Uncategorized

Thư gửi Philêmôn 2

Trong phần thứ hai thư gửi Philêmôn thánh Phaolô dùng giọng văn rất riêng tư, đầy ý tứ và khôn khéo để chu toàn vai trò bầu cử cho Onesimo, người nô lệ đã trốn chủ mình là Philêmôn.

 

 

CHƯƠNG VI

THƯ GỬI PHILÊMÔN, KẾT CẤU, NỘI DUNG VÀ SỨ ĐIỆP THẦN HỌC
 

NHƯ MỘT NGƯỜI CHA BẦU CỬ CHO CON:
KIỂU THÁNH PHAOLÔ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CỦA ONSEIMO, NGƯỜI NÔ LỆ TRỐN CHỦ

Trong phần thứ hai thư gửi Philêmôn thánh Phaolô dùng giọng văn rất riêng tư, đầy ý tứ và khôn khéo để chu toàn vai trò bầu cử cho Onesimo, người nô lệ đã trốn chủ mình là Philêmôn.

 

 

CHƯƠNG VI

THƯ GỬI PHILÊMÔN, KẾT CẤU, NỘI DUNG VÀ SỨ ĐIỆP THẦN HỌC
 

NHƯ MỘT NGƯỜI CHA BẦU CỬ CHO CON:
KIỂU THÁNH PHAOLÔ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CỦA ONSEIMO, NGƯỜI NÔ LỆ TRỐN CHỦ

Trong phần thứ hai thư gửi Philêmôn thánh Phaolô dùng giọng văn rất riêng tư, đầy ý tứ và khôn khéo để chu toàn vai trò bầu cử cho Onesimo, người nô lệ đã trốn chủ mình là Philêmôn.

 

Trước hết thánh nhân gửi trả Onesimo về cho Philêmôn, theo đúng luật lệ liên quan tới các nộ lệ bỏ trốn chủ trong khung cảnh xã hội thời đó. Nhưng ngài không tự đặt mình trên bình diện pháp luật. Thật ra, thánh Phaolô nài van Philêmôn dành cho Onesimo một sự tiếp đón đầy tình huynh đệ. Tuy trong tư cách là Tông đồ thánh Phaolô có thể dùng quyền bính nhận được từ Chúa Kitô để yêu cầu các tín hữu chu toàn bổn phận kitô của mình là thực thi luật yêu thương, nhưng ngài đã khước từ dùng quyền ấy. Thật ra thánh Phaolô không muốn áp đặt, mà chỉ muốn khuyến khích, nhắn nhủ và nài xin. Nhưng không phải vì thế mà lời cầu xin của thánh nhân không có sức nặng, bởi vì ngài xin nhân danh ”tình yêu thương”. Như thế, lời van xin của thánh nhân là lời mời gọi dấn thân sống tinh thần cuộc sống mới, sống cái luận lý mà lòng tin vào Chúa Kitô đã trao ban cho thánh nhân (x. 1.16) cũng như cho Philêmôn (x.cc. 5-7). Mặt khác đây không phải là một lời nài van đại khái chung chung, nhưng là lời mời gọi cấp thiết của tình yêu thương hiệp thông chia sẻ tràn đầy tâm tình nhân bản. Thánh Phaolô nhân danh chính mình là vị Tông đồ hiện nay đã già yếu, đang chịu cảnh tù đày khổ đau vì Chúa Kitô và đang tham dự vào những khổ đau của chính Chúa Kitô.

