Huyền Trang thân mến!
Khi nhận được email từ Thanh, người bạn thân của em báo tin em vừa mới mất, cô không ngạc nhiên, vì cô biết bịnh tình của em đã kéo dài nhiều năm và em cũng đã từng ra vô bịnh viện cấp cứu nhiều lân!
Nhưng sao cô vẫn có cảm giác bâng khuâng , không nói nên lời, dù rằng cô biết sự “ra đi” là một giải thoát cho em khỏi những đau đớn, vật vả kéo dài đã lâu! Đặc biệt là khi đọc email từ Thanh forward cho cô cùng ngày vớI email em gái em, gửi cho Thanh báo tin em đã mất, rồi ngay phía dướI là một email khác của Thanh: “Chúc mừng Trang…” Cô ngạc nhiên đến độ sững sờ, tự hỏi : chẳng lẽ Thanh đã “Ngộ đạo dất trời” đến thế sao?!
(“ Ngộ đạo đất trời” là một truyện ngắn của nhà văn Tràm Cà Mau (một nhà văn với lối viết văn bình dị, chân chất, nhưng rất sâu sắc, mà cô rất thích). Vào thời điểm này trên internet, mọi người forward cho nhau “Ngộ đạo đất trời”, cô nhận được ít ra cũng 4,5 lần. Trong truyện ngắn này, nhân vật chính là ông Tu, khi biết mình bị ung thư nặng và sắp chết, ông đã chuẩn bị tinh thần đón cái chết rất nhẹ nhàng! Ông quan niệm “ Nếu tin theo đạo Chúa thì khi chềt được về thiên đàng, ngồi dưới chân Chúa, sung sướng thế mà sao ai cũng sợ chết? Nếu theo đạo Phật thì khi chết cũng sẽ về Tây Phương cực lạc vĩnh cửu an bình thì mừng vui chứ sao lại bi ai?” … nên ông bình tĩnh chấp nhận điều không thể tránh được với thái độ tích cực, lạc quan, vui vẻ!. Đặc biệt là đối với những người mắc bệnh trầm kha như ông thì “mất cái gì mới ngại chứ mất cái khổ đau hành hạ, thì cầu cho mất càng sớm càng tốt”.
Ngoài ra có người quan niệm chết là đi “rong chơi” ở một cõi khác, vì thế có nhiều cặp vợ chồng già rủ nhau “rong choi” cho có ban, cùng một ngày, như cách dây vài tháng, cô mới đọc được cáo phó của một cặp:cụ ông cụ bà thọ trên 90 tuổi ở Montreal. Canada , cùng rủ nhau “rong choi” một ngày sang cõi khác).
Cô bèn email hỏi lại Thanh, thì được Thanh nhắc nhở là email phía dưới có lời “Chúc mừng Trang..” là email Thanh gửi cách đây 6 tháng, khi Trang đi cấp cứu ở bịnh viện, tưởng chết, nhưng cuối cùng tạm hồi phục, được cho về nhà..À ! thì ra là thế! Vì hơi bị xúc động nên cô quên để ý đến ngày tháng của email phía dưới nên “bé cái lầm”, tưởng đâu mọi người đã ngộ ra chân lý: “chết là giải thoát rủ sạch nợ đời” đặc biệt là đối với người mắc bệnh trầm kha nên cần “chúc mừng”.
