Tôi bắt đầu cảm thấy đau ở bụng dưới, một cái đau không giống bất cứ cái đau nào tôi từng trải nghiệm. Thế rồi tôi bị chẩy máu. Máu thực sự phun ra từ trong tôi…
Tôi ngồi đấy hàng giờ, máu cứ chẩy, tứ tung vào thùng rác phòng tắm, chỉ biết khóc và đổ mồ hôi.
Đó là lời của Abby Johnson, nguyên giám đốc lâm sàng của tổ chức Planned Parenthood (phá thai), và hiện là một người tranh đấu phò sự sống. Bà có ý nói tới vụ phá thai của mình bằng cách sử dụng thuốc RU-486, cũng có tên là mifepristone. Bà hồi phục khỏi cơn ác mộng khủng khiếp này sau 8 tuần lễ đau đớn cùng cực, mất máu và kiệt lực.
Điều bất hạnh là trải nghiệm của bà không phải duy nhất. Ngay Liên Đoàn Phá Thai Toàn Quốc, một tổ chức bênh vực cho phá thai, cũng phải nhìn nhận rằng những phản ứng phụ như thế là chuyện thông thường chứ không phải ngoại lệ, đối với các vụ phá thai bằng thuốc mifepristone. Người ta thường gọi loại phá thai này là phá thai dùng thuốc (medical abortion). Ói mửa, đau đớn cùng cực, chẩy máu xối xả, ỉa chẩy, nóng lạnh đều là các triệu chứng của việc sử dụng mifepristone. Phản ứng phụ nổi tiếng dù ít phổ quát là ra máu đến độ đòi phải được truyền máu, bị làm độc và ngay cả tử vong.
Phương thức phá thai đầy tàn bạo này ở tam cá nguyệt đầu tiên đã được triển khai tại Pháp trong thập niên 1980. Nó vận hành bằng cách ngăn cản progesterone, một nội tiết tố chủ yếu để duy trì niêm mạc tử cung giúp cho việc phát triển của bào thai. Năm 2000, Cơ Quan Thực Phẩm và Thuốc Men (FDA) của Hoa Kỳ cho phép sử dụng mifepristone bằng một diễn trình chấp thuận nhanh chóng, thường chỉ dành cho các phương pháp điều trị để cứu sống. Diễn trình này cho phép việc tiếp thị mifepristone mà không cần tới các tiêu chuẩn an toàn thông thường. Thượng Nghị Sĩ của South Carolina là Jim DeMint hồi ấy đã cực lực chỉ trích diễn trình này như sau: “Định nghĩa thai nghén như một căn bệnh đe dọa tới mạng sống là một quyết định hoàn toàn có tính chính trị, chứ không khoa học chút nào. Bất cứ người hữu lý nào đã cam kết bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của phụ nữ đều phải kết luận rằng diễn trình chấp thuận RU-486 cần được tái duyệt một cách độc lập”.
Bất chấp các chỉ trích ấy, người ta vẫn tiếp tục phổ biến và cho sử dụng mifepristone. Phúc trình thăm dò năm 2008 của Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật (CDC) cho hay: 14.6% các vụ phá thai được xếp vào loại phá thai dùng thuốc, nghĩa là có sử dụng mifepristone. Tỷ lệ ấy chỉ là 3.4% vào năm 2001, một năm sau khi FDA chấp thuận RU-486. Đến Tháng Tư năm 2011, FDA phúc trình 1.52 triệu phụ nữ Hoa Kỳ chọn phá thai bằng cách sử dụng mifepristone. Trên quốc tế, việc sử dụng mifepristone cũng nới rộng đáng kể. Bộ Y Tế Anh cho hay năm 2009, 40% các vụ phá thai tại Anh và Wales đã được thực hiện bằng cách sử dụng mifepristone. Tại Tô Cách Lan, 80% các vụ phá thai được thực hiện trước khi bào thai được 9 tuần lễ và 74% mọi vụ phá thai có sử dụng mifepristone. Loại thuốc này được sử dụng rộng rãi khắp các nước Âu Châu, trừ Ái Nhĩ Lan và Ba Lan. Nó cũng được sử dụng rộng rãi tại Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Trung Hoa và Đài Loan.