Sau phần dẫn nhập dọn đường này, thánh Phaolô cho Philêmôn biết tông tích nhân vật mà ngài muốn bầu cử với Philêmôn, nhưng không nói tên ngay. Thánh nhân dùng lại động từ diễn tả sự nài van (= parakalô) để nêu bật mối dây liên hệ giữa ngài và nhân vật đó: ”Tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong tù ngục”. Nhân vật đó là một người đã được thánh nhân hoán cải và dẫn đưa tới lòng tin vào Chúa Kitô. Hình ảnh sinh ra và chức làm con không chỉ là một kiểu nói, mà là một thực tại quen thuộc trong môi trường Hy lạp. Chức làm cha của thánh Phaolô ở đây là chức làm cha tinh thần đích thực, xây nền trên việc rao truyền Tin Mừng. Chính vì thế nên ngay cả khi phải quở trách tín hữu Côrintô thánh nhân mới nhắc nhở họ như sau: ”Tôi viết những lời đó không phải để làm cho anh chị em xấu hổ, nhưng là để sửa dậy anh chị em như những người con yêu qúy của tôi. Thật thế, cho dù anh chị em có ngàn vạn thầy dậy kitô, nhưng anh chị em không có nhiều cha đâu, bởi vì qua Tin Mừng chính tôi đã sinh ra anh chị em trong Đức Kitô Giêsu” (1 Cr 4,14-15). Hoàn cảnh đặc biệt đã khiến cho thánh Phaolô trở thành người cha tinh thần chứng minh cho thấy ngài yêu thương nhân vật đó chừng nào. Chỉ tới đây thánh nhân mới cho Philêmôn biết tên. Đó là Onesimo, người nô lệ đã trốn Philêmôn và đã gặp gỡ thánh nhân. Tuy thánh Phaolô không cho biết Onesimo đã gặp ngài thế nào, nhưng giờ đây không thể xét đoán Onesimo theo cuộc sống qúa khứ nữa, bởi vì anh ta đã trở thành một con người mới. Vì thế đối với thánh Phaolô cũng như Philêmôn điều duy nhất đáng kể là hiện tại. Thật thế, thánh Phaolô chơi chữ ngay trên tên của Onesimo để diễn tả tư tưởng này. Onesimo có nghĩa là ”người hữu ích”, trong qúa khứ đã vô ích, nhưng giờ đây lại hữu ích cho cả thánh nhân lẫn Philêmôn. Xa hơn chút nữa trong thư thánh Phaolô sẽ giải thích lý do của sự hữu ích ấy.

Như thế vấn đề giờ đây liên quan tới ba người: Onesimo, Philêmôn và thánh Phaolô. Nhưng thánh Phaolô chưa đưa ra lời xin rõ ràng nào. Ngài giải thích lý do sự quyết định của mình. Thánh nhân đã có sáng kiến gửi trả Onesimo cho Philêmôn là chủ và cho Philêmôn biết liên hệ trìu mến giữa ngài và Onesimo đã trở thành ruột thịt của thánh nhân. Bản dịch tiếng Latinh diễn tả tương quan thân tình ấy bằng kiểu nói anh ta là ”animae dimidium mea”, ”phân nửa linh hồn tôi”. Vì thế nên phải xa lìa Onesimo là cả một hy sinh lớn đối với thánh Phaolô, đặc biệt trong cảnh tù ngục, là lúc ngài đang cần người trợ giúp. Trong tư cách là cộng sự viên và là người con tinh thần, chính Philêmôn lại chẳng có bổn phận trợ giúp ngài đang bị tù tội vì Tin Mừng hay sao? Do đó, nếu Philêmôn không trực tiếp làm được việc này thì Onesimo có thể làm thay như Epafrodito đã thay mặt tín hữu giáo đoàn Philiphê ở lại trợ giúp thánh nhân vậy (Pl 2,30). Onesimo hữu ích đối với thánh nhân là như thế. Nhưng ngài không muốn cưỡng bách Philêmôn, mà muốn rằng đó phải là cử chỉ tự phát của Philêmôn. Thái độ tự phát ấy (= to agathón) sẽ có giá trị hơn nhiều (x. 13). Có phải thánh Phaolô đang xin Philêmôn phóng thích Onesimo hay ít nhất là để cho Onesimo ở lại phục vu ngài? Diễn tiến mạch văn xem ra cho thấy thánh Phaolô mong muốn Philêmôn để cho Onesimo ở lại giúp đỡ ngài, nhưng thánh nhân để cho Philêmôn tự do lựa chọn vì thế ngài gửi Onesimo về với Philêmôn” (cc.13-14). Hành động tốt mà thánh nhân chờ đợi nơi Philêmôn là phóng thích Onesimo hay tiếp đón Onesimo trong tình huynh đệ? Giả thiết thứ nhất xem ra có lý hơn. Vì chỉ xa hơn trong câu 17 thánh Phaolô mới nói rằng ngài muốn Philêmôn tiếp đón Onesmo như tiếp đón chính ngài vậy.