Nhưng dù sao, tâm cô vẫn bị xao động, một cảm giác gì đó không rõ tên, nên dù trời đã thật khuya, cô vẫn nằm thao thức không ngủ được… Bỗng đâu đây vang vọng lại câu hát: “Tôi còn nợ em…” Thôi đúng rồi! bây giờ tôi có thể đặt tên cho nó rồi : “Tôi còn nợ em” và tôi ngồi dậy bật đèn lên để viết bức thư “Tôi còn nợ em” gửi đến cho Trang:
Trang ơi! Hình ảnh em những ngày còn học với cô ở Sương Nguyệt Anh hiện lên rõ mồn một: Một cô bé nữ sinh cấp 3, tóc dài cột đuôi nhỏng hai bên, càng làm tăng vẻ năng động của một lớp phó rất tích cực, cặp kính cận gọng đen trên mắt làm tăng thêm vẻ thông minh sẳn có của em! Lúc đầu, em có vẻ không thích cô lắm, vì nhìn bên ngoài, cô có vẻ hơi khó! Mà cô khó tính thật, vì cô quan niệm học cho ra học, chơi cho ra chới, như vậy thì kết qủa học tập mới tiến bộ được! Dần dần, hình như các em hiểu cô hơn, các em nhận ra cô khó chỉ là vì muốn các em tiến bộ thôi!, nên các em dần dần “kết” với cô, trong đó em là nổi trội nhất! Có thể là vì cô cũng khá thân với má em, là y tá trong trường, và quan trọng hơn nữa là đồng cảnh ngộ: có chồng đi học tập cải tạo…
Thời gian dần trôi qua, cô như người đưa đò, hết lớp học sinh này, đến lớp học sinh khác, rồi em ra trường đi học làm y sĩ với ước nguyện “giúp người, giúp đời”. dù không còn học với cô nữa, nhưng em vẫn nhớ trở lại thăm cô vào ngày 20/11 ( ngày nhớ ơn thầy cô) và dịp Tết, dù cô đã dọn nhà khác, nhưng em vẫn tìm ra được, cũng như nhiều học sinh của các lớp khác!. Người ta thường nói: “Nghề đi dạy là nghề bạc bẽo” Nhưng tạ ơn Trời, cô vẫn cảm thấy ấm lòng khi nghĩ đến tấm lòng của các học sinh cũ vẫn nhớ đến cô và ghé thăm cô, nhất là vào dịp 20/11 hằng năm. Có năm cô phải tiếp các em HS hết nhóm này đền nhóm khác đến tận 12 giờ đêm, làm ông xã cô căn nhằn quá! Dù biết đã khuya, nhưng làm sao cô có thể nở lòng tư chối khi nghe các em kể: Nhóm tụi em chạy xe đạp vòng vòng, trở đi. trở lại bao nhiêu tour, nhưng nhìn lên nhà cô ( ở chung cư, lầu 1) thấy vẫn còn đầy xe đạp phía trước nhà…lại phải chạy tiếp.. Biết khuya rồi nhưng cũng phải rán gặp được cô trong ngày 20/11, thì mới hả dạ, yên bụng về nhà được! Những món quà nhỏ các em tặng cô về giá trị vật chất, có thể không đáng là bao, nhưng gía trị tinh thần và công chờ đợi của các em thật là vô gía! Cũng như trước đây, khi mới ra trường về dạy ở Định Tường, các em HS có cam sành,ổi xá lị, xoài cát chín cây, từ vườn nhà, vẫn khệ nệ, mang đến biếu cô làm cô rất cảm động và thấy ấm áp tình người Đúng là :
“Của tuy tơ tóc, nghĩa so muôn trùng”.
Nói đâu xa xôi, trong một lần mới đây khi về VN, tình cờ gặp các em học sinh cũ, ngồi nói chuyện về các món ăn đơn giản“hấp dẫn” của quê mình, như bánh xèo , chả giò, bánh canh tôm cua, bún mắm, bún riêu ốc…. Các em cho cô biết ở đâu bán món nào ngon nhất, và rẽ, vì các em cũng chịu khó ăn hàng và sưu tầm (Sao giống cô qúa! Đúng là phụ nữ mà!) Cô thấy món bún riêu cua đồng có nhiều gạch vàng tươi với ốc bươu béo ngậy, nghe mấy em tả coi bộ hấp dẫn qúa , nên hỏi thăm chi tiết đường đi, thì một em trả lời :
– “Được rồi, cô sẽ được thưởng thức!
