Những vụ việc lạm dụng tình dục của các linh mục tại Đức, Ý và Ái Nhĩ Lan vừa được phơi bày ra ánh sáng đã làm nổi dậy một làn sóng giận dữ và khinh bỉ của quần chúng.
Tôi đã nhận được những email từ nhiều người trong khắp Âu Châu đặt câu hỏi làm thế nào họ có thể ở lại trong một giáo hội như thế được nữa? Không chỉ thế, tôi còn nhận được một đơn hướng dẫn phải điền như thế nào để rời bỏ Giáo Hội.
SAO PHẢI Ở LẠI?
Trước hết, sao phải rời bỏ? Có người thấy rằng họ không thể ở lại hoặc đồng hóa mình với một thể chế quá thối nát và nguy hiểm cho trẻ em. Sự đau khổ của các trẻ em nạn nhân thực sự là khủng khiếp và đáng lên án đồng thời cũng phải là mối quan tâm trước hết của mọi người chúng ta. Những gì tôi viết không nhằm làm giảm nhẹ sự tồi tệ của hành vi xấu xa lạm dụng tình dục đối với các trẻ em. Tuy nhiên, các thống kê ở Mỹ, được trường Cao Học John Lay chuyên về tội phạm thực hiện năm 2004 cho thấy hàng giáo sĩ Công giáo không vi phạm nhiều hơn hàng giáo sĩ có gia đình trong các giáo phái khác.
Nhiều nghiên cứu còn cho thấy tỉ lệ thấp nơi giáo sĩ Công Giáo lạm dụng tình dục trẻ thành niên. Họ ít phạm hơn so với các giáo viên trường học và chỉ khoảng nửa phần so với những người dân thường. Sống độc thân không thúc đẩy người ta lạm dụng trẻ em. Thật không đúng khi nghĩ rằng rời bỏ Giáo Hội Công Giáo để gia nhập một giáo phái khác sẽ làm cho con em an toàn hơn. Chúng ta phải đối diện với một thực tế phũ phàng là việc lạm dụng đối với trẻ em lan rộng trên mọi thành phần của xã hội chúng ta. Dùng Giáo Hội Công Giáo như một vật thí thân thì chẳng phải là che giấu việc lạm dụng đang xẩy ra ở các nhóm khác hay sao?
Vậy còn việc che giấu trong Giáo Hội thì sao? Chẳng phải các giám mục đã không thực sự thất trách khi thuyên chuyển những linh mục phạm pháp vòng vòng trong địa phận mà không trình báo tình trạng của họ với cảnh sát và như vậy là để việc lạm dụng tình dục đối với trẻ em tiếp tục diễn ra hay sao? Đúng vậy, đôi khi việc đáng tiếc này đã xẩy ra! Tuy nhiên phần lớn những trường hợp này đã xẩy ra trong những thập niên 60 hoặc 70; lúc đó, các giám mục thường cho rằng lạm dụng tình dục là một tội chứ không phải là một tình trạng bệnh lý và thường khi các luật sư cùng các nhà chuyên viên tâm lý cam đoan với các giám mục là sau khi điều trị thì đã an toàn để tái bổ nhiệm các linh mục này vào nhiệm sở mới. Theo đó, thật không công bằng khi chúng ta xử lý những trường hợp trong quá khứ bằng sự hiểu về bản chất và sự nghiêm trọng của việc lạm dụng tình dục mà lúc đó cả xã hội và giáo hội đều không hiểu như vậy! Trào lưu nữ quyền nổi lên vào cuối thập niên 70, khi phanh phui những bạo hành phái nam đã thực hiện trên phái nữ cũng đã cảnh báo chúng ta về những nguy hại trầm trọng đã gây ra cho các trẻ em vô tội.
Còn Tòa Thánh Vatican thì thế nào? Khi còn là chủ tịch Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin và cả khi đã làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđictin đã tích cực xử lý vụ việc này. Giờ đây, người ta lại chĩa mũi dùi về chính ngài. Dường như một vài vụ việc vẫn chưa được xử lý thỏa đáng dù đã được trình đến ngài khi còn làm tại Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin. Phải chăng sự tín nhiệm nơi Đức Thánh Cha đã bị giảm thiểu? Đã có những cuộc biểu tình tại Quảng Trường Thánh Phêrô đòi Đức Thánh Cha phải từ chức. Riêng tôi, chúng ta không thể đổ lỗi cho ngài.