Tới đây thánh Phaolô mới mở rộng nhãn quan trên toàn vấn đề và dưới ánh sáng tình hình hiện tại ngài coi đó là một biến cố quan phòng (cc.15-16). Nhưng thánh nhân cũng tỏ ra rất thận trọng và kín đáo để không làm phật lòng Philêmôn. Thánh Phaolô dùng từ ”có lẽ” để giải thích biến cố Onesimo bỏ trốn Philêmôn như là một sự xa cách, chứ không phải trốn chạy.. Nếu muốn dùng kiểu nói của thánh Agostino chúng ta phải gọi đó là ”lỗi lầm hạnh phúc”. Mọi sự đã xảy ra để Philêmôn có thể tiếp nhận Onesimo một cách vĩnh viễn, sau một thời gian vắng mặt, và nhất là tiếp nhận không phải như là một người nô lệ, mà như là người anh em yêu dấu, vì là người đồng đạo và đồng là con tinh thần của thánh Phaolô. Thật thế, bởi vì khi tin nhận Chúa Kitô qua lời rao giảng của thánh nhân, Onesimo cũng bước vào trong cuộc sống mới có luật yêu thương hướng dẫn, y như Philêmôn vậy. Chính tình huynh đệ kitô ấy đã khiến cho thánh Phaolô yêu thương Onesimo với tình yêu đặc biệt. Tới đây chúng ta chờ đợi thánh Phaolô nói với Philêmôn là cũng hãy yêu thương Onesimo như ngài, nhưng không. Thánh Phaolô vượt cao hơn lược đồ ”như vậy cũng thế” và khẳng định: ”Với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân thiết biết mấy cả về tình người cũng như tình anh em trong Chúa”. Sự biến đổi của tương quan ”chủ nhân – nô lệ” trở thành tương quan ”người anh em và người anh em” vượt xa hơn chiều kích tình huynh đệ mà thánh Phaolô có đối với Onesimo là người thánh nhân đã không quen biết. Tuy nhiên, xác định cuối cùng thánh Phaolô đưa ra còn quan trọng hơn : ”như là người cũng như là tín hữu kitô”. ”Tình yêu thương agapé”, tình yêu thương hiệp thông chia sẻ kitô không giống tình huynh đệ của một giáo phái. Onesimo phải được Philêmôn yêu thương không chỉ như một người đồng đạo, mà còn như là một người với mọi tính chất nhân bản nữa. Ở đây, thánh Phaolô cho thấy nền tảng nhân bản phải là điểm khởi hành của niềm tin kitô. Ơn gọi sống niềm tin kitô phải được xây nền trên các giá trị nhân bản. Trước khi là kitô hữu chúng ta phải là người đã.

 

