Uncategorized

Thư gửi giáo đoàn Roma

”Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật thế, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền lực chi đối với Người."

 

VIỄN TƯỢNG ĐẠI KẾT CỦA TIN MỪNG THEO THƯ GỬI GIÁO ĐOÀN ROMA

 

”Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật thế, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền lực chi đối với Người."

 

VIỄN TƯỢNG ĐẠI KẾT CỦA TIN MỪNG THEO THƯ GỬI GIÁO ĐOÀN ROMA

 

Thư gửi giáo đoàn Roma đã được thánh Phaolô biên soạn ra trong thời điểm nguy kịch nhất của cuộc đời tông đồ. Thánh nhân đã kết thúc công tác rao truyền Tin Mừng bên Phương Đông và đang có dự tính bắt đầu sứ mệnh truyền giáo bên Phương Tây. Nhưng đây cũng là lúc Phaolô đang phải sống những tháng ngày lo âu nhất. Ngài bị do thái giáo công khai thù ghét, các kitô hữu gốc do thái phản đối và Giáo hội mẹ Giêrusalem nghi ngờ. Chính vì thế nên thánh nhân cảm thấy phải duyệt xét lại hoạt động truyền giáo và việc loan báo Tin Mừng của mình. Trong nghĩa này thư gửi giáo đoàn Roma là một vụ kết toán. Thánh Phaolô tính sổ đời mình, tổng kết sinh hoạt và viết di chúc. Ngài không có ý tóm tắt và hệ thống hóa tư tưởng của mình. Do đó, những gì trình bầy trong thư gửi giáo đoàn Roma không phải là một tổng luận thần học, mà trình bầy một điểm trong Tin Mừng một cách sâu đậm hơn, nhằm biện minh cho ý nghĩa cuộc lạc quyền: đó là sự hiệp thông giữa các kitô hữu ngoại giáo và các kitô hữu gốc do thái trong Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô.

Điểm thần học đầu tiên chúng ta có thể ghi nhận trong bảng tổng kết nói trên là viễn tượng đại kết. Sự đổ bể lớn nhất trong thế giới cổ xưa thời Kitô giáo khai sinh là sự gẫy đổ giữa các tín hữu cắt bì và các tín hữu không cắt bì, tức giữa các kitô hữu gốc ngoại giáo và kitô hữu gốc do thái. Sự đổ bể đó bao gồm mọi chiều kích nhân chủng, lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Nhưng giờ đây thánh Phaolô công bố Chúa Kitô là Đấng đã hoàn toàn thắng vượt sự đổ bể đó. Trong nghĩa là mọi người thuộc bất kỳ chủng tộc, văn hóa và tôn giáo nào cũng cùng chung một số kiếp: đó là sống rồi chết đi. Do đó, mọi người đều ngang hàng nhau. Trước sự bình đẳng này và trước việc hiện thực sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô tử nạn và phục sinh, mọi đặc quyền đặc lợi hay tật nguyền tôn giáo đều rơi rụng. Bởi vì tất cả mọi người không phân biệt ai, đều cần tới ơn cứu độ giải thoát. Thánh Phaolô viết trong chương 11,32: ”Bởi vì Thiên Chúa đã giam cầm tất cả mọi người trong sự không tuân phục để thương xót mọi người”. Thư gửi giáo đoàn Roma không ngừng lập đi lập lại điều này: đó là Thiên Chúa không kỳ thị ai. Thánh Phaolô viết trong chương 3 như sau: ”Thật vậy, mọi người đều đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban một cách nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (3,22b-24). Trong chương 10,12 ngài còn lập lại: ”Như vậy không có sự khác biệt giữa người Do thái và người Hy lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người” (x. 15,7-9).

Sự bình đẳng đó giữa mọi người hiện thực trước hết trong tiến trình cứu độ. Bởi vì Thiên Chúa là Chúa của tất cả mọi người do thái cũng như không do thái. Thánh nhân viết trong chương 3,29-30: ”Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do thái thôi? Thiên Chúa không là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa hay sao? Có chứ! Người cũng là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa. Vì chỉ có một Thiên Chúa, Đấng làm cho người được cắt bì nên công chính vì họ tin, và làm cho người không được cắt bì nên công chính cũng bởi họ tin”(x. 10,12). Thiên Chúa ”công chính” trong nghĩa Người trung thực với chính mình và trung thành với chương trình cứu độ đại đồng, vì thế nên Người can thiệp để hòa giải nhân loại và làm cho mọi người tin vào Đức Giêsu Kitô được trở nên công chính (3,26). Thiên Chúa hành động qua trung gian Đức Giêsu Kitô, Adam mới, Đấng cứu chuộc loài người qua cái chết hiến dâng hiến làm hy lễ tha tội cho những ai tin (3,24-25). Chúa Kitô giải thoát nhân loại cũ khỏi quyền lực thống trị xấu xa của Tội Lỗi, khỏi số phận phải chết đời đời. Trong chương 5,12-21 thánh Phaolô nêu bật hậu qủa của tội lỗi là ách thống trị nó áp đặt trên loài người, sau khi Adam đã phạm tội. Nhưng ân huệ của Thiên Chúa vượt thắng sự sa ngã của Adam. Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa ban ân sủng cứu độ dồi dào cho muôn người, khiến cho họ được trở nên công chính, được sống và được thống trị (với Chúa)….Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. Trên bình diện chủ quan thì việc tham dự thực sự vào ơn cứu độ hiện thực chỉ nhờ lòng tin. Đây là điểm nòng cốt được thánh Phaolô lập đi lập lại nhiều lần trong thư gửi giáo đoàn Roma (1,17; 3,21-31; 9,30-32; 10,6 tt.), và khai triển rộng rãi trong chương 4.

