Nếu như các linh mục trong Năm thánh cứ rả rả trong nhà thờ kêu gọi “phải có lòng thương xót như cha trên trời”, phải có đức bác ái, mà lại quay mặt làm ngơ không xót thương và xoa dịu những tâm hồn ngập tràn trong đau khổ, tan thương vì gia cảnh hay gia đình tan nát, vợ con ly tán, thì những lời giảng dậy, hô hào ấy có nghĩa lý gì?
Tại sao lại có thể cho là “rối đạo”, hoặc “mất phép thông công” khi tham dự đám cưới của một người chưa tiêu hôn theo giáo lý Công Giáo?
Còn đối với người đã được tiêu hôn, nhưng vì lý do giấy tờ, hay thủ tục cần phải thực hiện một đám cưới dân sự trước khi chính thức cử hành nghi thức hôn phối sau khi đã đoàn tụ thì sao? Đây có phải là một đám cưới “rối đạo” không? Và những người tham dự có bị “dứt phép thông công không?”
Chúng ta không thể là người Công Giáo hay ngay cả làm người cũng “không ai làm thế” là không dự bữa “tiệc vui” của người ta là vì anh, chị rối đạo nên tôi không đi đám được!
Ai sẽ là người cho ra án lệnh này và ai sẽ phải giải án lệnh “dứt phép thông công” này? mà nghe qua như quá lỗi đức bác ái và tình người này ?
Câu trả lời rồi ra cũng lòng vòng và trở về bàn làm việc của “các đấng” trong Tòa Án Hôn Phối Địa Phận. Và Tòa Án Địa Phận thì lại tùy ở sự cắt nghĩa của người có trách nhiệm. Mà người có trách nhiệm thì mỗi người cắt nghĩa mỗi khác. Cuối cùng thì cũng qui về lời Chúa đã phán: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”. Chỉ vậy thôi, đau khổ, muộn phiền, thử thách ai mắc vào thì ráng mà chịu, chịu không được thì tùy, và tùy như thế nào thì lại sợ lơ mơ mất linh hồn sa địa ngục. Tóm lại, một vòng luẩn quẩn, vô cảm, không hề biểu tỏ lòng thương xót. Điều này cũng là lý do tại sao Giáo Hội đã có Thượng Hội Đồng Bất Thường về Hôn Nhân Gia Đình, và hậu quả là sẽ còn tiếp nối trong những bàn luận kế tiếp của Giáo Hội.
Có những trường hợp mà người trong cuộc (nạn nhân) của sự đổ vỡ và cũng là nân nhân của cái tiến trình chậm chạp, lạnh lùng, và thiếu nhất thống ấy đã phải lên tiếng, và nghĩ rằng quyền con người được luật pháp thừa nhận và Thiên Chúa càng thương xót vì thân phận mỏng giòn của chúng ta nên khi kết hôn, luật đời thường đòi hỏi sự trưởng thành và tự do kết hôn, với các người chứng; luật đạo, trong khi đó Giáo hội không những đòi hỏi sự trưởng thành, tự do kết hôn mà còn phải tham dự khóa dự bị hôn nhân trước khi làm lễ ở nhà thờ, và với linh mục và mọi người làm chứng…
Rồi khi “ cơm không lành, canh không ngọt”, “anh đường anh, tôi đường tôi”, luật đời tôn trọng sự tự do thoát ly nhau qua li dị và thực thi về luật con cái, luật tài sản…Còn Giáo Hội có ý tốt là muốn cho các cặp hôn phối thêm thời gian tìm hiểu sau khi chia tay do bất đồng, rồi tha thứ và quay trở về trong nguồn suối yêu thương gia đình và con cái; nhưng nếu cần để hóa giải một cuộc hôn nhân “không thành sự” tức là tiêu hôn thì đòi hỏi sự chia cắt này có lý do chính đáng, như phải chứng tỏ người phối ngẫu “chết”, “bệnh tâm thần”, “bất lực”, “ngoại tình có bằng chứng”, “vô trách nhiệm và abuse con cái”… v…v…vô hình chung dù muốn hay không các cặp hôn nhân không còn coi trọng lẫn nhau, hay đi nói xấu lẫn nhau, tìm chứng cớ để hại nhau cho bằng được để tiêu hôn, 3 người chứng tiêu hôn lại được mời vào cuộc, rồi tiền án phí cho Tòa tiêu hôn cao ngất ngưỡng hơn cả Tòa án đời thường!
