Uncategorized

Thuốc ngừa thai và môi trường sống

Năm 1960, thuốc viên ngừa thai tổng hợp lần đầu tiên được chấp thuận ở Hoa Kỳ. Bẩy năm sau, tạp chí Time đã đề cập đến loại thuốc viên này ngay ở trang bìa, mục đích để trình bày tác dụng lớn lao của nó về phương diện xã hội (1).

Năm 1960, thuốc viên ngừa thai tổng hợp lần đầu tiên được chấp thuận ở Hoa Kỳ. Bẩy năm sau, tạp chí Time đã đề cập đến loại thuốc viên này ngay ở trang bìa, mục đích để trình bày tác dụng lớn lao của nó về phương diện xã hội (1). Gần hai thế hệ sau, con số thống kê tại Hoa Kỳ cho hay: tại các quốc gia phát triển trên thế giới, khoảng dưới 16% phụ nữ “có bạn đời” (partnered) sử dụng thuốc viên ngừa thai; con số này không tính các phụ nữ độc thân (2).

 

Tuy nhiên, dù con số người sử dụng nó tương đối vẫn cao, thuốc viên ngừa thai đã được thay đổi nhiều để đáp ứng trước các khám phá mới liên quan tới hệ thống sinh sản của con người cũng như các cố gắng nhằm giảm thiểu các phản ứng phụ có tính tiêu cực của thuốc. Vì đối với bất cứ khai triển kỹ thuật hay y khoa đáng kể nào, nhất là những khai triển được đa số công chúng nhanh chóng ủng hộ, người ta thường cần tới nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm, mới biết được trọn vẹn mọi phản ứng của thuốc. Và như đã được nhiều cuộc nghiên cứu gần đây chứng minh, nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời liên quan đến các hiệu quả lâu dài và đụng tới môi sinh của những nội tiết tố (hormones) được sử dụng trong thuốc viên ngừa thai cũng như nhiều phương pháp chữa trị y khoa khác.

 

Khi một chất nhân tạo (synthetic) mới được tạo ra hay khi một chất tự nhiên được sản sinh ra ở một mức gia tăng đáng kể, thì phản ứng của nó có thể lâu dài và sâu rộng hơn dự đoán của các nhà sản xuất ra nó nhiều lắm. Các điển hình cho thấy rõ điều đó là chất amiăng (abestos), tức chất cách điện và trì hỏa (flame retardant) nổi tiếng có từ cuối thế kỷ 19, mà gần đây người ta mới khám phá ra là gây ung thư; rồi các chất nhựa xốp cách điện, như Styrofoam chẳng hạn, thường được dùng trong kỹ nghệ đóng gói, cần tới hàng trăm năm mới bị tiêu hủy sau khi vứt bỏ. Nói về thuốc viên ngừa thai, các thành phần chủ yếu của nó gồm các nội tiết tố nhân tạo có tên là progestins, giống hệt các nội tiết tố giới tính duy trì thai (progesterone), hoặc một mình hoặc phối hợp với estrogen. Khi sử dụng để điều trị trong thuốc viên ngừa thai hay trong kỹ thuật thay thế nội tiết tố cho trường hợp tắt kinh, những chất nội tiết tố nhân tạo này sẽ tìm đường đi vào nguồn cung cấp nước sau khi bị thải ra từ nước tiểu của bệnh nhân. Vì tính chất ô nhiễm môi trường, các chất đó được đặt tên là các hóa chất cản trở nội tiết (endocrine-disrupting chemicals, viết tắt là EDC), do sự kiện chúng đụng tới hệ thống nội tiết của người và súc vật khi tiếp xúc.

 

Dù tác động của nó vẫn còn đang được nghiên cứu rộng rãi, nhưng chắc một điều việc nhiễm độc đã và đang xẩy ra: nhiều cuộc nghiên cứu quốc tế cho thấy một mức độ khá cao các nội tiết tố tự nhiên và nhân tạo trong nước uống. Một nghiên cứu như thế tại Pháp cho thấy: so với các hóa chất khác, các progestins đặc biệt tỏ ra trơ trơ trước sức hủy diệt của các phương pháp xử lý nguồn nước (3).

 

Do việc tích lũy các chất steroids tổng hợp trong nước, phần lớn các cuộc nghiên cứu về phạm vi này đã được tiến hành bằng cách sử dụng các loài có xương sống sống trong nước như cá và ếch nhái. Các cuộc nghiên cứu trên đã cho thấy nhiều phản ứng tai hại do các nội tiết tố này gây ra cho các loài có xương sống sống dưới nước, nhất là về phương diện sinh sản của chúng (4). Một trong các cuộc nghiên cứu này tập chú vào các phản ứng của Levonorgestrel (LNG) đối với loài ếch Xenopus tropicalis. Dù hệ thống sinh sản nam xem ra không bị ảnh hưởng, nhưng các con nòng nọc nữ thì biểu hiện nhiều khuyết điểm nghiêm trọng trong việc phát triển buồng trứng và ống dẫn trứng, khiến chúng mất khả năng sinh sản (5).

