Uncategorized

Thư gửi Philêmôn

Bằng chứng là giờ đây Phaolô, vị tông đồ của Chúa Kitô là người tù của Chúa Kitô, là người tù vì Chúa Kitô. Do đó, tuy không có tước hiệu ”tông đồ” trong phần giới thiệu, bức thư gửi Philêmôn cũng là bức thư tông đồ.

 

 

CHƯƠNG VI

THƯ GỬI PHILÊMÔN, KẾT CẤU, NỘI DUNG VÀ SỨ ĐIỆP THẦN HỌC
 

Bằng chứng là giờ đây Phaolô, vị tông đồ của Chúa Kitô là người tù của Chúa Kitô, là người tù vì Chúa Kitô. Do đó, tuy không có tước hiệu ”tông đồ” trong phần giới thiệu, bức thư gửi Philêmôn cũng là bức thư tông đồ.

 

 

CHƯƠNG VI

THƯ GỬI PHILÊMÔN, KẾT CẤU, NỘI DUNG VÀ SỨ ĐIỆP THẦN HỌC
 

Thánh Phaolô  người tù của Đức Kitô Giêsu

 

Thư gửi Philêmôn là bức thư cá nhân nhất trong các thư của thánh Phaolô. Phần mở đầu giống như các thư khác, nghĩa là có tên người gửi, người nhận, và lời chào. Nhưng thư còn chứa đựng vài yếu tố đặc biệt. Trước hết thánh Phaolô tự giới thiệu như là ”người tù của Đức Kitô Giêsu”. Thật ra thánh Phaolô đang ở trong ngục khi viết lá thư này cho Philêmôn (cc. 10.13.22) và ngài xác định rằng mình bị tù vì rao giảng Tin Mừng (c.13). Nhưng cũng chính vì thế nên thánh nhân hãnh diện coi tình trạng tù đầy đó như là một tước hiệu để tự giới thiệu mình với Philêmôn. Thứ hai, thánh Phaolô ghi nhận một yếu tố đặc thù khác đó là nhân danh Đức Kitô, vì tình yêu đối với Chúa Kitô mà thánh nhân chịu cảnh tù tội. Phaolô hoàn toàn tùy thuộc Chúa Kitô và và mang trên thân xác mình các dấu tích cuộc tử nạn của Chúa Kitô như ngài viết trong chương 6,17 thư gửi giáo đoàn Galát. Trong phần tự giới thiệu ở đây thiếu tước hiệu ”tông đồ”, mà thánh Phaolô không bao giờ quên trong các bức thư quan trọng khác như hai thư gửi giáo đoàn Côrintô, thư gửi các giáo đoàn Galát và Roma. Nhưng không vì thế mà có thể nói rằng thánh nhân không ý thức được sứ mênh tông đồ của mình. Trái lại, ngài nhấn mạnh trên sứ mệnh ấy bằng cách cho thấy các hậu của của ơn gọi tông đồ: đó là bị tù đầy vì chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Bằng chứng là giờ đây Phaolô, vị tông đồ của Chúa Kitô là người tù của Chúa Kitô, là người tù vì Chúa Kitô. Do đó, tuy không có tước hiệu ”tông đồ” trong phần giới thiệu, bức thư gửi Philêmôn cũng là bức thư tông đồ.

Tiếp đến bức thư cũng theo luật chung là kể tên một vài người khác ở đây là Timoteo, một trong các cộng sự viên rất đắc lực mà thánh Phaolô gọi là ”người anh em trong đức tin” (x. 2 Cr 1,1). Đây cũng là trường hợp hai thư gửi giáo đoàn THêxalônica, thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô và thư gửi giáo đoàn Philiphê, nhưng Timoteo không phải là đồng tác giả của thư. Tuy nhiên, điểm mới mẻ quan trọng nhất trong thư gửi Philêmôn là người nhận. Thánh Phaolô không viết cho giáo đoàn, mà viết cho một cá nhân: đó là Philêmôn mà thánh nhân gọi là ”cộng sự viên yêu mến của chúng tôi”. Ngoài tư cách là một kitô hữu cùng với các kitô hữu khác dấn thân hoạt động dưới sự hướng dẫn của thánh Phaolô, Philêmôn được thánh Phaolô gọi là ”yêu mến”. ”Agapêtós”, ”yêu mến”, là từ diễn tả tình yêu thương trìu mến thánh Phaolô có đối với các kitô hữu như có thể kiểm chứng trong các thư gửi tín hữu giáo đoàn Roma, Côrintô và Philiphê (x. Rm 1,7; 1 Cr 10,14; 15,58; 2 Cr 7,1; 12,19; Pl 2,12; 4,1). Ở đây nó lại càng ý nghĩa hơn vì ”apagê”, tình yêu thương hiệp thông chia sẻ là đề tài chính của thư (x. cc. 5.7.9.16). Và chính từ yêu mến này cho thấy trước giải pháp thánh Phaolô đề nghị cho vấn đề liên quan tới Onesimo người nô lệ đã trốn chủ là Philêmôn.