Câu chuyện sau đây là một bằng chứng, ngày anh chính thức nhận tin cơ quan đề cử anh đi lao động hợp tác ở nước ngoài, cũng là ngày chị cấn bầu được 2 tháng…Niềm vui tràn ngập niềm vui, chị ủng hộ và khuyến khích anh cứ đi đi để có thêm kiến thức và thu nhập cho gia đình, chị sẽ về mẹ lo việc sinh nở rồi vài năm rồi cũng qua mau, gia đình chúng ta sẽ tốt đẹp thôi. Ngày tiễn anh đi chị nói trong nước mắt: “Em sẽ vì tình yêu, vì con và gia đình mà chờ đợi anh, anh hãy cố giữ gìn sức khỏe…”
Anh cũng tự hứa với lòng sẽ không phụ tấm lòng của chị, và cố gắng cho gia đình và cho con…
Nhưng sự đời không như bao người ước mong, những lúc anh bạo bịnh, tai nạn ở nơi làm, vì xa xứ, không người thân, chị xót xa, chạy khắp nơi để gởi tiền cho anh xài, điều trị…
Năm lại qua năm, anh khỏe lại, đi làm lại bình thường, thơ từ và phone rất thường xuyên về nhà trong tin yêu và âm cúng, chị vui đếm từng ngày vì anh sắp về…
Chị không quên được cái ngày định mệnh ấy, hôm ấy, bà trưởng phòng cơ quan anh ấy, một người quen trước kia của chị gọi diện thoại và hẹn gặp chị…Chị nôn nóng và háo hức vì thủ trưởng của anh ấy có lẽ sẽ thông báo ngày anh về chính thức hay báo sự đề bạt chức vụ sau khi anh đi làm xa về.
Chị đến văn phòng và vào phòng bà trưởng phòng, bà mời chị ngồi và từ tốn nói:
Chỗ chị em tôi nói cho em biết vì nếu không nói tôi cảm thấy ái náy sao ấy! Em có tin tưởng vào T chồng em tuyệt đối không ? Chị trả lời:
-Thưa bà với T em có lòng tin tuyệt đối vì anh ấy rất đàng hoàng và có trách nhiệm với gia đình.
Rồi với ánh mắt tròn se ngạc nhiên chị hỏi:
-Có gì với chồng em thế hả bà, bà nói thật cho em biết đi, em chịu đựng nổi mà!
Ánh mắt của bà trưởng phòng dừng trên khuôn mặt với dòng nước mắt lăng dài, bà chậm rãi nói:
– Nếu T, chồng em về nước, em đừng gần gũi hay quan hệ vợ chồng ngay, nên yêu cầu anh ta đi thử nghiệm máu, HIV, bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục…vì rất nhiều nguồn tin tôi biêt T đã quan hệ với rất nhiều người, Việt có, người bản xứ có, nên tôi cho em hay trước để đề phòng, và tùy em quyết định…
Đất dưới chân chị như xụp đổ, năm năm nay chị sống trong thương nhớ, túng thiếu, cực khổ lo cho chồng, cho con, đi làm và dành dụm chỉ mong ngày anh về đoàn tụ, nhưng anh đã dối chị, lừa dối và không trung tín trong hôn nhân…Chị ra về, lòng nguyện cầu Chúa soi dẫn cho chị trong những việc chị nói và làm trong những ngày tháng sắp tới khi anh về lại Việt Nam.
Sự gì đã đến sẽ đến dù đôi khi chị thật sự không muốn, chị và anh đã có những cuộc nói chuyện thẳng thắn, song phẳng, hay thậm chí còn nảy lửa giữa hai người. Anh dứt khoát không đi khám bệnh, không khám máu cho dù là khám cho chị vui…Chị đòi hỏi anh nói sự thật, khám máu và nhận lỗi…không thôi chị sẽ li dị. Thật bất ngờ và hụt hẫn, anh trả lời chị trong dao to búa lớn:
-Tôi sẽ không ký đơn li dị, nếu muốn tôi ký phải trả cho tôi 1000 dollars!
Chị giận quá trả lời thẳng:
-Tuần sau, tôi sẽ đưa đơn cho anh ký và cả tiền nữa.
