Một lần nữa Thánh Linh cho chúng ta hay tỏ tường sự hiện diện và họat động của Ngài trong Giáo Hội.
1. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CẦN GÌ HƠN HẾT?
Xn thưa ngay: cần KHÓ NGHÈO, cần thật sự sống khó nghèo về vật chất,rủ bỏ hết những gì làm vương vấn bản chất của Giáo Hội và của mỗi tín hữu Công Giáo, sống theo đòi hỏi của Tin Mừng, sống theo Bát Phúc, tóm lại SỐNG THEO VÀ SỐNG NHƯ CHÚA GIÊSU KITÔ: NGHÈO! Sống nghèo khó là đi ngược với tinh thần thế gian, thoát mọi cạm bẩy thế gian giăng ra. Sống khó nghèo mới có thể cải hoá thế gian,đang đắm chìm trong xa hoa,truỵ lạc,sa đoạ. Các chức sắc hàng Giáo phẩm,giáo sĩ đã nói quá nhiều về Đức Khó Nghèo, nhưng thật sự dạy và sống khó nghèo vật chất thì thế nào? Người ta viện “tin thần khó nghèo”,để rồi lẫn tránh cuộc sống nhiệm nhặt,khó nghèo trong mọi hưởng thụ thế gian (xe cộ,nhà cửa,ăn uống,tiện nghi,..). Vô số lý lẽ được đưa ra,để rồi cuối cùng TẬP THỂ tín hữu Công Giáo mọi đấng bậc KHÓC THƯƠNG CHÔN CẤT ĐỨC KHÓ NGHÈO,”Chị Khó Nghèo”,theo cách nhìn của Thánh Phanxicô Atxidi, Đấng mà Tân Đức Thánh Cha chọn làm niên hiệu,cũng là đường lối Người chọn theo và chọn cho Giáo Hội.
Vào thế kỷ 12,nhìn toàn cảnh Giáo Hội Công Giáo,những ai còn một chút tâm huyết cũng thấy đau lòng trước cảnh tượng tan nát,thảm hại,gần như vô phương cứu chữa của Giáo Hội: nạn mua quan bán chức,đời sống giáo sĩ và tu sĩ sa sút,truỵ lạc,bất xứng;nhà thờ hoang phế,thành hang trộm cướp. …Mọi sự tưởng chừng tuyệt vọng,thì Chúa Thánh Linh cho thấy Người vẫn hoạt động mạnh mẽ trong Giáo Hội. Xuất hiện hai vị Thánh cùng đề cao CUỘC SỐNG KHÓ NGHÈO là phương thuốc duy nhất để vực dậy một cơ thể bệnh hoạn của Giáo Hội: Thánh Đa Minh và Thánh Phanxicô Khó Khăn. Và như ngọn lửa bùng cháy,đời sống khó nghèo VẬT CHẤT đã mau chóng làm thay đổi cả NỘI TÂM lẫn DIỆN MẠO Giáo Hội.
Vào thế kỷ 18 và 19,nước Pháp,thành trì Công giáo,Trưởng Nữ Giáo Hội,lại rơi vào tình trạng thê thảm đó. Nhưng Giáo Hội Pháp không có may mắn gượng dậy được. Hai cuộc cách mạng 1789 và 1848 đã chôn vùi Giáo Hội Pháp,mà nguyên nhân cũng chỉ là một: bỏ đời sống khó nghèo,chạy theo quyền quý,xa hoa,đánh mất hoàn toàn sự kính trọng không chỉ của xã hội,mà chính của tín hữu: người ta xa lánh nhà thờ,xa láh giáo sĩ,xa rời Phúc Âm và Bí Tích. Giáo Hội Pháp thoi thóp như hấp hối. Suốt cả thế kỷ 20,tình hình cũng không sáng sủa hơn,mặc cho nhiều nỗ lực của hàng giáo phẩm Pháp. Đức Mẹ Lộ Đức không thể làm gì nhiều cho Giáo Hội Pháp,khi chính họ không tự cứu mình. Với việc dám nói lên sự thật và lập trường Giáo Hội về Sự Sống,Hôn Nhân,Gia Đình,chống lại lập pháp, các Mục Tử Pháp đã tìm lại được phần nào uy tín. Mong rằng với Đức Khó Nghèo ĐƯỢC SỐNG, Giáo Hội Pháp sẽ đứng lên mạnh mẽ.