Tổ phụ Abraham tin vào Thiên Chúa là Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến cho những gì không có, được hiện hữu. Mặc dầu không còn gì để trông cậy, tổ phụ Abraham vẫn cậy trông và vững tin. ”Abraham đã không mất niềm tin và không chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa. Trái lại nhờ lòng tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa, thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế ông được kể là người công chính” (4,17-22). ”Chúng ta cũng sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết; Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã đựơc Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (4,23-25). Tất cả mọi người, không phân biệt ai, đều được Thiên Chúa kêu mời tin vào Đức Giêsu Kitô để được ơn cứu độ: người tốt lành cũng như kẻ gian ác, tín hữu tuân giữ luật lệ Môshê cũng như những người sống ”ngoài luật lệ Môshê”, người đã có các kinh nghệm truyền thống tôn giáo cổ kính cũng như những ai đã bước theo con đường tôn thờ các ngẫu tượng và thần linh giả, người Biệt phái có tước hiệu luân lý được kính trọng cũng như người thu thuế bị miệt thị. Trước mặt Thiên Chúa, là Đấng nhân từ tự tỏ hiện ra nơi con người của Đức Giêsu Kitô, ai ai cũng chỉ là con người và đều được mời gọi tin nhận Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô, Đấng tạo dựng nên sự sống tại những nơi sự chết thống trị. Thiên Chúa Cha mời gọi mọi người tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng thể hiện trong hành động của Người năng động tình yêu vô vị lợi và không kỳ thị của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết trong chương 5,5-8: ”…Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Qủa vậy, khi chúng ta chưa làm được gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Vạn dĩ mới có người muốn chết vì người công chính, có lẽ người ta chấp nhận chết vì người công chính đấy. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn là những người tội lỗi: đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (5,5-8).

Còn một lý cớ khác chứng minh cho thấy sự bình đẳng của con người. Thánh Phaolô trình bầy lý cớ thần học này bằng luận lý suy diễn. Nếu trọng tâm của Tin Mưng là là loan báo sáng kiến ơn thánh cứu độ của Thiên Chúa, thì điều này có nghĩa là cần phải cứu rỗi mọi người vì mọi người đang sống trong tình trạng tội lỗi và hư mất. Thánh Phaolô đã sáng suốt trực giác được thảm cảnh của lịch sử nhân loại một cách sâu thẳ, với đôi mắt của lòng tin vào Chúa Kitô. Nhưng làm thế nào để diễn tả nó trên bình diện thần học và đặc biệt làm thế nào để chứng minh rằng ơn cứu độ cũng cần thiết đối với những người tuân giữ lề luật Giavê Thiên Chúa đã ban cho ông Môshê tại núi Sinai, hay những người sống theo tiếng nói ngay thẳng của lương tâm là luật tự nhiên của Thiên Chúa (x. 2,12 tt.)? Thánh Phaolô khai triểm vấn đề này qua ba đoạn nối tiếp nhau và bổ túc cho nhau: 1,18-3,20; 5,12-21 và chương 7,7-25. Trong đoạn nhất, thánh nhân theo các lược đồ của tư tưởng do thái thời đó và bắt chước giọng văn các lời sấm tố cáo của các ngôn sứ Cựu Ước để khẳng định rằng: tất cả mọi người đều phải chết đời đời vì tất cả đều đã phạm tội. Đặc biệt những người ngoại giáo đã khước từ Thiên Chúa Tạo Hóa để tôn thờ thế gian. Riêng về phía người Do thái, một cách cụ thể họ cũng đã bất trung với Thiên Chúa chân thật, vì khước từ tuân phục Ngài và chỉ hài lòng với việc tỉ mỉ tuân giữ lề luật bề ngoài. Trong đoạn hai, tức văn bản chương 5,12-21, thánh Phaolô trở về thời tạo dựng loài người: đó là tình trạng hư hỏng mà nhân loại phải gánh chịu như là hậu qủa của một lịch sử bất phục tùng khai mào với tội lỗi của Adam, như yếu tố đã điều kiện hóa nặng nề cuộc sống của toàn nhân loại. Đoạn thứ ba chương 7,7-25 nhấn mạnh trên ảnh hưởng định đoạt của Tội Lỗi, như là quyền lực được nhân cách hóa của chủ trương lấy cái tôi làm trung tâm vũ trụ, áp đặt trên con người và lèo lái con người kiếm tìm chính mình một cách ám ảnh thái qúa.

Tuy nhiên, chúng ta nên thận trọng, khi tìm hiểu các văn bản này. Bởi vì thánh Phaolô không có chủ ý đưa ra bài học luân lý đạo đức. Sự hư mất và ơn cứu độ không chỉ được quan niệm trên bình diện thiện ác trong nghĩa thuần túy đạo đức luân lý mà thôi. Thánh nhân nhìn thực tại trong chiều sâu và lượng định tình trạng cuộc sống con người dưới ánh sáng Tin Mừng của Chúa Kitô: theo đó sự hư mất hay ơn cứu rỗi của con người là lòng tin hay thai độ không tin vào Chúa Kitô. Chúa Kitô tử nạn và phục sinh trở thành mẫu mực và thước đo tính chất đích thực của tất cả mọi người, như thánh Phaolô viết trong chương 6,8-11: ”Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật thế, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền lực chi đối với Người. Người đã chết, là chết cho tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh chị em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu”. Dựa trên sự thật này, thánh Phaolô có thể coi những người chăm chỉ tuân giữ luật lệ nhất cũng đang sống trong tình trạng tội lỗi. Bởi vì ngoài lòng tin đích thực ra thì chỉ có sự tôn thờ chính cái tôi của mình và ích kỷ triệt để mà thôi.

 

Linh-Tiến-Khải

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.