Sáng sớm hôm sau, cô mới thức dậy, khoảng hơn 7 giờ sáng, nghe tiếng chuông cửa reo, cô ngạc nhiên , không biết khách nào mà tới sớm qúa vậy? Ra mở cửa, thấy MH tay cầm một lồng gò mên đứng chờ sẳn:
– “Cô oi! Em mua bún riêu ốc để cô ăn thử. Em phải đi mua sớm mới ngon, trễ thì sợ người ta bán hết phần ngon! Cô ăn liền cho nóng, có đầy đủ rau sống các loại, em để riêng! Em phải đi làm ngay”.
Rồi em vội vã quay xe đi ngay, để cô thẩn thờ đứng đó, không biết nói sao nên lời!
Cô nhớ cách đây lâu lắm, cô thường đọc tiểu thuyết tư truyện của nhà văn người Anh, hình như là bác sĩ Collin! Ông kể lại những ngày tháng mới ra trường, phải đi làm ở những nơi nhà quê xa xôi hẻo lánh, thiếu thốn đủ mọi phương tiện. Nhưng mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân rất ấm cúng!. Bệnh nhân của ông không có nhiều tiền, nhưng có tấm lòng trân quý thầy thuốc, họ đem đến biếu ông chục trứng, gà nhà vừa mới đẻ hoặc rổ trái cây hoa qủa đầu mùa..Sau này ông đổi lên thành phố lớn, làm ở các bịnh viện tối tân và trở nên giàu có, nhưng ông tâm sự giai đoạn đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời thầy thuốc của ông vẫn là giai đoạn đầu ở làng quê hẻo lành, nơi ông nhận được tình người ấm cúng, dù làm việc rất vất vả, và thiếu phương tiên chuyên môn. Ông cho rằng tiền bạc có thể giúp người ta mua được nhiều thứ trên đời, nhưng những tấm lòng trân qúy thục sự đó. thì không tiền bạc nào có thể mua được! Cô hoàn toàn tâm đắc và đồng ý với ông ở điều này! Dù đôi khi cô cũng khổ tâm, không biết giải quyết cách nào cho ổn thỏa! Qủa là “không được yêu cũng khổ, mà được yêu nhều qúa lại càng khổ hơn!”Có lần nhà cô có ba chồng về chơi, cả nhà đang ăn cơm, thí có một em HS đến, mắt ngấn lệ , thập thò ngay cửa: “Cô ơi! Cho em gặp cô một lát! Em khổ qúa!” Cô vội vàng bỏ cơm khách, chạy ra ngoài ngỏ đứng nói chuyện, tưởng rằng 15, 20 phút nhưng không ngờ kéo dài đến hơn một tiếng đống hồ! Vì em đang gặp rắc rối trong gia đình, bế tắc cùng đường, em định tự tử, tới găp cô để gỉa từ trước khi ra đi vĩnh viễn..Làm sao cô dám bỏ em trong cơn khủng hoảng trầm trọng này? vì cô biết có những phút giây có thể làm thay đổi vận mạng một cuộc đời! Dù sau đó cô chấp nhận bị chồng và gia đình chồng trách móc, than phiền, nhưng cô biết làm sao được khi các em đã tin yêu mà chạy đến với cô, những lúc các em găp bế tắc, khủng hoàng để tỏ bày tâm sự! Cô không nở đành lòng ngoảnh mặt làm ngơ!
Trang ơi!
Nhưng có một lần, cô còn nhớ mãi và cảm giác ân hận cứ lẩn quẩn trong tâm trí cô không rời!. Đó là vào dịp Tết, cô tiếp các HS cũ và mới đã mấy tiếng! Trời đã về chiều, nhìn đồng hồ thấy đã sắp tới giờ cả gia đình sẽ cùng nhau đi lễ đầu năm, mừng tuổi Chúa, vả lại cô cũng cần nghỉ ngơi một lát!. Cô vừa tiển khách xong, vào nhà trong, nằm nghỉ ngơi chưa được 5 phút, thì nghe tiếng chó sủa ngoài sân, con gái cô lon ton chạy ra xem rồi vào báo cáo:
“ Mẹ ơi! Lại có học trò , mẹ đền nữa!”
