Thánh Phaolô đặc biệt gắn liền tội tôn thờ thần giả với sự đồi trụy luân lý bằng cách dùng từ ”vì thế” nối liền hai đoạn văn 18-23 và 24-32. Và thánh nhân sẽ còn trở lại vấn đề này nhiều lần khác.
THÁI ĐỘ CỦA THÁNH PHAOLÔ ĐỐI VỚI THẾ GIỚI NGOẠI GIÁO
Trong bốn chương đầu thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô trình bầy đề tài thần học mặc khải cứu độ của Thiên Chúa, trước hết bằng cách duyệt xét tình trạng sống của thế giới ngoại giáo và thế giới do thái để chứng minh cho thấy những lầm lạc của thế giới ngoại giáo cũng như của thế giới do thái; tiếp đến để chứng minh cho thấy lòng xót thương nhân từ của Thiên Chúa muốn cứu rỗi nhân loại qua Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài.
Trong chương 1,18-32, thánh Phaolô không phân tích thế giới ngoại giáo trên bình diện hiện tượng tôn giáo đa thần, cũng không phê phán ý hướng kiếm tìm chân lý tốt lành của các anh chị em ngoại giáo, nhưng chỉ nhận diện sự kiện trên bình diện thần học. Theo đó Thiên Chúa cũng thịnh nộ với thế giới ngoại giáo, bởi vì tuy đã nhận biết Ngài và có thể nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, Đấng tự tỏ hiện ra trong mọi loài thụ tạo, đặc biệt là trong Cựu Ước và nơi chính con người của Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng, mà các anh chị em ngoại giáo lại cứ tiếp tục sống trong vô luân và gian ác, khước từ tin nhận Thiên Chúa và chạy theo tôn thờ các ngẫu tượng. Khi khước từ tin nhận Chúa Kitô và Tin Mừng cứu độ Ngài cống hiến cho nhân loại, các anh chị em ngoại giáo cố tình bước đi trong bóng tối lầm lạc và đánh mất ơn cứu rỗi đời đời.
Trên bình diện văn hóa, cũng nên ghi nhận ảnh hưởng của phong trào truyền bá Do thái giáo trong các môi trường hy lạp, trên tư tưởng của thánh Phaolô. Thí dụ điển hình là các chương 13-14 sách Khôn Ngoan. Tác giả chứng minh cho thấy tất cả vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa được phản ảnh trong mọi loài thụ tạo (13,3-5). Tâm trí con người có thể nhận biết ra Đấng Tạo Hóa (13,5) khi ngắm nhìn mọi loài thụ tạo. Vì thế khi chạy theo tôn thờ thế giới, tôn thờ các thụ tạo, các ngẫu tượng, thay vì tôn thờ Đấng Tạo Dựng, con người bị tha hóa (13,10 tt.), và tỏ ra mình đần độn (13,1). Thứ từ vựng triết học này của sách Khôn Ngoan và các tư tưởng quảng bá Do thái giáo trong môi trường hy lạp, cũng ảnh hưởng trên ngôn ngữ thánh Phaolô dùng trong thư gửi giáo đoàn Roma. Tuy nhiên văn bản vẫn duy trì được tính chất độc đáo riêng của thánh Phaolô. Nó không phải là một cuộc đối thoại với thế giới ngoại giáo, vì không phải là một trang biện hộ cho thuyết độc thần như trong khuynh hướng quảng bá do thái hy lạp thời đó. Thật ra thánh Phaolô chỉ khai thác các đề tài đã có sẵn để diễn tả, một cách linh động và uyển chuyển, lời tố cáo thế giới ngoại giáo và khẳng định rằng ơn cứu độ duy nhất của nó là Tin Mừng của Đức Kitô, mà thánh nhân và các thừa sai rao giảng. Đặc biệt ở đây thánh Phaolô chứng minh cho thấy con người đã biết tới Thiên Chúa qua mọi loài thụ tạo, do đó khi khước từ Thiên Chúa nó hoàn toàn có lỗi. Người ngoại giáo, tức không phải tín hữu do thái, bị thánh nhân đưa ra trước tòa án của Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô để nghe lời phán xử.
Để khỏi gây hiểu lầm, ở đây cần lập lại một lần nữa rằng, qua kiểu nói ”người ngoại giáo”, thánh Phaolô đang đề cập tới mẫu người chạy theo tôn thờ các thần tượng giả, chứ không nói tới ngoại giáo như một hiện tượng lịch sử cần được lượng định theo các tiêu chuẩn lịch sử, xã hội và tâm lý học. Nói cách khác, thánh Phaolô đang nhắm đả phá tội tôn thờ thần giả trong cội nguồn phát sinh cũng như trong tiến trình phát triển hữu lý của nó, và lượng định hiện tượng ngoại giáo tùy theo mức độ tôn thờ các thần giả ấy. Tóm lại, diễn văn của Phaolô ở đây trước hết là diễn văn thần học, chứ không có tính cách hiện tượng học hay lịch sử học. Thứ hai, nó liên quan tới ngoại giáo, tức thế giới tôn thờ thần giả nói chung chứ không nhắm các cá nhân. Thứ ba, nó diễn tả mẫu người tôn thờ thần tượng giả và các nét đặc thù nền tảng của nó. Thứ bốn, nó không có tính cách quy nạp mà có tính cách suy diễn. Nghĩa là đi từ một nguyên tắc đức tin là mặc khải sự ”công chính” của Thiên Chúa trong Tin Mừng để dẫn tới chỗ nhận ra tình trạng tuyệt vọng của con người. Kiểu diễn tả của thánh Phaolô do đó trừu tượng, nhưng sâu sắc, vì lột được thảm trạng cuộc sống của con người bị tha hóa trở thành xa lạ với môi trường ảnh hưởng Tin Mừng của Chúa Kitô.