Sau gần hai thập niên khắp thế giới sử dụng loại thuốc gây phá thai này, ta biết gì về sự an toàn và hiệu quả dài hạn của mifepristone? Tại Hoa Kỳ, phúc trình hậu tiếp thị của FDA về các hậu quả tai hại được liên kết với mifepristone trình bày 2,200 trường hợp bị hậu quả phụ nặng nề, trong đó, bị mất máu đến phải truyền máu, bị làm độc nặng, và chết. Điều quan trọng cần ghi chú là: việc báo cáo các phản ứng phụ tai hại này hoàn toàn là nhiệm ý, nên không đưa ra được tài liệu đầy đủ để chứng minh các hậu quả tồi tệ của mifepristone. Mười bốn cái chết tại Hoa Kỳ đã được liên kết với mifepristone. FDA cũng nhận được báo cáo về năm cái chết liên quan tới mifepristone ở ngoại quốc. Phân nửa các vụ chết chóc này là do bị làm độc nặng. Thự vậy, trong số 265 vụ làm độc do mifepristone gây ra được báo cáo cho FDA, gần 20% được coi là nặng vì kết cục của chúng là chết, là nằm bệnh viện hai ngày hay hơn, hoặc cần được chích trụ sinh dưới da ít nhất trong 24 giờ. Sự liên hệ giữa việc dùng mifepristone và việc bị nhiễm độc đã được chi tiết hóa bởi Bác Sĩ Ralph P. Miech, Giáo Sư Hưu Trí tại Đại Học Y Khoa Brown, người đã đăng kết quả trên tờ Annals of Pharmacotherapy, cho rằng các đặc tính ức chế miễn dịch (immunosuppressant) của mifepristone đã góp phần vào việc phát triển kích ngất nhiễm khuẩn (septic shock) nơi các phụ nữ phá thai y khoa.
Một cuộc duyệt xét sâu rộng các hậu quả xấu nơi những người sử dụng mifepristone tại Phần Lan được công bố trong số tháng Mười năm 2009 của tờ Obstetrics & Gynecology. Các tác giả duyệt xét diễn biến y khoa của 22,368 phụ nữ phá thai bằng thuốc, bằng cách sử dụng mifepristone so với 20,251 phụ nữ phá thai theo kiểu mổ xẻ thông thường. Tỷ lệ biến chứng nơi phụ nữ sử dụng mifepristone cao hơn 4 lần. Trong cuộc duyệt xét này, điều đáng lưu ý là 6.7% phụ nữ phá thai y khoa cần được điều trị thêm vì họ phá thai không trọn vẹn. Điều này có nghĩa: họ không hoàn toàn trục hết được bào thai và rau thai. Không trục được hết thứ tế bào dư lại này có thể gây ra kích ngất nhiễm khuẩn và tử vong.
Biến cố phá thai không trọn vẹn này còn đáng lưu ý hơn nữa trong một cuộc nghiên cứu việc dùng mifepristone tại Trung Hoa. Được công bố vào năm 2011 trên tờ Archives of Gynecology and Obstetrics, cuộc nghiên cứu này thấy rằng 20% các vụ phá thai bằng thuốc đòi được giải phẫu thêm vì những tế bào phôi thai còn dư lại này.
