Uncategorized

Tình yêu hay mù lòa con tim (2): Nên hay không nên sống thử?!!

Một cô gái vấn kế về cuộc tình “sống chung trước hôn nhân” hay “sống thử” của mình, mà cô xem thiên đàng hạ giới ngày nào, bây giờ chỉ còn là sự nhàm chán, “abuse lẫn nhau” mà thôi, cô kể:

Một cô gái vấn kế về cuộc tình “sống chung trước hôn nhân” hay “sống thử” của mình, mà cô xem thiên đàng hạ giới ngày nào, bây giờ chỉ còn là sự nhàm chán, “abuse lẫn nhau” mà thôi, cô kể:

Em đang sống thử với bạn trai. Tụi em quen nhau được 2 năm và mới dọn về ở chung được vài tháng. Bây giờ việc gần gũi của tụi em chỉ là trách nhiệm chứ không hề có cảm xúc. Nằm bên anh, anh chạm vào người em, em cũng không có cảm giác gì, nếu tụi em cố gắng gần gũi thì anh sẽ bị đau.

Tụi em cãi nhau ngày một nhiều hơn. Hai đứa có thể cãi nhau ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và vì bất cứ chuyện gì. Anh cũng chẳng bao giờ nhường nhịn em điều gì. Cả hai đều từng nói lời chia tay nhưng rồi suy nghĩ vài tiếng thì lại thôi và tiếp tục cuộc sống như tra tấn nhưng không tách ra được.

Hiện tại anh gặp khó khăn trong công việc, phải bán xe và đi chung xe với em. Điều này khiến em rất bất mãn. Em đang có người theo đuổi, điều kiện hơn anh rất nhiều, lại là bạn học ngày xưa của em. Anh biết và ủng hộ em quen người đó. Em không biết mình có nên đánh đổi anh hay không mặc dù bạn em ở phương diện nào cũng vô cùng hoàn hảo.

Em băn khoăn liệu có nên bỏ mặc anh trong lúc này hay không? Hay em sẽ giúp anh qua cơn khó khăn rồi sẽ đi, vì tình yêu không còn, em rất áp lực khi bên anh.

Ngày nay, hôn nhân và gia đình còn phải đối diện thêm với một tệ nạn kinh khủng đó là "Chung sống phi hôn nhân" của các cặp đôi son sẻ. Họ rất nghiêm túc sống với nhau một thời gian rồi chia tay và sống với người khác. Đây không phải là một lối sống thử mà là 100% sống thật, sống hết sức nghiêm túc chứ không phải chuyện đùa. Tất cả mọi thứ từ tình cảm, tình dục, chi tiêu, chung đụng là đều là thật, chỉ có điều sự chung sống này thiên về thỏa mãn dục vọng, tình cảm tức thời mà như là góp gạo thổi cơm chung, chán thì chia tay, hay lợi dụng lẫn nhau chứ không đi liền với các nghĩa vụ và trách nhiệm của hôn nhân và gia đình.
Địa bàn chỉ hướng còn sai,
Vợ chồng chưa chắc, gái trai chắc gì!

Chồng gì anh, vợ gì tôi,
Chẳng qua là cái nợ cuộc đời chi đây !
Mỗi người một nợ cầm tay,
Ngày xưa nợ vợ, ngày nay nợ chồng.

So với những cặp vợ chồng thực thụ, chung sống phi hôn nhân không được pháp luật cũng như xã hội thừa nhận, do đó các cặp đôi tham gia không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào với nhau về nghĩa vụ gia đình cũng như trách nhiệm trước các quy định của luật Hôn nhân.

Do ảnh hưởng từ cuộc “cách mạng tình dục” thập niên 1970 tại phương Tây, do ảnh hưởng của các riềng mối và đạo đức xã hội suy đồi, cùng sự thiếu hiểu biết kiến thức xã hội và định hướng cho tương lai, tình trạng quan hệ tình dục và "sống thử" hay “chung sống trước hôn nhân” ở giới trẻ rất phổ biến. Nhiều bạn trẻ dễ dãi, cho rằng việc đó là bình thường, họ suy nghĩ đơn giản rằng chỉ là "thử" thì sẽ không gây hậu quả gì. Một số khác thì sống thử chỉ vì a dua theo xu hướng thời đại, theo bạn bè, hoặc vì tò mò "sống thử để cho biết vì thấy bạn bè mình có nhiều cặp cũng đang sống chung". Cách suy nghĩ mang tính trào lưu này khiến các bạn trẻ dễ thả mình theo sống thử nguy hiểm này, không thấy hợp thì chia tay, và không còn xem trọng việc hệ trọng cả đời là hôn nhân và gia đình.

"Yêu nhanh sống gấp", mà một số bạn trẻ quan niệm về tình yêu thời "rất hiện đại" ngày nay hay còn gọi là "tình yêu tốc độ"; rằng yêu thì cần "hết mình"còn hết yêu thì “bỏ qua đi tám”. Họ bị thúc đẩy bởi nhu cầu tình dục cần được thỏa mãn mà không cần phải suy tính cho tương lai. Họ thích một cuộc sống hưởng thụ, không cần tôn trọng các chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, không coi trọng giá trị của đời sống gia đình, con cái, và xã hội…Chủ nghĩa cá nhân thật sự lên ngôi, và trật tự cùng các tệ nạn xã hội xuất hiện.