Thông thường người ta nghĩ Tòa Thánh là một tổ chức qui mô rộng lớn và có hiệu quả. Trên thực tế, Tòa Thánh lại rất nhỏ bé và hạn chế. Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin chỉ có 45 người làm việc, giải quyết các vấn đề liên quan đến tín lý và kỷ luật cho một giáo hội với 1.3 tỉ tín hữu, chiếm 17 phần trăm dân số toàn thế giới, và khoảng 400,000 linh mục. Khi tôi cần nhờ đến Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin, thì chính tôi đã thấy họ phải vất vả lắm để đương đầu với công việc như núi còn nhân sự lại hạn chế đến mức khiêm nhường! Như vậy cũng dễ hiểu khi thấy có những văn kiện đã bị quên lãng hoặc xếp nhầm chỗ… Lúc đó, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã than vãn với tôi là số nhân viên trong văn phòng ngài thật là không thể xuể so với công việc họ phải giải quyết.
Người ta nổi giận vì Tòa Thánh đã không mở các hồ sơ cho công chúng và đã không cung cấp cho các tín hữu một giải thích thỏa đáng cho những gì đã xẩy ra. Tại sao Tòa Thánh lại hay giấu diếm như vậy? Bị thương tổn và giận dữ, các tín hữu cảm thấy cần một hệ thống quản trị rõ ràng và minh bạch. Tôi cũng đồng ý với họ. Tuy nhiên, công bằng mà nói, chúng ta phải hiểu lý do tại sao Tòa Thánh lại cố gắng tự bảo vệ như vậy. Chỉ trong thế kỷ 20 mà thôi, số các vị tử đạo đã nhiều hơn tất cả các thế kỷ trước cộng lại. Các giám mục, các linh mục, các tu sĩ và giáo dân đã bị ám sát ở Đông Âu, trong khối Liên Bang Sô Viết, tại Phi Châu, ở Châu Mỹ Latinh và Á Châu. Nhiều người Công Giáo vẫn còn bị tù đày và thiệt mạng vì đức tin của họ. Dĩ nhiên, Tòa Thánh có khuynh hướng chú trọng đến việc giữ bí mật bởi lẽ điều này cần thiết để bảo vệ Giáo Hội khỏi những kẻ muốn phá hủy Giáo Hội. Do đó, cũng dễ hiểu khi Tòa Thánh phản đối cách mãnh liệt trước những đòi hỏi cần sự minh bạch và Tòa Thánh sẽ xem những kiến nghị hợp pháp cho sự công cộng hóa các hồ sơ như là một hình thức bách hại Giáo Hội. Và hiển nhiên, có những người trong hệ thống truyền thông đã muốn phá hủy sự tín nhiệm của Giáo Hội.
Dẫu vậy, chúng ta vẫn phải ghi ơn báo chí vì đã nhấn mạnh là Giáo Hội cần đối diện với những thất bại của chính mình. Nếu không do truyền thông đại chúng, có lẽ sự lạm dụng đáng xấu hổ này vẫn còn chưa được đề cập đến hoặc chưa được giải quyết. Việc bảo mật cũng là một kết quả của việc Giáo Hội nhấn mạnh đến quyền lợi của bất cứ ai khi bị kiện tụng ngõ hầu họ có thể giữ được thanh danh của mình cho đến khi thực sự tội trạng của họ được thành lập. Điều này rất khó lãnh hội được trong xã hội của chúng ta nơi truyền thông đại chúng sẵn sàng hủy hoại thanh danh của người khác mà không một chút do dự.
Tại sao rời bỏ Giáo Hội? Nếu vì muốn gia nhập một nơi ẩn náu an toàn hơn, một giáo hội bớt thối nát hơn, thì có lẽ quí vị sẽ phải thất vọng. Cả tôi nữa, tôi cũng muốn một guồng máy quản trị minh bạch hơn, cho tranh luận cởi mở hơn; nhưng sự kín đáo của Giáo Hội là điều có thể hiểu được, và đôi khi còn là một điều cần thiết. Cảm thông không luôn luôn có nghĩa là bỏ quá, nhưng là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hành động cách công bằng.
