Uncategorized

Thư gửi giáo đoàn Roma 7

Từ trời cao cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên ”mọi kẻ vô luân và bất chính giam cầm chân lý trong sự bất chính”.

 

LỜI PHÁN XỬ VÀ KẾT ÁN THẾ GIỚI NGOẠI GIÁO

Từ trời cao cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên ”mọi kẻ vô luân và bất chính giam cầm chân lý trong sự bất chính”.

 

LỜI PHÁN XỬ VÀ KẾT ÁN THẾ GIỚI NGOẠI GIÁO

Sau phần dẫn nhập gồm 17 câu đầu chương 1, thư gửi giáo đoàn Roma khai triển phần thứ nhất của giáo lý thần học liên quan tới sự công chính do Thiên Chúa mặc khải (1,18-4,25). Thánh Phaolô trình bầy đề tài này dưới hình thức biện chứng: trước tiên là mặc khải cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (1,18-3,20); tiếp đến là mặc khải sự công chính của Thiên Chúa (3,21-4,25). Đó là hai phần tiền đề và phản đề. Kết qủa, tức hợp đề, đó là Tin Mừng mà Kitô giáo loan báo là dịp may cứu độ duy nhất cho nhân loại. Phần tiền đề tiêu cực được thánh Phaolô khai triển theo hai tiết nhịp song song với nhau: trước hết là lời phán xử và kết án thế giới ngoại giáo (1,18-32), tiếp đến là lời phán xử và kết án thế giới do thái (2,1-3,20). Phần phản đề tích cực cũng được khai triển theo hai tiết nhịp: trước hết trình bầy thần học của sự công chính mà tín hữu có được chỉ nhờ đức tin (3,21-31) tiếp đến là chứng cớ Kinh Thánh, với thí dụ điển hình là lòng tin của tổ phụ Abraham (4,1-25).

Trước tiên là lời Thiên Chúa phán xử và lên án thế giới ngoại giáo (1,18-32). Đoạn văn này chia làm hai phần: các câu 18-23 trình bầy đề tài phán xử và kết án dân ngoại vì tội sống gian ác và tôn thờ thần giả; các câu 24-32 cho thấy các hậu qủa kinh khủng của sự lầm lạc tôn giáo đó.

Câu 18 loan báo đề tài bằng cách khẳng định rằng: ”Thật vậy, từ trời Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người”. Cơn thịnh nộ là kiểu nói linh động Kinh Thánh Cựu Ước thường dùng, không phải để diễn tả một tâm tình, cho bằng để ám chỉ sự tương khắc tuyệt đối giữa Thiên Chúa và thế giới của sự dữ và tội lỗi. Thiên Chúa không thông đồng với thế giới của sự dữ và tội lỗi, nhưng Ngài cũng không dửng dưng với nó. Thật ra, Thiên Chúa chống lại sự dữ và kết án sự dữ. Ở đây thánh Phaolô muốn trình bầy mấu điểm thần học truyền thống khẳng định rằng vào thời sau hết Thiên Chúa sẽ đánh phạt kẻ gian ác. Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như thế, đối chọi với sự “công chính”, tức hoạt động cứu rỗi của Ngài (1,17). Nhưng cũng giống như ơn cứu độ đã khai mào ngay từ bây giờ và ở đây, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa cũng đã bắt đầu ngay trong cuộc sống hiện tại của con người. Sự hiện diện và lời loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô ghi dấu thời điểm của ơn cứu độ hay án phạt cho con người, tùy theo thái độ chấp nhận hay khước từ của con người. Quyết định tối thượng của Thiên Chúa muốn cứu rỗi tín hữu giao thoa và song song với quyết định tối thượng lên án tất cả những ai khước từ Tin Mừng. Do đó, trên bình diện nhân chủng, cuộc sống và lịch sử con người từ nay liên lụy với thực tại này. Trước ơn cứu độ Thiên Chúa đã mặc khải nơi con người và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, mỗi người đều phải lựa chọn chấp nhận hay khước từ. Không thể có thái độ trung lập trước ơn độ.

