Cách đây hơn 2 tháng, phó tế Nguyễn Đức Mậu đã gọi tôi và có ý nhờ tôi tham gia vào buổi tĩnh tâm Mùa Chay của giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Tukwila, Washingtion. Không thuộc thành phần tư tế, có nghĩa là linh mục cũng không mà phó tế cũng không như vậy lấy tư cách gì để giúp “tĩnh tâm mùa Chay”. Còn đang phân vân thì thày đã cho biết lý do: “Cha xứ ở đây và chúng tôi mời anh lên để chia sẻ với bà con một đề tài về hôn nhân gia đình. Cha Phúc dòng Chúa Cứu Thế là cha giảng phòng, và dĩ nhiên, ngài sẽ cho giáo dân nhiều món ăn tinh thần thơm, ngon, và bổ dưỡng về đời sống tâm linh. Phần anh, chúng tôi chỉ mong anh cho chúng tôi vài món ăn chơi nhưng thiết thực với đời thường, những món ăn mà nhiều người chưa có dịp được thưởng thức, hoặc nếu có nhưng không được nấu nướng bởi đầu bếp chuyên nghiệp về tâm lý như anh.
Nghe vậy tôi nhận lời ngay:
-OK. Vậy mình sẽ nhận lời, và xin thầy email cho biết rõ ngày giờ, và đề tài để kịp chuẩn bị.
-Đề tài nào cũng được, miễn là liên quan đến hôn nhân và đời sống gia đình.
-“LÀM MỚI LẠI TÌNH YÊU:Ứng dụng tâm lý trong đời sống lứa đôi”, được không?
-Vâng! Hay quá. Chúng ta sẽ khai triển đề tài này.
-Nhưng chương trình buổi nói chuyện sẽ như thế nào?
-Anh sẽ trình bày vào sau thánh lễ chiều Thứ Bẩy, từ 7giờ đến 9giờ.
Và thế là tôi chuẩn bị bài vở, mua vé máy bay chờ ngày xuất hành. Thứ Bẩy hôm đó, ngày 7 tháng 3 năm 2015, tôi đã đáp chuyến bay 606 của hãng jetBlue khởi hành lúc 8:05am từ phi trường Long Beach. Phi cơ đến Seattle lúc 11: 35am, và người đón tôi ở phi trường không ai khác là thầy Nguyễn Đức Mậu. Thầy chở tôi đến trực tiếp thánh đường giáo xứ, và tôi đã được dịp nghe Lm. Phúc trình bày về con đường thập giá, mầu nhiệm thập giá; đặc biệt buổi chiều hôm đó là đề tài dành riêng cho các bà liên quan đến đời sống gia đình, vai trò làm vợ, cũng như làm mẹ.
Đúng với chương trình, sau thánh lễ lúc 6 giờ là thời gian dành cho tôi với đề tài đã chuẩn bị. Có lẽ vì là đề tài nói về tình yêu, về hôn nhân nên một số các bậc lão thành, những người lớn tuổi đã ra về sau thánh lễ. Tưởng là như vậy sẽ không ai ở lại tham dự phần nói chuyện của mình, tôi có cảm giác hơi xuống tinh thần. Nhưng không ngờ sau đó số đông các bạn trẻ, những người đang sống trong đời sống gia đình đã xuất hiện, và điều này làm cho tôi rất phấn khởi.
Như đã chuẩn bị, qua đề tài về tình yêu, tôi đã có dịp trình bày với thính giả của mình về tình yêu, những lối nhìn và những ngộ nhận về tình yêu, cũng như những khó khăn mà mọi người thường gặp phải trong tình trường. Tình yêu, dù là tình yêu lứa đôi, tình yêu vợ chồng tuy có trăm niềm vui nhưng cũng có vạn nỗi sầu, và đó là lý do khiến cho đề tài trở nên hấp dẫn, nóng bỏng. Nhưng điểm chính là những bí quyết đưa ra để nhằm làm mới lại, ấm lại tình yêu. Thính giả của tôi hôm nay tham dự một cách rất sôi nổi và nhiệt tình. Ai cũng muốn biết “bí quyết” nào để mình có thể sưởi ấm và làm nóng lại tình mình sau những tháng ngày nhàm chán hoặc băng giá. Thời gian qua mau khiến nhiều người còn muốn biết, muốn nghe hơn nữa, và tỏ ra tiếc nuối vì chương trình dành cho buổi nói chuyện ít quá. Nhiều tâm tình chưa được trải ra. Nhiều thắc mắc chưa được đào sâu, chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng ban tổ chức cũng cần phải giữ lại chút bí mật cho khóa Nazareth vào tháng 8, và cho những sinh hoạt gia đình sau này của giáo xứ. Nhất là phải dành giờ cho bữa cháo gà ngay sau những giây phút ngồi nghe mà cảm thấy đói bụng.
Ban tổ chức và anh chị em trong Gia Đình Nazareth Seattle đã rất tế nhị, lo lắng và chuẩn bị cho mọi người, không nỡ để ai “chết đói dọc đường khi trở về nhà”.
Trong lúc mọi người thưởng thức món cháo gà “nazareth” nóng hổi, một giọng ca nào đó vang lên: “Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có như không”.
-Trời ơi! Giọng hát vượt thời gian đó nha. Sao mà lãng mạn thế?
