Uncategorized

Thư gửi giáo đoàn Roma 9

Người Do thái thường đặc biệt vin vào Luật Lệ mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho họ tại núi Sinai (2,12-24), phép cắt bì (2,25-29), và nhất là các lời hứa vô điều kiện của Thiên Chúa (3,1-8) như chứng tá sự tuyển chọn đó.

 

 

VIỆC PHÁN XỬ VÀ LÊN ÁN THẾ GIỚI DO THÁI

 

Người Do thái thường đặc biệt vin vào Luật Lệ mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho họ tại núi Sinai (2,12-24), phép cắt bì (2,25-29), và nhất là các lời hứa vô điều kiện của Thiên Chúa (3,1-8) như chứng tá sự tuyển chọn đó.

 

 

VIỆC PHÁN XỬ VÀ LÊN ÁN THẾ GIỚI DO THÁI

 

Sau khi trình bầy việc phán xử và lên án thế giới ngoại giáo, tức thế giới tôn thờ các thần tượng giả, trong chương 2,1-3,20 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô trình bầy việc phán xử và lên án thế giới Do thái. Là những người đã hiểu biết và tin thờ Thiên Chúa, làm sao tín hữu Do thái lại có thể bị phán xử và lên án được? Các tín hữu Do thái xác tín rằng chỉ có dân ngoại mới bị Thiên Chúa phán xử và luận phạt mà thôi, còn họ là con cái tổ phụ Abraham, sẽ không bị Thiên Chúa luận phạt. Sự kiện là dân riêng Chúa chọn khiến cho người Do thái biến xác tín trên đây trở thành một tín lý. Và họ đã luôn luôn tự mãn khoe khang các đặc quyền lịch sử cứu rỗi trên đây, khiến cho họ khác biệt dân ngoại. Trong chương 2,15 thư gửi giáo đoàn Galát, thánh Phaolô đã ghi lại công thức tổng hợp tín lý và não trạng này của người Do thái như sau: “Chúng tôi sinh ra là người Do thái, chứ đâu có phải là phường tội lỗi như dân ngoại”. Người Do thái thường đặc biệt vin vào Luật Lệ mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho họ tại núi Sinai (2,12-24), phép cắt bì (2,25-29), và nhất là các lời hứa vô điều kiện của Thiên Chúa (3,1-8) như chứng tá sự tuyển chọn đó. Cũng vì thế họ cho rằng họ có đủ thẩm quyền để phê phán các người ngoại giáo, là những kẻ có số phận phải hư mất (2,1-11).

Tuy nhiên, thánh Phaolô không thể không trực tiếp đối đầu với các người đồng hương trong vấn đề then chốt này, tuy nó là điều khó. Thánh nhân xác tín rằng cần phải kéo lôi họ ra khỏi lâu đài tín lý vững chắc ấy, để bắt buộc họ đối diện với mặc khải biện chứng bao gồm hai thực tại đối kháng nhau: một đàng là sự công chính của Thiên Chúa như là tiền đề, và bên kia là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa như là phản đề. Thánh Phaolô không phủ nhận các đặc quyền tôn giáo kể trên của dân Do thái. Bởi vì chúng là các sự kiện qúa hiển nhiên, mà thánh nhân cũng cùng thừa hưởng với họ từ truyền thống cựu ước và truyền thống Do thái. Cho tới đây cả hai bên cùng đồng ý với nhau và không thể bắt bẻ nhau điều gì. Nhưng thánh Phaolô dùng đức tin vào Thiên Chúa là thẩm phán chí công, như vũ khí để đánh bật các người đồng hương khỏi hào lũy thế thủ kiên cố của họ. Phaolô tuyên bố rằng điều mà người Do thái coi như là một chiến thắng, vì cho rằng mình có quyền phán xử người khác, thật ra là tự lên án mình, bởi vì tín hữu Do thái cũng hành xử y như người ngoại giáo (2,1-11). Là những người tin vào Thiên Chúa, hiểu biết các luật lệ của Chúa, được Chúa ban cho mọi đặc quyền và được ưu đãi như thế, mà người Do thái lại hằng ngày có thái độ sống bất trung, thì làm sao Thiên Chúa chí công lại không đánh phạt họ được? (2,12-24).