Phân tích văn bản chi tiết hơn chúng ta ghi nhận câu nói ”Vì thế Thiên Chúa đã để mặc họ”, được lập lại ba lần (cc. 24.26.28) và dẫn lối cho các tư tưởng trình bầy trong các câu 24-32. Trong phần này thánh Phaolô cho thấy các hậu qủa tiêu cực của việc khước từ Thiên Chúa Tạo Hóa và của thái độ chạy theo tôn thờ các thần giả. Đây là cái luận lý tự nhiên nội tại, nhưng đồng thời cũng là hậu quả lời phán xử của Thiên Chúa. Lời kết tội này không nằm tại chỗ gán một hình phạt bề ngoài cho một tội hay bất kỳ hình phạt nào, mà nằm tại chỗ bỏ mặc con người cho cái năng động của một tiến trình do chính con người đã muốn, đẩy đưa nó tới chỗ bị tan rã và hủy hoại, như hậu qủa tất nhiên của thái độ sống lệch lạc của con người. Đây là điều diễn tả trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Việc phán xử và kết án của Thiên Chúa nằm trong chính các tiến trình lịch sử và cuộc sống con người. Đó là ý nghĩa kiểu nói: ”Vì thế Thiên Chúa đã bỏ mặc họ buông theo dục vọng của họ” (c. 24). ”Họ đã chuốc vào thân những hình phạt xứng đáng với tội lỗi của mình” (c. 27).
Cụ thể thánh Phaolô nói tới sự không trong sạch (akatharsía) (c. 24), các dục vọng tồi bại (c. 26) và thái độ sống lệch lạc (c.28), đặc biệt là các liên hệ tính dục trái tự nhiên, tức đồng tính luyến ái giữa phái nữ với nhau và giữa phái nam với nhau. Trong câu 26 để diễn tả tội đồng tính luyến ái, thánh Phaolô dùng động từ ”metallássô”, ”thay thế”, là động từ cũng được thánh nhân dùng để tố cáo thái độ khước từ Thiên Chúa và tôn thờ trần gian (c. 25). Thái độ lệch lạc tôn giáo kéo theo thái độ lệch lạc trong cuộc sống tính dục. Con người bị sai lầm trong các lựa chọn tôn giáo và luân lý. Tuy nhiên sự lệch lạc tính dục chỉ là một trong nhiều hậu qủa của thái độ tôn thờ thần giả. Thánh Phaolô liệt kê một danh sách dài các thói hư tật xấu thuộc bình diện cuộc sống gia đình và xã hội, phát xuất từ tội tôn thờ thần giả. Giống như danh sách trong nhiều thư khác (x. 13,13; 1 Cr 5,10-11; 6, 9-10; 2 Cr 12,20-21; Gl 5,19-21; Ep 4,31; 5,3-5; Cl 3,5-8; 1 Tm 1,9-10; 2 Tm 3,2-4; Tt 3,3) ở đây nó được mở đầu với kiểu nói ”Vì thế họ làm những điều bất chính”. Tiếp đến danh sách chia làm ba phần. Phần nhất mở đầu với tính từ ”đầy” (c. 29a) theo sau là bốn yếu tố diễn tả các thái độ nội tâm tổng quát: lòng họ đầy ”ác độc, tồi bại, tham lam và gian tà”. Phần hai gồm 5 thói xấu mở đầu với tính từ ”no ứ” : họ ”no ứ ghen tương, giết người, cãi cọ, lừa đảo, xảo quyệt” (c. 29b). Đây là những thái độ sống khiến cho con người trở thành lang sói cắn xé nhau. Phần ba tiếp theo đó gồm 12 tính từ diễn tả các thói xấu khác (c. 30), 8 tính từ theo hình thái tích cực bổ túc danh sách đi trước và 4 tính từ theo hình thái tiêu cực diễn tả thế giới ngoại giáo tôn thờ thần giả nên thiếu các nền tảng đảm bảo cho một cuộc sống chung an bình và liên đới. Cũng nên ghi nhận là danh sách các thói hư tật xấu hay tội lỗi ở đây không nhằm khuyến khích tín hữu tránh xa sự dữ, mà là một phần trong diễn văn tố cáo thế giới ngoại giáo. Thái độ tôn thờ thần giả khiến cho thế giới ngoại giáo đổ dốc trong cuộc sống băng hoại và đạt đáy vực thẳm, là mất đi ý thức về luân lý đạo đức (c. 32). Nghĩa là con người không chỉ làm điều ác mà còn tán thành những ai làm điều ác nữa. Thái độ này không chỉ diễn tả sự đồi trụy của cuộc sống cụ thể, mà còn diễn tả óc phán đoán luân lý sai lạc. Nói cách khác, con người coi điều