Uncategorized

Tinh thần Giáng Sinh

Ba tuần của mùa vọng. Ba tuần của sự đợi trông, của sự thú tội và lòng sám hối đã trôi qua. Hôm nay, hình ảnh những hang đá Giáng Sinh tái hiện sự ra đời của Chúa Giêsu mỗi ngày xuất hiện một nhiều. Xuất hiện nơi tư gia, trong nhà thờ và cả nơi công cộng.

 

Ba tuần của mùa vọng. Ba tuần của sự đợi trông, của sự thú tội và lòng sám hối đã trôi qua. Hôm nay, hình ảnh những hang đá Giáng Sinh tái hiện sự ra đời của Chúa Giêsu mỗi ngày xuất hiện một nhiều. Xuất hiện nơi tư gia, trong nhà thờ và cả nơi công cộng.

 

Những hang đá Giáng Sinh đó không chỉ là sự lặp lại một cử chỉ truyền thống, nhưng còn là như "một trường học sống động, nơi mà chúng ta có thể học bí quyết của niềm vui đích thực". Câu nói trên chính là sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi đến hàng ngàn người hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng. (trích vietcatholic)

 

“Học-bí-quyết-của-niềm-vui-đích-thực” phải chăng chính là mặc lấy tinh thần Giáng Sinh. Tinh thần này được biểu lộ qua tấm lòng vui mừng hớn hở và tình yêu hướng tới tha nhân.

 

Một con người thật “thuộc dòng dõi vua David” tiêu biểu cho tinh thần Giáng Sinh. Đó chính là Đức Maria. Maria tiêu biểu cho tinh thần Giáng Sinh một cách ưu việt qua cuộc sống của Mẹ. Cuộc sống đó đã được ghi chép lại trong Tin Mừng của Thánh sử Luca với trình thuật : “Đức Maria viếng thăm bà Êlisabeth” (Lc).

 

Trình thuật kể lại rằng : Lúc Maria vừa được sứ thần Chúa loan báo rằng : “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai … bởi quyền phép Chúa Thánh Thần”. Sự việc tưởng chừng không thể vì nó vượt quá sự hiểu biết của con người. Để trấn an Sứ thần Chúa cho Maria biết rằng : “Bà Êlisabeth tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai, bà ấy vẫn mang tiếng là hiếm muộn mà nay đã có thai” (Lc 1,36). Sứ thần Chúa khẳng định : “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

 

Tưởng rằng câu chuyện “truyền tin” được chấm dứt bởi lời nói “xin vâng” của Maria !!! Nhưng không phải thế. Ngay khi được tin về tình trạng của bà chị họ : “đã có thai được sáu tháng”; Đức Maria chuyển ngay lời nói xin vâng đó bằng một việc làm cụ thể. Đó là quên ngay bản thân và hướng sự quan tâm của mình về cảnh ngộ của bà Êlisabeth thân yêu.

 

Một chút tâm tình…

 

Chuyện kể tiếp rằng : “Bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabeth” (Lc 1, 39-40). Maria vội vã vì nức lòng muốn chia sẻ ngay niềm : “vui mừng hớn hở” của mình về một Thiên Chúa : “Là Đấng cứu độ …Đấng toàn năng đã làm biết bao điều cao cả” (Lc 1, 47…49). Và hơn hết Maria muốn biểu lộ niềm vui đó bằng hành động. Hành động mà sau này chính Giêsu con của Bà đã nói : “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10, 45). Maria đã phục vụ bà Êlisabeth : “Độ ba tháng” (Lc 1,56)> Maria đã không nói “Bận quá !” với bà chị họ của mình. Maria quả là một mẫu mực cho chúng ta về tinh thần Giáng Sinh đích thực.

 

Là một Kitô hữu – để tìm kiếm cho mình về các mẫu gương “Tinh Thần Giáng Sinh” không đâu tốt bằng trong phụng vụ Thánh Lễ. Bởi Thánh Lễ chính là một bản tình-ca-yêu-thương-của-Thiên-Chúa. Suy niệm về những diễn tiến xảy ra trong thánh lễ sẽ khơi dậy trong chúng ta tinh thần Giáng Sinh. Một tinh thần vui mừng hớn hở và tình yêu hướng tới tha nhân.

 

Khi chúng ta đọc “Lời nguyện các tín hữu” với những lời cầu xin mang tính vị tha hướng tới tha nhân, và vì lợi ích cho những người đang trong hoàn cảnh khó khăn nhất của mình, hợp cùng với lời mời gọi của vị chủ tế : “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Nó có khác gì một bài ca đức ái mà khi xưa trong bữa tiệc ly Đức Giêsu đã nhắn nhủ với các môn đệ rằng : “Anh em hãy yêu thương nhau, như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).

 

Cử chỉ thừa tác viên trao Mình-Thánh-Chúa cho chúng ta nói lên một điều rằng : chúng ta cũng phải “trao” Chúa đến cho anh em, cho tất cả mọi người.

 

Một phút suy tư…

 

Câu chuyện về Đức Maria viếng thăm bà Êlisabeth xảy ra đã hơn hai mươi thế kỷ. Nó không chỉ để chúng ta “học” và đem ra “trả bài” mỗi khi đến mùa vọng. Nó cần được chúng ta “hành” trong bất cứ lúc nào; cách này cách khác.

 

Thật vậy, vẫn còn đâu đó những “Elisabeth-thời-đại”. Những Êlisabeth-già-nua không nơi nương tựa. Những Êlisabeth-trẻ-thơ lang thang ngoài đường phố. Những Êlisabeth vừa mới chào đời nhưng không một lần được nhìn thấy mẹ thấy cha…Những Êlisabeth đang “ẩn-mình-chờ-chết” trên giường bệnh vì không có tiền thuốc thang… Những Êlisabeth bị bán làm nô lệ tình dục không thương tiếc…

 

Vâng, những Elisabeth đó đang ngóng chờ một sự viếng thăm. Và ai sẽ là Đức Maria ? Ai sẽ là người đem tinh thần Giáng sinh đến cho những bà Elisabeth đó nếu không phải là chính chúng ta ?

 

Cuối mỗi Thánh Lễ chúng ta hát rằng : ‘’Ta về thôi khi Thánh Lễ đã hết. Nhưng đời ta là Thánh Lễ nối dài”. Ôi ! nếu đời ta không là Thánh-Lễ-nối-dài thì tinh thần Giáng Sinh sẽ “nằm lì” nơi hang đá Belem, nó sẽ treo lơ lửng trên thập giá Chúa Kitô trong nhà thờ và sẽ chìm dần vào quên lãng.

 

Một câu hỏi được đặt ra chắc hẳn không là thừa thãi. Cuộc đời của mỗi chúng ta đã là Thánh Lễ nối dài hay chưa ? Nếu ‘’đã’’…Vâng, nếu đã thì chúng ta chần chờ gì nữa mà không : ‘’ đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi. Ta sống sao để thành chứng nhân’’. Chứng nhân cho ‘’TINH THẦN GIÁNG SINH’’ đích thực. Amen.

 

SAIGON – MÙA VỌNG 2009

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.