Uncategorized

Tình có ghi lên đôi môi

"Tình có ghi lên đôi môi
sầu có phai nhoà cuộc đời
Người vẫn thương yêu loài người
và yên vui cuộc sống vui.
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi …”.
(Cung Tiến – Hương Xưa)
"Tình có ghi lên đôi môi
sầu có phai nhoà cuộc đời
Người vẫn thương yêu loài người
và yên vui cuộc sống vui.
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi …”.
(Cung Tiến – Hương Xưa)
(1Ph 4: 8-10)
 
Phải thế không, lời em hát vẫn là quyết tâm, khi anh bảo: “Người vẫn yêu thương loài người”, và “đời êm như tiếng hát của lứa đôi”? Tiếng hát của lứa đôi, hay của những trai tài gái sắc nào đó, có chăng chỉ là: hát đó rồi quên đó? Đã nào có nhớ chi đâu loài người, mà ân ái với thương yêu?
 
Người vẫn thương yêu loài người”, “và yên vui cuộc sống vui”, hỏi rằng: đó có là thực tế ở đời, thực đấy chứ? Thực ra thì, ở đời thường, vẫn có chuyện thực tế cũng rất vui như truyện tiếu lâm bần đạo vừa bắt gặp, ở đây đó. Rất “huề vốn”. Cũng mặn, cũng nhạt, như truyền tụng:
 
“Tục truyền rằng, thời trước các cụ thường bảo: “chém cha không bằng pha tiếng”.
 
Thời nay, có bạn lại nói: pha tiếng, đâu nào để chém mấy ông cha, và cụ cố! Dù có chém cha hay chém cố, thì người chém cũng chỉ để muốn cuộc đời mình vui thôi. Chứ, có chết thằng Tây con nào đâu chứ. Quyết như thế, nay ta hãy dõi theo câu chuyện pha tiếng rất “nẫu” mình, như sau:
 
Hôm ấy, có chàng trai trẻ thấy đời đáng chán, bèn đi lòng vòng “thăm dân cho biết sự tình”. Thăm đâu không thăm, lại chốn quán xá chiều hôm, thử ghé kinh làng có “cà phê dê ngỗng” để “lai rai ba sợi”, cho yêu đời. Chợt nghe cô chủ nói giọng “nẫu” mình, chàng bèn lân la bằng ba câu hỏi rất vắn, chỉ để nói:
-Chắc em mới đến đây nhận việc?
-Dạ!
-Em tên gì thế?
-Dạ, Tém (Tám).
-Công việc có nhàn hạ lắm không?
-Dạ nhèng!
-Em có điện thoại không? Anh hỏi, là vì có nhỏ em muốn rút kinh nghiệm làm
 việc ấy mà! Số em là mấy vậy?
-Dạ, Hơ ba bữa tém tém một bữa (=237 8817)  
-Không. Anh chỉ muốn điện thoại của em thôi, không xen vào chuyện đời tư đâu.
-Dạ, biết!
 
Ít hôm sau, có dịp trở về quán, khách lại thêm:
-Số em cho, sao gọi hoài không được?
-Dạ, em có số mới “rầu” (=rồi).
-Số mấy dzậy?
-Tém hơi, tém hơi tém hơi không? (=8282 820)
-Không! Anh chẳng thích mấy chuyện tắm rửa, lăng nhăng thế đâu!
-Dạ không …siao!
Ít bữa sau, có dịp gặp cô chủ, chàng trai lại trách móc:
-Số em gọi mãi cũng không xong. Thế nghĩa là làm sao?
-Em qua số khác nữa “rầu”! Số mới là: nem xéo bữa hông tắm hông tắm (=567 0808)
-Trời đất! Cái gì mà cứ tắm với rửa hoài vậy? Thôi đành chịu!!!
 
