Nếu có ai đó hỏi chúng ta rằng Đức Giêsu xuống thế làm người để làm gì ? Chắc hẳn chúng ta sẽ trả lời rằng : Ngài xuống thế chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta.
Trả lời như thế quả không sai nhưng chưa đủ. Chưa đủ vì Đức Giêsu chịu chết không chỉ để cứu chuộc chúng ta nhưng còn để chúng ta biết noi theo và học theo gương sống của Ngài. Gương sống của Đức Giêsu như thế nào ? Thưa rằng : đó chính là một tấm gương sống động về một con người dám thí mạng sống của mình vì người mình yêu thương.
Kể từ khi nguyên tổ phạm tội; tình yêu thương giữa con người với con người mất đi nhiều ý nghĩa. Mối tình Adam và Eva đang từ một tình yêu hiệp nhất : “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !” (St 2,23). Nó đã bị coi đó như là kết quả của một sự áp đặt. Sự áp đặt đã được Adam cụ thể hóa qua lời than thở rằng… “tại vì” : “Ngài cho ở với con”… Và kết quả của mối tình đó chính là cái chết của Abel. Nguyên nhân dẫn đến sự bi thảm đó chính là vì tình yêu thương đã bị phá vỡ bởi sự ganh tị, sự đố kị, sự vị kỷ của con người.
Thật vậy, khi tâm hồn không còn tình yêu thương thì sự ganh ghét, hận thù sẽ chiếm ngự. Và hậu quả đó là sự giết chóc. Một Cain đã trở thành kẻ sát nhân khi tâm hồn anh ta không còn tình yêu thương. Những người con của Giacop đã trở thành một “tập đoàn” buôn nô lệ chỉ vì tâm hồn của họ đã bị chi phối bởi sự ganh ghét và hận thù …
Trong ba năm cùng Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng. Các môn đệ của Ngài cũng không tránh khỏi não trạng “ganh tị và vị kỷ”. Sự kiện họ đòi cho mình phải được ngồi bên tả bên hữu Đức Giêsu là một minh chứng điển hình. Và có lẽ đó cũng chính là nỗi lo lắng không nguôi của Đức Giêsu. Chính vì thế, vào hôm lễ Vượt qua trong bữa Tiệc ly. Đức Giêsu sau khi : “rửa chân cho các môn đệ” – Ngài đã dạy cho các ông một bài học về tình yêu thương.
Bài học tuy cũ nhưng hôm nay lại là mới. Mới ở đây không là mới theo thời gian nhưng là mới bởi “phẩm chất” của nó. Phẩm chất ở chỗ một Giêsu : “là Thầy, là Chúa mà đã rửa chân cho các môn đệ.. để nêu gương cho anh em” Một tấm gương yêu thương hạ mình… “Để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14-15).
Chính vì thế thật dễ hiểu khi Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau… Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13, 34).
Một chút tâm tình…
Jerome là người sống cùng thời với Tông đồ Gioan đã kể lại rằng : Khi Tông Đồ Gioan về già nằm một chỗ và không đi được nữa. Mỗi lần cử hành phụng vụ, người ta phải khiêng Thánh Gioan ra trước cộng đoàn. Thánh Gioan chống tay ngồi dậy và chỉ nói một câu ngắn gọn : “Hởi các con. Hãy yêu thương nhau”. Và hầu như lần nào giảng trước cộng đoàn; Thánh Gioan cũng nói như vậy : “Hỡi các con. Hãy yêu thương nhau”.
Sau nhiều lần nghe Thánh Gioan nói như vậy. Cộng đoàn mới hỏi rằng : “Thầy ơi ! sao Thầy chỉ giảng có chừng đó thôi sao ? Sao Ngài không dạy chúng tôi điều gì mới hơn nữa ?”. Thánh Gioan đã trả lời rằng : “Đây là điều Đức Giêsu muốn các con làm. Nếu các con thực thi được điều này, như thế là đủ rồi.”.
Gioan còn nói trong thư thánh của Ngài rằng : “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm” (IGa 2, 9-10).
Câu chuyện giữa Vua Saun và David đã minh họa rõ câu thánh thư trên. Mặc dầu đã bao lần bị Vua Saun truy sát. Thế nhưng dù có dịp thuận tiện, David vẫn không vấp phạm : “tra tay hại chúa thượng… (ngược lại) David đã thương hại Saun” (I Sm 24, 11). Vâng, dù chỉ là “thương hại” nhưng David đã cho mọi người thấy rằng : “Tình yêu thương tha thứ tất cả… chịu đựng tất cả” (I Cor 13, 7).
Một phút suy tư…
Khi một thầy thông luật hỏi Đức Giêsu rằng : “Thưa Thầy, trong sách luật Môsê điều răn nào là điều răn trọng nhất ?” Đức Giêsu đáp rằng : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” . Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.(Mt 22,36-39).
Chính giới răn yêu thương này như một chất “xúc tác” đã tạo nên một Hội Thánh tiên khởi : “Đồng tâm nhất trí… hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung” (Cv 2, 44-46).
Đức Giêsu không đưa ra giới răn nào mà chẳng ban cho chúng ta “ân sủng” như một phương tiện để tuân giữ.
Trong Thánh Lễ chúng ta không chỉ chiêm ngắm một Thiên Chúa là tình yêu. Ngài đã : “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.(Ga 3, 16). Mà chúng ta còn được thông dự vào Bí Tích Mình Thánh Máu Thánh Chúa bằng việc “rước lễ” sốt sáng.
Lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta nhìn rõ hơn một Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô đã dám : “Thí mạng sống mình vì người mình yêu thương”. Ngõ hầu chúng ta có thể thực thi điều răn của Ngài : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” qua chính cuộc sống của mình.
Đừng quên rằng; chỉ khi thực thi giới răn đó : “Mọi người (mới có thể) nhận biết (chúng ta) là môn đệ của Thầy ở điểm này : là (chúng ta) có lòng yêu thương nhau”. (Ga 13,34 – 35).
Petrus.tran
Views: 0