Cô thấy mệt qúa, cần nghỉ ngơi, nên bảo:
“Con chạy ra nói là mẹ đi vắng rồi ! Hôm khác trở lại!”
Một lát sau, con gái cô khệ nệ, bưng vào phòng một chiếc cặp to, được bọc giấy lịch sự, rồi nói:
“ Đây là qùa của chị Huyền Trang biếu mẹ, chị nói tới nhà mấy lần rồi ,mà vẫn không gặp được mẹ. Chị không khoẻ ! mà phải đạp xe xa, mệt qúa, nên chắc chị không đến nữa. Chị gửi lời chúc mẹ ăn Tết vui!”
Trời ơi! nghe con gái nói xong, lòng tôi tràn ngập hối hận, làm sao tôi có thể ăn Tết vui cho đành! Tôi biết sau khi ra trường, tư nhiên, em mắc một chứng bệnh trầm kha, hình như là bệnh “Lupus”, nó làm em suy kiệt sức lực, có khi em đi không nổi, có lúc em hồi phục phần nào! rồi có lúc lại bị suy yếu..Vậy mà em đã đạp xe từ quận 11 lên đây mấy lần để thăm tôi, mà sao tôi nở phụ lòng em đến thế! Ôi tội tôi dày, lỗi tôi nặng đến chừng nào?? Tôi còn nợ em! Hãy tha thứ cho tôi Trang ơi!
Nhín chiếc cặp em tặng, tôi lại nhớ lần trước đến thăm tôi, gặp lúc tôi đang lấy bài từ cặp ra để chấm điểm. Nhìn chiếc cặp tôi khá cũ, em nói :
“Em có chiếc cặp mới đẹp lắm, của nước ngoài gửi về tặng, để hôm nào em mang đến tặng cô!
Mặc dù tôi đã cản ngăn em;
“ Em cứ giữ đó mà xài, vì cái cặp cô vẫn còn tốt lắm và cô không muốn bỏ nó!”
Nhưng hôm nay em vẫn cứ mang tới tặng tôi, rồi bị tôi “đuổi về”! Tôi đã từng dạy các em “Thà để người phụ ta, chứ ta không nên phụ người” Vậy mà hôm nay tôi đã phụ em rồi Trang ơi!
Rồi dòng đời đưa đẩy, vì hoàn cảnh gia đình, tôi sang định cư ở Mỹ và mất liên lạc với em. Tôi cũng không biết em sống, chết ra sao với căn bệnh đặc biệt của mình?
Trong thời gian sống ở Austin (Texas), khi đi dạy Việt Ngữ, tình cờ, người dạy chung lớp với tôi là Thanh, khi nói chuyện với nhau về bạn bè , học trò ở VN, tôi mới khám phá ra Thanh là bạn thân cùng xóm, cùng đi học chung hồi nhỏ vớiI em! Đúng là qủa đất tròn!
Sau này khi về VN, gặp em và nói chuyện với em, tôi mới biết gia đình em cũng đã tìm mọi cơ hội để chạy chữa cho em, nhưng vẫn không thành công. Em cũng đã từng sang Mỹ vài năm để trị bịnh và khi biết cơn bệnh này không thể trị dứt được, mà chỉ cầm chừng thôi! Em đã quyết định trở về VN. Em tâm sự về phương tiện vật chất thì nước Mỹ là số 1, nhưng về phương diện tinh thần thì buồn lắm, nỗi buồn tha hương, xứ lạ quê người. Em quan niệm dù sao chết trên quê hương mình vẫn hơn. Em cười:
“ Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương!”
