“Sau hơn chục năm chung sống hạnh phúc, vợ tôi qua đời vì bệnh ung thư. Khi tái hôn, vợ mới của tôi, cô ấy cảm thấy tôi luôn so sánh cô ấy với vợ trước. Tệ hơn nữa, gia đình vợ cũ của tôi cũng như bạn bè cũ thường nhắc đến những đức tính tốt của người vợ trước, và điều này làm cô ấy buồn”.
“Anh và tôi kết hôn lần hai, tôi cảm thấy mình luôn sống dưới cái bóng của người vợ trước. Chị ấy rất dễ thương, dịu dàng và luôn còn lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn anh. Đôi lúc tôi thắc mắc, không biết có bao giờ mình gắn bó với anh như chị ấy không ?”.
Ông nói, “vì ghen tuông, bà thường xuyên ghen tuông vô cớ, vu khống ông ngoại tình với nhiều phụ nữ làm mất danh dự của ông, bà không cho ông sử dụng điện thoại, nói xấu chồng rồi còn chuyển vào Sài Gòn ở bỏ mặc ông không quan tâm đến, mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng không thể hàn gắn ông xin tòa giải quyết cho ly hôn.”
“Khoảng thời gian sau khi kết hôn, vợ tôi cảm thấy một số bạn của tôi đang ‘điều tra’ cô ấy; Một số người nói với vợ tôi rằng họ rất thương và nhớ chồng trước của cô ấy, ngay trước mặt tôi ! Tôi không biết cách nào để bịt miệng họ để đừng làm cô ấy đau lòng”.
Trên đây là một số trăn trở của những cặp đôi sống đời sống gia đình trước khi li dị hay sau khi tái hôn thường hay vướng mắc phải. Nhiều cuộc hôn nhân đã đứng bên bờ vực tan vỡ, khó có khả năng cứu vãn, nhưng người trong cuộc vẫn e ngại việc ly hôn hay tái hôn lần nữa…
Xét đến cùng thì ly hôn và tái hôn tự nó không tốt mà cũng chẳng xấu. Nếu cuộc sống chung của hai vợ chồng không tốt đẹp dù đã cố gắng hết sức thì việc chia tay để chấm dứt được đau khổ cho ít nhất một người, xét về tình, về lý, sẽ là việc bình thường và nên làm và làm sao cho đúng pháp luật và bổn phận với con cái. Rồi sau khi ly hôn nếu gặp được người phù hợp, yêu thương mình thì tái hôn, cũng chẳng có gì sai trái. Điều đáng tiếc là số người dừng lại ở suy nghĩ như vậy không nhiều. Trong đầu họ ngổn ngang những câu hỏi:
Cha mẹ chia lìa con cái sẽ ra sao? Liệu mình có phải hối tiếc không? Mình có đủ bản lãnh để tự đứng trên đôi chân mình mà lo cho các con không? Có bao nhiêu người tìm lại được hạnh phúc sau ly hôn hay “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa?” những từ ngữ khá tiêu cực và mơ hồ để gọi ly dị như “vết thương lòng”, “nỗi hận”, “sai lầm”, “niềm đau chôn dấu”…
Để có một cái nhìn sâu sắc hơn về hôn nhân, gia đình, ly hôn hay tái hôn, ta thử bắt đầu bằng câu hỏi “vì sao ta kết hôn?” Muốn biết vì sao chúng ta phải kết hôn thì trước tiên ta phải tìm hiểu kỹ “Tình yêu là gì?” và “Kết hôn là gì?”
Một ngày nọ, Plato hỏi thầy giáo của mình: “Tình yêu là gì? Và làm thế nào để con có thể tìm thấy nó?”. Thầy giáo trả lời: “Có một cánh đồng lúa mì rộng lớn ở phía trước. Con hãy đi và đừng ngoảnh lại, và chỉ chọn một thân cây trong số những cây con đi qua. Nếu con tìm thấy được một thân cây đẹp nhất, con đã tìm thấy tình yêu”. Plato ra đi và chẳng bao lâu anh trở về với tay không. Thầy giáo hỏi:
-Tại sao con không chọn gì hết?
