Tắt một lời, Thiên Chúa có thời điểm của Ngài, thời điểm sự hiện diện của Đức Kitô. Như thế Thiên Chúa bước vào thời điểm của lịch sử cứu độ.
THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG CÔNG CHÍNH
VÀ LÀM CHO MỌI KẺ TIN VÀO ĐỨC GIÊSU ĐƯỢC TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH
Trong chương 1,16-17 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô muốn giới thiệu với tín hữu nòng cốt đức tin kitô như được ngài giải thích trong chìa khóa thần học sự công chính có được nhờ lòng tin. Đề tài cứu độ nhờ đức tin được diễn tả bằng một công thức khác trong câu 17 của chương 1 khi thánh Phaolo viết: ”Phải, bởi vì trong Tin Mừng sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải”. Với khẳng định này thánh Phaolô giải thích chiều kích cứu độ của Tin Mừng. Tin Mừng có sức mạnh cứu rỗi vì sự công chính do Thiên Chúa mặc khải, vì thế được hiện thực. Kiểu nói ”sự công chính của Thiên Chúa” không thấy có trong các thư gửi giáo đoàn Galát và Philiphê. Trong các thư gửi giáo đoàn Côrintô nó chỉ được dùng có một lần trong chương 5,2 thư thứ II. Nhưng trong thư gửi giáo đoàn Roma nó đựơc lập đi lập lại tới 8 lần (1,17; 3,5.21.22.25.26; 10,3 hai lần). Kiểu nói ”sự công chính của Thiên Chúa” khó hiểu, trước hết vì khó xác định ý nghĩa của thuộc cách (genitivo) ”của Thiên Chúa”. Luther đọc hiểu nó như là thực tại nhân chủng học. Theo đó sự công chính của Thiên Chúa ở đây không có nghĩa là ”qua đó Thiên Chúa là Đấng công chính, mà nhờ đó Thiên Chúa làm cho chúng ta được trở nên công chính”.
Học giả R. Bultmann cho rằng đó là một thuộc cách (genitivo) diễn tả tác giả, nghĩa là sự ”công chính” mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Đây đã là lập trường của đa số các học giả. Nhưng ngày nay có cả một trào lưu cho rằng thuộc cách trong kiểu nói của thánh Phaolô diễn tả sự ”công chính” của riêng Thiên Chúa, nhưng không phải trong nghĩa một đặc tính vô thời gian của Thiên Chúa, mà trong nghĩa hành động: Thiên Chúa là Đấng Công Chính và làm cho tất cả những ai tin vào Đức Giêsu Kitô được trở nên công chính (3,25-26). Nghĩa là nó diễn tả một biến cố mà nhân vật chính là Thiên Chúa. Thật thế, hoạt động đó được tỏ lộ, đựơc vén mở lên trong lời loan báo Tin Mừng (1,17). Và mặc khải này xảy ra độc lập với luật lệ (3,21). Thiên Chúa đã mặc khải sự công chính đó trong cái chết của Đức Giêsu, như thánh Phaolô khẳng định trong chương 3,25-26: ”Thiên Chúa đã định cho Đức Kitô phải đổ máu mình ra làm hy lễ đem lại ơn tha tội cho những ai tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi con người sa phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính”. Tắt một lời, Thiên Chúa có thời điểm của Ngài, thời điểm sự hiện diện của Đức Kitô. Như thế Thiên Chúa bước vào thời điểm của lịch sử cứu độ.
Thứ hai kiểu nói ”sự công chính của Thiên Chúa” có nghĩa là hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa. Nó khác với sự công chính mà Thiên Chúa dùng để lên án và trừng phạt những kẻ gian ác. Đồng thời nó cũng khác với sự công chính mà Thiên Chúa dùng để tưởng thưởng mỗi người theo việc họ làm trong ngày phán xét sau hết. Sự ”công chính” của Thiên Chúa mà thánh Phaolô nói tới trong các văn bản kể trên, thực ra là một chiều và luôn luôn có lợi cho con người. Nó diễn tả lòng trung tín không tài nào tả nổi của Thiên Chúa đối với dân Do thái là dân của giao ước, ngay cả khi họ có tội lội và bất trung với Ngài thế nào đi nữa. Nó diễn tả lòng trung thành vô biên của Thiên Chúa đối với toàn nhân loại, như được thánh Phaolô nêu bật trong tính cách đại kết của nền thần học về sự công chính hóa. Thiên Chúa ”công chính” đối với chính Ngài có nghĩa là Thiên Chúa trung tín và hành động như là Đấng tín trung.