Trong thâm tâm chị chỉ muốn thử xem sau một tuần anh có hối không để làm dịu lòng chị. Cả tuần trôi qua, anh vẫn đi làm, vẫn ăn uống , vẫn gọi điện thoại và vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, ừ hử và khinh khỉnh khi gặp chị…tuần thư hai vẫn thế, chị đã khóc hết nước mắt cho lòng người “đổi trắng, thay đen”, chị đến tòa án, xin mẫu đơn li dị, điền xong, chị vét hết trong nhà băng và mượn thêm mẹ và các bạn đổi đủ 1000 USD. Tối đến chị mời anh vào phòng nói chuyện, mặt vẫn khinh khỉnh, anh hỏi móc:
-Cô đã biết mình sai chỗ nào chưa, muốn xin lỗi tôi phải không?
Chị cố nén tiếng khóc, đưa cho anh tờ giấy ly hôn, 1000USD và nói:
-Anh ký vào giấy li dị, và cầm 1000USD như anh đã đòi với tôi. Chúng ta chia tay, tòa án sẽ liên lạc với anh sau, con tôi sẽ nuôi, không cần anh cấp dưỡng…
Anh gằn giọng:
-Cô nên nhớ là mọi chuyện do cô quyết định, không phải do tôi.
Anh ký vào đơn li di với sắc mặt lạnh lùng, cầm lấy 1000USD bỏ túi cẩn thận, đứng lên ra khỏi phòng, đóng xập cửa và không buồn ngoái lại…chị đã khóc, đã khóc, và đã khóc…
Bây giờ đứa con gái đã học lớp 11, hy sinh cả thời con gái, chị đã già rồi mà tiêu hôn công giáo vẫn chưa xong! Ba người chứng để tiêu hôn chứng minh anh ngoại tình, vì riêng tư, tế nhị thì không ai dám làm chứng, và đơn tiêu hôn hầu như giáo xứ không buồn nghe ngay từ 15 năm trước vì không hợp lệ… ai giúp chị đây, ngoài hội liên hiệp phụ nữ cho chị vay vốn những khoảng tiền chị trả góp hàng tháng vừa đi làm, vừa lo cho cả hai mẹ con. Không lẽ chị sai lầm một bước khi chọn người chồng là cả cuộc đời chị bị chôn vùi sao? Không lẽ lòng thương xót Chúa không đến được với tâm hồn đau khổ, cô đơn của chị sao? Ai đến với chị, hay chị quen ai chị đều cảm giác tội lỗi, không thoải mái, gò bó đến ngạt thở. Chị rất ít đến nhà thờ, không dám rước lễ mùa phục sinh, không đi xưng tội…
Giáo Hội, giáo xứ và cả chúng ta nữa đã trả lại gì cho chị sự công bằng trong lòng thương xót của Chúa cũng như quyền tự do “vươn lên chính mình” của chị hay chỉ là sự mỉm mai, xoi mói, nói bóng gió của các những người công giáo chung quanh, của các Bà Mẹ Công Giáo … khi chị có bất cứ người đàn ông nào đến giúp đỡ vì hàng ngàn lý do mà “Bà Góa” như chị cần đến.
Hiểu được hoàn cảnh của chị, tôi rất khâm phục và đồng thời cũng xót xa không kém, dũng cảm chấm dứt hôn nhân là một kinh nghiệm thật khó khăn, và ly dị, gia đình tan nát là một trong những thảm kịch của đời sống mà vết thương này không dễ đã phôi phai trong nhiều năm, thậm chí còn ảnh hưởng trầm trọng lên thể xác và tâm sinh lý của từng người như mất ngủ, không tập trung làm việc, bệnh tâm thần, mất job, homeless, nhậu nhẹt, nghiện chất kích thích, bài bạc, biến thái, tự tử…
Nhiều hôn nhân đã kết thúc qua việc ly dị, Giáo Hội Công Giáo cảm thông với sự đau khổ và căng thẳng do hôn nhân đổ vỡ đã gây ra cho tất cả những ai liên hệ, nhưng Giáo Hội Việt Nam đã thật sự tìm hiểu, đã vào cuộc và giúp đỡ cho những ai tìm đến hay chưa tìm đến nương cậy, đỡ nâng hay chưa? Đã có quá nhiều sự hiểu lầm về vấn đề tiêu hôn trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng Giáo Hội Công Giáo nhất là ở Việt Nam rất ư chậm, và mập mờ để thực thi hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình do ĐTC Phanxicô triệu tập trong năm 2014 và 2015.
(Còn tiếp)
Views: 0