Song song với nguy cơ chẩy máu trầm trọng, tế bào phôi thai còn dư lại, và những vụ làm độc đe dọa tới sinh mạng, các vụ phá thai dùng thuốc còn che đậy sự hiện diện của các vụ thai nghén ngoài tử cung (ectopic pregnancy). Đã có 54 vụ sử dụng mifepristone mà mang thai ngoài tử cung đã được báo cáo cho FDA, trong đó có hai vụ chết người. Có thai ngoài tử cung là một định mức chứng tỏ việc phá thai y khoa là có hại, nhưng các hướng dẫn cho việc sử dụng mifepristone lại không nói chi tới việc sử dụng thông thường siêu âm, là phương tiện duy nhất hiện nay để loại bỏ việc có thai ngoài tử cung. Điều bất hạnh là: sự co cứng (cramping) và chẩy máu rất có thể xẩy ra khi dùng mifepristone giống hệt các dấu hiệu và triệu chứng của một vụ có thai ngoài tử cung bị bể. Điều này khiến các phụ nữ sử dụng mifepristone nhưng không khám phá ra mình có thai ngoài tử cung lần lữa không chịu điều trị khẩn cấp và do đó, nguy đến tính mạng.
Điều rõ ràng là: tiềm năng có thể có biến chứng đe dọa đến tính mạng đòi người ta phải sử dụng mifepristone dưới sự giám sát y khoa chặt chẽ và được theo dõi trọn vẹn. Nhưng tổ chức Planned Parenthood và một số cơ quan khác lại không nghĩ như thế, vì họ luôn nhằm mục tiêu biến phá thai thành phổ quát hơn. Liên Minh Phá Thai Toàn Quốc phúc trình rằng 87% các quận huyện (counties) của Hoa Kỳ không có cơ sở cung cấp phá thai. Nên, Planned Parenthood và những tổ chức cổ võ phá thai đang tìm cách đem phá thai tới các nơi đó dưới hình thức “hội chẩn phá thai từ xa” (telemed abortions). Trong thủ tục gây tranh cãi này, một y tá hay một nhân viên y tế trung cấp sẽ khám nghiệm bệnh nhân. Sau cuộc khám nghiệm sơ khởi này, một bác sĩ sẽ tiến hành cuộc phỏng vấn bằng video với bệnh nhân, rồi bấm một cái nút, cái nút này sẽ từ xa mở một ngăn kéo có chứa mifepristone và thế là bệnh nhân có thể tự sử dụng mifepristone. Hiển nhiên, vị bác sĩ cung cấp ngừa thai bằng thuốc này không muốn dính dáng gì tới các hậu quả có thể gây chết người. Các cơ sở y tế và các y sĩ địa phương không cung cấp phá thai bị chừa phần vụ phải chăm sóc bệnh nhân có biến chứng do việc phá thai bằng thuốc được một bác sĩ xa xôi vạn dặm quyết định. May mắn một điều: năm tiểu bang (Arizona, Kansas, North Dakota, Nebraska và Tennessee) đã ra lệnh cấm kiểu phá thai bằng hội chẩn từ xa này. Hy vọng sẽ có nhiều tiểu bang hơn nữa cùng tham gia với các tiểu bang này nhằm ngăn ngừa điều có thể gọi là phá thai “đánh rồi chạy” này.
Việc mất 1.5 trẻ em ở Hoa Kỳ mà thôi vì các vụ phá thai bằng thuốc là một thảm kịch không lời nào mô tả được. Thảm kịch này sẽ tăng gấp bội khi các bà mẹ của các em đau đớn và đôi khi thiệt mạng do phương cách chữa trị mà Planned Parenthood vốn coi là tự nhiên và muốn biến phá thai ra giống như việc xẩy thai vậy. Việc làm ngơ các thử nghiệm an toàn thông thường của FDA đối với RU-486 và việc cổ vũ các vụ phá thai bằng hội chẩn từ xa bất chấp các nguy cơ thực sự bị biến chứng chết người cho người ta thấy rõ kỹ nghệ phá thai chỉ quan tâm tới lợi nhuận của nó chứ không phải sức khỏe và phúc lợi của phụ nữ. Những kẻ cổ vũ phá thai, bất kể là mổ xẻ hay dùng thuốc, đang thực sự gây chiến đối với phụ nữ vậy.
Theo Denise Hunnell, MD, Zenit 27/6/2012. Hunnell là một chuyên viên nghiên cứu của tổ chức Human Life International. Bà thường xuyên viết trên tờ Truth and Charity Forum của tổ chức này.
Vũ Văn An6/28/2012
Views: 0