Phần II
Giáo Hội Công Giáo với xu hướng ly dị, tiêu hôn và tái hôn của thời đại mới !
Đứng trước xu hướng tan rã của các gia đình Công Giáo, các riềng mối xã hội chao đảo, vì sau ly hôn cuộc sống của các gia đình thay đổi khiến cho các chức năng của gia đình cũng bị ảnh hưởng đến như: lãnh vực kinh tế, giáo dục hình thành nhân cách, thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, và các đòi hỏi thuộc đức tin.
Đứng trên những cải cách và những tranh luận về tín điều, đạo lý, luân lý và mục vụ để giải quyết vấn nạn tiêu hôn, và tái hôn dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Linh, Giáo Hội xác quyết rằng hôn nhân là một Bí Tích Thiên Chúa thiết lập, một dấu bề ngoài tượng trưng cho ơn thánh bên trong. Công Giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới không chấp nhận ly dị, vì “điều gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”. Nhưng theo các nhà Giáo Luật, dù đôi bạn thành hôn theo nghi thức phụng vụ không nhất thiết là Bí Tích Hôn Phối thành tựu. Bí Tích Hôn Phối chỉ hiện thực khi đôi bên có chủ ý ngay thật và trọn vẹn khả năng để sống đời hôn nhân thủy chung, hy sinh vững bền và sinh sản, giáo dục con cái.
Như vậy ly dị đồng nghĩa với tiêu hôn (dissolution of a marriage). Đó là quan điểm chung xưa nay vẫn được mọi người nhìn nhận. Và với nghĩa ấy, thật khó có thể nói ly dị là không có tội, vì thế 19 tháng 3 năm 2016, ĐTC Phanxico đã viết trong Tông Huấn hậu Thượng HĐGM mang tựa đề ”Amoris laetitia”:
“…những khó khăn trong đời hôn nhân là căn bệnh cần được chữa trị bằng mục vụ hơn là bằng một lời phủ nhận cuộc hôn phối chân thật. Mối dây hôn phối có thể thành tựu cho dù có nhiều khó khăn, nếu tuyên bố cuộc hôn nhân này bất thành khó có thể tránh tổn thương chân lý và một cách nào đó phá hoại nền tảng vững chắc của đời sống cá nhân, hôn nhân, và xã hội.”
Vì thế đối với một số vấn đề, “tại mỗi nước hoặc miền có thể tìm kiếm những giải pháp hợp với văn hóa hơn, chú ý đến những truyền thống và những thách đố địa phương. Thực vậy, “các nền văn hóa rất khác nhau và mỗi nguyên tắc chung cần được hội nhập vào văn hóa địa phương, nếu muốn được tuân giữ và áp dụng” (AL 3). Nguyên tắc hội nhập văn hóa này thực là quan trọng cả trong cách thức đặt và hiểu các vấn đề, vượt lên trên những vấn đề tín lý đã được Huấn Quyền của Giáo Hội định tín, đến độ không thể “hoàn cầu hóa chúng”.
Nhìn lại con số thống kê về tệ nạn li dị trên thế giới ngày nay, chúng ta không khỏi ngán ngẩm cho gia đình, cho xã hội, và cho văn hóa của “sự chết”.
Tại Hoa Kỳ, trung bình cứ hai đám cưới thì có một đôi ly dị.
Năm 2000, tính trung bình, mỗi năm con số ly dị gia tăng tới 250.000 người. Trong số 9 triệu người ly dị này, có tới 80% tái hôn, nhưng chỉ có 10% đã tái hôn theo đúng luật lệ của Giáo Hội.
Theo bảng tổng kết mới nhất của Cơ Quan Nhân Khẩu học thuộc Liên Hiệp Quốc, đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước tốc độ gia tăng ngoài sức tưởng tượng của tình trạng tan vỡ hạnh phúc gia đình. Theo đó, tại 27 nước châu Âu có hơn 1 triệu cặp vợ chồng ly dị trong 1 thập niên qua. Hiện nay, ở châu Âu gần giống như Hoa Kỳ, tỷ lệ ly dị tiến gần đến mức 1/2, tức là cứ hai cặp kết hôn thì có một cặp vợ chồng tan vỡ hạnh phúc.