 

Phép cắt bì không thể tự động cứu thoát người vi phạm các luật lệ được mặc khải tại núi Sinai. Và phân tích cho cùng, ngay cả lòng tín trung của Thiên Chúa đối với các lời Ngài đã thề hứa với tổ phụ Abraham và dòng dõi ông, cũng không thể là lý do cứu chữa những tín hữu Do thái nào sống bất trung và tội lỗi khỏi bị Thiên Chúa phán xử và luận phạt (3,1-8). Tóm lại, thánh Phaolô lôi hết các đặc quyền đặc lợi của người Do thái ra và duyệt xét tỉ mỉ từng lý do một, các đặc quyền đặc lợi vẫn thường khiến cho người Do thái tự mãn khoe khoang, và chứng minh cho họ thấy không thể vin vào chúng như là các bảo đảm chắc chắn tự động để tự an ủi và tưởng rằng mình có thể sống yên hàn, mà không phải sợ hãi gì. Chính vì thế thánh nhân có thể kết luận trong chương 3,9: ”Vậy thì sao? Người Do thái chúng tôi có hơn gì người khác không? Không hơn gì cả! Qủa thế, chúng ta đã chứng minh rằng mọi người, Do thái cũng như Hy lạp đều bị Tội Lỗi thống trị”. Và để lý chứng của mình có giá trị, thánh Phaolô trích dẫn các văn bản Kinh Thánh Cựu Ước khẳng định rằng trong gia đình nhân loại không có ai là người công chính, không có ai có lương tri, không có ai kiếm tìm Thiên Chúa. Điều duy nhất con người biết làm là sống gian tham, ác độc, tà vạy, phạm đủ mọi thứ tội điêu ngoa dối trá, giết người và gieo rắc tai họa khắp nơi, không biết an bình và kính sợ Thiên Chúa là gì (Tv 14,13; 53,2-4; Hc 7,20; Tv 5,10; 140,4; 10,7; Cn 1,16; Is 59,7-9; Tv 36,2).

 

Trước các lý chứng hùng hồn này của Kinh Thánh, người Do thái phải ngậm miệng, không còn có thể nói gì, bởi vì họ qúa biết điều đó qua các chứng tích lịch sử của dân tộc Do thái. Họ qúa biết rằng họ cũng thuộc thế giới tội lỗi trước mặt Thiên Chúa (3,19). Do đó, có viện cớ là tuân giữ Luật Lệ cũng như không (3,20). Điều duy nhất có thể cống hiến cho họ ơn cứu độ, có thể giải thoát họ khỏi ách thống trị và nanh vuốt của Tội Lỗi, đó là sự công chính cứu độ, mà Thiên Chúa cống hiến cho họ trong Tin Mừng của Chúa Kitô (1,16-17). Thật ra, đối với thánh Phaolô chỉ có Tin Mừng ”là quyền năng Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do thái, sau là người Hy lạp” (1,16). Đó là tiêu chuẩn thánh Phaolô dùng trong vụ án chống lại các dân tộc ngoái giáo tôn thờ các thần linh giả cũng như chống lại người Do thái đã hiểu biết và tin nhận Thiên Chúa, nhưng lại sống bất trung với Chúa.

Ở đây, chúng ta phải nêu lên một câu hỏi. Có thật là trong văn bản chương 2,1-3,20 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô chỉ chú ý tới người Do thái không thôi? Thật ra trong chương 2,1 thánh nhân chỉ nói trống không: ”Hỡi bạn là kẻ tự nâng mình lên hàng thẩm phán, dù bạn có là ai đi nữa, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được”. Chỉ trong chương 2,17 Phaolô mới bắt đầu nói với tín hữu Do thái: “Nhưng nếu bạn tự hào là người Do thái, ỷ rằng mình có Lề Luật và tự hào vì có Thiên Chúa; bạn được biết ý Người, đựơc Lề Luật dậy cho điều hay lẽ phải; bạn xác tín rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù lòa, là ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dậy người non dại, vì bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý. Vậy bạn biết dậy người khác, mà lại không dậy chính mình! Bạn giảng: đừng trộm cắp, mà bạn lại trộm cắp! Bạn nói: chớ ngoại tình, mà bạn lại ngoại tình! Bạn gớm ghét ngẫu tượng, mà bạn lại cướp bóc đền miếu! Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa! Thật đúng như lời chép: Chính vì các ngươi mà Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân” (2,17-24).