Cô hòan toàn đồng ý với em ở điểm này , đó cũng là tâm sự của tác gỉa Tràm Cà Mau qua bài thơ “Khi tôi chết” (và cũng là tâm sự của cô):
“…Khi tôi chết đừng ma chay đình đám,
Hỏa thiêu tàn, tro xác gửi về quê
Dẫu bốn biển, cũng là nhà, bầu bạn
Thì cũng C, H, O, N kết lại
Nắm tro, xương hài cốt khác nhau gì
Nhưng đất Mẹ chan hòa niềm thân ái
Cho tôi về dù cát bụi vô tri”
Trang ơi!
Hình như “cái số” cô vẫn gắn liền với câu “Tôi còn nợ em”,nên lần rồi khi về VN, không biết sao em vẫn còn nhớ sinh nhật cô, để mang qùa đến tặng, và điện thoại hẹn trước mời cô đi ăn! Nếu cô không nhận lời thì em buồn, nhưng sao cô thấy nó nghịch lý thế nào ấy!. Dù sao cô vẫn mang tiếng là “Việt kiều”, còn em, vừa không đi làm, vừa bệnh, em đi đâu cũng phải đi xe ôm, vì không thể tự mình đi được. Nhưng cô chợt nhớ lại một lần cô bị một người bạn thân “sửa lưng”, vì khi đi đâu chơi cô cũng dành trả tiền, và chỉ thích tặng ngườI khác, chứ không thích nhận. Bạn cô nói:
“Như vậy là bạn tự đánh gía mình cao hơn người khác, chỉ có bạn mới là người tốt!..và cho rằng người khác, chỉ có quyền nhận, chứ không có quyền cho sao?? Ở đời biết cho mà cũng phải biết nhận!”
Nghe ban nhận xét mà cô giật mình! Qủa là nó nói cũng có lý! Cô phải biết sửa sai thôi! Thế là cô đã nhận lời em, diều quan trọng là cô đã làm em vui! Cám ơn em, dã cho cô một tối sinh nhật thật vui và đầm ấm với chỉ riêng mình em thôi!
Buổi tối trở về nhà, trước khi ngủ, mở nhạc lên nghe, tiếng hát Mỹ Tâm với bài “Vẫn nợ cuộc đời”, nghe sao mà thấm thía:
“ Ta nợ cuộc đời, hạt cơm xẻ đôi
“ Ta nợ của người…cuộc vui đã phai..
Ta nợ người thầy…bài thi thuở xưa..”
Riêng cô, cô muốn sửa lại lời hát câu này:
“Ta nợ học trò…biết bao ân tình”
Nhiều khi ngẫm lại đời mình, tôi thấy qủa là “Chúa đóng cánh cửa lớn, Chúa mở cánh cửa nhỏ “. Tôi phải cám ơn Chúa biết bao lần vì Chúa đã cho tôi có nhiều cánh cửa nhỏ dể thương vô cùng!
Tôi nhớ một lần về VN thăm gia đình, buổi tối bà chị rủ tôi đi hội chợ ở vườn Tao Đàn, vì khí hậu qúa nóng bức, nên tôi mặc “đơn giản” tối đa (quần short, áo ba lổ). Đi gần hết một vòng hội chợ, tôi có cảm tưởng hình như có ai đi theo mình. Tôi vội kéo nón xuống, che gần hết khuôn mặt, hy vọng không người quen nào nhận ra mình..Một lát sau có 2 cô gái, có vẻ mạnh dạn, chạy đến gần và lịch sự hỏi:
– “Thưa cô, xin phép cho em được hỏi thăm, cô có phảI là cô …trước đây dạy ở trường Sương Nguyệt Anh không ạ??
Tôi ớ người ra chưa biết trả lời ra sao, với bộ quần áo thiếu nghiêm túc của mình, thì bà chị tôi đã vội trả lời thay:
– “ Đúng rồi đó em!”
Hai em học sinh mừng rỡ:
– “ Trời ơi! Hồi nảy tới giờ, tụi em theo cô, vì thấy ngờ ngợ, thấy có vẻ giống cô nhưng không dám chắc, vì lâu lắm rồi tụi em không găp cô!
