“Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm” (St. Augustine). Câu nói của vị giáo phụ Công Giáo thuộc thế kỷ 4 đến nay cũng vẫn còn nguyên giá trị của nó. Không chỉ trong lãnh vực tôn giáo, tình yêu còn là yếu tố quyết định hạnh phúc của lứa đôi, của hôn nhân, và của cuộc sống con người. Rất nhiều cuộc tình đã bắt đầu bằng những hứa hẹn, những lời thề non, hẹn biển, những giây phút yêu đương đầy lãng mạn, đầy tình tứ, và tưởng như không có gì có thể làm cho họ chia lìa. Nhưng năm tháng đã có câu trả lời. Khi tình yêu nguội dần, và khi người ta dừng lại ở những yếu tố khác thì rạn nứt bắt đầu, và chia ly sẽ đến tiếp theo. Cuối cùng hôn nhân tan vỡ. Hơn 50% các cuộc hôn nhân tan vỡ đã nói lên bí quyết hạnh phúc không gì khác chính là tình yêu.
Sau 75 năm nghiên cứu để đi tìm bí quyết của hạnh phúc. Đây là một cuộc khảo cứu lâu nhất, kéo dài nhất, và tốn kém nhất của Đại Học Harvard, bắt đầu năm 1938 và do 268 sinh viên tham gia cuộc khảo cứu. Qua nhiều thập niên, những dữ kiện về đời sống của họ được khảo cứu, ghi nhận dựa trên những yếu tố như trí thông minh, những mối giây liên kết bạn bè, khả năng tiền bạc, và ảnh hưởng của rượu. Năm 2012, những tài liệu này được xuất bản thành sách do nhà tâm thần học (Psychiatrist), Bác sỹ George Vaillant, người chịu trách nhiệm theo dõi cuộc khảo cứu từ 1972 đến 2004. Kết quả:
Giá trị vĩnh cửu của tình yêu.
Theo kết quả được tìm thấy, tình yêu là chìa khóa của hạnh phúc. Bác sỹ George Vaillant đã nhấn mạnh đến 2 cột trụ của hạnh phúc: “Thứ nhất là tình yêu. Thứ hai là phương cách để đối phó với cuộc sống mà không làm mất đi tình yêu”. Cuộc khảo cứu tốn kém 20 triệu dollars nhưng chỉ vỏn vẹn đưa lại kết quả trong 5 chữ: “Hạnh phúc là tình yêu”. Một người có tất cả những nhung lụa, tiền tài, và mọi sự trên đời, nhưng nếu không có tình yêu, những thứ đó chỉ là vô dụng. Như vậy, mỗi chữ trong kết luận của khảo cứu này đáng giá tới 4 triệu dollars.
Tại sao lại là yêu. Tại sao chỉ có tình yêu mới đem lại hạnh phúc? Thưa vì cái giá phải trả cho tình yêu là hy sinh. Theo Thomas Aquina, vị tiến sỹ lẫy lừng của Giáo Hội Công Giáo, chót điểm của tình yêu là “hy sinh”. Không có hy sinh, không có tình yêu. Tình yêu thiếu hy sinh là tình yêu giả dối. Điều này chính Chúa Kitô cũng đã nói: “Không ai có tình yêu cao cả hơn kẻ thí mạng sống mình vì người mình yêu” (Gioan 15:13). Giáo Hội Công Giáo qua Mùa Chay đang học hỏi, tìm bắt chước và sống với tinh thần hy sinh này mỗi khi suy ngắm về cuộc khổ nạn và cái chết vì yêu thương nhân loại của Ngài trên thập tự giá.
Tình liên đới và bạn hữu.
Tiếp theo tình yêu là tình bạn. Kết quả khảo cứu trên không chỉ dẫn đến kết luật trực tiếp là tình yêu, mà còn đề cập đến những mối giây liên kết bạn hữu. Bạn hữu cũng có một vị trí quan trọng đối với hạnh phúc hơn bất cứ sự gì trên trái đất.
Người cô đơn là người rất dễ đi vào những cám dỗ và thất vọng. Cuộc đời mà vừa thiếu vắng tình yêu, lại vừa thiếu vắng tình bạn, cuộc đời ấy trở nên bất hạnh. Thánh Kinh dậy rằng: “Những người bạn trung thành là một kho tàng vô giá” (Proverbs 18:24). Bởi vì “Những người bạn trung thành yêu nhau qua những lúc khó khăn: Một người bạn thì luôn luôn trung thành, và một người anh em được sinh ra để giúp mỗi khi cần” (Proverbs 17:17).
