Mục sư Martin Luther King nhận được Giải Nobel Hòa Bình năm 1964. Trong năm này, Tạp chí Time đã bầu chọn ông là "Nhân Vật Tiêu Biểu Năm 1964." Hiệp Hội Công Giáo cổ võ sự cộng tác giữa các chủng tộc cũng đã trao tặng ông "Giải John Kennedy 1964".
Ngày nay không ai là không biết đến các hoạt động của Martin Luther King. Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã công nhận sự bình đẳng của mọi công dân thuộc các chủng tộc khác nhau. Mục sư Martin Luther King đã hoạt động một cách tích cực, có khi rầm rộ để sự bình đẳng này trở thành hiện thực trong thực tế đời sống. Nhưng điều làm cho Mục sư Martin Luther King được thế giới biết đến và ngưỡng mộ tiên vàn chính là tinh thần thúc đẩy ông hành động và phương pháp ông lựa chọn để đưa cuộc đấu tranh đến thành công.
Mục sư Martin Luther King tuyên bố: "Chỉ có tình yêu Kitô giáo mới có thể đem lại tình huynh đệ đại đồng. Ðấu tranh bất bạo động, đó là điều người ta sẽ chiếu theo đó mà xét xử chúng ta. Người dũng mạnh đích thực là người có thể đứng lên bảo vệ các quyền của mình mà không ăn miếng trả miếng."
Người ta nghĩ đến Gandhi… Và thật vậy, Martin Luther King là một môn đệ của Gandhi. Nhưng nhất là một môn đệ của Ðức Kitô. Ông nói: "Tinh thần bất bạo động đến với tôi từ Sách Thánh và các lời giảng dạy của Ðức Giêsu, còn cách thức hành động thì từ Gandhi".
Hành động của Martin Luther King được nuôi dưỡng bằng Tin Mừng. Các cuộc họp đều bắt đầu bằng việc đọc Sách Thánh, cầu nguyện và hát thánh ca. Khi bất công, thất bại làm cộng đồng người da đen mất kiên nhẫn và căng thẳng tột độ, ông đã cố gắng làm hạ cơn sốt: "Hãy là những người hiếu hòa. Chúng ta muốn yêu thương kẻ thù. Hãy tỏ ra là những người tốt đối với họ. Hãy yêu thương họ và cho họ thấy chúng ta yêu thương họ… Ðiều chúng ta đang làm là điều chính đáng và Thiên Chúa đứng về phía chúng ta".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mục sư Martin Luther King, người da đen đã đấu tranh bất bạo động. Hàng ngàn người bị bắt giữ, giam cầm và cuối cùng buộc người da trắng phải công nhận các quyền của họ. Và họ tiếp nhận các quyền này với lòng can đảm và bình thản, cho dù có bị hăm dọa, khiêu khích.
Chính Mục sư Martin Luther King đã xác định mục đích của Phong trào này như sau: "Ðấu tranh bất bạo động không chỉ nhằm giành lại các quyền của chúng tôi mà còn tranh thủ được tình bạn của những người đã từ chối nhìn nhận các quyền ấy và đổi mới chính họ nhờ tình bạn, sự hiểu biết và mối dây liên kết với nhau trong tinh thần Kitô giáo, trước mặt Thiên Chúa." (Lm Anrê Trần Hữu Phương OFM dịch, La Force d’Aimer)
Mục sư Luther King đã noi gương Đức Kitô, trở nên một chứng nhân Tình Yêu, dám đánh đổi mạng sống cho công lý, bình đẳng và huynh đệ. Trong bài Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay, Đức Giêsu mạc khải Tình Yêu Thiên Chúa dành cho mọi người thật cao quý, minh bạch và thực tế.
Yêu là phục vụ
Ngay sau khi lập Bí tích Thánh Thể, lương thực trường sinh, cũng là Giao Ước mới, Đức Giêsu cởi áo ngoài ra, thắt lưng, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. “Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.”(Lc 22, 27) Bởi “vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 27) Tình yêu Người được biểu lộ công khai và cụ thể qua thái độ và hành động thành tâm phục vụ.
Cây nho sống, phát triển và sinh hoa quả nhờ các tất cả các thành phần trong cây liên kết, hoà hợp, hiệp nhất phục vụ lẫn nhau. Rễ, gốc, thân lưu dẫn nhựa, chất dinh dưỡng, vi khoáng lượng, lên cành lá, quang hợp ánh sáng và hấp thụ khí carbonic, rồi dẫn nhựa đã tổng hợp trở lại phục vụ toàn cây, đơm hoa, kết trái.
