Uncategorized

Tin hay không tin?

Một triết gia nào đó đã nói một câu mà theo tôi rất ý nghĩa, nhưng hơi tiếc là tôi đã quên tên của vị này. Đại khái ông phát biểu như sau: “Tôn giáo là một cái gì nhảm nhí. Nhưng lại không ai có thể chối bỏ được cái nhảm nhí đó.”

 

Một triết gia nào đó đã nói một câu mà theo tôi rất ý nghĩa, nhưng hơi tiếc là tôi đã quên tên của vị này. Đại khái ông phát biểu như sau: “Tôn giáo là một cái gì nhảm nhí. Nhưng lại không ai có thể chối bỏ được cái nhảm nhí đó.”

 

Thật ra, tôn giáo không phải là một điều gì nhảm nhí. Nó chỉ nhảm nhí đối với những người có tư tưởng và suy nghĩ nhảm nhí về tôn giáo mà thôi. Còn lại không ai có thể chối bỏ được tôn giáo là một sự thật hiển nhiên. Lịch sử nhân loại cũng có thể nói là lịch sử của tôn giáo. Trong tất cả mọi nền văn minh nhân loại đều có bóng dáng tôn giáo. Người ta dù có dùng sức mạnh của quyền hành, của bạo lực, của đàn áp dã man, của tù đày, của chết chóc cũng không loại bỏ được tôn giáo. Trước đây Fre-drich Wil-helm Nietzche (1844-1900) đã cấp giấy khai tử cho Thượng Đế khi ông tuyên bố: “Thượng Đế đã chết”, nhưng chính ông đã chết, còn Thượng Đế đến nay vẫn sống và vẫn còn hiện hữu.

 

Thật ra Thượng Đế luôn hiện hữu và sống quanh ta, dù ta chấp nhận hay từ chối sự hiện hữu của Ngài. Chỉ cần nhìn vào công trình sáng tạo và điều hành vũ trụ của Ngài đã đủ để thấy Ngài cũng như hành động của Ngài như thế nào trên mọi tạo vật. Thí dụ, ngay khi ta đang hân hoan đón mừng Xuân mới. Ta không thấy “mùa xuân” nhưng ta biết là mùa xuân đã về khi nhìn vào sự thay đổi của vạn vật, của vũ trụ: Cảnh vật đổi mới, trăm hoa đua nở, ong bướn rộn ràng, chim ca hót líu lo, khí trời mát mẻ, và lòng người cũng cảm thấy thơi thới hân hoan. Người người chúc nhau trăm điều tốt đẹp, và hiển nhiên những điều tốt lành ấy không thể đến từ ngẫu nhiên hay tình cờ. Người có niềm tin thì bảo đó là do Thượng Đế, Thiên Chúa, Ông Trời, hay Tạo Hóa, và mùa xuân chính là công trình sáng tạo của Ngài.

 

Nhưng một câu hỏi mà có lẽ nhiều người vẫn thường tự hỏi, hoặc nghe hỏi, đó là liệu những điều không thiện hảo, những sự dữ và bất hạnh, tối tăm, giá buốt, nghèo khổ, bệnh tật và chết thì sao? Phải chăng những cái đó cũng đến từ Thiên Chúa? Rõ ràng nhất những sự việc thường xảy ra quanh ta mà ta không thể nào có thể qui hướng về Thiên Chúa được một khi công nhận Ngài là Thiên Chúa, là Thượng Đế toàn năng và nhân từ. Thí dụ, tại sao người này người khác phải khổ, phải đau ốm mà cầu xin mãi không khỏi? Tại sao đã có kẻ đói khổ mà còn có kẻ giầu sụ? Tại sao có người suốt đời làm lành, làm phước mà không được Trời đãi ngộ; ngược lại, có những kẻ suốt đời làm việc gian ác, xấu xa mà lại hưởng vinh hoa phú quí, được mọi người tung hô vạn tuế?

 

Chuyện kể về một mẩu đối thoại rất hay và đầy ý nghĩa giữa vị giáo sư triết vô thần và một sinh viên khoa học hữu thần. Câu truyện cũng xoay quanh chủ đề tin hay không tin với lối giải thích dựa vào những dẫn chứng khoa học có tính cách thuyết phục rất cao.

 

Trước hết người sinh viên này phải đối diện với câu hỏi mà vị giáo sư dựa vào lý luận của giác quan như nghe, thấy, nếm, ngửi, sờ, mó. Ông hỏi các sinh viên của ông:

 

– Có ai đã được nghe, thấy, nếm, ngửi, sờ, mó Chúa Gisêsu chưa mà lại tin như vậy?

Để trả lời, người sinh viên đã quay sang các bạn cùng lớp và cũng nêu lên câu hỏi:

 

– Ai trong các bạn có bao giờ thấy được bộ óc của giáo sư? Có nghe được bộ óc của giáo sư? Hay là cảm giác được bộ óc của giáo sư chưa?