Điểm đặc thù thứ ba có thể ghi nhận trong thư gửi Philêmôn, đó là tuy viết riêng cho Philêmôn nhưng thư lại cũng có tính cách tập thể. Vì thánh Phaolô nới rộng số người nhận: ngài cũng gửi cho Appia và Arkippo và toàn cộng đoàn thường tụ họp tại nhà của Philêmôn nữa. Trong nhãn quan của thánh Phaolô trường hợp của Onesimo cũng liên hệ tới các tương quan trong giáo đoàn. Thật thế, nó liên hệ tới tình huynh đệ giữa các tín hữu hiệp nhất trong cùng một niềm tin và dấn thân sống tình mến đối với nhau. Trong thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô là Giáo hội các chuyện riêng tư cũng có chiều kích tập thể. Trong số các tín hữu của giáo đoàn Côlôxê, thánh Phaolô nhắc tới Appia, chắc chắn là vợ của ông Philêmôn và một người khác tên là Arkippo. Các giáo pụ cho rằng Arkippo là con trai của Philêmôn.

 

Nhưng đây chỉ là một phỏng đoán, vì chúng ta không có bằng chứng nào. Có điều chắc chắn, đó là Arkippo là một người nổi bật trong giáo đoàn Côlôxê, bởi vì thánh Phaolô gọi ông là ”chiến hữu của chúng tôi”. ”Chiến hữu” là một hình ảnh quân sự diễn tả tình trạng chiến đấu mà kitô hữu giáo đoàn đang phải sống giữa môi trường thù nghịch và chống đối để cùng với thánh Phaolô bảo vệ Tin Mừng của Chúa Kitô. Nghĩa là Arkippô là một cộng sự viên can đảm của thánh Phaolô, đáng được nhắc nhở. Trong thư gửi tín hữu Côlôxê xem ra Arkippô đã được thánh Phaolô đặc biệt khuyến khích. Thánh nhân viết trong chương 4,17: ”Xin anh chị em nhắn với anh Arkippo rằng hãy tìm cách chu toàn chức vụ anh đã nhận lãnh nhân danh Chúa”.

Công thức chúc lành được thánh Phaolô gửi tới toàn cộng đoàn và theo lược đồ có sẵn hiện diện trong tất cả các thư của thánh Phaolô: ”Chúc anh chị em được tràn đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô”. Qua đó thánh nhân cho thấy ngài luôn luôn là vị Tông đồ bầu cử cho tín hữu được ơn (= kharis) thánh cứu độ (= eirênê) qua trung gian của Đức Giêsu Kitô. Theo hình thái thông thường trong các thư, ở đây thánh Phaolô cũng nâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì cuộc sống chứng tá của Philêmôn. Không kém tín hữu các giáo đoàn khác, Philêmôn là bằng chứng hùng hồn cho thấy ơn thánh của Thiên Chúa hoạt động trong lòng lịch sử nhân loại. Chính vì thế nên thánh Phaolô không cảm ơn Philêmôn, nhưng nâng lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Đấng đã khiến cho cuộc sống của tín hữu có được phẩm chất mới. Cảnh bị tù tội không ngăn cản thánh nhân nhận được các tin tức liên quan tới nếp sống của Philêmôn, người con tinh thần mà ngài đã cho sinh ra trong đức tin, và ngài hằng nhớ tới trong thân phận là ”người tù của Chúa Kitô Giêsu”. Nỗi nhớ nhung ấy biến thành lời cảm tạ Thiên Chúa Cha mà thánh nhân tin tưởng gọi là Thiên Chúa của ngài. Đây cũng là kiểu nói thánh Phaolô dùng trong thư gửi tín hữu hai giáo đoàn Roma và Philiphê. (x. Rm 1,8; Pl 1,3). Nó điễn tả giọng văn của các thánh vịnh. Lý do lời cảm tạ đó là “lòng tin của Philêmôn đối với Chúa Giêsu và lòng mến ông có đối với tất cả các tín hữu mà ngài gọi là ”các thánh”. Ở đây thánh Phaolô đặt hai nhân đức đối nhau: lòng mến – lòng tin, đối tượng của lòng tin – đối tượng của lòng mến. Khi để lòng mến “agape”, tức tình yêu thương hiệp thông đi trước, thánh nhân chuẩn bị cho cách thế giúp Philêmôn tiếp đón Onesimo. Philêmôn đã chứng minh cho thấy tình yêu thương cụ thể của mình đối với các kitô hữu thế nào, thì giờ đây thánh Phaolô cũng chờ đợi nơi ông một bằng chứng mới trong thái độ yêu thương phải có đối với Onesimo như vậy.