 

Dù không thể sử dụng các nghiên cứu trên để trực tiếp lượng định tác động môi sinh của EDC đối với con người, chúng vẫn có một số lợi điểm như: khả năng kiểm soát độ dài và độ tập trung của việc tiếp xúc, và vì chu kỳ sống của các động vật kia ngắn hơn chu kỳ sống của con người nhiều, nên việc ấy sẽ giúp các cuộc nghiên cứu liên thế hệ rút ngắn được nhiều thời gian. Như câu tục ngữ “mang hoàng yến xuống mỏ than” vốn dạy (6), ta có thể dùng các cuộc nghiên cứu về thú vật như những dấu chỉ đầu tiên cho thấy các tác hại về môi sinh đối với con người và giúp ta biết hướng về các chất vô hại trong không khí ta thở, trong thực phẩm ta ăn, và ở đây, trong nguồn nước ta uống.

 

Tuy nhiên, phản ứng của EDC không phải chỉ giới hạn nơi loài ếch nhái sống dưới nước: nhiều cuộc nghiên cứu về chuột cũng tường trình tình trạng mất sinh sản nơi chuột cái do việc tiếp xúc với các chất progestins. Mà hệ thống sinh sản của chuột vốn rất giống với hệ thống sinh sản của người (7). Hệ thống sinh sản nữ chịu nhiều biến đổi quan trọng vào thời kỳ đầu của việc phát triển sự sống, và các biến đổi này tùy thuộc các biến cố ra dấu cho hệ nội tiết vốn mẫn cảm khi tiếp xúc với các nội tiết tố nhiễm độc của môi sinh. Một loạt các cuộc nghiên cứu của Viện Y Tế Quốc Gia (NIH) đã chứng minh rằng chuột bị nhiễm phytoestrogens, tức các estrogens của thực vật như các estrogens thấy trong các sản phẩm đậu nành, vào một thời điểm phát triển nhất định nào đó, đã chứng tỏ bị hư hại trong khả năng sinh sản (8). Ngược với chuột là loài mà thời điểm quan trọng nhất là thời kỳ sơ sinh (6 tuần đầu sau khi sinh), đường dẫn sinh sản của người đàn bà đã bắt đầu phát triển trước cả lúc sinh ra cho tới tận tuổi thiếu niên. Cho nên, điều cần là phải lượng định nguy cơ của việc tiếp xúc với EDC trong một thời gian dài, bắt đầu từ trong bụng mẹ.

 

Việc phụ nữ mang thai sử dụng thuốc ngừa thai nội tiết tố không được khuyến khích vì lý do hiển nhiên là họ không tạo ra trứng nữa, thêm vào đó, đứa trẻ chưa sinh cũng có thể bị nguy hại. Tuy nhiên, các chỉ dẫn ngừa thai sau khi sinh của Các Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật năm 2011 cho hay: việc sử dụng các thuốc ngừa thai chỉ dùng progestin mà thôi “có thể được khởi diễn ngay sau khi sinh con” và khuyên các bà mẹ đang cho con bú không nên sử dụng các thuốc ngừa thai tổng hợp có chứa estrogen , chủ yếu vì estrogen làm giảm lượng cung cấp sữa của người mẹ (9). Sự hiện diện của progestin trong sữa của các phụ nữ đang sử dụng thuốc viên ngừa thai chưa được chứng minh là có phản ứng tai hại đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh, mặc dù những đánh giá này chỉ tập chú vào các kết quả ngắn hạn chứ không hẳn vào các kết quả có thể chỉ xuất hiện ở tuổi trưởng thành. Dù thế, phúc trình gần đây nhất của NIH về phản ứng của phytoestrogen (estrogen thực vật) đã cho thấy sự kiện này: tiếp xúc ngắn hạn với các estrogens thực vật, như các estrogens trong sữa trẻ em có căn đậu nành, có thể có lợi cho hệ thống sinh sản nữ về lâu về dài.

