Uncategorized

Thư gửi giáo đoàn Roma 16

Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.

 

 

ĐỨC GIÊSU KITÔ ÔNG TỔ CỦA MỘT NHÂN LOẠI MỚI

Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.

 

 

ĐỨC GIÊSU KITÔ ÔNG TỔ CỦA MỘT NHÂN LOẠI MỚI

Trong phần hai của chương 5 thư gửi giáo đoàn Roma các câu 12-21 thánh Phaolô thánh Phaolô trình bầy giáo thuyết liên quan tới Chúa Kitô Đấng giải thoát con người, Adam mới của một nhân loại mới. Trọng tâm sự chú ý của thánh Phaolô là số phận trái nghịch của Cái Chết và Sự Sống liên quan tới nhân loại dòng dõi phải chết của Adam và nhân loại được Chúa Kitô cứu chuộc.

Trên bình diện nội dung toàn phần hai chương 5 thư gửi giáo đoàn Roma xoay quanh việc so sánh Đức Kitô với Adam ông tổ của gia đình nhân loại tội lỗi (cc. 18.19.21). Nhưng dưới hình thức so sánh đó dấu ẩn một sự mâu thuẫn đích thực. Thật vậy, nếu Adam đã là nguyên cớ cho Tội Lỗi và Cái Chết bước vào thế giới, thì Đức Kitô là nguyên do trao ban sự công chính và cuộc sống vĩnh cửu cho trần gian. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.

