào ngày 16/04/2013 sắp tới.
Trong cuốn sách ‘‘Lumière du monde’’ xuất bản năm 2010, Đức Bênêdictô XVI đã đặt vấn đề vị giáo chủ có thể từ chức nếu sáng suốt công nhận vì các lý do thể lực, tâm trí và thiêng liêng nên không thể đảm đương trọng trách được nữa. Tùy từng trường hợp, vị đó có quyền và có bổn phận phải từ chức.”
Trong lịch sử Giáo hội từng có tiền lệ : Đức Célestin thoái vị trước ngày đươc tấn phong vì nhận thấy không sẵn sàng đảm đương trách vụ. Ngài là vị ẩn tu đến ngày được bầu làm giáo hoàng.
ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng hồng y đoàn và thủ tướng từ nhiệm Mario Monti của Ý đều tỏ ra xúc động trước tin Đức Bênêdictô XVI từ chứcc
Theo giáo luật, sau 20 giờ ngày 28/02 đến khi có vị giáo chủ mới vào trước lễ Phục sinh là thời kỳ trống ngôi (sede vacante). Đức Bênêdictô XVI, tên thật là Joseph Ratzinger, là nhà thần học uyên bác. Ngài sẽ không tham dự mật nghị hồng y được triệu tập từ 15 đến 20 ngày kể từ 28/02. Ngài sẽ nghỉ hưu trong một đan viện ở Vatican.
Chiều nay (11/02), ĐHY André Vingt-Trois, chủ tịch HĐGM Pháp, sẽ họp báo tại trụ sở HĐGM Pháp, 58 avenue de Breteuil 75007 Paris, để nói về biến cố này.
Thư viện ĐHCG Paris, ngày 11/02/2013
Lê Đình Thông
Bản Anh Ngữ từ Phòng Báo Chí Tòa Thánh
Dear Brothers,
I have convoked you to this Consistory, not only for the three canonizations, but also to communicate to you a decision of great importance for the life of the Church. After having repeatedly examined my conscience before God, I have come to the certainty that my strengths, due to an advanced age, are no longer suited to an adequate exercise of the Petrine ministry. I am well aware that this ministry, due to its essential spiritual nature, must be carried out not only with words and deeds, but no less with prayer and suffering. However, in today’s world, subject to so many rapid changes and shaken by questions of deep relevance for the life of faith, in order to govern the bark of Saint Peter and proclaim the Gospel, both strength of mind and body are necessary, strength which in the last few months, has deteriorated in me to the extent that I have had to recognize my incapacity to adequately fulfill the ministry entrusted to me. For this reason, and well aware of the seriousness of this act, with full freedom I declare that I renounce the ministry of Bishop of Rome, Successor of Saint Peter, entrusted to me by the Cardinals on 19 April 2005, in such a way, that as from 28 February 2013, at 20:00 hours, the See of Rome, the See of Saint Peter, will be vacant and a Conclave to elect the new Supreme Pontiff will have to be convoked by those whose competence it is.
Dear Brothers,
I thank you most sincerely for all the love and work with which you have supported me in my ministry and I ask pardon for all my defects. And now, let us entrust the Holy Church to the care of Our Supreme Pastor, Our Lord Jesus Christ, and implore his holy Mother Mary, so that she may assist the Cardinal Fathers with her maternal solicitude, in electing a new Supreme Pontiff. With regard to myself, I wish to also devotedly serve the Holy Church of God in the future through a life dedicated to prayer.
