Uncategorized

Tình yêu của Mẹ

Qua tường thuật biến cố truyền tin, thánh sử Luca đã diễn tả tâm tình cũng như tiến trình nội tâm của trinh nữ Maria, đi từ bối rối, rồi thắc mắc tự hỏi, khi nghe lời chào cao trọng của sứ thần Gabrien: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28).

 

Qua tường thuật biến cố truyền tin, thánh sử Luca đã diễn tả tâm tình cũng như tiến trình nội tâm của trinh nữ Maria, đi từ bối rối, rồi thắc mắc tự hỏi, khi nghe lời chào cao trọng của sứ thần Gabrien: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28).

 

Trinh nữ bối rối, vì theo chiều dọc Kinh Thánh, mỗi khi con người khám phá ra mình ở gần Thiên Chúa là họ cảm thấy sợ hãi. Họ nhận ra sự bé bỏng, hèn kém và giòn mỏng của mình, rồi giật thót lên trước vinh quang và thánh thiện kỳ vĩ của Thiên Chúa và từ đó họ cảm thấy không thể nào sánh nổi trước sự uy nghi khôn lường của Ngài.

 

Trinh nữ, theo Kinh Thánh, là người có tình yêu không chiếm hữu, tự hủy và hiến dâng. Thế cho nên, Maria đã tự hỏi mình chỉ là một thiếu nữ quê mùa, nghèo hèn, côi cút, yếu đuối thật hòan toàn bất xứng trườc lời chào mình là một “Đấng đầy ân sủng”.

 

Trước những biểu lộ thật sự khiêm hạ trên ánh mắt, qua sắc mặt, trong suy tư và lời nói của trinh nữ, sứ thần vẫn trịnh trọng cung kính như một Đấng cao trọng: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Sau đó, sứ giả của Thiên Chúa thông báo cho biết về kế hoạch mà Thiên Chúa chọn Maria thụ thai Đấng Cứu Thế, trinh nữ lại càng đơn sơ thẳng thắn nói với sứ thần: “Việc ấy xẩy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34).

 

Chỉ vài từ ngắn gọn thưa gửi nhẹ nhàng trên, với cảm nghiệm của tôi, Maria đã nói lên được tấm lòng chân thành của mình vì, tuy chị đã thành hôn với Giuse nhưng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chị sống chung đụng xác thịt với vị hôn phu. Và rồi nếu mang bào thai Giêsu, thì sẽ phải ăn nói thế nào với đấng phu quân của mình.

 

Trước những bộc lộ thành thật về chiều sâu nội tâm, vừa tinh tuyền thánh thiện với lòng trọn vẹn hiến dâng cho Thiên Chúa, vừa hài hòa mang đầy tình thương với tha nhân, sứ giả của Thiên Chúa quả mừng rỡ và Ngài đã phân tích sự thụ thai Giêsu bằng quyền năng của Thánh Thần và, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được”, nên sứ thần Gabrien dẫn chứng quyền phép của Đấng Tối Cao đối với bà chị họ hiếm muộn là Êlisabeth để tăng thêm niềm tin cho Maria.

 

Sau khi đã đối thoại thoải mái với nhau và với lời mời gọi tự do của Maria trước tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời tin tưởng vào quyền năng hóa giải sự ngộ nhận với Giuse, trinh nữ Maria đã mạnh dạn thưa với sứ thần rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

 

Từ lời xin vâng trong sự tự do đáp trả của Maria, một trinh nữ nghèo hèn, nhỏ bé, đơn sơ trong trắng nhưng đã sống trọn vẹn “đẹp lòng Thiên Chúa”, Con Một Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ Maria.

 

Quả thật, ĐHY Joseph Ratzinger viết trong “Thiên Chúa và Trần Thế” như sau: “việc chọn cái bé nhỏ là nét đặc thù trong lịch sử Thiên Chúa với con người. Cái đặc thù đó ta thấy trước hết qua việc Ngài chọn trái đất, một hạt bụi trong vũ trụ, làm nơi hành động; trong đó dân tộc yếu đuối như Israen lại được chọn để mang lấy lịch sử của Ngài; rồi Nagiarét, một chốn hòan toàn không ai biết đến, trở thành quê hương Ngài; và rồi cuối cùng Con Thiên Chúa lại sinh ra ngoài làng Bêlem, trong một chuồng súc vật. Tất cả như một sợi chỉ đỏ.