Kể cũng ngộ. Đời người, dù có tắm lâu hay lâu lâu không tắm, cũng đâu thành chuyện. Những chuyện tợ “êm vui, như tiếng hát của lứa đôi” vẫn là, nỗi nhớ mà người nghệ sĩ xưa thường vẫn hát:
 
“Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm lên ao.
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao.
Còn đó, tiếng khung quay tơ,
Còn đó, con diều vật vờ,
Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu cho đến kiếp nào cho vừa.”
(Cung Tiến – bđd)
 
Vâng. Quả có thế. Nghệ sĩ đời thường, cứ “nhớ mãi”.Yêu hoài”. Yêu và nhớ, vẫn một niềm nghe mãi “tiếng ru êm êm”. Của, khung tơ. Diều vật vờ. Lời thơ yêu muôn kiếp. Ở nhà Đạo, dù khờ khại, cũng vẫn thế. Vẫn yêu hoài/yêu mãi, niềm thương yêu nhung nhớ. Rất hạnh phúc. Nỗi niềm hạnh phúc Chúa vẫn ban, dù người người có gặp thử thách sao đó, như thánh Phêrô từng dặn:  
 
“Anh em hãy hết tình yêu thương nhau,
vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.
Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca.
Ơn riêng Thiên Chúa đã ban,
mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác.
Như vậy, anh em mới là những người
khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa..”
(1Phêrô 4: 8-10)
 
Quản lý thiên hình vạn trạng của ân huệ, nghệ sĩ ở ngoài đời, lại vẫn hát:
 
“Người ơi, môt chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa?
Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò
Còn đó, tiếng tre êm ru?
Còn đó, bóng đa hẹn hò?
Còn đó, những đêm sao mờ
hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu?
(Cung Tiến – bđd)
 
Bóng đa hẹn hò”. “Nghe sáo vi vu”. Là, kinh nghiệm đời thường, bạn và tôi, ta vẫn gặp. Kinh nghiệm, là kinh qua những cảm nghiệm về chuyện đời xảy đến với ta qua cung cách cảm nhận những điều khó hiểu trong thi ca/âm nhạc, như ca từ còn viết tiếp:
 
“Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi.
Buồn sớm đưa chân cuộc đời,
lời Đuờng Thi nghe vẫn rền trong sương mưa
dù có bao giờ lắng men đợi chờ…”
(Cung Tiến – bđd)
 
Đời người cũng thế. Bao giờ mà chả có “những đêm dài, hồn vẫn mơ hoài”! Để rồi, người người sẽ mơ về “Lời Đường Thi trong mưa”, với đời. Mơ, là “mơ hoài một kiếp xa xôi” ở nơi đó, có “lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa”. Vẫn “lắng men đợi chờ” tưởng chừng không dứt. Lắng men đợi chờ lời thơ thành hiện thực. Với người. Với mình.
 
Đời nhà Đạo, cũng thế! Cũng có cảnh trí trong đó Lời Thầy dạy vẫn cứ “rền vang trong mưa”. Đợi chờ. Mà, dân con nhà Đạo nào biết đưa vào hiện thực, ngay lập tức! Nếu cố làm như thế, vẫn thấy gượng gạo. Miễn cưỡng. Khó khăn! Chứ đâu nào ngọt ngào như lời mình đoan quyết ở buổi Tiệc Thánh, có Chúa. Đoan quyết, là lời cam kết rất quyết tâm với người người. Để rồi, mọi người sẽ hình dung ra một nhận định: lối sống nhà Đạo, nào có khác động thái của chính khách, ở nghị trường!
 
Bởi sống và làm theo kiểu chính khách ở nghị trường, như nhà hùng biện vẫn thường nói một đằng, nhưng lại làm một nẻo. Bàn dân thiên hạ nghe không hết, hoặc không kịp. Ở nhà Đạo, dân con người người nghe Thầy dạy, vẫn quyết tâm sống vui/sống đẹp, để thực hiện Lời Thầy bảo ban. Dù, rất khó. Như có cái gì đó nghịch chống đời thường. Như lời thánh Mát-thêu, còn mạnh hơn:  
 
Thầy bảo với anh em:
hãy yêu kẻ thù
và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em,
Đấng ngự trên trời…”
(Mt 5: 44)
 
“Yêu thương kẻ thù” là một trong những đòi hỏi gắt gao. Cao quý. Người người đâu muốn và có muốn cũng đâu dễ thực hiện. Thông thường, khi nói “yêu kẻ thù” là ta hiểu ngay đây là một lệnh truyền ít khi thấy. Nếu không muốn nói là nghịch ngạo. Nghịch thường. Rất thông thường ở phố chợ.
 