Plato trả lời:
-Bởi vì con chỉ có thể chọn một lần, nhưng con không thể quay đầu lại. Con đã tìm thấy những thân cây tuyệt vời nhất, nhưng không biết nếu có bất kỳ một cây nào tốt hơn không. Khi con đi xa hơn nữa, các thân cây mà con nhìn thấy lại không tốt như trước đó, vì vậy con đã không chọn bất kỳ cái cây nào.
Và thầy giáo trả lời:
-Đó là tình yêu.
Lại một ngày khác, Plato hỏi thầy giáo của mình:
-Kết hôn là gì? Và làm thế nào để con có thể tìm thấy nó?
Thầy giáo trả lời:
-Có một khu rừng rộng lớn ở phía trước. Con hãy đi và đừng ngoảnh lại. Nếu con tìm thấy được một thân cây cao nhất, hãy chặt và mang nó về.
Plato ra đi và trở về ngay sau đó.Trên tay anh là một thân cây không hề cao và thậm chí nó rất bình thường.
Thầy giáo hỏi:
-Tại sao con lại lấy một cái cây rất bình thường?
Plato trả lời:
-Bởi vì kinh nghiệm trước đây, con chỉ đi nửa rừng và thấy đây là một cái cây tốt. Con không muốn bỏ lỡ cơ hội của mình.
Và thầy giáo trả lời:
-Đó là hôn nhân.
Chúng ta hãy tưởng tượng, hai con người thuộc hai giới tính khác nhau, thuộc hai gia đình khác nhau, được giáo dục khác nhau, có hai tư tưởng khác nhau, thói quen khác nhau, tính tình khác nhau, mong muốn khác nhau, sinh lý khác nhau… rồi bỗng dưng họ tự buộc nhau lại bằng một sợi dây tình cảm gọi là "tình yêu" rồi sau đó là “kết hôn” để sống suốt đời với nhau. Thật là khó tưởng tượng!!! Nhưng trên thực tế vẫn tồn tại cái gọi là hôn nhân và những cặp vợ chồng sống trọn đời bên nhau đó thôi. Cho dù nhiều khi nhiều cặp phải tái hôn lần 2, lần 3 chỉ bởi vì…tình yêu đẹp và lãng mạn làm sao; tình yêu cho bạn những khoảng khắc chạnh lòng, nao nao, những tin nhắn buổi sáng, những nụ hôn vội vàng, những vòng tay khó quên; tình yêu cho bạn những phút giây ngọt ngào xen lẫn cảm giác mạo hiểm, đau buồn, nghẹn đắn …Còn hôn nhân cho bạn sự an toàn và bình yên. Hôn nhân cho bạn mái ấm gia đình, hoa quả tình yêu là con cái, bao kết nối, bao hy sinh, bao lo toan…Nếu đem so sánh tiếp thì tình yêu chẳng là gì đối với hôn nhân; khi mà hôn nhân đem lại một mái ấm gia đình, những đứa trẻ, hạnh phúc tuyệt vời khi được nhìn những giọt máu của mình lớn lên…
Chúng ta mong rằng việc ly hôn hay tái hôn bớt khiến chúng ta đau khổ, dằn vặt, hay ân hận…hãy luôn nghĩ rằng, tình yêu và kết hôn không phải là một “công việc bắt buộc”, cũng không phải là “mục đích tối hậu” của đời sống hai con người hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên nó giống như là một thứ luật (bất thành văn) mà bất kỳ ai quan tâm đều phải hiểu và tuân thủ nếu không muốn nhận lãnh những hậu quả xấu. Ví dụ nếu ta tuân thủ “luật chung thủy” hay “luật bình đẳng” thì khi ly hôn để một ngày nào đó tái hôn ta sẽ được an toàn và nhẹ nhõm hơn nhiều so với những ai từng vi phạm luật này, hoặc ít nhất cũng không có gì phải quá khổ sở, đau đớn hay ăn năn.