Thế là một cuộc hội ngộ, bất ngờ, ngắn gon, mừng rỡ và lý thú, hai em xin số DT của tôi để liên lạc lại, và hẹn sẽ rủ các bạn làm một cuộc họp mặt với cô sau, vì các bạn vẫn hay nhắc đến cô hoài!
Vài hôm sau, các em điện thoại liên lạc lại, báo tin sẽ gửi hai bạn, chiều đến nhà đón cô tới nhà hàng ở đường Điện biên Phủ để họp mặt với các bạn. Khi tới nhà hàng, tôi thật ngạc nhiên và cảm động khi nhìn thấy bên ngoài nhà hàng, một tấm bảng với hàng chữ lớn:
“ Tiệc mừng hội ngộ với cô….
Nhóm Học sinh cũ Sương Nguyệt Anh”.
Bước chân vào nhà hàng, tôi càng ngạc nhiên hơn, vì trong một thời gian ngắn, các em đã mời được khoảng hơn 15 bạn và có cả hai cô giáo cùng dạy chung tổ Văn với tôi cùng tham dự buổi họp mặt!.Thật là một cuộc họp mặt vui vẻ, ấm cúng và tràn đầy tình thân ái giữa cô trò với nhau sau nhiều năm xa cách. Chúng tôi ăn uống, nói chuyện , thăm hỏi nhau vui vẻ và các em còn trịnh trọng tặng qùa cho các cô!
Các em tới tham dự hôm nay, đều là những người thành đạt trong xã hội, có em là kỷ sư, bác sỉ, trưởng phòng, giám đốc công ty, nhưng vẫn qúy trọng tình thầy trò, nên đã thu xếp công việc và gia đình. để tới tham dự buổi họp mặt hôm nay. Tôi hỏi thăm MT, ngồi cạnh tôi, ngày xưa em là một học sinh giỏi, nhưng hiền lành ít nói:
– Em hiện đang làm nghề gi?
– Dạ!, em theo nghề của cô!
– Em đang dạy ở trường nào?
– Dạ, thưa cô ở Đại học Bách Khoa
– Ôí, em dạy DHBK!.. Bao nhiêu năm rồi?
– Dạ! Thưa cô hơn 20 năm.
Chao ôi! tôi không thể tưởng tượng được thời gian bay nhanh đến thế! Đúng “thời gian là bóng câu qua cửa sổ”Tôi chợt nhớ lại, một học sinh cũ ở VN, khi tôi gặp lại ở Mỹ, hỏi thăm nghề nghiệp, em cũng cho biết đang dạy ở UCI (University California Irvine). Thảo nào mà tôi đã bước vào “tuổi thu phai”, lúc nào không hay! Nhưng tôi vẫn yêu cái nghề “đưa đò” của mình, tôi không muốn gọi nó là nghề “gõ đầu trẻ” vì điều này xảy ra ở Mỹ thì sẽ gặp rắc rối với pháp luật ngay!. Tôi cũng không muốn gọi nó là nghề “bán cháo phổi” vì có vẻ thê thảm qúa. Tôi thấy từ “đưa đò” có vẽ hợp lý nhất: giúp ích cho một số nhóm người nào đó trong một thời gian ngắn, để giúp họ đạt được mục đích nào đó!, rồi lại tiếp tục giúp nhóm khác..Nếu có kiếp sau, tôi lại xin được trở về với cái nghề cao qúy “ giúp người, giúp đời” của mình! Vì tôi cảm thấy “còn nợ” các học sinh của mình quá nhiều, đặc biệt là nợ Trang!. Tôi cảm nhận những ân tình này có lẽ chỉ xảy ra ở VN thôi. Ở Mỹ, đời sống vật chất thì thừa mứa, nhưng tình nghĩa kiểu này chắc là hiếm hoi lắm!