Từ trời cao cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên ”mọi kẻ vô luân và bất chính giam cầm chân lý trong sự bất chính”. Kiểu nói tổng quát này nhắm tới thế giới ngoại giáo, tức những người tân thờ các thần giả, khước từ tin nhận Thiên Chúa duy nhất, mà họ đã biết tới, nhưng lại không nhận ra Ngài. Thật ra họ đã biết rằng có Thiên Chúa Tạo Hóa và thế giới được tạo thành, nghĩa là biết sự thật. Nhưng lỗi lầm của họ nằm tại chỗ họ giam cầm và bóp nghẹt sự thật đó, biết sự thật nhưng lại không sống theo sự thật. Trái lại họ đã tỏ ra không biết Thiên Chúa, tức cứ sống trong vô luân và gian ác. Do đó, sự kiện Thiên Chúa lên án phán xử chỉ là điều bất đắc dĩ, đáp trả lại ý muốn sai lạc của con người.

Tuy nhiên Thánh Phaolô không dừng ở lại đây, mà tiếp tục khai triển rộng rãi các lý do giải thích cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (cc.19-23). Đối với thánh Phaolô, con người không chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa, mà thực sự là đã nhận biết Ngài. Thật thế, bởi vì Thiên Chúa đã tự tỏ hiện ra trong mọi loài thụ tạo. Mọi tạo vật đều mặc khải Đấng Tạo Hóa. Do đó, quyền năng vĩnh cửu và oai phong của Thiên Chúa vốn là vô hình, đã trở thành hữu hình. Với trí thông minh, với đôi mắt trí tuệ, con người có thể đi từ tạo vật lên tới Đấng Tạo Hóa để nhận biết Ngài. Không còn khoảng cách nữa, vì con người gặp gỡ Thiên Chúa Tạo Hóa ngay trong các tạo vật, bắt đầu bằng chính mình. Đây là một nhận xét tích cực khách quan, nhưng thánh Phaolô dùng nó để tố cáo thế giới ngoại giáo. Bởi chính đó là lý do khiến cho những người không phải do thái giáo, tức không biết Giavê Thiên Chúa, không thể vin vào bất cứ cớ gì để tự bào chữa cho mình. Họ có lỗi, ”bởi vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh và cảm tạ Người”. Sự hiểu biết đã không trở thành sự nhận biết. Lý thuyết và thực hành hoàn toàn tách rời nhau.

 

Hậu qủa là con người đánh lạc mất chân lý mà nó đã chiếm hữu. Các lý luận của nó trống rỗng trừu tượng, không còn ăn nhập gì tới cuốc sống, và tư tưởng của con người lần mò trong tối tăm. Rốt cuộc là cuộc sống con người bị ảo tưởng thống trị. Con người tưởng mình khôn ngoan, nhưng trên thực tế nó bước đi trên những con người cong queo của lệch lạc và đần độn. Tắt một lời, con người rơi vào chỗ tôn thờ ngẫu tượng, khước từ Thiên Chúa bất tử. Thay vì vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa Tạo Hóa, thì nó ưa thích các ngẫu tượng được diễn tả dưới hình dạng con người hay cả dưới hình dạng thú vật nữa. Chân dung của thế giới ngoại giáo mà thánh Phaolô miêu tả ở đây bao gồm nhiều nét đặc thù. Thứ nhất là tính chất tóm lược của nó. Thánh Phaolô tỏ ra không nhậy cảm đối với các gía trị tích cực của thế giới ngoại giáo, chẳng hạn như sự dò dẫm kiếm tìm chân thành của các anh chị em ngoại giáo như được thánh nhân thừa nhận trong chương 17 sách Công Vụ (Cv 17,23-31). Làm sao thánh Phaolô lại có thể đưa ra một khuynh hướng tín lý thuần túy cứng nhắc, trừu tượng và loại bỏ mọi giá trị khách quan của thế giới ngoại giáo một cách giản lược như vậy?