Dĩ nhiên, không ai muốn ly dị cả , ai cũng phải trăn trở tính toán trước sau trước khi đi tới quyết định ly hôn hay tái hôn, nhưng ta vẫn rất cần hiểu rằng người đàn bà sinh ra không phải chỉ để “làm vợ”, và người đàn ông không sinh ra chỉ để “làm chồng” mà có cái nhìn tâm sinh lý khác biệt mà công bằng hơn trong cuộc hôn nhân đỗ vỡ. Ta cũng biết những đứa con sẽ phải chịu thiệt thòi khi không được lớn lên cùng với cả bố và mẹ, nhưng điều đó chắc gì đã tốt hơn so với việc nó lớn lên cùng với cha mẹ luôn coi thường nhau, hoặc giả dối đóng kịch để lừa chúng? Ta còn biết “mấy đời bánh đúc có xương…”, nhưng thực tế đã có không ít người thương con người chẳng kém con mình. Nếu cặp vợ chồng tái hôn sống chung thủy và bình đẳng thì những đứa con cả chung và riêng của họ có khổ sở hơn những đứa đang sống trong gia đình cha mẹ lục đục, ngoại tình, lừa dối lẫn nhau mà chưa ly hôn kia không? Và sau rốt là việc gì rồi thì cũng sẽ qua đi, lũ trẻ rồi sẽ lớn lên và quan hệ giữa chúng và chúng ta cũng luôn thay đổi từng ngày theo một lẽ tự nhiên.
Chẳng có chuyện gì là không thể xảy ra ở trên đời này. Ngày hôm nay đang hạnh phúc nhưng ngày mai chưa biết sẽ ra sao, có ai mà hiểu được, có ai biết chắc được. Ly hôn hay tái kết hôn mục đích chỉ muốn tìm lấy hạnh phúc cho mình, cho gia đình và các mối liên kết xã hội và các thế hệ…
Hãy thừa nhận rằng việc kỳ vọng bạn hoặc người bạn đời sẽ quên đi cuộc hôn nhân đầu là điều không thực tế, nhất là khi cuộc hôn nhân ấy kéo dài nhiều năm. Hãy tập trung vào các đức tính tốt và đặc biệt của người hôn phối hiện tại.
Đừng ghen tuông mà cấm người hôn phối nhắc đến cuộc hôn nhân đầu. Nếu người ấy cảm thấy cần nói về đời sống với vợ hoặc chồng trước, hãy lắng nghe với lòng thông cảm và trắc ẩn. Hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của bạn bè. Bàn bạc trước cách tốt nhất để trả lời các khúc mắc và nhận xét của bạn bè về cuộc hôn nhân đầu.
Nếu bạn đời hiện tại từng bị phản bội trong cuộc hôn nhân trước, hãy nỗ lực tạo lại lòng tin của người ấy. Hãy cố gắng tạo dựng niềm tin qua lối sống chung thủy và tin yêu lẫn nhau. Suy cho cùng, so với cuộc hôn nhân đầu, rất có thể giờ đây bạn hiểu rõ bản thân mình và gia đình hơn.
Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, giá trị sống đa dạng và thay đổi tương đối nhanh so với xưa kia thì việc ly hôn và tái hôn chắc chắn còn phát triển và thật là khó lường khi cho tới khi nào nó ổn định và sẽ ổn định ra sao. Bởi vậy, mỗi con người cần chủ động hơn trong việc xây dựng cho riêng mình một giá trị sống mà dựa vào đó mà hành xử sao cho thích hợp nhất. Cuộc sống và thời gian luôn vận động theo một dòng chảy không ngừng và chẳng chờ đợi ai (già nua, bệnh tật), nếu ta không dũng cảm vững bước theo đường hướng của riêng mình thì cũng sẽ bị xã hội đào thải, cuốn trôi đi, bồng bềnh không bến đỗ như mà cứ mơ, cứ mộng, cứ lây hoay trong vòng đời không lối thoát.
(còn tiếp)
Views: 0