Tại sao ở lại Giáo Hội? Tôi phải nói thật, giả như Giáo Hội Công Giáo rõ ràng tồi tệ hơn các giáo phái khác, thì tôi vẫn không rời bỏ Giáo Hội. Tôi không phải là người Công Giáo bởi vì Giáo Hội của tôi là tuyệt nhất, hoặc giả bởi vì tôi yêu thích giáo lý Công Giáo. Tôi quả thật rất yêu mến Giáo Hội của tôi; tuy nhiên, có những khía cạnh trong Giáo Hội tôi không thích lắm. Tôi không phải là người Công Giáo vì lý do giá cả và chất lượng theo kiểu chọn lựa giữa Walmart và Sears, nhưng bởi vì tôi tin Giáo Hội thể hiện được ở nơi mình điều gì đó thiết yếu cho chứng tá Kitô giáo về sự Phục Sinh, điều đó chính là sự hiệp nhất hữu hình.
Khi Đức Giêsu chết, cộng đoàn của ngài bị ta rã. Ngài đã bị phản bội, bị chối bỏ, và hầu hết các môn đồ của ngài đều lẩn trốn. Chỉ có các phụ nữ là đồng hành với ngài cho đến cuối cuộc hành trình. Vào ngày Phụ Sinh, ngài hiện đến với các môn đồ. Điều này còn hơn cả việc hồi sinh thể lý của một xác chết.
Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã chiến thắng những gì phá hủy cộng đoàn: tội lỗi, nhút nhát, dối trá, hiểu lầm, đau khổ và sự chết. Sự Phụ Sinh đã được trình bày cách hữu hình cho thế giới bằng sự xuất hiện đáng ngạc nhiên của một cộng đoàn đã được tái sinh. Những kẻ nhút nhát và những tên chối thầy đã được qui tụ lại. Họ đã không phải là một nhóm người danh thơm tiếng tốt và thẹn thùng vì những gì họ đã làm, nhưng thêm lần nữa họ lại trở nên một. Sư hiệp nhất trong Giáo Hội là một dấu chỉ cho thấy tất cả những quyền lực làm phân hóa và tan hoang Giáo Hội đã bị thảm bại nơi Đức Kitô.
Mọi Kitô hữu đều là một trong Thân Thể của Đức Kitô. Tôi vẫn tôn trọng và quí mến các Kitô hữu trong các giáo phái là những người vẫn hằng nâng đỡ và khởi hứng cho tôi. Tuy nhiên, sự hiệp nhất này cần cơ chế hữu hình nào đó. Kitô giáo không phải là một linh đạo mơ hồ nhưng là một tôn giáo của nhập thể nơi đó những chân lý sâu xa nhất đôi khi mặc lấy một hình thức hữu hình và hữu dạng. Xét theo lịch sử, sự hiệp nhất này đã được cụ thể hóa trên con người Phêrô, là Đá Tảng trong các Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca và là người mục tử của đoàn chiên trong Tin Mừng Gioan.
Ngay từ lúc khởi đầu và xuyên suốt lịch sử, Phêrô vẫn thường là phiến đá lắc lư, nguồn gốc gây vấp ngã, một phiến đá hư nát; tuy vậy, chính thánh nhân – và các đấng kế vị ngài, mà Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 là một trong các Đấng kế vị ấy – là người có nhiệm vụ giữ chúng ta lại với nhau ngõ hầu vào ngày Phục Sinh, chúng ta có thể làm chứng tá cho sự chiến thắng của Đức Kitô đối với sức mạnh chia rẽ của tội lỗi. Và như vậy, cho dẫu bất cứ chuyện gì có xẩy ra chăng nữa, Giáo Hội vẫn bị mắc kẹt với tôi. Chúng ta có thể cảm thấy ngượng ngùng khi nhận mình là người Công Giáo, nhưng chẳng phải Đức Giêsu vốn đã giữ bên mình những kẻ đồng hành đáng xấu hổ ngay từ thủa đầu rồi sao?
Lm. Giuse Trần Trung Liêm, O.P. phỏng dịch
Views: 0