Trên bình diện hành văn thánh Phaolô bỏ dở sự so sánh giữa Adam và Đức Kitô. Trong câu 12 thánh nhân viết: ”Bởi vậy, cũng như vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây ra cái chết” đáng lý ra sau đó phải thêm ”thì cũng vậy nhờ một người duy nhất mà loài người có được sự sống”, nhưng thánh nhân bỏ lửng cho tới câu 18, mới tiếp tục sự so sánh. Lý do là vì trước hết ngài phải xác định gía trị của lược đồ ”một người – tất cả”, đang được thánh nhân áp dụng cho Adam và nhân loại tội lỗi (cc. 13-14). Tiếp đến là phải cảnh cáo việc áp dụng máy móc phương trình ”Adam đối với nhân loại tội lỗi làm sao thì Đức Kitô đối với nhân loại được cứu rỗi cũng như vậy” (cc.15-17). Sự so sánh bị gián đoạn là vì vậy. Điều thánh Phaolô trình bầy ở đây đó là một lý do riêng tư lại làm nảy sinh ra một hậu qủa phổ quát. Tuy là một thực tại mâu thuẩn nhưng được thánh nhân trình bầy như là một dữ kiện đương nhiên. Và hậu qủa là một tai họa cho thế giới: ”Tội Lỗi đã bước vào trần gian và qua Tội Lỗi là Cái Chết, và như thế Cái Chết đã lan tràn tới mọi người”. Hành động của một người đã tạo ra tình trạng đại họa cho toàn nhân loại. Thánh Phaolô đã biến một điều kiện sống trở thành một thảm kịch trong đó các lực lượng sự dữ và hủy hoại được nhân cách hóa: Tội Lỗi chiến thắng bước vào thế giới và Thần Chết ”đi ngang qua” hàng ngũ con cái loài người và đốn ngã chúng. Đây không phải là một hành động tội lỗi biến thành hành động của tất cả mọi người một cách bí nhiệm, mà là một sức mạnh thống trị trên cuộc sống con người, một điều kiện sống mà không ai có thể trốn thoát được. Cũng chính vì thế nên có lẽ nên viết từ ”hê hamartía”, Tội Lỗi và từ “ho thánatos” Cái Chết với chữ hoa. Chúng là hai nhân vật mới xuất hiện trong cuộc sống nhân loại và đem đại họa tới cho loài người. Cái Chết ở đây cũng không chỉ có nghĩa thuần túy là cái chết của thân xác, mà còn ám chỉ cái chết của linh hồn con người, cái chết của cuộc sống thiêng liêng nữa, bởi vì trong hai câu 17 và 20 thánh Phaolô đối chọi nó với sự sống vĩnh cửu. Do đó, chắc chắn nó là cái chết đời đời, nó là hình phạt, là án tử vĩnh cửu như diễn tả trong câu 18. Như thế chúng ta hiểu tại sao Cái Chết lại gắn liền với hành động của Tội Lỗi. Tuy nhiên, ở đây thánh Phaolô thêm một xác định nữa, đó là ”bởi vì tất cả đã phạm tội”. Kiểu nói này của thánh nhân đã gây ra nhiều tranh luận. Văn bản Vulgata, tức bản dịch tiếng latinh của thánh Giêrôlamô dịch là: ”nơi kẻ ấy, tức Adam, mọi người đã phạm tội”. Thánh Giêrôlamô đã nhầm từ ”eph’hôi” có nghĩa là ”bởi vì” với từ ”en hôi” có nghĩa là ”trong kẻ đó”. Nhưng thánh Agostino đã dựa trên văn bản dịch sai này của thánh Giêrolamô, để rút tỉa ra một kết luận qúa dễ dàng về tội tổ tông, khi khẳng định rằng loài người mắc tội tội tổ tông qua ngã truyền sinh tự động cha truyền con nối. Thực ra nếu xét kỹ theo ngành truyền sinh học ngày nay, thánh Agostino không phải là không có lý. Bởi vì qua sự phối hợp giữa tinh trùng của người cha và trứng của người mẹ, mỗi một người con nhận được từ cha mẹ tất cả gia tài nhiễm thể tâm-sinh-vật-thể-lý, gồm mọi yếu tố tiêu cực cũng như tích cực, kể cả cả tâm trạng tươi vui hạnh phúc hay u uẩn khổ đau của cha mẹ nữa. Nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất cấu tạo nên bản chất và các hậu lụy, mà thánh nhân cũng là người đầu tiên gọi là ”tội tổ tông”. Giới học giả đã đề nghị nhiều kiểu dịch khác nhau, nhưng kiểu dịch ”bởi vì mọi người đã phạm tội” xem ra lột được điều thánh Phaolô muốn khẳng định hơn cả. Trong nghĩa là nhân loại, dòng dõi của Adam, không sống kinh nghiệm cái chết đời đời như là một sự kiện, như là một hậu qủa máy móc, tự động vô lý, mà như là một hành động sáng suốt thể hiện qua các lựa chọn có ý thức, chấp nhận để cho Tội lỗi thống trị cuộc sống của mình. Thảm trạng này sẽ được thánh Phaolô khai triển rộng rãi hơn trong chương 7. Trong đó thánh Phaolô khẳng định rằng chỉ có các hành động cụ thể chấp nhận của con người mới lôi kéo Tội Lỗi tới thống trị con người mà thôi. Nếu không Tội Lỗi như đã chết, không hoạt động và đánh phá được con người. Còn ở đây thánh Phaolô cho chúng ta thấy hai yếu tố nòng cốt trong thảm cảnh sống đại họa này của loài người. Một đàng là những hậu lụy do Adam để lại như gia tài gồm mọi thứ nhiễm thể tích cực cũng như tiêu cực, mà mỗi một đứa con nhận lãnh từ cha mẹ, dù muốn dù không; đàng khác thảm trạng này là hậu qủa của các hành động lựa chọn có ý thức và tự do của từng người. Sự kiện mỗi người lựa chọn phạm tội, để cho Tội Lỗi thống trị cuộc đời mình đã được thánh Phaolô khẳng định ngay trong phần đầu của thư gửi giáo đoàn Roma, tức từ chương 1,18-3,21. Thánh nhân viết trong chương 3,22b-23: ”Không có sự thiên tư nào cả: mọi người đều đã phạm tội nên đã bị mất đi vinh quang Thiên Chúa”. Thánh Phaolô lập lại thực tại ấy ở đây nhằm mục đích loại trừ quan niệm định mệnh liên quan tới án phạt của nhân loại. Sự kiện loài người mất linh hồn không phải là hệ lụy của một định mệnh mù quáng, mà là hậu qủa các lựa chọn tội lỗi của từng người. Chính con người lựa chọn cái chết, chứ không phải Thiên Chúa đối xử bất công, cũng không phải ”định mệnh đã an bài như thế”.