 

Rồi sinh viên này tự kết luận:

 

– Chắc hẳn là không ai cả. Vậy theo luật khảo cứu và chứng minh của khoa học, giáo sư không có bộ óc. Và nếu dựa vào những dẫn chứng khoa học để xác nhận rằng vị giáo sư của chúng ta không có bộ óc thì làm sao chúng ta có thể tin cậy được những điều mà ông đang thuyết giảng đây?”

 

Tiếp theo, sinh viên này đã dùng kiến thức khoa học của mình để phân tích và trả lời câu hỏi về định luật hàn và nhiệt.

 

– Có nhiều thứ nhiệt, đa nhiệt lượng, siêu nhiệt lượng, đại nhiệt lượng, tiểu nhiệt lượng, vô tận nhiệt lượng, vô nhiệt lượng, nhưng không có thứ gì gọi là “hàn lượng”. Ta có thể đưa hàn độ xuống 458 độ F dưới zero. Mỗi cơ thể hay vật thể chỉ nghiên cứu được khi truyền năng lượng, và nhiệt là thứ đã làm cho cơ thể hay vật thể có thể truyền năng lượng. Độ không tuyệt đối (-458F) là sự hoàn toàn vắng mặt của cái gọi là “nhiệt”. Như vậy hàn, sức lạnh chỉ là chữ dùng để nói lên sự thiếu vắng của nhiệt mà thôi. Ta không thể đo hàn độ. Nhiệt độ có thể được đo bằng các đơn vị của hàn-thử-biểu. Hàn thì không phải là đối nghịch với nhiệt, mà nó chỉ là sự vắng mặt của nhiệt.

 

Còn phân biệt giữa ánh sáng và tối tăm?

 

– Thật ra tối tăm không phải là điều hay sự gì cả. Nó chính là sự vắng mặt của điều gì đó. Ta có ánh sáng thấp, ánh sánh bình thường, ánh sáng rực rỡ, ánh sáng chớp nhoáng, nhưng nếu liên tục mà không có ánh sáng, thì gọi đó là bóng tối? Đó là cái nghĩa dùng để định nghĩa cho cái từ đó. Trong thực tế, bóng tối không có hiện hữu. Nếu nó hiện hữu thì ta đã làm cho bóng tối càng tối hơn.

 

Và sự khác biệt giữa sống và chết. Đã sống rồi tại sao còn có chết? Chỉ là dựa trên luật đối tính. Nhưng sinh viên này không dừng lại ở sống và chết theo lý luận đối tính, mà vươn cao hơn để minh chứng niềm tin của mình.

 

– Không thể có một Thiên Chúa xấu và một Thiên Chúa tốt. Nhận định như vậy có khác chi coi Thiên Chúa là một cái gì hữu hạn có thể đo lường được. Thí dụ, khoa học dùng điện lực và từ trường, nhưng có bao giờ thấy nó đâu, chứ đừng nói đến chuyện hiểu thấu được chúng một cách hoàn toàn. Nhìn Sự Chết như là đối nghịch với Sự Sống là ta không hiểu biết đến sự kiện là tự trong bản chất Sự Chết không hề hiện hữu. Chết không phải là điều gì đối nghịch với Sống, mà chính là sự vắng mặt của Sự Sống.

Thế còn người bởi khỉ mà ra anh nghĩ sao?

 

-Thật ra, không một ai đã từng quan sát tiến trình của sự tiến hóa thực sự diễn ra hay không, và cũng lại càng không chứng minh được cái tiến trình này là một điều gì đang cố gắng hình thành.

Còn làm thế nào để giải thích sự khác biệt giữ thiện và ác? Điều ác không hiện hữu, hay ít nhất là nó không hiện hữu trong tự thân. Vẫn theo sinh viên này:

 

– Điều ác chỉ giản dị là Sự Vắng Bóng của Đức Chúa Trời. Là sự vắng mặt của Thượng Đế. Cũng giống như bóng tối, sự lạnh lẽo, chỉ là những từ ngữ người ta đặt ra để diễn tả sự vắng mặt của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã không tạo ra điều ác. Điều ác chỉ là hậu quả xảy ra, khi con người không có tình yêu của Chúa trong trái tim họ. Nó giống như sự lạnh lẽo chỉ đến khi không có sự hiện diện của sức nóng, và bóng tối chỉ đến khi nào không có ánh sáng.

 

Người sinh viên ấy có lý khi đưa ra kết luận rằng đức tin hiện hữu cùng với sự sống. Và sinh sinh viên đó chính là cha đẻ thuyết Tương Đối sau này, Albert Einstein (1879-1955). Đúng như nhà toán học, vật lý học và triết học người Pháp, Blaise Pascal (1623-1662) đã nói: “Khoa học nông cạn làm ta xa Chúa. Khoa học tinh thông làm cho ta gần Chúa.”

 

Ghi chú:

Mẩu đối giữa người sinh viên và giáo sư được trích dẫn và hiệu đính từ tác phẩm “Câu chuyện Khoa Học về cha đẻ thuyết Tương Đối” do TG chuyển ngữ đã được phổ biến rộng rãi trên nhiều trang nhà điện tử. Tác giả xin chân thành cám ơn dịch giả TG.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.