Và thứ ba ”sự công chính của Thiên Chúa”, hay hoạt động cứu rỗi đó của Thiên Chúa liên quan tới thời sau hết, nghĩa là được nhìn trong viễn tượng hay dự phóng thời cánh chung. Do đó, nó cũng có tính cách định đoạt vĩnh viễn. Tuy nhiên, đối với thánh Phaolô, hoạt động cứu rỗi đó của Thiên Chúa khác với quan niệm của Do thái giáo, bởi vì nó đã thực sự được hiện thực trước trong biến cố Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, là biến cố có gía trị định đoạt trong lịch sử nhân loại. Các thần học gia tin lành cũng công nhận sự hữu hiệu thực sự của hoạt động công chính hóa đó của Thiên Chúa. Tuy nhiên cuộc tranh luận còn bỏ ngỏ liên quan tới động từ ”dikaióô”, ”công chính hóa”, ”cho trở nên công chính”. Vấn nạn nêu lên ở đây đó là hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa được thánh Phaolô hiểu như thế nào: trong nghĩa tư pháp, tức như là một phán quyết của ơn tha tội đối với con người tội lỗi khiến con người có một kiểu sống mới trước mặt Thiên Chúa, hay trong nghĩa đơn thuần của một cử chỉ cứu độ, bởi vì từ vựng này đã biến chuyển, nên tuy vẫn có dạng thức của một ý niệm pháp lý trên đây, nhưng đã đánh mất đi ý nghĩa pháp lý đó?. Dĩ nhiên nghĩa thứ hai rõ ràng hơn, vì nó giúp phân biệt giữa ”sự công chính” của Thiên chúa với sự phán xử của Ngài. Nhưng có lẽ thánh Phaolô đã ít chính xác hơn là chúng ta mong đợi và tưởng nghĩ. Lý do là vì thánh nhân đã nhận được kiểu nói ”sự công chính của Thiên Chúa” từ một truyền thống cổ xưa hàng bao thế kỷ. Đặc biệt ngôn sứ Isaia II đã cho thấy ý nghĩa cứu độ vào thời sau hết của kiểu diễn tả này. Nhưng dưới ánh sáng của lòng tin vào Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, thánh Phaolô coi biến cố cánh chung đó như đã bắt đầu trong hiện tại. Hôm nay là ngày cứu độ, mà Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô đã ra tay quyền uy hiện thực. Chỉ vào ngày sau hết mới có việc phán xử. Sự phân biệt thời điểm này đã dẫn thánh Phaolô tới chỗ phân biệt hình ảnh diễn tả với thực tại mà hình ảnh muốn diễn tả hay thế nào? Chúng ta không có câu trả lời chắc chắn, bởi vì chương 5,5 thư gửi các giáo đoàn vùng Galata chứng minh cho thấy việc công chính hóa là đích điểm của niềm hy vọng mai sau.
Sau cùng cũng phải ghi nhận rằng trong truyền thống kinh thánh, sự ”công chính” là một ý niệm diễn tả tương quan. Nó không ám chỉ tương quan với một luật lệ, hay thái độ sống ngay thẳng được đo lường bằng một nguyên tắc đại đồng, như trong nền văn hóa hy lạp. Trái lại, ”công chính” và ”sự công chính” trong lãnh vực kinh thánh được định nghĩa trên nền tảng lòng trung thành với thứ luận lý của giao ước gắn liền con người với nhau và với Thiên Chúa. Thiên Chúa ”công chính”, bởi vì Ngài trung thành với giáo ước đã ký kết với dân Do thái. Và Thiên Chúa luôn trung thành, trước sự ”bất trung” hay ”bất công” của con người. Thiên Chúa trung thành tới độ Ngài còn đi tới chỗ tuyên bố dân Do thái tội lỗi là ”công chính”, tức tái nhận họ vào trong giao ước, với điều kiện là họ hoán cải.