Theo kết quả điều tra của các quốc gia phát triển, những cặp nam nữ “sống chung trước hôn nhân” có tỉ lệ ngoại tình cao gấp 4 lần so với những cặp vợ chồng thực sự, chất lượng đời sống từ thể chất và tình cảm, tâm hồn cũng thấp hơn. Còn theo một cuộc nghiên cứu của Trung tâm Hôn nhân và Gia đình tại trường Đại học Crieghton (Mỹ) cho biết, những đôi bạn sống chung trước khi thành hôn thường phải chịu đau buồn khốn khổ nhiều hơn bởi cách sống ấy, và cuối cùng dẫn tới tình trạng không ổn định trong đời sống vợ chồng. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là những người đã chung sống trước hôn nhân như thế lại có khuynh hướng “cãi nhau liên miên”, “ngoại tình” ngay sau ngày cưới…

Khi họ đã nhàm chán, họ bắt đầu sống trong giả tạo, gian dối, và vô trách nhiệm… Những cặp này họ thường đến nhanh theo kiểu "mì ăn liền", tình dục và tự do là lý do chính thôi thúc họ sống thử, vì thế khi xảy ra xung đột hoặc vỡ mộng, họ sẵn sàng chia tay, nên nó không có tính bền vững, trách nhiệm.

Một sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết: “Ở xóm trọ của em, gần một nửa các bạn sống thử trước hôn nhân”, dãy phòng trọ của em có 10 phòng thì có đến sáu phòng “góp gạo thổi cơm chung”.

Một bạn gái gởi tâm sự cùng tư vấn về nhật báo VNexpress sau thời gian dài sống thử với bạn trai mà em nghĩ là hạnh phúc như tiên giới, em kể:

Em và bạn trai yêu nhau 3 năm nay kể từ khi tốt nghiệp. Vì có dự định cưới nên bọn em đã dọn về sống chung như vợ chồng. Thế nhưng, từ khi sống chung đến giờ, anh dường như không quan tâm đến em, anh thường dùng lời lẽ cay độc khi không vừa ý. Anh luôn cho rằng, đàn ông là trụ cột trong gia đình nên anh chỉ đi làm về rồi bỏ đi chơi. Anh thường về rất khuya, để em một mình với hàng đống công việc gia đình. Gần đây, mỗi lần không vừa ý là anh lại đánh em. Vì không chịu nổi nữa nên em quyết định chia tay. Biết như vậy nên anh ấy đã hăm dọa đưa những hình ảnh mặn nồng của hai đứa lên Facebook để em không thể nào tìm kiếm được hạnh phúc.

Em sợ lắm, lỡ anh ấy đưa hình hai người lên thật thì không chỉ bạn bè, bố mẹ, gia đình em đều sẽ biết chuyện. Tất cả cộng đồng mạng sẽ cho rằng em có lối sống không lành mạnh, buông thả. Bây giờ em chẳng biết nên như thế nào, tiếp tục sống với anh và làm vợ anh thì cuộc sống của em sẽ không khác gì địa ngục, mà chia tay với anh bây giờ thì liệu anh có để em được yên? Em phải làm gì bây giờ?

Chúng ta nhận thấy hậu quả của các cuộc “Sống thử” hay “chung sống trước hôn nhân” mang lại nhiều khó khăn hơn những gì người ta tưởng tượng về nó, và thực sự, trong cuộc sống “thử” người ta cũng ít có trách nhiệm và tình người với nhau hơn.

“Sống chung trước hôn nhân” là một cuộc sống không lâu bền vì hầu hết sau một thời gian sống chung tạm bợ, những va chạm trong cuộc sống hằng ngày dễ làm cho người ta chán nhau, nhất là những cặp sinh viên “sống thử” còn phải mang theo nỗi lo học hành, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” thì càng bức bối. Còn những cặp son sẻ thì vì đề cao tự do cá nhân nên sẽ sống thiếu trưởng thành và đạo đức đối với nhau.

“Sống thử” rất bấp bênh, thiếu một mục đích cụ thể, do vậy khi gặp khó khăn, mâu thuẫn đáng ra có thể giải quyết được, thì hai người lại dễ buông xuôi và tan vỡ. Tâm lý “không hợp thì bỏ” khiến nhiều bạn trẻ sống thiếu trách nhiệm với bản thân, với người yêu và tình yêu của mình, và mối quan hệ trở nên nhạt dần…

“Cả thèm chóng chán”,  “Già nhân ngãi non vợ chồng!”

Cuộc sống thử vợ chồng mai sau này sẽ trở nên nhàm chán nhanh chóng nếu không muốn nói là cả hai không nhận thấy trách nhiệm phải vun đắp cho mối quan hệ thì tất yếu là không vững bền.

Hơn nữa, vì chỉ có hai người “chung sống trước hôn nhân” trong cuộc tự coi nhau là vợ chồng, còn xã hội và gia đình thì không, nên chẳng có ai giúp đỡ cho cặp “vợ chồng thử” này khi gặp những khó khăn, trục trặc nhỏ trong tình cảm để nó không bùng phát thành mâu thuẫn lớn; chẳng có ai bảo vệ “gia đình” này khi có kẻ thứ ba dòm ngó, khi sóng gió thử thách; Và nỗi lo chẳng may có thai trước khi kết thúc giai đoạn “sống thử” sẽ khiến cho cuộc sống tình dục “vợ chồng thử” của các bạn trẻ không bao giờ có được niềm hạnh phúc tự nhiên như trong một cuộc hôn nhân hợp pháp. Rồi nhiều chuyện không mong muốn xảy ra như nạo phá thai, con cái sinh ra chưa được pháp luật công nhận, single Mom và đặc biệt nó có thể kéo theo nhiều căn bệnh lây lan nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hôn nhân thực sự của các đôi bạn sau này.

(Còn tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.