Sự kiện thánh Phaolô nhắc tới lòng tin vào Đức Kitô cũng kéo theo các hệ lụy cụ thể khác. Thánh nhân muốn nói rằng lòng tin vào Chúa Kitô phải là động lực hữu hiệu kích thích tín hữu kiếm tìm và thực thi điều thiện trong cuộc sống thường ngày của họ. Lòng tin phải khiến cho tín hữu sống yêu thương và rộng mở cho cuộc gặp gỡ định đoạt với Chúa Kitô trong tương lai. Vì tiêu chuẩn Chúa Kitô dùng để xét xử tín hữu là tình yêu thương hiệp thông chia sẻ cụ thể đối với tha nhân. Lòng tin hoạt động (= energuménê) qua lòng mến. Đó cũng là điều thánh Phaolô nhắc tới trong chương 5,6 thư gửi tín hữu Galát. Nó giúp chúng ta hiểu lý do tại sao trong câu 6 thư gửi Philêmôn thánh Phaolô lại đặt song song đề tài tạ ơn và lời nài xin. Ngài cầu nguyện để Philêmôn biết phân định đây là ý muốn của Thiên Chúa trong trường hợp cụ thể này: ”Chớ gì lòng tin mà anh chia sẻ với chúng tôi trở nên sức mạnh hữu hiệu giúp hiểu biết tất cả sự thiện mà chúng ta có thể làm để phục vụ Chúa Kitô”.

Nhưng chưa hết. Thánh Phaolô không chỉ nhớ tới Philêmôn, biết ơn Thiên Chúa Cha và cầu bầu cùng Thiên Chúa Cha cho Philêmôn, mà ngài còn cảm thấy được tràn đầy vui sướng và ủi an nữa. Các tin tức đến từ giáo đoàn Côlôxê là một tia nắng ấm tươi vui lọt vào trong ngục tối nơi thánh Phaolô đang bị giam giữ. Thánh nhân biết rằng giáo đoàn địa phương đang được Philêmôn nâng đỡ và củng cố. Thái độ yêu thương cụ thể đó đối với các anh chị em đồng đạo diễn tả lòng tin sống động của Philêmôn. Và sự kiện này khiến cho thánh nhân hy vọng nơi phản ứng tích cực thuận lợi cho điều ngài sắp xin: đó là Philêmôn coi Onesimo không phải như tên nô lệ trốn chủ có lỗi đáng phải đánh phạt, nhưng như là người anh em đồng đạo, và hơn thế nữa như là người anh em linh tông, vì cả hai đều được thánh Phaolô sinh ra trong lòng tin vào Chúa Kitô.

Tóm lại, phần mở đầu thư gửi Philêmôn không chỉ là một kiểu quy ước dẫn nhập đề tài, mà là cả một chuẩn bị tâm lý sư phậm và thần học thánh Phaolô cố ý trình bầy trước khi trực tiếp bầu cử cho Onesimo. Trưởng hợp một người nô lệ trốn chủ không được thánh Phaolô giải quyết thuần túy trên bình diện pháp luật, mà dựa trên kinh nghiệm sống lòng tin và lòng mến, liên quan tới các liên hệ huynh đệ giữa những người đồng đạo trong cộng đoàn kitô. Nhà của Philêmôn cũng là nơi giáo đoàn địa phương tụ họp. Onsemo được gửi trả về cho chủ cũ đồng thời cũng là người anh em đồng đạo cùng chia sẽ một niềm tin và là người có thái độ sống yêu thương chia sẻ cụ thể. Vấn đề nộ lệ không được trình bầy trong chiều kích chính trị và cơ cấu xã hội, nhưng được diễn tả trong bối cảnh các tương quan huynh đệ là đặc thái cung cách sống và hành xử của tín hữu trong cùng một cộng đoàn. Và kiểu thánh Phaolô dùng để giải quyết vấn đề đã vô cùng khôn khéo và sâu sắc.

 

Linh-Tiến-Khải

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.