From the Vatican, 10 February 2013
BENEDICTUS PP XVI
Lời Cảm Nhận của Đức Hồng Y Sodano Trưởng Hồng Y Đoàn
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ
“Chúng con đã nghe Đức Thánh Cha nói mà cảm thấy mất mát làm sao ấy, hầu như không thể nào tin nổi. Trong lời nói của Đức Thánh Cha chúng con thấy được lòng cảm mến sâu đậm nơi Đức Thánh Cha đối với Hội Thánh Chúa, vì Đức Thánh Cha đã yêu mến Giáo Hội này rất nhiều. Giờ đây, thay mặt cho Hồng Y Đoàn, đại diện cho thành phần hợp tác yêu dấu của Đức Thánh Cha, con xin đươc thân thưa rằng chúng con gắn bó với Đức Thánh Cha hơn bao giờ hết, như chúng con đã từng như thế trong gần 8 năm rạng ngời của giáo triều Đức Thánh Cha. Vào ngày 19/4/2005, nếu con nhớ chính xác, ở vào lúc kết thúc mật nghị hồng y, con đã hỏi rằng: 'Ngài có chấp nhận việc tuyển chọn làm Giáo Hoàng theo giáo luật hay chăng?' Và ngài đã không ngần ngại, mặc dù tỏ ra xúc động, đáp lại rằng ngài chấp nhận, khi tin tưởng vào ân sủng của Chúa và việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội. Như Mẹ Maria vào ngày Mẹ thưa 'fiat', giáo triều rạng ngời của ngài đã bắt đầu, thực hiện việc tiếp tục, một liên tục Với 265 vị tiền nhiệm ở Tòa Thánh Phêrô, trên 2000 năm lịch sử từ Tông Đồ Phêrô, người đánh cá thấp hèn người Galilêa, đến các vị đại giáo hoàng của thế kỷ vừa qua, từ Thánh Giáo Hoàng Piô X cho đến Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”.
“Tâu Đức Thánh Cha, trước ngày 28/2, ngày mà, như Đức Thánh Cha nói, Đức Thánh Cha muốn sử dụng chữ ‘kết thúc’ cho việc phục vụ giáo triều của mình, một giáo triều phục vụ được thực hiện bằng quá nhiều yêu thương và rất khiêm tốn, trước ngày 28/2, chúng con sẽ có thể bày tỏ hơn nữa những nỗi niềm của chúng con. Cũng thế đối với rất nhiều vị mục tử và tín hữu khắp thế giới, cũng thế đối với tất cả những ai thiện tâm cùng với các vị thẩm quyền của nhiều quốc gia xứ sở. Cũng trong tháng này, chúng con vẫn còn niềm vui được lắng nghe tiếng của Đức Thánh Cha là vị mục tử: vào Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Năm với hàng giáo sĩ Rôma, ở buổi Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật, và các buổi triều kiến chung Thứ Tư, chúng con sẽ có nhiều cơ hội để nghe tiếng nói thân phụ của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên sứ vụ của Đức Thánh Cha sẽ tiếp tục. Đức Thánh Cha đã nói rằng Đức Thánh Cha bao giờ cũng sẽ gần gũi chúng con bằng chứng từ của Đức Thánh Cha và lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha. Dĩ nhiên là các vì tinh tú bao giờ cũng tiếp tục chiếu sáng và vì sao giáo triều của Đức Thánh Cha luôn luôn sẽ chiếu tỏa nơi chúng con như vậy. Tâu Đức Thánh Cha, chúng con gắn bó với Đức Thánh Cha và chúng con xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho chúng con”.
Lời Nhận Định của Cha Lombardi Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh tổng hợp
Cha Federico Lombardi, Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã bày tỏ nhận định của mình ở tại văn phòng này cũng như trên đài Phát Thanh Vatican về sự vụ từ nhiệm giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nguyên văn như sau:
“Trong số những lý do từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng, như ngài đã lưu ý trong lời của ngài, đó là những hoàn cảnh của thế giới ngày nay, liên hệ đến quá khứ, đặc biệt là những gì khó khăn, vì cả tốc độ cũng như con số những biến cố cùng các vấn đề đang xẩy ra mà bởi thế nên cần đến một sự cường tráng có lẽ mạnh hơn quá khứ. Chính sự cường tráng này mà Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài đã cảm thấy suy yếu nơi ngài trong nhữngt tháng ngày gần đây.
“Câu: ‘nhận thức rõ ràng về tính cách hệ trọng của tác động này, bằng việc hoàn toàn tự do, tôi xin tuyên bố từ nhiệm thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma, làm Thừa Kế Thánh Phêrô’ rất quan trọng. Đây là một lời công bố chính thức, một lời công bố quan trọng theo quan điểm về pháp lý. Ở đoạn 2 của khoản Giáo Luật 332 chúng ta đọc thấy rằng: ‘Nếu xẩy ra trường hợp từ nhiệm của một vị Giáo Hoàng, thì để có hiệu lực việc từ nhiệm cần phải được thực hiện một cách tự do và bày tỏ một cách thích đáng, thế nhưng nó không cần phải được ai công nhận cả’. Thế nên, hai điểm chính yếu ở đây đó là tự do và bày tỏ thích đáng. Vấn đề tự do cũng như việc công khai bày tỏ, mà đặc nghị được Đức Giáo Hoàng sử dụng để bày tỏ ý định của ngài là công khai.
“Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ tiếp tục thi hành trọn vẹn trách vụ của ngài và việc phục vụ của ngài cho đến 8 giờ tối ngày 28/2. Từ lúc ấy trở đi tình trạng trống ngôi – Sede Vacante sẽ bắt đầu xẩy ra, được ấn định, theo quan điểm pháp lý và giáo luật, bởi các văn bản liên quan đến tình trạng trống ngôi – Sede Vacante theo Giáo Luật, cũng như theo Tông Hiến ‘Universi domicici gregis’ của Đức Gioan Phaolô II, liên quan tới tình trạng trống ngôi – Sede Vacante của Tòa Thánh.
“Việc thông báo của Đức Giáo Hoàng phù hợp với những gì ngài đã tuyên bố trongt tác phẩm ‘Ánh Sáng Thế Gian’ của Ông Peter Seewald, căn cứ vào những cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Ông Seewald đã đặt ra hai câu hỏi rõ ràngt về giả thuyết của việc từ nhiệm. Ở câu hỏi thứ nhất, ông đã hỏi Đức Thánh Cha rằng, trong những trường hợp khó khăn càng ngày càng đè nặng trên một giáo triều thì vị Giáo Hoàng có được cứu xét đến chuyện từ nhiệm hay chăng. Câu trả lời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đó là: ‘Khi có gì nguy hiểm cả thể không thể nào tránh được. Vì lý do ấy thì cchắc chắn không phải là lúc từ nhiệm’ (ngài bấy giờ nói đến vấn đề lạm dụng tình dục v.v.). Những lúc như thế là những lúc người ta cần phải mạnh mẽ và đương đầu với tình trạng khó khăn ấy. Đó là những gì tôi nghĩ. Người ta có thể từ nhiệm lúc an bình, hay khi người ta chỉ cần không còn sức khỏe, nhưng người ta không thể nào tránh né ở vào thời điểm nguy hiểm cho rằng ‘đã có người khác lo’. Tóm lại Đức Giáo Hoàng nói rằng, đối với ngài, những khó khăn không phải là động lực để từ nhiệm; trái lại, chúng là lý do không từ nhiệm. Câu hỏi thứ hai của Ông Seewald đó là: ‘Thế thì Đức Thánh Cha có thể nghĩ đến một trường hợp mà một vị Giáo Hoàng có thể từ nhiệm được hay chăng?’ Đức Thánh Cha đã đáp lại rằng: ‘Khi một vị Giáo Hoàng nhận thức một cách rõ ràng rằng mình không còn khả năng về thể lý, tâm thần và thiêng liêng trong việc thi hành vai trò của mình, bấy giờ theo lý có thể, và còn bắt buộc phải từ nhiệm nữa’”.
Vị Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh còn cho biết thêm rằng Đức Thánh Cha “sẽ chuyển đến Castel Gandolfo vào ngày 28/2, và một khi ngài hoàn tất các công việc ngài đã làm dở dang thì ngài sẽ đến ở trong một đan viện kín trước đây ở Vatican . Tiến trình cho việc tuyển bầu một vị tân Giáo Hoàng sẽ được bắt đầu vào ngày 1/3. Chúng tôi chưa biết chính xác ngày mật nghị hồng y, thế nhưng hiển nhiên là không cần phải đợi 8 ngày chính thức thương khóc sau cái chết của một vị Giáo Hoàng… Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ không đóng một vai trò gì trong mật nghị hồng y Tháng 3 tới đây, cũng không quản trị Giáo Hội trong thời gian giữa các vị giáo hoàng, thời gian trống ngôi – Sede Vacante. Tông Hiến ‘Universi domicici gregis’ không trao vai trò cho vị giáo hoàng đang cai quản trong trường hợp chuyển tiếp”.