Mối giây liên kết bắt đầu từ cha mẹ, đặc biệt là người mẹ ngay qua cái nhau bán vào bụng mẹ. Điều này chứng minh rằng, những người có tuổi thơ ấm áp bên tình mẹ, họ dễ dàng sống hài hòa với những người chung quanh, dễ dẫn đến thành công trong công ăn việc làm, và họ dễ tránh được hội chứng lú lẫn khi về già (dementia later in life).
Tình bạn, tình liên đới không chỉ đem lại cho nhau hạnh phúc, nhẹ nhàng trong cuộc sống, mà còn làm cho nhau thấy thoải mái trong công ăn việc làm. Theo bác sỹ Vaillant, mối giây liên kết giữa những công việc quan trọng hơn sự thành đạt.
Rượu là thứ cần phải tránh.
Cuộc khảo cứu cũng đưa ra những liên quan mật thiết giữa rượu và thần kinh, giữa rượu và hội chứng trầm cảm, giữa rượu và tâm bệnh. Vừa uống rượu vừa hút thuốc là nguyên nhân dẫn đến những cái chết trẻ. Người Việt Nam liệt kê rượu trong 4 nguyên nhân gọi là tứ đổ tường làm cho đời người trở thành vô giá trị: “Rượu chè, cờ bạc, trai gái, nghiện hút”. Rượu làm cho con người trở nên mất dần nhân phẩm và tư cách của mình.
Truyện cổ nước Pháp kể rằng : khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi :
– Ông đang trồng cây gì thế ?
– Cây nho.
– Nó có lợi gì không ?
– Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.
– Vậy thì để tôi giúp ông.
Satan liền giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nôe lấy trái nho làm rượu.
Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; nếu uống thêm thì sẽ ngu như lừa; nếu uống nữa thì… hoàn toàn như con heo vậy.
Trong cuộc khảo cứu, rượu cũng là nguyên nhân dẫn đến ly dị trong số 268 người được khảo cứu.
Tiền bạc và quyền lực không đem lại hạnh phúc.
“Trong cái nhìn thành đạt, điều quan trọng nhất là bạn hãy chú tâm vào công việc của mình”.
Một trong những kết quả khảo cứu trong dự án này. Năm 2010, nhà kinh tế Angus Deaton, đã có một kết luận thời danh, đó là sự gia tăng hạnh phúc không liên quan đến việc gia tăng lương bổng hằng năm của bạn.
Kết luận, theo cuộc khảo cứu này thì hạnh phúc không phải là kiếm được nhiều tiền, nhưng là biết cách tiêu những đồng tiền ấy như thế nào. Tiền không mua được hạnh phúc. Ngược lại, chữ nghĩa của Việt Nam có một ý nghĩa rất đặc biệt khi nói về sự giầu sang: Tiền bạc. Tiền thì nó bạc bẽo, và tiềm ẩn ý nghĩ phản bội:
“Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử
Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi”.
(Thói Đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Ảnh hưởng của trí thông minh.
Dĩ nhiên, biết hành động khôn ngoan cũng giúp đem lại hạnh phúc, mặc dù chính sự thông minh không phải là hạnh phúc.
Trên joural of Psychological Medicine phổ biến năm 2012 đã trắc nhiệm 6.870 người và kết quả cho biết những người kém thông minh có liên quan đến hạnh phúc của họ, cũng như người nghèo và bệnh tâm thần.
Theo đó, những người chỉ số thông minh (IQ) 110, 115 và cao hơn 150 có mức độ hạnh phúc khác nhau. Nhưng điều này chỉ có nghĩa là những người thông minh biết dùng sự hiểu biết của mình để duy trì và phát triển hạnh phúc.
Hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh.
Quan niệm chung cho rằng, những người được sinh ra trong gác tía, lầu son, trong nhung lụa thì hạnh phúc hơn những người sinh ra trong nhà tranh, vách đất, nghèo khó. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Bác sỹ Vaillant thuật lại, Godfrey Minot Camille, một người tham gia trong khảo cứu lúc đầu đã tìm cách tự tử vì gia cảnh nghèo khó. Nhưng sau đó, nhờ tìm hiểu và khám phá ra giá trị của tình yêu, Camille đã có một cuộc sống hạnh phúc nhất trong số những người đã tham gia cuộc khảo cứu.
Từ đó, Vaillant rút ra kết luận rằng, dù ở bất cử hoàn cảnh nào con người cũng có thể sống hạnh phúc, nếu họ nhận ra giá trị của tình yêu trong chính họ, trong những người thân yêu, bạn hữu, và trong cuộc sống quanh họ.
Đời là bể khổ, nhưng chúng ta vượt bể khổ bằng con thuyền tình yêu
Views: 0