Uncategorized

Thủ lãnh làm nô bộc

Ngay mấy tháng đầu nhận chức vụ, Đức Cha Angelo Giuseppe Roncalli đã âm thầm rảo khắp nước Bảo Gia Lợi (Bulgarie). Từ Sofia Ngài đi Burgas, gần Hắc Hải rồi về Yamboli. Trong chuyến hành trình thứ hai, Ngài viếng thăm những địa điểm sát biên giới Hy lạp và Thổ Nhĩ Kỳ như Svilengrad Adrianopoli, Pakrovan, miền núi non hiểm trở, tuy phong cảnh rất ngoạn mục nhưng xa xôi và hay gặp cướp bóc.

Ngay mấy tháng đầu nhận chức vụ, Đức Cha Angelo Giuseppe Roncalli đã âm thầm rảo khắp nước Bảo Gia Lợi (Bulgarie). Từ Sofia Ngài đi Burgas, gần Hắc Hải rồi về Yamboli. Trong chuyến hành trình thứ hai, Ngài viếng thăm những địa điểm sát biên giới Hy lạp và Thổ Nhĩ Kỳ như Svilengrad Adrianopoli, Pakrovan, miền núi non hiểm trở, tuy phong cảnh rất ngoạn mục nhưng xa xôi và hay gặp cướp bóc. Những cuộc viếng thăm của Đức Kinh lược Tông Tòa Roncalli chẳng long trọng, tưng bừng như thường thấy, mà tựa như hành trình rao giảng gian lao của Chúa Giêsu trong Phúc âm.

Lúc đi Pakrovan vừa được nửa đường thì cảnh sát phải chận xe Ngài và cho một toán cảnh binh hộ vệ cho khỏi hiểm nghèo. Sau lúc đi được 50 cây số như thế Ngài qua đò. Bên kia sông đã có một con ngựa chực sẵn để đưa Ngài. Ngài ở lại trong một nhà xứ chật hẹp làm bằng đá, không sơn quét gì cả. Nhà tối đen và phải cần đến đường nứt ở vách soi sáng. Trong một góc nhà chỉ có hai cái giường, mà Cha xứ và Cha phó nhường cho Đức Kinh lược và vị thư ký …

Ngài lại ra đi giữa mưa gió. Lẽ ra có xe hơi đợi Ngài ở bờ sông, rủi thay tài xế sợ quân cướp, nên không đến như đã hẹn. Bây giờ chỉ còn một nước lên ngựa. Đến sườn núi Ngài gặp lính canh biên giới họ đưa Ngài về trại. Đêm ấy đồn trưởng cho Ngài một cái giường xếp, các người khác phải nằm dưới đất, hai hôm sau họ đã thuê được một chiếc xe có hai bò kéo để đưa Ngài đi. Lúc ra đi viên đồn trưởng có lòng lo lắng, yêu cầu Ngài giấu Thánh Giá, nhẫn và những tua ở mũ vì sợ quân cướp để ý. Chúa đã gìn giữ Ngài đi bằng an vô sự. Ngày hôm trước bọn cướp đánh phá xe phát thư và để lại ông tài xế nằm mê man giữa đường.

Ngài còn muốn thăm giáo dân ở Malko Ternovo vì đây là pháo đài Công Giáo của nước Bảo. Nhưng phần ở gần biên giới Thổ và Bắc Hải, phần đường sá xa xôi hiểm trở, nên mọi người khuyên Đức Cha rút lui. Nhưng không cầm lòng đậu, cùng với cha Don Stefano Kartev, Đức Kinh lược lên đường lần thứ ba. Ở đây Ngài đã làm êm dịu sự căng thẳng giữa Chính Thống và Công Giáo, Ngài vui vẻ tiếp xúc với mọi người, và để cho dân chúng tiếp đón cho thỏa lòng, họ xin hôn nhẫn, mời chụp hình, họ sắp hàng rước Ngài, trẻ con tung hô mừng Ngài. Đến đâu Đức Cha Roncalli cũng giảng. Đức Kinh lược trình bày ba ý kiến vắn tắt, cha thư ký dịch ra tiếng Bảo, tiếp theo ba ý kiến vắn tắt khác, cha thư ký lại dịch nữa, cứ thế độ nửa giờ, và thính giả chăm chú cảm động vì những lời lẽ thành thực và sự cố gắng của Đức Kinh lược.

Đến đâu Ngài cũng đánh tan ngờ vực, bầu không khí trở nên thành thực, thân mật. Tuy công việc của Ngài thầm lặng, nhưng cả nước Bảo đều chú ý. Báo “La Bulgaria” ở Sofia ngày 7-8-1925, đăng một bài tường thuật rất đầy đủ, kết luận “Dân Bảo đầy thiện cảm với Đức Kinh lược, và chúng tôi khen ngợi đức hy sinh và tính thành thực của Ngài trong công việc nặng nhọc và cao cả hằng ngày.” (Linh mục Fx Nguyễn Văn Thuận, Đức Thánh Cha Gioan XXIII)

Năm 1960, qua cuốn sách Đức Thánh Cha Gioan XXIII, Linh mục Fx Nguyễn Văn Thuận tường thuật lại thời kỳ Thánh Giáo Hoàng Gioam XXIII còn bôn ba, vất vả làm Kinh lược tại Bulgarie và Thổ Nhĩ Kỳ. Một khoảng thời gian khá dài ít được biết và nhắc đến sau này. Những hình ảnh chân thật của Đức Giám Mục Roncalli phản ảnh khá chính xác Lời Chúa hôm nay: “Ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người.” Đức Kinh lược Roncalli đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, đến thăm mục vụ, cùng tận tình phục vụ con chiên xa xôi hẻo lánh.