.
2. NHÌN THẤY GÌ NƠI NIÊN HIỆU TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG MỚI?
a) Bối cảnh cuộc bầu chọn Giáo Hoàng.
– Sau 35 năm “mất” ngôi Giáo Hoàng,rõ ràng “người” Ý vẫn đang bị chia rẽ “trầm trọng”:với 28 phiêu bầu,nếu người Ý đoàn kết,thì việc “chiếm lại” ngôi Giáo Hoàng không phải quá khó;mà nếu không giành lại được,thì với gần ¼ số phiếu,cuộc bầu chọn cũng sẽ giằng co,kéo dài nhiều ngày.Sự thể hoàn toàn khác! Một vị Giáo Hoàng “lạ” xuất hiện,chóng vánh đến gây ngỡ ngàng. Càng ngỡ ngàng hơn,khi niên hiệu PHANXICÔ ĐỆ NHẤT được loan báo. Nghĩa là khởi đầu mọi sự.Nghĩa là từ nay Giáo Hội sẽ được hướng dẫn TÌM LẠI CỘI NGUỒN,tìm lại CUỘC SỐNG KHÓ NGHÈO,CUỘC SỐNG CỦA CHÍNH CHÚA GIÊSU KITÔ,mà Người muốn cho Giáo Hội đi theo. Điều nầy chỉ có thể cảm nhận và giải thích bằng SỨC MẠNH TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH LINH,NGÔI BA.
Từ nay,ở Roma sẽ có hai “giáo hoàng”: Một Giáo Hoàng Áo Trắng là Chủ Chăn Giáo Hội. và một “giáo hoàng” Áo Đen, .danh hiệu mà người ta thường dùng để gọi Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, vì Đức Thánh Cha PHANXICÔ I cũng là tu sĩ Dòng Tên. Dòng Tên hiện có 19.200 tu sĩ hoạt động trong 70 quốc gia trên thế giới.Bề Trên Tổng Quyền hiện nay là Adolfo Nicolas
b. Tập hợp sức mạnh của các dòng tu.
Không biết nguồn gốc và hình thành của đơn vị GIÁO XỨ có tự bao giờ. Là một đơn vị hành chánh và thừa hành, Giáo Xứ góp phần rất lớn trong tổ chức hữu hình của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương. Nó tạo một cái khung vững chắc,tập hợp các tín hữu thành một khối rõ ràng,được phân công cụ thể,quản lý và điều hành chặt chẽ một cộng đoàn phụng vụ. Giáo xứ giúp kháng lại những tấn công từ bên ngoài. Lãnh đạo giáo xứ là một linh mục quản xứ,có thể được trợ giúp bởi một hay nhiều linh mục phó xứ.
Nhưng với sự phát triển công kỹ nghệ và sự ồ ạt tiến về thành thị của lớp trẻ công nhân,trí thức, giáo xứ không còn kiểm soát được đời sống của một bộ phận lớn các tín hữu và không có thể hỗ trợ họ trước những ảnh hưởng của nếp sống,nếp nghĩ mà họ gặp và sống hằng ngày. Biết bao người mất đức tin hoặc xao nhãng đời sống đạo đức,bí tích. Ngoài ra, hình thức tổ chức chặt chẽ của giáo xứ cũng vô hình chung cản trở công cuộc truyền bá Tin Mừng. Cuối cùng,người nghèo nói chung vẫn chưa được thật sự quan tâm. Các linh mục triều được đào tạo để thi hành thừa tác vụ một cách thoả đáng,vừa pha truyền thống(nghĩa là làm theo lớp người đi trước),vừa “tự biên tự diễn”,dẫn đến tình trạng không giáo xứ nào giống giáo xứ nào và vẫn nặng về hình thức.
