Uncategorized

Tôi có người mẹ – Riêng tặng các bà mẹ nhân Ngày Hiền Mẫu.

“Mẹ tôi lưng còng, tóc bạc, da mồi”. Hình ảnh người mẹ mà tôi đã đọc trong giáo khoa thư từ khi còn ở bậc tiểu học giờ này đang diễn tả một cách trọn vẹn người mẹ hiền của tôi.

 

“Mẹ tôi lưng còng, tóc bạc, da mồi”. Hình ảnh người mẹ mà tôi đã đọc trong giáo khoa thư từ khi còn ở bậc tiểu học giờ này đang diễn tả một cách trọn vẹn người mẹ hiền của tôi.

 

Tóc mẹ tôi bây giờ đã bạc trắng, lưng còng đến nỗi nếu không nhờ cái gậy thì mẹ tôi như ngó xuống đất, làn da trắng mịm màng thuở thanh xuân nay được thay thế bằng những nếp da nhăn nheo, và nụ cười xinh xắn giờ đã biến thành méo mó vì hàm răng không còn nữa. Nhưng tất cả những điều đó vẫn không làm tôi nghĩ khác đi và không nhận ra mẹ của mình. Ngược lại, tôi cảm thấy yêu mẹ, và mến mẹ nhiều hơn.

 

Sống xa người thân nếu đó là một định mệnh, thì quả thật định mệnh ấy đã xẩy ra cho chính tôi, vì từ ngày tôi được sinh ra và lớn lên, tôi thực sự sống với thầy mẹ và gia đình tôi chỉ vỏn vẹn có 15 năm, gần 50 năm sau kể như hoàn toàn sống xa gia đình. Chính vì định mệnh này mà mỗi khi nghĩ về thầy mẹ tôi, tôi càng cảm thấy bùi ngùi và thương mến vô vàn. Hình ảnh của các ngài luôn luôn có mặt trong vùng ký ức của tôi.

 

Những người con trai may mắn khi có bố ở vào tuổi “tam thập nhi lập” mới khám phá ra rằng bố mình có nhiều kinh nghiệm, và mình cần hỏi ý kiến bố hơn. Và càng lớn tuổi, sự kính trọng dành cho bố càng nhiều, cho đến khi họ bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, thì một phần lớn đã mất bố. Nhưng chính vì bố đã ra người thiên cổ nên họ chỉ còn biết tiếc nuối than thở: “Bố đã không còn nữa! Tiếc quá, vì đã không hiểu bố, nếu không tôi đã học hỏi được nhiều điều.”

 

Nếu những người con trai nhìn bố mình ở vào tuổi xế chiều như trên, thì họ hay những người con gái sẽ nhìn mẹ mình như thế nào? Sau khi thầy tôi qua đời hơn 10 năm trước đây, bây giờ còn lại mẹ tôi, và mẹ chính là bóng mát của cuộc đời tôi mặc dù mẹ nay đã già. Càng ngày tôi càng khám phá ra rằng trái tim của mẹ chính là cái nôi êm ái, vững chắc cho cuộc đời tôi dù tôi ở bất cứ lứa tuổi nào và là ai.

 

Có rất nhiều điều tôi có thể học hỏi từ mẹ mình, nhưng một trong những điều quan trọng và cần thiết nhất là đức tin và lòng đạo đức. Có lẽ nhờ hai điểm này mà mẹ tôi đã trải qua được những khó khăn cuộc đời, và đã giúp chúng tôi sống nên, sống đúng với những giá trị làm người, làm con Thiên Chúa.

 

Thật vậy, tuy không phải là những nhà thần học, những nhà tu đức học, nhưng những gì mẹ tôi đã tin và đã lãnh nhận qua Bí Tích Thanh Tẩy, nó vẫn là những gì không hề thay đổi trong cuộc sống của mẹ. Ðiều làm mẹ tôi lo lắng nhất không phải là chúng tôi thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng là sợ chúng tôi không giữ đạo nên. Do đó, luôn nhắn nhủ, khuyên bảo các con, các cháu, các chắt phải kính mến Thiên Chúa và xa tránh tội lỗi. Hằng ngày, trên tay mẹ tôi lúc nào cũng có tràng chuỗi Mân Côi. Tuy không còn đi đứng khỏe mạnh như xưa nhưng không bao giờ bỏ tham dự Thánh Lễ những ngày Chúa Nhật, lễ trọng. Niềm tin ấy đã làm cho các con, các cháu, các chắt không thể sống khác hơn hoặc có thể chối bỏ được những gì mà chính chúng tôi cũng đã lãnh nhận được từ Bí Tích Thánh Tẩy.

 

Tình thương mẹ tôi rất bao la, không những đối với các con, các cháu, và các chắt, mà còn chia sẻ với cả những cận nhân lối xóm, và chị em họ hàng trước những nỗi khốn cùng của họ. Thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn chống gậy sang thăm những người bên hàng xóm mang theo chút quà nhỏ, một hộp sữa, ít quả trứng, một vài tấm bánh, đôi khi vài viên thuốc cảm, cúm. Hoặc mẹ tôi mời bác gái hay cô ruột của chúng tôi đến để cùng uống với nhau một ly sữa nóng, ăn một miếng bánh. Những thứ mà mẹ tôi vẫn nghĩ rằng sẽ đem lại sức khỏe và bổ dưỡng. Tôi ít khi thấy một người chị dâu lại thân mật, yêu thương và đạt được niềm tin của cô em chồng như mẹ tôi. Cô tôi hễ có chuyện gì cũng đến với chị. Có được đồng tiền nào con cháu hay chính tôi biếu tặng cũng mang gửi chị, nhờ chị giữ hộ. Một tình cảm đặc biệt mà tôi nghĩ rằng chính cá nhân mình cũng phải cố gắng bắt chước không chỉ đối với các em ruột thịt mà còn với cả các em họ của tôi.

 

Khi viết về người mẹ, tôi cảm thấy thật sự xúc động. Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm lúc đó tôi đã 50 tuổi, tôi vẫn được thầy tôi xoa đầu, và quạt cho tôi ngủ khi về thăm ông. Cũng như đối với thầy tôi, tôi lúc nào cũng chỉ là một đứa con nhỏ trong con mắt của mẹ tôi. Những lo lắng, săn sóc mà mẹ tôi dành cho tôi vẫn không thay đổi. “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như đồng lúa chiều rì rào. Lời ru man mát êm như sáo diều dật dờ”. Những từ ngữ hết sức ngọt ngào, yêu thương đã dệt nên bài ca bất hủ “Lòng Mẹ” của Y Vân mỗi khi được hát lên là một lần khiến tôi xúc động bồi hồi nghĩ đến mẹ tôi.

 

Thưa mẹ. Ngày 10 tháng 5 là Ngày Của Mẹ. Con muốn dùng dịp này để cảm ơn mẹ, người đã cho con sự sống thể xác. Ðã nuôi nấng, dậy dỗ, và nhất là yêu thương con. Sách Huấn Ca ghi lại: “Một người dù tắt thở vẫn chưa chết, vì đã để lại người con giống mình” (Huấn Ca 30:4). Vâng, con muốn là bóng hình ấy của mẹ. Nếu sau này mẹ có khuất đi, thì bóng hình của mẹ đấy chính là con. Con cố gắng sống trọn vẹn với niềm tin và thực hành đạo đức như mẹ đã sống và dậy dỗ con. Vì đó cũng là cách con đáp trả tình mẹ thương con.
 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.