Vị linh mục Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh kết luật như sau: “Cá nhân tôi, tôi đã nhận được thông báo về việc từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng bằng tấm lòng khâm phục sâu xa, về sự dũng cảm cả thể của việc từ nhiệm này, đối với sự tự do trong tinh thần của Đức Thánh Cha cũng như đối với mối quan tâm lớn lao về trách nhiệm thừa tác vụ của ngài. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cống hiến cho chúng ta một chứng từ cao cả về sự tự do thiêng liêng, về đức khôn ngoan cao cả liên quan đến việc quản trị của Giáo Hội trong thế giới ngày nay”.
Trước thông tin Đức Thánh Cha tuyên bố từ chức vào sáng Thứ Hai 11/2/2013 vì vì lý do tuổi tác và sức khỏe và linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh, cho biết quyết định của Đức Bênêdictô XVI sẽ có hiệu lực lúc 20 giờ ngày 28/02, có thể gây hoang mang cho một số người, nên bài viết này giúp đưa ra một cái nhìn sơ lược về lịch sử giáo hoàng từ chức. Bài viết này còn như lời kêu gọi cầu nguyện và hi sinh nhiều hơn cho giáo hội.
Thông báo bằng tiếng latinh được đài Vaticana dịch sang tiếng Ý và nhiều ngôn ngữ khác, nguyên văn như sau: ‘‘Sau khi nhiều lần tự vấn lương tâm trước Thiên Chúa, tôi tin chắc rằng sức lực và tuổi tác không còn cho phép tôi hành sử đúng đắn nhiệm vụ. Trong thế giới ngày nay thường phải chịu nhiều đổi thay, sức mạnh thể lực và trí tuệ là yếu tố cần thiết để lèo lái con thuyền của thánh Phêrô, loan truyền Phúc âm. Trong nhiều tháng qua, sức lực mòn mỏi khiến tôi phải nhìn nhận không còn đủ sức cáng đáng sứ mệnh đã được giao phó. Tôi thành thực xin lỗi (tất cả) về những thiếu sót của tôi.’’ (Vietcatholic.net)
Giáo Luật và việc từ chức
Theo bộ giáo luật năm 1983, Quyển II: Dân Chúa, Phần II: Cơ Cấu Phẩm Trật Của Giáo Hội, Tiết 1: Quyền Tối Cao Của Giáo Hội, trong chương I: Ðức Thánh Cha Và Tập Ðoàn Giám Mục, mục I bàn về Đức Thánh Cha, Ðiều 332 # 2 viết “Nếu xảy ra trường hợp Ðức Thánh Cha từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận.”
Như thế, để sự từ chức của Đức Thánh Cha có hiệu lực cần hai yếu tố; đó là “tự do” và “bày tỏ cách hợp thức”. Tuy nhiên, bộ giáo luật không chỉ định cá nhân hay đoàn thể nào mà qua đó Đức Thánh Cha phải bày tỏ việc từ chức cách hợp thức.
PHẢN ỨNG KHẮP NƠI VỀ VIỆC ĐGH BÊNÊĐÍCTÔ XVI
TUYÊN BỐ TỪ CHỨC NGÔI VỊ GIÁO HOÀNG
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn2/11/2013
RÔMA ngày 11.02.2013 – Hôm nay, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, 85 tuổi đã tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 28.02.2013. Trong buổi họp Hồng Y Đoàn tại Tòa thánh Rôma vào sáng ngày 11.02.2013 mọi người hiện diện rất đỗi ngạc nhiên về thông báo từ chức này được ĐGH đọc bằng tiếng Latinh.
Vào ngày thứ năm, 28.02.2013, lúc 20g ngôi Tòa Phêrô chính thức sẽ trống ngôi Giáo Hoàng.
Đài phát thanh Vatican đưa tin với nhận định của ĐGH Bênêđictô XVI: “Sau khi tôi đã nhiều lần kiểm tra lương tâm của tôi trước mặt Thiên Chúa, thì tôi nhận ra rõ ràng về sức lực của tuổi già đã không còn phù hợp nữa để thực hiện cho sứ vụ kế vị ngôi tòa Phêrô”.