Nếu tình yêu chỉ biết nhận lãnh, chỉ biết hưởng thụ, mà không chịu cho đi, không phục vụ, thì không chóng thì chày sẽ héo hon, chết dần, tàn lụi, như cây thiếu nước, thiếu ánh sáng và thán khí. Hiện tượng ly thân, ly dị phổ biến hiện nay phản ánh trung thực tình yêu vị kỷ, chỉ đón nhận mà không chia sẻ, phục vụ cho nhau.
Đức Giêsu đã chăm chỉ dưỡng nuôi tình yêu dành cho nhân loại, bằng việc phục vụ, từ rao giảng, chữa lành, trừ quỷ, nuôi ăn, thậm chí còn tự trở nên người tôi tớ, rửa chân cho các môn đệ. Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ hãy nhân danh đức mến mà phục vụ lẫn nhau: “Đừng lợi dụng tự do mà sống theo tính xác thịt (hưởng thụ), nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.” (Gl 5, 13)
“Phaolô trồng, Apollô tưới, Thiên Chúa cho kết quả.” (Đường Hy Vọng, số 113)
Yêu là hy sinh
Yêu là làm vui lòng người mình yêu, bằng cách tuân giữ, trung thành với những điều đã giao ước với nhau. “Nếu các con giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.”(Ga 15, 10) Vậy yêu Chúa là từ bỏ ý riêng, ý muốn xác thịt, thế gian và ma quỷ, như lời Chúa dạy:“Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23)
Cành nho muốn sinh hoa trái thì đương nhiên phải chịu cắt tỉa. (Ga 15, 2) Người Kitô hữu cũng vậy, nếu muốn ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu, cũng phải chọn con đường hẹp, cửa hẹp mà vào, từ bỏ, đoạn tuyệt các thói hư tật xấu, tham sân si, mà tu thân tích đức, canh tân đổi mới đời sống. Luôn sẵn sàng ăn năn, sám hối, thức tỉnh theo tiếng Chúa gọi, Chúa muốn, Chúa thử thách.
Thất bại, thua thiệt, gian nan, bệnh tật, đau yếu, tai ương, hoạn nạn, bắt bớ, tù đầy, đều là những nhát dao bén, nhát kéo sắc tỉa tót, cắt đứt, bỏ đi những gì là hợm hĩnh, kiêu căng, tự cao tự đại, khoa trương, đố kỵ, ganh ghét, gian tham, dối trá, chia rẽ, giận hờn, hận thù, phản bội, vong ân bội nghĩa.
“Con phải hy sinh nhiều, khi sống giữa những người khác chính kiến con, khác địa vị, khác lý tưởng con. Hãy xem gương Chúa Giêsu là Thiên Chúa; Ngài sống giữa loài người tội lỗi, 33 năm hy sinh liên lỉ.” (Đường Hy Vọng, số 149)
Yêu là hiến mạng
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13) Chỉ vì quá yêu thương, Đức Giêsu vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha, nhập thế làm người, giảng dạy, rồi chịu khổ nạn, chịu đóng đinh cứu chuộc con người khỏi cái chết trầm luân.
Không chỉ hạ thế làm người, mà Người còn khiêm nhượng hạ tư cách Đấng Thiên Sai xuống làm bạn hữu, anh em với phàm nhân nghe biết về Người, yêu thương Người bằng cách tuân giữ giới răn mến Chúa yêu người. "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15, 15)
Chỉ khi nào trọn vẹn xả kỷ, vị tha, thì mới có thể xoá tan bản ngã nhỏ nhen, ích kỷ, để tận hiến cho tha nhân, như Đức Giêsu đã nêu gương, thì mới đích thị là Tình Yêu viên mãn. "Đức Kitô đã chết vì chúng ta" (Rm 5, 6-8; Ep 5, 2; 1Ga 3, 16). "Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau." (1Ga 4, 11); "Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước" (1Ga 4,19); "Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em" (1Ga 3,16).
Lạy Chúa Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu viên mãn, xin cho chúng con ở lại trong Người, bằng cách nghe theo, tuân thủ giới răn yêu thương của Người. Xin xoá tan đi những thái độ nhỏ nhen vị kỷ, bất nhân, vô cảm, để xứng đáng trở nên chứng nhân Tình Yêu.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đồng hành, hiệp thông cùng Chúa Giêsu, đồng cảm sự khổ nạn, để cùng chết và sống lại vinh hiển với Người. Xin cho chúng con noi gương Mẹ sống mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh qua sinh hoạt hằng ngày, từ tâm tư suy nghĩ đến hành động, biết phục vụ, hy sinh và chết đi tính xác thịt. Amen.
AM Trần Bình An
Views: 0