 

Trong văn bản 2,9-10 và 3,9 thánh Phaolô nhắc tới người Do thái và người ngoại giáo như một đơn vị hỗn hợp để kết luận với công thức ”toàn thế giới” trong văn bản 3,19. Xem ra văn bản 2,1-3,20 đề cập tới người Do thái sau khi thánh Phaolô đã đề cập tới người ngoại giáo trong chương 1,18-32. Ai là người tự nâng mình lên hàng thẩm phán ở đây (2,1-11), nếu không phải là người Do thái kiêu căng tự mãn về nguồn gốc của họ đối với người ngoại giáo, và họ cho mình có dư mọi quyền hành để phán đoán xét xử và lên án người ngoại giáo? Ngay cả khi thánh Phaolô có nhắc tới người ngoại giáo như trong chương 2,12-16, thì cũng chính là để so sánh với người Do thái hầu đánh đổ cái ảo tưởng chắn chắn được ơn cứu rỗi của người Do thái. Đàng khác, đôi khi thánh Phaolô nhắc lại các hậu qủa trong thái độ sống của những người ngoại giáo, tức của những ai tôn thờ các thần tượng giả, như trình thuật trong chương 1,18-32 để khẳng định một cách chung chung rằng hai giai tầng xã hội ở đây đều có cung cách sống giống nhau là tôn thờ các thần tượng giả. Do đó họ đều có tội như nhau và đáng bị Thiên Chúa xét xử luận phạt như nhau, nếu không nói là các tội tôn thờ thần tượng của người Do thái trầm trọng hơn các tội của dân ngoại. Lý do vì thái độ sống phản chứng, không trung thực và bất tín của tín hữu Do thái là thái độ cố ý, chứ không phải là kết qủa của sự ngu dốt, thiếu hiểu biết, như có thể xảy ra trong trường hợp của những người ngoại giáo. Mặc dầu nói cho cùng cả hai bên đều đã được Thiên Chúa đặt để trong các điều kiện có thể nhận biết ra ý muốn của Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài.

Các văn bản đề cập tới sự phán xử luận phạt của Thiên Chúa đối với dân ngoại cũng như dân Do thái, chứng minh cho tài hùng biện và dẫn chứng của thánh Phaolô. Mọi lý chứng thánh nhân trưng dẫn đều rất sắc nhọn và kiểu lý luận của Ngài giống như một loại rọ, ngày càng siết chặt dồn đối phương vào chỗ phải thúc thủ, không thể cựa quậy hay chống đỡ gì được nữa. Có thể coi kiểu dẫn chứng và lý luận của thánh Phaolô chạy theo đường vòng xoáy trôn ốc, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới. Các vòng xoắn ban đầu còn tổng quát, rộng và không chính xác, nhưng càng tiến càng thu hẹp và siết chặt để chỉ còn là một mũi nhọn tích tụ mọi sức công phá. Nó như mũi dùi, hay như nhát gươm nhọn đâm thấu óc và lủng tim đối phương. Thánh Phaolô bị người Do thái thù ghét vì họ coi ngài như kẻ phản bội tôn giáo của cha ông và dân tộc để chạy theo một ”tà đạo” hay một giáo phái sai lạc là Kitô giáo. Kiểu tranh luận và các lý chứng của thánh nhân khiến cho họ phải nhức nhối nghiến răng căm thù vì nó luôn luôn khiến cho họ bị câm miệng, cứng họng không nói được lời nào. Và chúng ta hiểu tại sao họ đã không bao giờ buông tha thánh Phaolô, trái lại nhất quyết truy nã và tìm cách giết ngài, như đã thấy trong hai thư gửi giáo đoàn Côrintô. Chính Chúa Giêsu đã báo trước con đường truyền giáo khổ đau đó của thánh Phaolô khi truyền cho Annania tới gặp Phaolô bị Ngài đánh mù mắt trên đường đến thành Damasco: ”Con cứ đi vì người ấy là lợi khí Ta chon để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel. Thật thế, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những khổ đau người ấy sẽ phải chịu vì Danh Ta” (Cv 9,15-16).

 

Linh Tiến Khải

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.