Ngoài ra tôi còn học được nơi Trang bài học về tinh thần lạc quan, yêu đời. Những lúc cơn bệnh “tha” cho em sự dày vò thân xác, em lại tiếp tục sống vui tươi, yêu đời sẳn lòng giúp đở mọi người trong khả năng của em, mà quên đi bản thân mình đang trải qua cơn bệnh trầm kha, không biết phải “ra đi” lúc nào? Điều này khiến, tôi nhớ đến bài đọc “Learn to live in the Present Moment” ở một lớp học, tôi đang lấy ở College. Có lẽ, em là người đã thực hiện được điều trong bài đọc đó: “When our attention is in the present moment, we push fear from our minds” ( Khi sư chú ý của chúng ta tập trung vào giây phút hiện tại, chúng ta đẩy lùi sự sợ hãi ra khỏi tâm trí chúng ta) Em đã đẩy lùi nỗi sợ hãi về bệnh tật, về cái chết lúc nào cũng đang rình rập quanh em, để sống cho từng “giây phút hiện tại” thật trọn vẹn.
Lần rồi, cách đây 2 năm, khi biết ngày tôi trở lại Mỹ, có lẽ em linh tính rằng đây là lần cuối cùng chúng ta gặp gỡ nhau chăng? Em lại đứng ra liên lạc với bạn bè tổ chức một buổi họp mặt từ gỉa cô ở một nhà hàng ấm cúng trên đường Sương Nguyệt Anh ( cùng tên trường cũ, cũng là tên của nữ sĩ con gái nhà thơ yêu nước) Nguyễn đình Chiểu). Cô không hiểu với tình trạng sức khỏe suy yếu, thậm chí không ngồi check email trước computer được, nhưng em lại rất giỏi giang trong việc liên lạc với các bạn, và các bạn rất nghe lời em ( có lẽ tại em luôn quan tâm tới các bạn?) để tổ chức những buổi họp mặt. Cô rất phục em!
Trang ơi!
Bây giờ em đã đi về “cõi tiên”, cô sẽ không bao giờ còn gặp em được nữa, nhưng những ân tình em dành cho cô, cô xin biết ơn và trân trọng giữ lấy!
Cô cầu chúc em ở thế giới mới luôn được thanh thản mãi mãi, hưởng những điều tốt lành như em hằng mong ước nhưng em chưa được hưởng ở thế giới này, vì bệnh tật luôn theo đuổi, quấy rầy em mãi.!
Cô viết những dòng này như một cách “thắp nén nhang lòng” để tưởng nhớ đến em, một người học sinh rất thân thương của cô, một người luôn hết lòng với thầy cô và bạn bè của mình. Em tuy đã ra đi nhưng tấm lòng của em sẽ còn ở lại mãi trong tim cô và các ban thân thiết của em! Cô và các bạn sẽ cùng đóng góp phần nhỏ vào việc thực hiện nguyện vọng của em để lại.! Chi phí lo đám tang cho em, gia đình đã chuẩn bị đầy đủ từ lâu, nên tất cả số tiền quyên đươc sẽ được dùng làm quỹ tư thiện để giúp đỡ người nghèo khổ, đau ốm bệnh tật. Em ra đi nhưng tình thương em vẫn để lại cho đời, qủa là em đã thấu hiểu được câu nói:
“ Chỉ có Tình Thuơng để lại đời”.
Cô tin chắc,em hiện đang mĩm cười trên ấy, nhưng người thân và bạn bè em lại đang thầm nhủ:
“ Bước đi trong đời, xót xa câu cười
Qua từng ngày dài còn ai với ai ??”
Riêng cô chỉ mong em phù hộ, để mỗi sáng mai thức dậy, cô có thể cảm nhận:
“ Ta nợ mặt Trời từng tia nắng mai,
Ta nợ nụ cười, người quen sáng nay,
Nghe lòng nhẹ nhàng, bước chân phong trần”.
9/ 2010
Views: 0