“Để điều khiển con tàu của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng”, ĐGH Bênêđictô XVI cho biết cần thiết phải có “cả sức mạnh của cơ thể và sức mạnh của tâm trí”. Sứ lực này của ĐGH đã giảm đi trong những tháng gần đây, do đó ĐGH thừa nhận sự yếu kém này để không thể tiếp tục hoàn thành sứ vụ được Giáo Hội giao phó.
Hơn 2000 năm của lịch sử Giáo Hội đã có một vụ Giáo Hoàng tự nguyện từ chức. Đức Giáo Hoàng Celestine V đã từ chức vào ngày 13 tháng 12 năm 1294, sau 5 tháng được bầu làm Giáo Hoàng. Trong lịch sử cận đại của Giáo Hội Công Giáo, hôm nay chúng ta trực tiếp biết tin Giáo Hoànguyên bố từ nhiệm. Điều này đang gây ra một cú sốc lớn cho hơn 1,2 tỷ người Công Giáo và cho cả thế giới.
Chiếu theo Giáo Luật một vị Giáo Hoàng được tự do quyết định cho sự từ chức của mình. Điều 332, khoản 2 của bộ Giáo luật – "Codex Iuris Canonici" (CIC) ghi như sau: "Nếu xảy ra trường hợp Đức Giáo Hoàng từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận". Các điều kiện từ chức phải được thực hiện tự nguyện và các bước tiếp theo phải được công bố công khai đầy đủ, đã được ghi nhận vào năm 1983, lúc tu sửa bộ Giáo Luật dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Chính cha Federico Lompardi, xướng ngôn viên Tòa Thánh cũng bị bất ngờ về tin này, báo chí cho biết ngay cả những người thân cận của ĐGH cũng không được thông báo trước về quyết định hệ trọng như thế. Cha Federico Lompardi khẳng định Đức Giáo Hoàng đã quyết định tự nguyện, không có áp lực từ bên ngoài.
Đức Hồng Y Josef Ratzinger, khi còn là tổng trưởng Thánh Bộ Đức Tin đã được bầu làm Giáo Hoàng thứ 265 của Giáo Hội Công Giáo vào ngày 19.04.2005, lúc 78 tuổi và được ngài chọn tên gọi là Bênêđictô XVI.
Phản ứng của thế giới về thông báo từ chức của ĐGH Bênêđictô XVI
– Thủ tướng Ý, ông Mario Monti cho biết bị "rung động" về lời tuyên bố từ chức, trích lời hãng tin Ansa. Trước đó TT Monti đã không có thấy dấu hiệu về quyết định từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.
– Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vẫn là một trong những nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại nhất của thời đại chúng ta.” Và Chính phủ liên bang Đức bày tỏ sự tôn kính của họ về việc từ chức của ĐGH. Điều không thể nào quên đối với TT Merkel về cuộc nói chuyện của Đức Giáo Hoàng tại quốc hội Đức trong chuyến thăm mục vụ của ngài đến Đức vào năm 2011: “Những lời nói của Đức Giáo Hoàng sẽ tiếp tục đồng hành với tôi trong một thời gian dài nữa”.
– Tổng thống Đức, ông Joachim Gauck khen Đức Giáo Hoàng là một người có trí tuệ tuyệt vời và sự khiêm tốn của con người. Quyết định từ chức của ĐGH cần có “lòng can đảm và tự nhìn thấy chính mình”.
– Thủ tướng Anh, ông David Cameron tôn vinh Đức Giáo Hoàng: “Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã làm việc không mệt mỏi để tăng cường các mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Tòa Thánh. Về chuyến thăm Vương quốc Anh năm 2010 của ngài sẽ được nhớ đến với sự kính trọng. Hàng triệu người sẽ nhớ đến ĐGH như là một nhà lãnh đạo tinh thần”.
– Tổng thống Pháp, ông François Hollande thừa nhận việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI công bố như là một bước “đáng kính trọng”. Nước Pháp tôn kính “Đức Giáo Hoàng đã có một quyết định như vậy”, TT Hollande nói.
– Hồng y trưởng của Giáo Hội Công Giáo, ĐHY Angelo Sodano gọi sự thông báo này như một “tia chớp trên bầu trời trong xanh”. Ngay tại nơi họp, ĐHY Sodano nhấn mạnh thêm với đài Radio Vatican: “Chúng tôi nghe với sự bàng hoàng và gần như là hoài nghi”.
– Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch của TGP Freiburg, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Đức, mô tả việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là một “cử chỉ vĩ đại của con người và tôn giáo lớn”. “Chúng tôi, các giám mục Đức cám ơn Đức Giáo Hoàng cho việc phục vụ Giáo Hội của ngài trên ngai tòa Phêrô và kính trọng lẫn ngưỡng mộ đối với quyết định của ĐGH,” Đức TGM Zollitsch tuyên bố. Tin tức về việc từ chức của ĐGH làm cho Đức TGM Zollitsch rúng động.
– Ở Ba Lan thông báo từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là một bất ngờ. “Đối với chúng tôi, đây là một bất ngờ lớn”, Đức Giám mục Wojciech Polak, thư ký của Hội đồng Giám mục Ba Lan cho biết.
– Bào huynh của ĐGH Bênêđictô XVI đã nhìn thấy trước việc từ chức?
Đức Giáo Hoàng mệt mỏi nhiều hơn mọi khi, Đức ông George Ratzinger cho biết. Bào huynh của ĐGH đã 89 tuổi nói về sự từ chức của em trai mình là một “quá trình tự nhiên”. “Em tôi ước muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn trong tuổi già”, Đức Ông Georg Ratzinger tiếp tục cho biết. “Tôi đoán biết về điều này”, tuy nhiên Đức Ông phủ nhận không biết về kế hoạch từ chức của người em trai trong những tháng vừa qua.
– Khi nào có Giáo Hoàng kế vị?
Người kế vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ được bầu lên cho đến Lễ Phục Sinh. Cha Federico Lombardi cho báo chí biết rằng: "Đến lễ Phục Sinh chúng ta nên có một Giáo hoàng mới". Mật viện Hồng Y họp lại để bầu Giáo Hoàng có thể bắt đầu gặp nhau từ 15 đến 20 ngày sau khi ĐGH Bênêđictô XVI chính thức từ chức vào thứ năm, 28.02.2013 vào lúc 20g. Ngày lễ Phục Sinh năm nay vào Chúa nhật, 31.3.2013.
– Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ trú ngụ ở đâu?
Chắc chắn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ không trở về Đức nghỉ hưu. Lúc 13g23 cùng ngày báo chí đang có một số thông tin ban đầu về tương lai của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sau khi từ chức và sau khi có vị Giáo Hoàng mới thì ĐGH Bênêđictô sẽ nghỉ hưu trong một tu viện cũ của các nữ tu dòng kín tại Vatican, phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi cho biết. Trong khi chờ đợi việc tu sửa lại tu viện này thì ĐGH sẽ tạm trú tại nhà nghỉ hè Castel Gandolfo gần Rôma.
– Người Công Giáo chúng ta cần làm gì trong lúc này?
Không có gì bằng lời cầu nguyện cho Giáo Hội và hiệp ý với vị Cha Chung, ĐGH Bênêđictô XVI trong lời tuyên bố hôm nay: “… Và bây giờ chúng ta hãy phó thác Giáo Hội cho sự chăm sóc của Người Chủ Chăn tối cao của chúng ta, là Đức Giêsu Kitô và khấn xin Ðức Maria, Mẹ chí thánh của Ngài giúp cho các Ðức Hồng Y trong việc bầu Tân Giáo Hoàng”.
VÀI NÉT LỊCH SỬ VỀ CÁC VỊ GIÁO HOÀNG TỪ CHỨC
Trầm Tư2/11/2013
Có thể nói việc Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ chức gây nên một cú sốc đối với không chỉ người Công giáo hay Kitô giáo mà còn cả với toàn thể thế giới. Đây là vị giáo hoàng đầu tiên trong vòng 600 năm qua từ chức. Nhưng ngài không phải là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức trong lịch sử giáo hội.
Vị giáo hoàng, không kể đức giáo hoàng Biển Đức, cuối cùng từ chức chính là đức giáo hoàng Giêgôriô XII lên ngôi giáo hoàng năm 1406 đến 1415, việc từ chức của ngài giúp chấm dứt cuộc ly giáo Tây phương. Vị giáo hoàng từ chức nổi tiếng là thánh thiện chính là Thánh giáo hoàng Celestine V. Vốn là thầy dòng Biển Đức với bản tính đơn sơ và khiêm tốn, ngài lên ngôi giáo hoàng trong vòng năm tháng, đã quỳ gối trước hồng y đoàn xin từ chức.