ác là sự thiện. Nó rơi xuống vực thẳm của sự đồi trụy toàn diện không sửa chữa được. Làm sao con người có thể định hướng đời mình trong các quyết định hiện sinh và lịch sử, khi kim địa bàn luân lý chạy điên loạn vì mất hướng như thế? Định mệnh này lại càng thê thảm hơn nữa, bởi vì nó là hậu qủa của thái độ cố tình, chứ không phải vì vô tình, ngu dốt hay không hiểu biết. Và đó là lý do giải thích án phạt của Thiên Chúa đối với những người cố ý sống tội lỗi, gian ác và đồi trụy: ”Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết” (c. 32). Như thế, việc hiểu biết sự hiện diện của Thiên Chúa Tạo Hóa qua mọi loài thụ tạo (19-21) dẫn đưa tới chỗ hiểu biết Ngài là thẩm phán tối cao luận phạt những kẻ cố tình sống gian ác.
Thánh Phaolô đặc biệt gắn liền tội tôn thờ thần giả với sự đồi trụy luân lý bằng cách dùng từ ”vì thế” nối liền hai đoạn văn 18-23 và 24-32. Và thánh nhân sẽ còn trở lại vấn đề này nhiều lần khác. Ngay trong các câu 24-32 thánh Phaolô lập lại hai lần tội chối bỏ Thiên Chúa Tạo Hóa để tôn thờ thế giới: ”Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã chạy theo những thần giả. Họ đã tôn thờ những loài thọ tạo thay vì chính Đấng Tạo Hóa” (c. 25). ”Họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa” (c. 27). Sự lệch lạc tôn giáo kéo theo sự lệch lạc luân lý. Tội đầu tiên trong lịch sử nhân loại là tội chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ thụ tạo. Từ đó phát xuất ra mọi tứ tội lỗi khác trong cuộc sống con người.
Tóm lại, ở đây thánh Phaolô vẽ ra khung cảnh sự hư mất thê thảm của con người ”giam cầm chân lý trong sự gian tà” (1,18). Nhgĩa là con người hoàn toàn bị tha hóa. Khi khước từ Thiên Chúa là con người khước từ địa vị là thụ tạo của mình và rơi vào chỗ tôn thờ các thụ tạo và nô lệ chúng. Không muốn qùy lậy Thiên Chúa con người qùy lậy các thần tượng thua kém nó, do chính nó tự tạo ra. Hậu qủa là các tương quan giữa con người với nhau cũng bị đổ vỡ. Các liên hệ tính dục giữa nam nữ bị lệch lạc, tình liên đới huynh đệ trong cuộc sống xã hội bị hủy hoại, và con người đánh mất đi cả ý nghĩa luân lý. Nói cách khác, con người đánh mất đi bản chất là thụ tạo được mời gọi nhận biết Thiên Chúa, là bản vị được chỉ định thống trị thế giới và xử dụng nó, là bản vị có phái tính nam nữ gặp gỡ nhau và bổ túc cho nhau, là chủ thể xã hội hoạt động để xây dựng tình liên đới, có ý thức về sự thiện và sự ác.
Sau cùng cũng nên ghi nhận rằng văn bản chương 1,18-32 thư gửi giáo đoàn Roma trình bầy cuộc tranh luận truyền thống của Do thái giáo chống lại nếp sống vô luân của thế giới ngoại giáo. Nếp sống buông thả tính dục trong xã hội Hy lạp và Roma khiến cho tín hữu do thái sống nhiệm ngặt phải kinh hãi. Mục đích thánh Phaolô nhắm tới là chứng minh cho thấy khi từ chối nhận biết Thiên Chúa, con người có nếp sống sai lạc và tự hủy hoại mình; khi không tin nhận Tin Mừng để được ơn cứu độ, con người sẽ bị hư mất. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về ơn cứu rỗi hay sự hư mất của chính mình, chứ không phải định mệnh hay sự ngu dốt khiến cho con người bị hư hoại. Nhưng kiểu trình bầy của thánh Phaolô qúa sơ lược ngắn gọn, không diễn tả được những nét tích cực của thế giới ngoại giáo. Trong chương 2 thánh nhân công nhận rằng các anh chị em ngoái giáo cũng sống theo sự thiện, và tuân giữ các lề luật Thiên Chúa đã khắc ghi nơi tâm lòng họ (x. 2,14-16).
Linh-Tiến-Khải
Views: 0