Muốn phá vỡ một tổ chức như thế,là điều không tưởng, dù ở một số quốc gia,một số nơi, nhiều giáo xứ đã phải đóng cửa vì con số giáo dân quá ít,không đủ khả năng bảo dưỡng nơi thờ phượng hoặc vì do nạn thiếu linh mục ngày càng trầm trọng. Giáo Hội chỉ có thể vừa duy trì và củng cố đơn vị giáo xứ,vừa sử dụng một lực lượng luôn sẵn sàng và được trang bị đầy đủ,để tiến công trận chiến Truyền Bá Tin Mừng,chống lại những mưu toan của Satan và các thế lực xấu xa. Lực lượng ấy,sức mạnh “dự bị” ấy chính là CÁC DÒNG TU với hàng triệu nam nữ tu sĩ đầy nhiệt huyết,nhưng chưa được sử dụng hoặc chưa được sử dụng đúng đắn.
So với 227.000 linh mục triều (65%),thì con số 125.230 linh mục Dòng (35%) không phải là nhỏ. Con số nầy sẽ hùng hậu khi thêm vào hơn 750.000 nữ tu và gần 60.000 trợ sĩ. Trong các Dòng Tu lớn,phải kể đến “Tứ Trụ”,gồm Dòng Tên,Dòng Phanxicô ,Dòng Đa Minh và Dòng Chúa Cứu Thế. Mỗi Dòng đều có những nét riêng biệt,nhưng đều hướng về việc truyền bá đức tin và phục vụ người nghèo. Nếu thế mạnh của Dòng Tên và Dòng Đa Minh là những phương cách tiếp cận độc đáo với các nền văn minh,văn hoá để gieo hạt giống Tin Mừng, thì Dòng Phanxicô và Dòng Chúa Cứu Thế luôn len lõi,đi sâu vào những tầng lớp dân chúng nghèo và phục vụ họ. Bên cạnh đó,sự hỗ trợ mạnh mẽ và công hiệu của các Dòng Tu Chiêm Niệm sẽ luôn gia tăng sức mạnh chiến đấu cho các chiến sĩ Phúc Âm. Gần một triệu nữ tu đang hoạt động trong mọi lãnh vực,sẽ giúp duy trì và củng cố những thành quả đạt được. Ngoài ra,trong Giáo Hội,còn có các Hội, các phong trào Giáo Hội (mà đáng tiếc thay các hoạt động vẫn đang bị hạn chế do sự nghi ngại của một số đông các Mục Tử).
Một Giáo Hoàng tu sĩ Dòng Tên chọn niên hiệu từ Thánh Tổ Dòng Anh Em Hèn Mọn, cũng có thể nhìn thấy Người muốn thực hiện quyết liệt hơn hai biến cố do Vị Tiền Nhiệm đề ra : Năm Đức Tin và Công Cuộc Tân Phúc Âm Hoá. Muốn thực hiện hai việc nầy, ngoài tổ chức Giáo phận và giáo xứ, Đức Thánh Cha sẽ phải tập hợp sức mạnh của các DÒNG TU,của các tu sĩ, mà lời khấn VÂNG LỜI – KHIẾT TỊNH – KHÓ NGHÈO,để phục vụ Chúa,Giáo Hội và anh em, là tất cả ý nghĩa của đời tận hiến.
3. Nghèo khó không thể chỉ bằng lời nói.
Những ngày qua,truyền thông trong và ngoài Giáo Hội không ngừng đưa tin về biến cố trọng đại nầy của Giáo Hội Công giáo nói riêng và của toàn thế giới nói chung: việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng là một người Nam Mỹ và niên hiệu Phanxicô I của Người. Người ta nhấn mạnh đến cuộc sống ĐƠN SƠ và NGHÈO KHÓ của Người và chẳng ngạc nhiên gì khi một tu sĩ Dòng Tên lại lấy niên hiệu là PHANXICÔ,vì quả thật cuộc sống của Người giống một môn đệ của Thánh Phanxicô Atxidi hơn là môn đệ của Thánh Inhatiô Loyola.