Riêng đối với khu vực châu Á, chưa bao giờ tình trạng ly dị tại đây lại phổ biến như hiện nay. 20 năm qua, tỷ lệ này ở các nước trong khu vực tăng lên gấp 2-3 lần, vượt trên cả một số nước châu Âu. Các nước châu Á vốn có truyền thống lấy gia đình bền vững làm nền tảng lại bùng phát hiện tượng này. Thậm chí Ấn Độ, một đất nước còn nặng truyền thống “xuất giá tòng phu” thì tỷ lệ này cũng ngày một tang và như Hàn Quốc hiện đã trở thành nước có tỷ lệ ly hôn cao thứ ba toàn cầu.
Nếu như Mỹ và các nước Châu Âu là 49-50% tỉ lệ ly dị, thì Việt Nam những năm gần đây con số đã vượt đến ngưỡng báo động là 40% trung bình, cứ ba vụ ly dị thì có một vụ do nguyên nhân ngoại tình. Trên thực tế, tỷ lệ này hẳn sẽ còn cao hơn, nếu tính tới các trường hợp “khéo chùi mép” hoặc tha thứ và hàn gắn.
Một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc về tình trạng ly dị ở các nước châu Á cho thấy mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn, các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo hành gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và xa nhau lâu ngày (1,3%). Tỷ lệ ly dị cao khiến nhiều trẻ em không được nuôi dạy trong gia đình truyền thống hay cách chọn làm mẹ đơn thân của nhiều phụ nữ đã làm thay đổi nền tảng một gia đình. Ngoài ra, ý nghĩa hôn nhân ngày càng trở nên phức tạp, khi ở một số nơi, người ta cho phép những cặp tình nhân đồng giới kết hôn và được pháp luật công nhận.
Theo tuần báo Time số ra ngày 15/09/2000, 12 nước có tỉ lệ li dị cao nhất là:
Nga (65%), Thụy Ðiển (64%), Phần Lan (56%),
Anh (53%), Hoa Kỳ (49%), Canada (45%),
Pháp (43%), Ðức (41%), Israel (26%),
Hy Lạp (18%), Tây Ban Nha (17%) và Ý (12%).
Còn đối với li dị, tiêu hôn và tái hôn trong Giáo Hội Công Giáo, trong một thống kê cho thấy, tổng Giáo Phận Los Angeles với 5 triệu giáo dân, mỗi năm tòa án hôn phối ban phép 1.000 vụ tiêu hôn trong khi 13.000 thỉnh nguyện không được cứu xét. Năm 1983 người ta ước tính có chừng 8 triệu người Công Giáo ly dị. Năm năm sau đó 1999, con số này đã tăng lên tới 9 triệu.
Theo thống kê của Tòa Thánh trong năm 2000, 30% tổng số vụ tiêu hôn tại Hoa Kỳ dính líu đến những cặp vợ chồng hoàn toàn ngoài Công Giáo. Có nhiều đôi vợ chồng theo Do Thái Giáo rồi ly dị và sau đó một người muốn kết hôn với người Công Giáo. Giáo Hội phải xác nhận cuộc hôn nhân kia bất thành trước khi người Công Giáo thành hôn với người đã ly dị. Do đó, con số tiêu hôn cho những đôi vợ chồng hoàn toàn Công Giáo ở Mỹ không cao hơn các quốc gia khác.
Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Tỷ lệ ly hôn trong độ tuổi từ 18-60 là 2,6%, tỷ lệ này ở thành thị là 3,3%, ở nông thôn là 2,4% và tỷ lệ phụ nữ xin ly hôn cao gấp 2 lần so với nam giới. Trên 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ chồng trong độ tuổi từ 22-30. Trong đó, có trên 60% ly dị khi mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con. Số vụ ly dị đang tăng nhanh. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly dị thì đến năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ. người vợ đứng đơn ly dị chiếm 70%, tăng gấp 2 lần so với người chồng đứng đơn.