Thật ra, văn bản không phân tích hiện tượng lịch sử của các tôn giáo đa thần, cũng không cố ý lên án ý tưởng tốt lành của các anh chị em ngoại giáo, mà chỉ đưa ra lập trường thần học của thánh Phaolô. Khẳng định của thánh Phaolô chỉ có tính chất thần học, nghĩa là thánh nhân nhận định sự kiện dưới ánh sáng của lòng tin vào Chúa Kitô, vì Phaolô xác tín được các điều sau đây. Thứ nhất, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Đấng tạo dựng thế giới, Đấng đã tự tỏ hiện ra trong lịch sử Cựu Ước và nhất là nơi chính con người của Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Thứ hai, Thiên Chúa tự mặc khải trong mọi loài thụ tạo. Thứ ba, vì Thiên Chúa tự mặc khải trong mọi loài thụ tạo nên tâm trí con người có thể nhận ra sự mặc khải đó. Thứ tư, tuy thế giới ngoại giáo biết điều này nhưng lại có ý khước từ Thiên Chúa để chạy theo tôn thờ các ngẫu tượng, tức các thần linh giả, là các thực tại do con người tạo ra và thần linh hóa chúng. Và sau cùng trong tư cách là người tin vào Thiên Chúa Tạo Dựng duy nhất và hãnh diện về niềm tin đó, thánh Phaolô kinh tởm các thói tục tôn thờ ngẫu tượng.

Trong viễn tượng tôn giáo và tâm lý trên đây chúng ta có thể hiểu những gì thánh nhân nói về thế giới ngoại giáo. Chúng ta sẽ hiểu lầm thánh nhân, nếu coi ngài là một nhà luân lý. Điều thánh Phaolô muốn nói ở đây đó là thảm cảnh của nhân loại đã đánh mất đi hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Tạo Dựng để thờ lậy thế giới, để tôn thờ các tạo vật. Tuy nhiên, thánh Phaolô không dừng tại đây, bởi vì ngài chỉ đang trình bầy mặt trái của chiếc mề đai. Mặt bên kia là lời loan báo ơn cứu độ như ơn thánh do sáng kiến Thiên Chúa đưa ra để gặp gỡ con người đang tiến bước trên đường lầm lạc. Trước sự mặc khải tuyệt đối đó của ơn giải thoát, mọi khước từ của con người đang tự đóng kín trong sự tự mãn và khôn ngoan ảo tưởng của mình, đều đáng kết án. Con người đã dành trọn trái tim mình cho các thần tượng như ngôn sứ Edekiel đã tố cáo.

 

Nếu Thiên Chúa đã không can thiệp để đánh đổ chúng và khơi dậy phong trào xuất hành khỏi vùng đất tôn thờ chúng, thì tệ nan nô lệ qủa là thực tại không có lối thoát. Như thế lời loan báo Tin Mừng cho thấy mặt trái trên bình diện nhân chủng: đó là con người đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng phải hư mất đời đời. Diễn tả trong thứ ngôn ngữ của thánh Phaolô điều đó có nghĩa là Tin Mừng là nơi tỏ lộ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa (1,16), và ngoài Tin Mừng ra chỉ có sự hư mất và đổ vỡ. Và đối với thánh Phaolô thế giới ngoại giáo đang sống trong tình trạng xa lạ với lời loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Đó là tất cả những gì thánh Phaolô muốn trình bầy. Thánh nhân không lên án các anh chị em ngoại giáo, cũng không phê phán trách nhiệm và khả năng cụ thể của họ liên quan tới nỗ lực kiếm tìm ơn cứu độ. Điều duy nhất ngài muốn trình bầy ở đây đó là đứng trước Thiên Chúa là Đấng giải thoát, Đấng tư tỏ hiện ra trong Tin Mừng của Chúa Kitô, con người chỉ có thể nhận ra tình trạng hư mất của mình và cần ơn cứu độ. Tin Mừng vừa chỉ cho thấy gương mặt đích thực của Thiên Chúa là Đấng nhân từ xót thương muốn cứu vớt con người, vừa chỉ cho thấy gương mặt thật sự của con người đang sống trong tình trạng hư mất và cần được cứu thoát. Và chính trong thái độ tin nhận của mình tín hữu nhận chân ra hình ảnh ơn thánh của Thiên Chúa là Cha Đức Kitô và hình ảnh hư mất của toàn nhân loại.

 

Linh-Tiến-Khải
 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.