Nhưng vương quốc của cái chết có thực sự là vương quốc phổ quát không? Và có phải trong mọi thời đại con người đã trở thành nạn nhân của của Cái Chết vì những lựa chọn tội lỗi của mình không? Thánh Phaolô trả lời các nghi vấn này bằng cách chia lịch sử nhân loại thành hai thời kỳ trước khi có luật lệ Môshê và sau khi có luật lệ Môshê. Đối với thời gian từ ông Môshê cho tới Đức Giêsu, mọi sự đều rõ ràng, vì thực tại là ”Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn” như thánh nhân khẳng định trong chương 5,20. Tội Lỗi đã viện cớ giới răn để tự thể hiện trong các hành động tội lỗi (x, 7,7 tt.). Như vậy trong thời gian trước khi có luật lệ, thì không thể có việc lỗi luật nào. Thật thế, thánh Phaolô đã khẳng định trong chương 4,15: ”Ở đâu không có luật lệ, thì ở đấy cũng không có vi phạm”. Và ở đây trong câu 13 thánh Phaolô nói rõ: ”Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội”. Dịch sát phải nói là ”tội không bị ghi vào sổ”. Đây là động từ thuộc ngôn ngữ thương mại. Nó diễn tả quan niệm do thái coi Thiên Chúa như một vị thẩm phán thưởng phạt con người chiếu theo những điều thiện ác mà con người đã làm. Thật ra đây là một lời bác bỏ mà thánh Phaolô tự đưa ra cho chính ngài: nếu loại bỏ mọi tội dưới hình thức vi phạm một luật lệ và bị hết án phạt đời đời, thì làm sao lại còn có thể nói tới số phận của Cái Chết mà con người tự tạo ra cho mình qua các tội mình phạm được? Nhưng thánh Phaolô trả lời vấn nạn như sau: ” Ấy thế mà từ thời Adam đến thời Môshê, Cái Chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Adam đã phạm” (c. 14). Sự kiện không có Luật Lệ không có nghĩa là không có Tội Lỗi cũng không có nghĩa là con người không phạm tội. Thật ra, thì loài người đã phạm tội, ngay cả khi không phải dưới hình thức vi phạm một giới răn, nhưng mọi người đều đã phạm tội và vì thế nên các lực lượng hủy hoại mới hoành hành trong cuộc sống con người. Chắc hẳn ở đây thánh Phaolô đang nghĩ tới lụt Hồng Thủy hủy hoại nhân loại tội lỗi, tới dân chúng hai thành Sodoma và Gomorra sống sa đọa nên bị lửa diêm sinh chôn vùi. Như thế thời gian trước khi có Lề Luật Môshê trong lịch sử nhân loại không phải là thời gian vô tội và thời gian của Sự Sống, không có bóng dáng Tội Lỗi và Cái Chết. Trái lại là đàng khác. Như thế sự thực là Cái Chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi trên trần gian” (12b-13).

Câu trả lời trên đây của thánh Phaolô lại càng cho chúng ta thấy tình trạng thê thảm trong cuộc sống của nhân loại. Xa hơn trong chương 7 thánh nhân sẽ diễn tả tình trạng đó trong tiếng thét tuyệt vọng xé lòng sau đây: ”Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm nô lệ cho tội lỗi… Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm sự thiện thì không. Sự thiện tôi muốn tôi lại không làm, điều ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nhưng nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội lỗi sống trong người tôi… Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (7,14.18-20.24). Phải, ai sẽ có thể giải thoát chúng ta khỏi thảm cảnh này, nếu không phải lừ Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa?

ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐẤNG GIẢI THOÁT CON NGƯỜI
KHỎI TÌNH TRẠNG NÔ LỆ TỘI LỖI VÀ CÁI CHẾT

Trong phần hai của chương 5 thư gửi giáo đoàn Roma các câu 12-21 thánh Phaolô trình bầy giáo thuyết liên quan tới Chúa Kitô là Adam mới, là Đấng giải thoát nhân loại khỏi tình trạng sống tuyệt vọng dưới ách thống trị của Tội Lỗi và Cái Chết. Thánh Phaolô đã nêu lên hai lý do giải thích thảm cảnh sống này. Thứ nhất là do tội lỗi của Adam, ông tổ của loài người. Con người thuộc các thế hệ đến sau nhận được từ Adam và từ các thế hệ đến trước trọn vẹn gia tài gồm mọi yếu tố tích cực cũng như tiêu cực, y như một người con nhận được từ cha mẹ tất cả gia tài nhiễm thể tâm sinh vật thể lý, gồm mọi yếu tố tích cực cũng như tiêu cực, kể cả tâm trạng tươi vui, hài hòa, hạnh phúc hay u uẩn, khắc khoải, khổ đau của cha mẹ nữa. Thứ hai là do tội lỗi mà từng người trong gia đình nhân loại đã sa phạm. Cái Chết đã thống trị nhân loại, bởi vì con người thuộc mọi thời đại đều đã phạm tội, đều đã có các hành động và cung cách sống tội lỗi, ngay cả trước khi có Lề Luật Môshê.

Sau khi trình bầy vế đầu của phương trình so sánh, thánh Phaolô bắt đầu khai triển sự đối chiếu giữa Adam và Đức Kitô, trước hết bằng cách khẳng định rằng ”Adam là hình ảnh diễn tả trước Đấng phải đến”. Thánh Phaolô đã chú ý tới vị nguyên tổ cũ của nhân loại vì vị ấy diễn tả trước Adam tương lai, nguyên tổ của một nhân loại mới. Tuy nhiên giữa hai vị không có sự tương xứng hoàn toàn. Trái lại thánh Phaolô nhấn mạnh trên sự khác biệt: “Vai trò của Adam đối với mọi người như thế nào, thì vai trò của Đức Kitô đối với nhân loại cũng thế”. ”Nhưng sự sa ngã của Adam không thể so sánh được với ân huệ của Thiên Chúa” (5,15). Hành động của con người không thể ở trên cùng bình diện và có cùng hiệu qủa như hành động trao ban nhưng không của Thiên Chúa. Điều này được thánh Phaolô diễn tả bằng kiểu nói ”huống hồ, phương chi”: ”… nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào biết mấy cho muôn người!” (5,15). Nghĩa là kết qủa tích cực to lớn hơn là tình trạng tiêu cực. Dĩ nhiên, đây là kết qủa sự lượng định dưới ánh sáng đức tin. Câu 16 lập lại ý tưởng của câu 15 với vài thay đổi. Nhưng sự cao vượt ở đây không dựa trên tiêu chuẩn sự dồi dào nữa mà dựa trên năng động của tiến trình nguyên do cho thấy ảnh hưởng và hậu qủa hành động của một người trên tất cả mọi người. Trong trường hợp của Adam, tức là từ tội lỗi của một người duy nhất, lời tuyên án (= kríma) còn có hình phạt đi kèm nữa (= katákrima). Trong khi trường hợp của Đức Kitô, sự công chính hóa là kết qủa của tiến trình thắng vượt tội lỗi. Câu 17 lấy lại một phần kiểu lý luận ”huống chi” của câu 15: ”Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà Cái Chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Qủa vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (5,17). Vương quốc Sự Sống đối nghịch với vương quốc Sự Chết. Do đó, không thể so sánh các tình trạng hậu qủa hành động của Adam và của Đức Giêsu Kitô. Cũng không thể so sánh số phận của con người phát xuất từ hai hành động đối nghịch trên đây. Tóm lại, nhân loại phát xuất từ Đức Giêsu Kitô có đặc thái phẩm chất cao hơn là nhân loại phát xuất từ Adam, trong sự hiệu nghiệm cũng như trong kết qủa.