Riêng các cặp Công Giáo ly dị, tiêu hôn là 21% rơi nhiều vào các cặp vợ chồng có người là “tân tòng”, có người là “phép chuẩn”, và người hưởng Đặc Ân Thánh Phao Lô. Con số nộp đơn tiêu hôn rất cao ở các giáo phận miền Bắc cũng như miền Nam, nhưng tỉ lệ chấp thuận cho tiêu hôn qua tòa án Hôn Phối chỉ là ẩn số ???
Tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ” hay “lạm bàn” về các nhà chú giải Thánh Kinh hay Luật Hội Thánh vì mình thật không xứng cũng như không có ý kiến về “các đấng” cứ phán y như ý của Thiên Chúa vậy về Hôn nhân, tiêu hôn, tái hôn trong Công Giáo mà không bao giờ làm việc “mục tử” thấu đáo cho những người đau khổ đó. Nhưng điều tôi muốn chia sẽ ở đây là lời Chúa và là lời hằng sống, mà qua lời Ngài ai hiểu được bao nhiêu và hưởng nhờ được ơn ích bao nhiêu còn tùy nơi sự cầu nguyện và soi dẫn của Chúa Thánh Thần như Đức Thánh Cha Phanxico đã từng đã nói: “Không có tội lỗi nào mà Thiên Chúa không tha thứ, chỉ những gì tách lìa ra khỏi Lòng Thương Xót Chúa thì không thể được tha…”
Giáo Hội Công Giáo là một tổ chức được lãnh đạo do Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục hiệp thông với Ngài. Giáo Hội Công Giáo trong khi vẫn duy trì lập trường thánh thiện “bất khả phân ly” của Bí Tích hôn nhân như Matthew chương 19 câu 6 viết: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19:6) hay Matthew chương 19 câu 9: “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”(19:9)
Giáo Hội trung thành với lời của Ðức Kitô: “Ai bỏ vợ và cưới người khác, là phạm tội ngoại tình; ai bỏ chồng để lấy người khác thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mc 10: 11-12). Nếu hôn nhân lần đầu đã thành sự, nếu không tiêu hôn theo đúng Giáo Luật mà tái hôn, Giáo Hội không thể công nhận mối liên kết mới là thành sự và chúng ta vẫn sống trong trăn trở và không hiệp thông cùng Giáo Hội.
Nếu như chúng ta tìm hiểu sâu xa, hoàn cảnh của những đoạn Phúc Âm trên, những người Pharisiêu hỏi như thế là để thử Đức Giêsu – Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” nghĩa là đặt Người vào trong một tình huống khó khăn, để xem người này có nói sai hay hành động sai hay không nhằm kết án Người. Câu hỏi của những người Pharisiêu thực sự là một cái bẫy chết người, nếu Chúa Giêsu trả lời không được phép, Ngài sẽ nói ngược với Luật Maisen, mà Luật Maisen đến từ chính Thiên Chúa. Nếu trả lời được phép, Ngài sẽ trở thành người đồng lõa với tệ nạn lạm dụng sự cho phép của Lề Luật để bỏ nhau, ly di một cách vô trách nhiệm và gây hậu quả sâu rộng.
Trong Matthew đoạn 19 câu 7 tới câu 12: Họ thưa với Người: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.” Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”
Chúng ta thấy Hôn Nhân Công Giáo là “bất khả phân ly” nhưng một trong hai hay cả hai đều cứng lòng, lòng dạ chai đá, ruồng rẫy vợ mình, chồng mình, hay ly dị, không tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa quan phòng cũng như không thể “Tha Thứ, Yêu Thương, Trung Thành, và Thánh Thiện” nữa thì sự ly dị, ly hôn trong những trường hợp này có được cho là đã phá bỏ lời Chúa về sự bền vững của hôn nhân không? !!
(Còn tiếp)
Views: 0