Nhưng đâu phải chỉ khi có chức cao quyền trọng mới phải phục vụ tha nhân, mà bất kỳ ai ở địa vị nào cũng cần phục vụ người khác. Một người cha, người mẹ, người anh, người em, con cháu, đều cần sống cho nhau, phục vụ lẫn nhau, thì gia đình đó mới yên vui tràn đầy yêu thương và hạnh phúc. Nhất là người gia trưởng cần thiết làm gương sáng phục vụ, để mọi thành viên trong gia đình noi theo. Nếu mỗi người chỉ biết sống ích kỷ, vị kỷ, bất cần quan tâm đến ai, thì tổ ấm gia đình chẳng sớm thì chày trở nên giá lạnh, dần nảy mầm nguy cơ tan vỡ, tan đàn xẻ nghé.

Yêu thương phục vụ

Phục vụ trước hết phát xuất từ con tim mới có ý nghĩa cao trọng. Nếu không chỉ là hành động đơn thuần, tẻ nhạt, tầm thường của kẻ hầu bị bó buộc phục dịch, dĩ nhiên chẳng có chút giá trị cao quý. Yêu thương phục vụ xả kỷ vị tha, hoàn toàn tự nguyện, vô tư, bất vụ lợi, chẳng màng báo đáp, cũng chẳng mảy may cầu cạnh lợi danh. Nhân ái phục vụ, cảm thương phục vụ tha nhân, vì những người nghèo nàn, đói rách, cô quả, cơ nhỡ, đau yếu chính là hiện thân cụ thể của Đức Giêsu Kitô đang chịu đau khổ. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25, 34- 36)

Thấm nhuần Lời Chúa, Thánh Phaolô ân cần khuyên nhủ, mời gọi tín hữu vùng Galát, cũng như tất cả tín hữu Kitô ở mọi thời đại và mọi nơi: “Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau!” ( Gl 5, 13 )

“Hãy yêu thương nhau không bằng lời nói, mà bằng việc làm. Hãy yêu thương nhau bằng tay mặt, mà tay trái không biết. “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con.”(Đường Hy Vọng, số 755)

Khiêm tốn phục vụ

Phục vụ không phải là trịch thượng ban phát ơn huệ, thương hại gia ân, đua nhau làm công quả, mà cần thiết âm thầm, khiêm tốn, tự hạ mình xuống ngang tầm, ngang vai, đồng cảm, chia sẻ với người được giúp đỡ, phục vụ. Kín đáo, lặng lẽ phục vụ, chia sẻ làm sao tay phải đừng cho tay trái biết, như Đức Giêsu từng dặn dò, nhắn nhủ rất thấu đáo. 

Khiêm nhường, chân tình, thân mật, chan chứa yêu thương phục vụ, noi gương Đức Giêsu đích thân lấy khăn thắt vào lưng, đổ nước vào chậu, rửa chân cho từng môn đệ, lấy khăn thắt lưng mà lau. Chẳng thể nào có ai khiêm hạ phục vụ hơn thế nữa !Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” ( Ga 13, 13-15 )

Hân hoan phục vụ

Đức Kinh lược Roancalli luôn lạc quan, hân hoan, vui vẻ đi thăm mục vụ các địa phận trong nước Bảo Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù ngài gặp biết bao gian truân, hiểm nguy thách thức trên đường. Hẳn ngài đã rất đồng cảm với các Tông Đồ bước đầu đi rao giảng: “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu.” ( Cv 2, 41 ) 

Thánh Phaolô đã không quên khuyên nhủ các tín hữu Kitô luôn trung thành, nhiệt thành và vui vẻ phục vụ trong bất kỳ công việc nào được trao phó: “Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ tọa, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái, thì hãy vui vẻ.” ( Rm 12, 7-8 )

“Nếu con làm vì Chúa, tại sao con nản lòng? Càng gian truân con càng vui tươi, như Gioan và Phêrô bị đánh đập ở hội đường “ra về vui vẻ vì được xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa”, như Phaolô : “Tôi tràn đầy vui tươi giữa những thử thách của tôi.” ( Đường Hy Vọng, số 536 )

Hy vọng phục vụ

Dấn thân phục vụ không chút ngần ngại, nửa vời với niềm hy vọng sâu xa là phục vụ chính Chúa Giêsu hiện diện ngay trong những người khốn khổ, đói rách, nghèo nàn, tàn tật, cô đơn,..

Chức vị càng cao càng cần hăng say phục vụ, vì có nhiều khả năng, phương tiện và nhân sự hỗ trợ, nếu dám xả kỷ vị tha, nếu dám hy sinh và dâng hiến cuộc đời cho Chúa và tha nhân.“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."( Ga 12, 25-26)

Chớ gì từng Kitô hữu đều thấm nhuần lời tuyên bố lẫy lừng của Đức Giêsu, để làm kim chỉ nam cho cuộc đời: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và trao mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.”

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường mê muội cái bả danh lợi, quyền hành, chức tước, địa vị, không thua kém hai ông con Dêbêđê. Xin Chúa soi sáng và ban chúng con can đảm tránh xa và dứt khoát đoạn tuyệt với thói ăn trên ngồi trốc, để chúng con dám xả thân phục vụ Tin Mừng, cũng như tha nhân.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn yêu thương, khiêm nhường, gần gũi với những người khốn khó nghèo nàn, như các mục đồng, đến đôi tân hôn khó khăn, để ân cần chia sẻ và giúp đỡ. Xin Mẹ dạy chúng con noi gương Mẹ, luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân. Amen.

AM Trần Bình An

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.