-Chứ sao! Mình phải tình tứ, phải lãng mạn chứ. Tiến sỹ Duyệt vừa nói đó, “nếu có yêu thì hãy yêu bây giờ. Mai mốt răng lợi không còn, yêu đương, hôn hít cái nỗi gì. Chỉ nghĩ đến chuyện lúc đó phải mang răng giả vào để hôn mà thấy xuống tinh thần.
-Mà hỏi thiệt chị nha, hồi nãy ngồi nghe nói chuyện còn nhớ gì không đấy?
-Nhớ chứ sao không. Đàn ông của các anh đó, mau nóng mà cũng mau nguội như anh đang húp tô cháo gà đó.
-Chị đó nha, không đánh mà khai đó nha, chị muốn tôi kể ra cái tính hay thù giai của đàn bà con gái không. Tiến sỹ cũng nói đó, “đàn bà tha mà không quên” kìa.
-Thì không quên mới kềm nổi cái tính lơ đãng của mấy ông. Người gì mà chỉ có thể làm mỗi lúc có một việc.
Câu truyện đã đến hồi hấp dẫn, một ông ngồi kế bên chen vô:
-Cũng may cho cái tính lơ đãng chóng quên của đàn ông, chứ với cái thói nhớ giai mà lại thêm tật nói nhiều của các bà, đàn ông con trai chúng tôi về già không phải đeo máy điếc mới là chuyện lạ!
-Anh có tin là tôi vừa húp tô cháo, vừa xuống cho anh một chưởng được không? Đàn bà chúng tôi làm hai chuyện cùng một lúc đó nha.
Câu chuyện đang hồi gây cấn thì cha Thành từ đâu xà tới:
-Các ông bà ăn cháo ngon không? Đang nói chuyện gì mà vui vẻ thế?
-Dạ. Chúng con đang nhắc lại mấy điểm chính của buổi nói chuyện ạ…
Điểm mà tôi nhận ra trong chuyến đi này là tinh thần đoàn kết, sức sống trẻ trung, và lòng nhiệt thành của một cộng đoàn năng động, đầy sức sống. Tôi phải nói thêm là sự đúng giờ giấc, tôn trọng chương trình của anh chị em tín hữu tại đây. Trong thời gian tĩnh tâm, ăn trưa, nghỉ giải lao, ăn tối, tất cả đều đúng giờ và theo sát chương trình. Ở đây câu nói ví von “Không ăn đậu không phải Mễ. Không đi trễ không phải Việt Nam”, đã không còn ý nghĩa. Phải nói rằng, mọi người ở đây rất đúng giờ.
Khi nói về tinh thần đoàn kết, người ta chỉ cần nhìn vào công trình đã và đang khởi sự tại trung tâm. Một khu đất rộng được tạo mãi riêng cho sinh hoạt tôn giáo với đầy đủ tiện nghi, phòng ốc. Mọi người còn đang nô nức đóng góp để xây dựng ngôi thánh đường và chỉnh trang trung tâm hầu biến thành một nơi hành hương thu hút sau này. Tất cả đang nói lên một sức sống tràn trề, trẻ trung, và hăng say dưới sự hướng dẫn của linh mục Đào Xuân Thành, một linh mục trẻ đầy nhiệt huyết, hăng say cùng với sự cộng tác tích cực của phó tế Nguyễn Đức Mậu, và anh chị em trong Gia Đình Nazareth.
Sinh hoạt Gia Đình Nazareth tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo ở đây thật khởi sắc. Hầu hết anh chị em đều tham gia và nắm giữ những vị trí chủ yếu trong sinh hoạt và Ban Điều Hành Giáo Xứ. Linh mục chính xứ rất tin tưởng và trân quí sự đóng góp của các anh chị. Ngài dành phần ưu ái cho sinh hoạt Nazareth tại đây. Ngài đã ca ngợi và giới thiệu Gia Đình Nazareth một cách rất trân trọng. Riêng đối với tôi, ghé Seattle lần này cũng như “trở về mái nhà xưa”. Gặp thầy Mậu và mọi anh chị em như gặp gỡ anh chị em một nhà. Ngoài thầy phó tế Mậu và cô Cúc, Anh chị Lưu An, Anh chị Vinh Tươi, anh chị Trung Lan, anh chị Lý Thủy Tiên, Anh chị Kiên Khâm, Anh chị Dũng Liên. Riêng anh Báu thì hôm nay đi một mình, chị Bền vắng mặt vì đi xa, và nhiều nhiều các anh chị thuộc các khóa Nazareth từ trước đến nay. Ai cũng vui vẻ, chào đón, dành cho tôi một sự yêu mến, chân tình. Đặc biệt nhớ mãi cho đến hôm nay tô cháo sườn cô Cúc rất tuyệt vời, món bar be cue và tôm hùm anh chị Trung Lan, và món giò thủ bí truyền của chị Tươi để dành từ Tết đến giờ mới mang ra đãi khách. Nhớ lắm những dòng tâm sự với anh Vinh, người bạn học mà sau 50 năm mới gặp lại. Anh em đã có một đêm dài tâm sự, kể lại chuyện xưa, tình bạn, tình thầy trò.
Nhưng dầu sao tôi cũng phải từ giã Seattle. Chuyến jetBlue 107 đưa tôi xa dần bầu trời Seattle vào lúc 11:05am, ngày 9 tháng 3 năm 2015, với gói hành lý lần về đã thêm đầy ắp, nặng trữu tình thân, tình người. Người ta hay nói: “Cali đi dễ khó về”, nhưng với tôi, tôi lại thấy “Seattle đi dễ mà cũng khó về”.
Views: 0