Thật khó hình dung một vị Tổng giám mục của Tổng giáo phận với hơn 2,5 triệu tín hữu,mà ở một căn hộ nhỏ,đi xe buýt để làm mục vụ và tăm viếng người nghèo,tự nấu nướng (và cũng có thể hiểu là tự giặt giũ). Hình ảnh một Tổng giám mục rửa và hôn chân những bệnh nhân sida,không chỉ gợi lên hình ảnh Thánh Phanxicô Khó Khăn chăm sóc các bệnh nhân phong cùi,mà còn gợi lại hình ảnh của người nữ tu vĩ đại,Chân Phước Mẹ Têrêxa Calcutta, mà cả thế giới ngưỡng mộ,bất kể là đảng phái,chế độ,chính kiến nào. Bằng cuộc sống bình dị,gần gũi và yêu thương người nghèo,Đức Thánh Cha Phanxicô I muốn Giáo Hội đi lại con đường Chúa Giêsu đã đi,sống lại cuộc đời Chúa Giêsu đã sống : sống khó nghèo và chết khó nghèo,như lời Đức Thánh Cha đã nói: “Giáo Hội không thể bước đi mà không có Thánh Giá”, nghĩa là không đi theo Thánh Giá,không mang theo Thánh Giá,không chịu cực hình Thánh Giá. Muốn như thế,khởi sự phải sống KHÓ NGHÈO, không phải bằng những khẩu hiệu,những hô hào,những lời nói suông, mà là SỐNG KHÓ NGHÈO VỀ VẬT CHẤT, từ bỏ mọi tiện nghi và không tìm những lập luận để biện minh cho cách hành xử xa dần Đức Khó Nghèo của Phúc Âm. Không có nghèo khó,không thể có vâng phục và càng không thể giữ khiết tịnh.
KẾT LUẬN.
Một cuộc cách mạng?
Tại sao không?
Những cái “nhất” nơi Đức Tân Giáo Hoàng cho thấy Người muốn mở ra cho Giáo Hội một kỷ nguyên mới, thực chất là trở về nguồn,tìm lại tinh thần mà Chúa Giêsu muốn cho Giáo Hội của Người và đã được Giáo Hội nguyên thuỷ thực thi một cách hiệu quả và tốt đẹp. Đức Thánh Cha Phanxicô I cũng muốn noi gương Đức Giáo Hoàng Innôcentê III tin tưởng vào sự hồi sinh của Giáo Hội nhờ sự xuất hiện với lối sống từ bỏ hoàn toàn của Dòng Tu mới do một tín hữu lập ra (sau khi diện kiến Đức Innôcentê III, Thánh Phanxicô mới được phong Phó tế và được đọc Phúc Âm). Và quả đúng như thế, một sức ống mới đã bùng lên,làm thay đổi da thịt của một Giáo Hội già nua,hủ lậu, đang chìm vào những hủ tục,những dục vọng thế tục và đánh mất căn tính của mình.
Muốn có “cách mạng”, phải có con người cách mạng.
Đức Thánh Cha Phanxicô I là con người như thế, không rầm rộ,không dao to búa lớn,mà chỉ bằng cuộc sống,bằng gương sáng,bằng sức mạnh của lời cầu nguyện và việc phục vụ người nghèo. Chắc chắn sẽ có những chống đối từ ngay chính “nội bộ”, từ những giáo sĩ quen sống với tiện nghi,với quyền lực. Từ bỏ những thói quen đã ăn sâu và trở thành một não trạng, không bao giờ là dễ dàng,nhưng đó là cách duy nhất để là một môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, Đấng “không có cả một hòn đá để gối đầu”. Giáo Hội phải lột xác,trở về với sự nghèo khó. Môn đệ của Chúa Giêsu cũng phải từ bỏ chính mình,từ bỏ mọi của cải thế gian, để sống nghèo,để phục vụ người nghèo.
CHÚNG TA CÓ QUYỀN VUI MỪNG và HY VỌNG NHÌN THẤY SỰ CANH TÂN CỦA GIÁO HỘI, NHỜ VÀO THẦN LINH NGÔI BA, QUA SỰ CHĂN DẮT CỦA VỊ CHA CHUNG PHANXICÔ I.
TRONG NGÀY LỄ ĐĂNG QUANG,CHÍNH THỨC KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG MỚI, – ngày lễ kính Thánh Cả Giuse,19/03 – CHÚNG TA SẼ ĐƯỢC NGHE CỤ THỂ HƠN VỀ ĐƯỜNG LỐI MÀ VỊ ĐẠI DIỆN CHÚA KITÔ Ở TRẦN GIAN MUỐN CHO TOÀN GIÁO HỘI ĐI THEO.
Giuse Nguyễn-Thế-Bài
Giáo dân.
Views: 0