 

Chúa dùng đơn vị đong đo duy nhất là tình yêu để đổi lại thói kiêu căng của con người. Kiêu căng chính là hạt nhân, là nội dung chính của mọi tội lỗi, nghĩa là của cái tự-coi-mình-muốn-bằng-Thiên Chúa. Tình yêu, trái lại không phải là tự cao, mà tự hạ. Tình yêu cho thấy chính lúc hạ mình là lúc ta vươn lên. Chính khi ta hạ mình, khi ta trở nên đơn giản, cúi xuống với kẻ đói rách, nghèo hèn, khi đó ta mới thật lên cao. Chúa trở nên bé nhỏ, để đưa con người dương dương tự đắc trở về lại đúng chỗ của nó. Xem thế thì quy luật của sự bé nhỏ là khuôn thước nền tảng của hành động Thiên Chúa. Quy luật đó giúp ta nhận ra bản chất Thiên Chúa, và cả chính bản chất của ta.”

 

Và trong một bản văn khác, ĐHY viết tiếp: “Và chỉ trong Con Người Mẹ Maria mà chúng ta trở thành Hội Thánh. Ngay cả chính nguồn gốc, Hội Thánh không phải được làm ra, nhưng là sinh ra. Hội Thánh sinh ra khi Đức Mẹ đáp “xin vâng”. Đây là ước mong sâu thẳm nhất của Công Đồng Chung Vaticanô II: Hội Thánh thức tỉnh trong tâm hồn chúng ta. Đức Maria chỉ đường cho chúng ta” (Giáo Hội học trong Công Đồng Vaticanô II).

 

“Chính khi ta hạ mình, khi ta trở nên đơn giản, cúi xuống với kẻ đói rách, nghèo hèn, khi đó ta mới thật lên cao”. Lời chiên niệm cũng là lời mời gọi trên của ĐTC Biển Đức giúp tôi hiểu thấu tâm tình mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm thật ý nghĩa để sống sứ điệp “”Xin Vâng” như Mẹ. Chung quanh ta còn quá nhiều người đang cần ta chia sẻ ủi an. Những người này là hiện thân của Chúa và Chúa muốn ta lắng nghe lời Thần Khí vang lên như sứ thần nói với Mẹ. Để rồi hiện thân của những con người kia chính là Con Một Thiên Chúa được chúng ta ấp ủ trong tim, trong lòng và tận tình giúp họ sống bằng bàn tay của Chúa qua bàn tay của chúng ta. Sống sứ điệp ”Xin Vâng” hiện thực này chính là chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh hiệu quả và đẹp lòng Thiên Chúa hơn và cũng là món quà mừng lễ mà Mẹ yêu thích nhất.

 

Từ sự lắng nghe và diễm phúc chiêm ngắm Đức Mẹ trong thinh lặng, từ trong tâm hồn, tôi trào lên lời cầu đẹp đẽ của thi sĩ Paul Claudel:

 

“Lạy Mẹ Chúa Giêsu,
vì không có gì để dâng cho Mẹ và cũng chẳng xin Mẹ điều gì.
Con chỉ ngắm nhìn Mẹ thôi, ôi lạy Mẹ,
Ngắm nhìn Mẹ và khóc lên vì hạnh phúc (…)
Con không nói gì cả, nhưng con chỉ ngắm nhìn dung nhan Mẹ,
Để tim con hát vang trong ngôn ngữ riêng của nó.
Con không nói gì cả, nhưng con chỉ hát thôi,
Bởi vì trái tim con tràn ngập tâm tình của Mẹ. Amen.

 

Lễ Mẹ Vô Nhiễm, 8/12/2009
Phêrô Vũ văn Quí CVK64
Email: peterquivu@gmail.com

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.