“Yêu thương kẻ thù”, có là yêu những người làm ta đau buồn? Tổn hại? Những người chẳng ưa gì ta. Hoặc, những người mà ta cũng chẳng ưa gì họ. Có thể, là người đối xử với ta không lịch lãm. Tốt đẹp. Đó là thách thức rất gay go, trong hiện thực.
 
Thế nhưng, “yêu thương kẻ thù” là yêu như thế nào, mới đúng?
 
Lời Chúa ở trên, tuyệt nhiên, không bắt ta phải “ưa thích” những người khiến ta thương đau. Tổn hại. “Yêu thương kẻ thù”, chỉ nên hiểu theo nghĩa: hãy đối xử tử tế với người thù ghét mình. Trên thực tế, chẳng mấy ai làm được như thế. Nói khác đi, thực tế ở đời, thật khó đối xử tử tế với những người làm mình đớn đau. Sầu khổ. Cả thể xác lẫn tinh thần.
 
Thật ra, điều Chúa dạy, chỉ có nghĩa: ta nên cầu nguyện cho những người đối xử với ta như thế. Hãy cầu và chúc cho những người như thế, được mọi sự tốt đẹp. Không gặp chuyện xấu xa. Tai hại. Như các thánh khi xưa minh định: “Thương yêu theo đúng nghĩa, là cầu chúc mọi sự tốt đẹp đến với người khác. Tốt hơn mình” (x. Thánh Tôma Akinô I-II, 26,Corp Art; GLHTCG #1766)
 
Xem thế, cũng nên hỏi: điều đó có buộc ta xử sự với kẻ thù, theo cung cách lịch sự và kính trọng như ta thường đối xử với những người có cảm tình hoặc thương yêu ta, không?
 
Để trả lời, có lẽ cũng nên trở lại với Lời Chúa qua Tin Mừng, như sau:
 
“Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình,
thì anh em nào có công chi?
Cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?
Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi,
thì anh em có làm gì khác thường đâu?
Cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?
Vậy anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời
là Đấng hoàn thiện.”
(Mt 5: 45-48)  
 
Về với thi ca/âm nhạc, lại có vấn nạn, hỏi rằng: sống và thực hiện điều Chúa dạy như trên, khác nào bảo rằng mình hãy hát lên lời người nghệ sĩ, vẫn từng ca và hát, đoản khúc sau đây:
 
“Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa.
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô.
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó.”
(Cung Tiến – bđd)
 
Đời người, sao tránh khỏi các tình tự mà nhà Phật gọi là “tham-sân-si”. Ngũ giới. Với, đủ mọi tình tiết của những đam mê. Dục vọng. Bởi, đã làm người ai lại chả buồn bã, tức giận. Hoặc, hãi sợ khi giáp mặt ác thần/sự dữ, như kẻ thù. Ngược lại, ta hẳn sẽ thấy niềm vui tươi/mến mộ khi giáp mặt điều tốt, với nét đẹp?
 
Sống đời đi đạo, mọi đam mê/cảm xúc vẫn giúp ích rất nhiều người. Khi có được niềm đam mê sâu lắng trong yêu thương, thì việc ấy sẽ giúp mọi người nguyện cầu/hành thiện, cũng không khó. Bởi, nếu ai có được cảm xúc mê say yêu Chúa rất đích thực, thì khi gặp cảnh khô khan nguội lạnh, lại có thể dễ rời xa Chúa hiện diện nơi người anh em mình được nhỉ?
 
Thành thử, muốn hiện thực cuộc sống hài hoà, trong Đạo/ngoài đời, có lẽ người người cần quyết chí/quyết tâm đi theo Ngài. Cần đến tình yêu Thiên Chúa rất mãnh liệt. Có như thế, mọi người  mới có thể yêu thương người khác, theo tinh thần Phúc Âm, Chúa vẫn dạy.
 