Trong bối cảnh trên đây, chúng ta hiểu tại sao học giả Kaesermann kịch liệt chống lại kiểu đọc hiểu ý niệm ”sự công chính của Thiên Chúa” trong viễn tượng cá nhân chủ nghĩa, bởi vì nó giảm thiểu và làm sai lạc sự trung thành của Thiên Chúa đối với thế giới và nhân loại. Mặt khác, đó là sự trung thành đòi hỏi, bởi vì nó mời gọi con người sống trung thực với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, là Đấng đã tự tỏ hiện như là Chúa duy nhất. Sự ”công chính” của Thiên Chúa là quyền năng tạo dựng ra các khung cảnh sống mới của thái độ vâng phục và khiến cho con người khước từ quyền thống trị và bảo hộ của trần gian.
Câu 17 chương 1 thư gửi giáo đoàn Roma khẳng định rằng việc loan báo Tin Mừng là nơi mặc khải sự ”công chính” của Thiên Chúa. Khi dùng động từ mặc khải ở thì hiện tại, thánh Phaolô nêu bật thời điểm hiện tại trong hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa. Ơn cứu độ ngày sau hết đang được Thiên Chúa hiện thực ngay trong lúc này, ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống con người. Thời điểm định đoạt đã khai mào: Thiên Chúa đã vén mở cho con người thấy thực tại cứu rỗi thời cánh chung ngay bây giờ đây. Vậy đâu là những điều kiện chủ quan mà con người cần có để sự mặc khải đó trở thành biến cố cứu độ? Ở đây thánh Phaolô dùng một kiểu nói, dịch sát nghĩa là ”từ lòng tin đến lòng tin”. Đây là kiểu ngôn ngữ do thái thường dùng để diễn tả gía trị lập lại của một kiểu nói (2 Cr 2,16). Qua đó thánh Phaolô muốn khẳng định rằng: nhờ đức tin và chỉ nhờ đức tin sự công chính cứu độ của Thiên Chúa mới hiện thực trong lịch sử loài người. Nghĩa là thánh nhân tuyệt đối loại bỏ các ”việc làm của luật lệ”, như sẽ trình bầy rõ ràng trong chương 3,21-31. Ngài chống lại lập trường của các kitô hữu gốc do thái, khẳng định rằng con người sẽ được hưởng sự cộng chính, tức ơn cứu độ Thiên Chúa ban, miễn là có thể trình bầy những công nghiệp tuân giữ luật lệ của mình. Khi đối chọi giữa đức tin và luật lệ, thánh Phaolô vừa nêu bật sự tự do của con người trước sáng kiến của Thiên Chúa, vừa cho thấy sự cần thiết phải khước từ sự độc lập trong con đường kiếm tìm ơn cứu rỗi để mở rộng tâm lòng đón nhận ơn nhưng không Thiên Chúa ban, chấp nhận Tin Mừng của Chúa Kitô và vâng lời Chúa. Lời trích ngôn sứ Habacuc: ”Ai công chính nhờ lòng tin sẽ được sống” diễn tả lập trường tranh luận của thánh Phaolô đối với Do thái giáo liên quan tới vấn đề đức tin và sự sống, liên quan tới thái độ trung thành với lề luật Môshê hay tín thác nơi Thiên Chúa. Nói cách khác, liên hệ của con người với Thiên Chúa và tình trạng cuộc sống tự do khỏi bị Sự Chết thống trị tùy thuộc nơi thái độ tin tưởng và phó thác hoàn toàn nơi ơn thánh cứu độ Thiên Chúa ban. Trong viễn tượng đó 4 chương đầu thư gửi giáo đoàn Roma khai triển đề tài sự công chính hóa của con người. Các chương 5-8 trình bầy ý niệm về sự sống.
Tóm lại, có thể tổng hợp các đề tài thần học của thư gửi giáo đoàn Roma trong các tư tưởng sau đây: Tin Mừng là tin vui tập trung nơi con người của Chúa Kitô (1,2-4); đồng thời nó là tin vui do Thiên Chúa ban (1,1). Do đó Tin Mừng là quyền năng của Thiên Chúa (1,16), bởi vì nó khai triển hoạt động cứu độ của Chúa, tức sự công chính của Ngài (1,17). Thiên Chúa cống hiến ơn cứu độ đó cho tất cả mọi người, do thái cũng như không do thái, không phân biệt ai (1,16). Điều kiện duy nhất để lãnh nhận ơn cứu rỗi đó là đức tin (1,16-17).
Linh-Tiến-Khải
Views: 0