Uncategorized

Tôi là cửa

Kể từ khi Adam và Eva phạm tội bất tuân. Con người mất hết ơn lành. Tội nguyên tổ như một trái bom tấn. Nó đã phá hủy chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nó đã hủy diệt tất cả những gì là tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Nó đã làm cho con người sợ hãi để rồi trốn chạy Thiên Chúa. Nó đã đặt sự chết thống trị con người.

Kể từ khi Adam và Eva phạm tội bất tuân. Con người mất hết ơn lành. Tội nguyên tổ như một trái bom tấn. Nó đã phá hủy chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nó đã hủy diệt tất cả những gì là tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Nó đã làm cho con người sợ hãi để rồi trốn chạy Thiên Chúa. Nó đã đặt sự chết thống trị con người. “Là bụi đất, (con người) sẽ trở về với bụi đất” (St 3,…19). Và nó đã làm cho con người phải lìa xa Thiên Chúa.

 

Thế nhưng, dù Thiên Chúa đã “đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng lóe, để canh giữ đường đến cây trường sinh”.(St 3,24). Thiên Chúa vẫn là Đấng từ bi và nhân hậu. Như lời tác giả Thánh Vịnh đã nói “Người chậm giận và giàu tình thương… Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103, 8-10).

 

Tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Người đã sai Con của Người đến thế gian… “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Người Con của Người chính là Giêsu người Nazareth .

 

……..

 

Giêsu người Nazareth là ai ? Với người Do Thái. Kẻ ghét thì coi Đức Giêsu chỉ là “con bác thợ mộc”. Còn người yêu thì nghĩ rằng “Người là một vị ngôn sứ”.

 

Có vẻ như toàn dân chưa nhìn ra vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu ! Có vẻ như họ chưa nhận ra Ngài còn hơn cả một ngôn sứ !

 

Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Nazareth . Đức Giêsu rời bỏ làng quê. Ngài đến ở Caphanaum, một thành ven biển hồ Ga-li-lê. Tại đây Đức Giêsu khởi sự loan báo Tin Mừng.

 

Và trong ba năm thực thi sứ vụ. Đức Giêsu đã để lại nơi công chúng lòng ngưỡng mộ về một thứ giáo lý thì mới mẻ và sự kinh ngạc về những phép lạ Ngài đã chữa lành. Có thể nói, bất cứ nơi nào Đức Giêsu xuất hiện, lập tức nơi đó dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Ngài.

 

Đã có lần, nhìn thấy đoàn dân đông đúc kéo đến. Đức Giêsu không khỏi “chạnh lòng thương xót !”… Đã có lần, nhìn đoàn dân lũ lượt đi theo, Đức Giêsu đã phải thốt lên với các môn đệ rằng : “họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34).

 

Trong bối cảnh toàn dân Israel , một mặt đang rên xiết trước ách thống trị của bạo quyền Roma. Một mặt đang phải oằn vai gánh nặng bởi những luật lệ do “các kinh sư và người Pharisieu”, là những kẻ chỉ biết “ngồi trên tòa Môse giảng dạy… rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi, (thì) lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục…”.

 

Vâng, với bối cảnh như thế, họ có khác gì đang bị những kẻ “chăn thuê” dẫn dắt, họ có khác nào những con chiên lạc của nhà Israel !?

 

Bất chất những căng thẳng vốn đã và đang xảy ra giữa Ngài và nhóm Pharisieu. Đức Giêsu tuyên bố rằng, “mọi kẻ đến trước tôi đều là tên trộm cướp” Và rằng “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9).

 

Một chút tâm tình…

 

Dùng một dụ ngôn rất thật với đời thường. Đức Giêsu đã cho mọi người thấy thế nào là người mục tử chân chính, thế nào là kẻ chăn thuê.

 

Hình ảnh người mục tử “đi trước và chiên đi theo sau” gợi cho chúng ta nhớ đến thánh vịnh thứ hai mươi ba. Chỉ trong sáu câu ngắn ngủi nhưng Thánh Vịnh hai mươi ba đã mô tả đầy đủ hình ảnh người mục tử chân chính đầy ấn tượng.

 

Với “côn trượng” trên tay, người mục tử dẫn đưa đoàn chiên tới “dòng nước trong lành”. Quả thật là quá an toàn và chẳng có gì phải sợ nguy khốn.

 

Nếu xưa kia, con người cất tiếng mừng vui vì được “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”. (Tv 23, 1-2). Và dù có phải : “Qua thung lũng âm u… con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng”.(Tv 23, 4).

 

Thì hôm nay, niềm vui đó như được nhân đôi. Vì chính Chúa Giêsu đã cất tiếng hòa theo nhịp điệu mừng vui đó rằng : “Thật, tôi bảo thật: Tôi là cửa cho chiên ra vào”.

 

Quả đó là một niềm vui lớn. Vui vì : “Trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc , nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em”(1Pr 2, 25).

 

Một phút suy tư…

 

Qua dụ ngôn trên, chúng ta có thể thấy rằng. Để có thể “đi theo sau” người mục tử, “ra vào và gặp đồng cỏ” chiên phải nghe tiếng của người mục tử, phải nhận biết tiếng của người mục tử.

 

Cuộc đời của một Kitô hữu, một cuộc đời đi theo Chúa, phải chăng cũng giống như hình ảnh một con chiên bước theo sau người mục tử !? Và phải chăng, để có thể đi-theo-Chúa, người Kitô cũng cần phải nghe tiếng Chúa và nhận ra tiếng nói của Ngài !?

 

Hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và tự hỏi rằng : Đã nhiều năm đi-theo-Chúa nhưng thật sự chúng ta đã “nghe tiếng Chúa” và “nhận biết tiếng Chúa gọi” trong cuộc đời mình !?

 

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ truyền thông hiện đại. Một trong những đặc tính của cuộc sống hôm nay là có quá nhiều tiếng gọi, có quá nhiều điều được rao giảng, được tuyên truyền trên trần gian này.

 

Không phải tiếng gọi nào chúng ta cũng có thể đáp lời. Bởi có thể tiếng gọi đó của Satan, của cám dỗ, của sự dữ, của “người lạ”.

 

Không phải lời rao giảng nào chúng ta cũng nghe theo. Bởi có thể đó là lời rao giảng của “tà giáo”.

 

Không phải lời tuyên truyền nào cũng dẫn đưa đến một cuộc sống dồi dào. Bởi có thể đó là lời tuyên truyền láo khoét.

 

Samuel chỉ có thể nghe tiếng Đức Chúa gọi trong đêm thanh vắng. Cũng vậy, chúng ta chỉ có thể nghe tiếng Chúa trong thinh lặng nguyện cầu.

 

Giáo Hội chính là cửa “ràn chiên”. Giáo hội, qua các Giám Mục và các Linh Mục, thừa kế vai trò người mục tử của Đức Giêsu. Trong Giáo Hội, chúng ta nghe được tiếng Chúa qua Thánh Lễ, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, và nhất là chúng ta nhận ra tiếng của Ngài qua lời mời gọi của các Linh mục trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể.

 

Chính trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được “ra vào và gặp được đồng cỏ” một thứ cỏ là chính Mình Máu Thánh Đức Giêsu. Một thứ cỏ cho chúng ta “được sống và sống dồi dào”.

 

Petrus tran

 

 

 

 

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.