Cũng thế, ai ai cũng đều thấy mình dễ nổi nóng, dễ ghét cay ghét đắng kẻ làm hại đời mình. Ai ai cũng chỉ muốn xử tốt với người mến mộ/thương yêu mình, thôi. Nói như thế, e có người sẽ phản đối, mà bảo rằng: đối xử tốt với kẻ thù, có thể chỉ là thái độ của kẻ phô trương, giả hình? Chú, nào đã yêu, đã thương thật lòng?
 
Để trả lời, có lẽ cũng nên bảo: không phải lúc nào cũng thế. Đôi khi, cũng nên coi thái độ ấy là động thái của người cố gắng trở thành người Công giáo, rất đích thự. Cố gắng sống hiền lành, như thánh nhân. Tức, những vị dễ ngâm nga hát câu “Đời êm như tiếng hát của lứa đôi”.
 
Quả thật, đời bạn/đời tôi dù có hát hay không câu “đời êm như tiếng hát của lứa đôi”, thì xin bạn/xin tôi, ta hãy để đó mọi sự, hạ hồi sẽ tính. Nay, chỉ nên tính mỗi điều, là: ta cứ nhẹ nhàng bước vào khung trời của truyện kể, có đoạn kể rất “nhẹ”, để cho qua đi, mọi hờn căm. Giận dữ.
 
Vậy thì, hỡi bạn và hỡi tôi, ta hãy cứ để lòng mình trùng xuống, mà thư giãn và thưởng thức truyện kể nhè nhẹ, về tình và cảnh của đôi tân hôn còn rất mới, như sau:
 
“Khách khứa đã ra về. Còn lại ở buồng cưới, có mỗi vợ chồng trẻ đang nâng ly hợp cẩn cùng nhau uống. Uống rồi, nhìn nhau say đắm hồi lâu, chú rể hăng hái giục:
-Thôi, ta vào việc đi em!
Cô dâu bẽn lẽn, cứ nhỏ nhẹ:
-Sao mà vội thế? Còn sớm mà anh!
Chú rể càng nôn nón:
-Sớm gì nữa, cũng đã mười giờ rồi chứ ít gì!
Cô dâu xấu hổ, cứ ôn tồn bảo:
-Nhỡ ai gọi cửa thì phiền lắm!
Nghe thế, chú rể càng nóng lòng:
-Giờ này chẳng còn ai quấy rầy mình nữa đâu. Thôi nhanh lên đi em! Anh chịu không nổi nữa rồi!
Thấy thế, cô dâu càng rụt rè, vội bảo:
-Thế thì… anh tắt đèn đi vậy. Để đèn sáng, xấu hổ lắm!
-Ơ kìa. Sao lại phải tắt đèn? Tắt đèn thì làm sao… ừ, làm sao đếm tiền được cơ chú?!? 
 
“Tắt đèn”, dù để đếm tiền, vẫn xin anh/xin chị cũng hãy nhớ: chớ nên tắt thứ lửa ngọn yêu thương, Chúa căn dặn. Bởi, khi tắt lửa ấy, ví dù ta có ca hay hát rất nhiều lần câu yêu đương mà nghệ sĩ Cung Tiến từng viết, người người cũng chẳng thể nói: “Đời êm như tiếng hát của lứa đôi”, được nữa rồi.
 
Lứa đôi nào, chứ đôi lứa trên, chỉ muốn tắt thứ lửa điện với đèn đóm, chứ nào đã tắt thứ lửa “tiền”, tạo êm cuộc đời vật chất, những là tất bật?
Tắt một lời, lửa yêu thương mà người người từng nghe dặn, là nền tảng cuộc sống sáng soi mọi người. Để sống đời. Nhất là đời mình và đời người, đi Đạo. Tức, những đấng bậc chỉ muốn sống hiền hoà với mọi người. Trong yêu thương.
 
 
Trần Ngọc Mười Hai      
Xin được nhớ mãi
Lời Thầy dặn,
vẫn như thế.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.