Đức Pontian (230-235)
Trong lịch sử giáo hội, vị giáo hoàng đầu tiên từ chức là thánh giáo hoàng Pontianô lên ngôi giáo hoàng từ 230-235. Ngài lên ngôi giáo hoàng giữa lúc giáo hội đang gặp nạn phân tán bởi ảnh hưởng của Hippôlytô đồng thời hứng chịu cơn bách hại đạo dữ hội. Ngài tư chức khi bị lưu đầy qua Sardinia. Tại đây, ngài hoà giải với linh mục Hippôlytô và cả hai đều được phúc tử đạo.
Đức Celestine V (1294)
Sau khi Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV từ trần, Giáo Hội không có người kế vị trong hai năm và ba tháng, và vì nghe tiếng thánh thiện của ngài, hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng, lúc ấy đã tám mươi bốn tuổi vào tháng 7 năm 1294. Ngài là vị giáo hoàng thứ 192 của giáo hội công giáo. Ngài đã từ chức giáo hoàng tại Caltelmovo ở gần Napôli ngày 24 tháng 12 năm 1294 khi nhận ra mình chỉ là dụng cụ trong tay các lãnh chúa. Ngài quỳ gối xin lỗi Hồng Y Đoàn vì đã không thể chu toàn nhiệm vụ giáo hoàng. Hậu quả của việc từ chức là ngài bị giam trong thành Fumone và qua đời năm 1296. Ngài được Ðức Clementê V phong thánh tại Avignon ngày 03 tháng 5 năm 1313.
Đức Gregory XII (1406 – 1417)
Ngài kế vị Đức Innocent VII lên ngôi giáo hoàng ngày 30/11/1406. Ngài là vị giáo hoàng từ chức vì lợi ích giáo hội trong thời Đại ly giáo Tây phương. Vào thời gian này có hai giáo hoàng đều tuyên bố mình là giáo hoàng được bầu lên hợp pháp. Ngài đồng ý tuân theo quyết định Công đồng Constance với một điều kiện: ngài được chính thức triệu tập công đồng. Ngài từ chức và công đồng chọn Đức Martin V lên kế vị.
Đức Biển Đức XVI (2005- 2013)
Đức Bênêdictô là đấng kế vị thánh Phêrô thứ 265 đại diện Chúa Kitô. Ngài là vị giáo hoàng người Đức đầu tiên kể từ thế kỷ XI. Ngày 19/04/2005, ngài lên ngôi giáo hoàng và sẽ mừng sinh nhật 86 tuổi vào ngày 16/04/2013 sắp tới. Ngài sẽ về hưu lúc 20 giờ ngày 28/02 vì lý do sức khỏe và tuổi tác.
Chức vụ giáo hoàng có lẽ là một trong những chức vụ làm tổn hao tâm trí con người nhiều nhất. Theo nhà báo John l. Allen của tờ National Catholic Reporter, trong tác phẩm viết về Đức Biển Đức XVI và việc bầu cử giáo hoàng, với số tín hữu Công giáo gần 1,1 tỉ người trên toàn thế giới, do một bộ phận hành chính khoảng 2700 người trông coi và thượng đỉnh là chức vụ Giáo hoàng, một con số đầy kinh ngạc và hệ quả là tàn phá sức và trí con người kinh khủng thế nào. Peter Drucker, một chuyên gia về quản lý tính toán nếu áp dụng cùng một tỉ lệ cho Hoa Kỳ thì chính quyền Hoa Kỳ chỉ cần 500 người trong chính phủ liên bang mà thôi. Điều đó cho thấy giáo hội là một trong những cơ chế vận hành đòi hỏi sự cộng tác của từng thành viên: từ việc cầu nguyện, hy sinh cho đến đóng góp cho giáo hội.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần, đấng luôn thánh hóa giáo hội, luôn làm cho giáo hội tràn đầy sinh lực để giáo hội trở nên chứng nhân cho Đức Kitô giữa trần gian.
Views: 0