Sau cùng thánh Phaolô nói lên ý muốn của mình: ngài muốn Philêmôn tiếp đón Onesimo như tiếp đón chính ngài. Tình hiệp thông huynh đệ với thánh nhân cũng có nghĩa là hiệp thông với những người thánh nhân yêu mến. Tình liên đới của thánh Phaolô đối với Onesimo là thứ tình liên đới lan rộng như vết dầu loang. Nếu Onesimo có gây thiệt hại cho Philêmôn hoăc mắc nợ Philêmôn những gì, thánh Phaolô nhận trả hết thay cho Onesimo. Và thánh nhân đảm bảo điều đó bằng cách tự tay viết lời cam kết trong thư gửi cho Philêmôn (cc.18-19a). Có lẽ không cần phải giả thiết rằng Onesimo đã lấy trộm tiền bạc của chủ mình. Sự kiện Onesimo bỏ trốn chủ cũng đã là một thiệt hại vật chất cho Philêmôn rồi. Nhưng thánh Phaolô cam kết sẽ đền trả hết mọi thiệt hại cho Philêmôn. Và thánh nhân nói thật chứ không phải chỉ là một kiểu hứa suông cho qua chuyện. Tuy nhiên, ngài cũng nhắc khéo Philêmôn rằng chính ông cũng đang mặc nợ ngài. Đó là món nợ lòng tin (c.19b) Thánh Phaolô muốn ám chỉ sự kiện Philêmôn trở thành tín hữu kitô là do công lao rao giảng Tin Mừng của ngài. Mặc dù đó là món nợ tinh thần chứ không phải món nợ vật chất, nhưng như thế là hai người huề nhau. Thánh Phaolô dừng lại ớ đó và không đi xa hơn. Ngài trở lại mục đích bức thư bầu cử cho Onesimo và kết luận với lời nài xin Philêmôn làm điều đó cho chính ngài, để cho thánh nhân được an tâm và nếm hưởng niềm vui trông thấy hoa trái cụ thể của đức tin mà ngài đã rao giảng và thông truyền cho Philêmôn. Khi tiếp đón Onesimo với tình huynh đệ là Philêmôn thực thi một cử chỉ yêu thương đối với chính thánh nhân. Nhưng bởi vì thánh Phaolô luôn sống kết hiệp với Chúa Kitô nên lời thánh nhân xin Philêmôn cũng có chiều kích kitô học.

Trong phần kết luận thư, thánh Phaolô bầy tỏ tin tưởng vào sự đáp trả tích cực của Philêmôn (c.21). Xem ra nó mâu thuẫn với những gì đã trình bày trước đó trong các câu 8-9.14. Thật ra, thánh Phaolô không áp đặt ước muốn của ngài trên Philêmon, nhưng không có ý miễn trừ cho ông bổn phận phải thực thi tình yêu thương kitô và chờ đợi sự đáp trả tự phát của ông. Trong niềm hy vọng sẽ được trả tự do, thánh nhân báo trước cho Philêmôn biết ngài sẽ đến thăm tín hữu Côlôxê và vùng phụ cận và xin ông giữ cho ngài một chỗ ở (c.22). Thánh nhân hy vọng như thế vì ngài tin tưởng nơi lời cầu hữu hiệu của tín hữu. Thái độ tin tưởng này cũng được ngài nói lên với tín hữu các giáo đoàn Thêxalônica, Côrintô, Roma và đặc biệt là Philiphê (x. 1 Tx 5,25; 2 Tx 3,1; 2 Cr 1,11; Rm 15,30; Pl 1,19). Tiếp đến thánh nhân gửi lời chào của các cộng sự viên của ngài tới Philêmôn và tín hữu giáo đoàn Colôxê (c.23-24). Danh sách giống như trong thư gửi tín hữu Côlôxê (Cl 4,10-14) Đó là Epafra, Marco, Aristarco, Dema và Luca. Ở đây thánh Phaolô cho biết Epafra là bạn đồng tù với ngài. Epafra là người gốc Côlôxê và là cộng sự viên thân tín đã cùng thánh Phaolô thành lập giáo đoàn Côlôxê và đã tận tình săn sóc tín hữu giáo đoàn này (Cl 4,12). Trong thư gửi tín hữu Côlôxê thánh nhân cho biết Aristarco là bạn đồng tù với ngài (Cl 4,10). Còn Marco là em họ của Barnaba (Cl 4,10), gốc Giêrusalem (Cv 12,12.15), đã từng theo thánh Phaolô trong chuyến truyền giáo thứ nhất (Cv 13,13) nhưng sau đó bỏ cuộc (Cv 15,37.39). Dema cũng được thánh Phaolô nhắc tới trong thư gửi Timoteo (2 Tm 4,10). Trong thư gửi giáo đoàn Côlôxê thánh nhân cho biết Luca là y sĩ (Cl 4,14)

 

Sau cùng là lời chúc lành tạm biệt (c.25) theo công thức phụng vụ và được thánh Phaolô dùng để kết thúc các thư của ngài.

 

Linh-Tiến-Khải

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.