 

Đàng khác, nguy cơ gây hại của EDC đối với môi sinh không phải chỉ giới hạn nơi phụ nữ: tháng Mười Một năm ngoái, tờ British Medical Journal có công bố một phúc trình cho thấy: mức ung thư tiền liệt tuyến nơi đàn ông cao nhất tại các khu vực địa dư sử dụng nhiều nhất thuốc viên ngừa thai (10). Dù các tác giả nhấn mạnh rằng các khám phá của họ chỉ có tính liên quan qua lại chứ không hẳn có tính nhân quả, công trình của họ vẫn cung cấp cho ta một giả thuyết có giá trị để ta nghiên cứu thêm.

 

Sau cùng, việc người Công Giáo phản đối ngừa thai đặt căn bản trên một hiểu biết có tính nền tảng về ý nghĩa của sự sống con người và của mục đích sinh sản, coi chúng như thành phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không phải như một kết luận thực tiễn nhờ khổ công nghiên cứu khoa học mà có. Dù do trực giác, người ta thấy rõ: con người, cả như những cá nhân lẫn như những xã hội, đều có lợi khi sống phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hóa, nhưng trong thế giới sa đọa, ta vẫn có thể dùng các sự việc thực tiễn làm dịu các đau khổ của ta, trong đó có việc sử dụng kỹ thuật y khoa và chế biến dược phẩm. Nên nhớ: các nội tiết tố nhân tạo không phải chỉ được dùng trong thuốc ngừa thai mà thôi, mà các hợp chất hóa học được quảng cáo như thuốc ngừa thai cũng không hẳn tự chúng vô luân ngay trong nội tại. Thí dụ, một phụ nữ chưa lập gia đình và luôn biết tự chế nếu sử dụng nội tiết tố để trị chứng lạc màng trong tử cung (endometriosis) với hy vọng duy trì được sức sinh sản trong tương lai của mình thì đâu có tội lỗi gì, bất chấp hiệu năng hay phản ứng phụ của việc điều trị này. Tuy nhiên, trong một thế giới trong đó các nhóm và các cá nhân có ảnh hưởng đang càng ngày càng cổ vũ việc kiểm soát dân số, theo cung cách khiến ta phải nhớ lại phong trào ưu sinh (eugenics) của nhiều thập niên qua, ta cần nhấn làm sáng tỏ điều này: phải nghiên cứu hơn nữa để phơi bày sự thật liên quan tới các phản ứng phụ lâu dài và vô tình của việc sử dụng thuốc uống ngừa thai hết sức phổ biến hiện nay.

 

Theo tiến sĩ Rebecca Oas, Ph.D., Contraceptives and Environment, Zenit 16 tháng Năm, 2012. Bà là học giả của Viện HLI America, một cơ sở nghiên cứu của Human Life International. Tiến sĩ Oas chuyên về di truyền học và sinh học phân tử tại Đại Học Emory.

 

Vũ Văn An5/17/2012       

 

 

Ghi Chú
(1) Time Magazine, April 7, 1967. http://www.time.com/time/covers/0,16641,1101670407,00.html
(2) United Nations: World Contraceptive Use (2005) http://www.un.org/esa/population/publications/contraceptive2005/2005_World_Contraceptive_files/WallChart_WCU2005.pdf
(3) Vulliet E; Cren-Olive C, Grenier-Loustalot MF. Occurrence of pharmaceuticals and hormones in drinking water treated from surface waters. Environmental Chemistry Letters (2011) 9:103–114
(4) Whitacre DM. Reviews of Environmental Contamination and Toxicology, Volume 218. Spring, 2012
(5) Kvarnryda M, Grabic R, Brandt I, Berg C. Early life progestin exposure causes arrested oocyte development, oviductal agenesis and sterility in adult Xenopus tropicalis frogs. Aquatic Toxicology 103 (2011) 18–24
(6) “Canary in the coal mine”: theo Wiktionary, các thợ mỏ thường đem chim hoàng yến trong lồng xuống dưới đường hầm để nếu các hơi độc như methane hay ôxit cácbon ở đấy, chúng sẽ giết hoàng yến trước khi giết họ, một thứ bùa hộ mạng?
(7) Uzumcu M, Zachow R. Developmental Exposure to Environmental Endocrine Disruptors: Consequences within the Ovary and on Female Reproductive Function. Reproductive Toxicology. 2007; 23(3): 337–352.
(8) Jefferson WN, Patisaul HB, Williams CJ. Reproductive consequences of developmental phytoestrogen exposure. Reproduction (2012) 143 247–260
(9) Update to CDC's U.S. Medical Eligibility Criteria for Contraceptive Use, 2010: Revised Recommendations for the Use of Contraceptive Methods During the Postpartum Period. CDC, July 8, 2011.
(10) Margel D, Fleshner NE. Oral contraceptive use is associated with prostate cancer: an ecological study. British Medical Journal Open. 2011 Nov 14;1(2)
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.