Sau khi trình bầy một cách chính xác và chi tiết các yếu tố giúp hiểu ý nghĩa của phương trình, trong hai câu 18-19 thánh Phaolô mới xác định các yếu tố làm thành phẩm chất của phương trình, mà không sợ bị hiểu lầm. Hành động của một người duy nhất gây ra hậu qủa tình trạng sống của toàn nhân loại và vận mệnh cuối cùng được trình bầy trong thể song song với nhau. Một bên là các hậu qủa tiêu cực nối tiếp nhau: thứ nhất là sự sa ngã hay bất tuân của một người duy nhất; thứ hai là tình trạng tội lỗi của nhân loại; thứ ba, số phận bị án phạt phổ quát phải chết. Bên kia là các dữ kiện tích cực: thứ nhất là hành động ngay thẳng hay sự vâng lời của một người duy nhất; thứ hai tình trạng ”công chính hóa” toàn nhân loại được hưởng; thứ ba là vận mệnh cuối cùng và phổ quát được sống. Câu 19 đưa ra các lý do giải thích câu 18. Thánh Phaolô dùng phương trình phản đề giữa Adam và Đức Kitô để đối chọi giữa vương quốc của Sự Sống với vương quốc của Cái Chết. Và sự đối nghịch này được củng cố thêm bằng phản đề tình trạng tội lỗi và tình trạng công chính. Việc xác định cử chỉ giải thoát của Đức Giêsu Kitô qua thái độ sống vâng lời cũng rất ý nghĩa. Nó khiến chúng ta liên tưởng tới khẳng định của thánh Phaolô trong chương 2,8 thư gửi tín hữu Philiphê: ”Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Thái độ vâng phục đó của Đức Kitô được thể hiện ra một cách cụ thể bằng chính cái chết, được chấp nhận như là gía cả sự trung thành đối với chương trình của Thiên Chúa Cha. Nếu tội lỗi của Adam đã là khước từ Thiên Chúa và tự tôn mình lên địa vỉ của Thiên Chúa, thì hành động công chính của Đức Kitô đã là thái độ hoàn toàn chấp nhận Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, cho dù có phải chết trên thập giá đi nữa.

Hai câu sau cùng xác định vai trò của luật lệ trong số phận phải chết hay được sống. Thánh Phaolô lượng định trở lại tầm quan trọng của luật lệ đồng thời định tính vai trò của nó một cách tiêu cực. Luật lệ ”đã len lỏi vào” cuộc sống con người. Như thế nó không phải là một thực tại ban đầu do Thiên Chúa tạo ra như các rabbi thời đó lầm tưởng, mà là điều sau này mới có. Còn tệ hơn thế nữa, luật lệ đã len lỏi vào cuộc sống loài người và trở thành sức mạnh khiến cho tội lỗi lan tràn. Nhưng thánh Phaolô không dừng lại ở thực trạng tiêu cực này. Ngài nhấn mạnh trên sự kiện ơn thánh Chúa chứa chan khỏa lấp bao trùm sự lan tràn của tội lỗi: ”nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng lại càng chứa chan gấp bội” (5.20). Ý định trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa là khiến cho cả sự dữ cũng phải nở hoa tích cực: ”để ân sủng thống trị đời đời”. Câu 21 lập lại nguyên tắc hướng dẫn tư tưởng của toàn văn bản. Ân sủng, sự công chính và sự sống vĩnh cửu chống lại Tội Lỗi và Cái Chết: ”Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Công thức kết thúc: ”nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” là kiểu thánh Phaolô chúc tụng hoạt động giải phóng, can thiệp của Đức Kitô. Chính nhờ sự can thiệp đó mà kitô hữu có được điều kiện sống an bình và hy vọng (x. 5,1-11). Như thế công thức kết luận của phần hai gắn liền với công thức kết luận phần một chương 5,11: ”Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa”. Kinh nghiệm sống lòng tin của kitô hữu là kinh nghiệm được giải phóng khỏi quyền lực thống trị của Tội Lỗi, Luật Lệ và Cái Chết. Những gì thánh Phaolô trình bầy ở đây diễn tả nòng cốt đức tin kitô: tin vào Đức Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất và đại đồng. Ngoài hoạt động của Ngài ra chỉ có ách thống trị của Tội lỗi và Cái Chết. Ơn cứu độ như thế là ơn giải thoát con người khỏi sống dưới ách thống trị tha hóa của các lực lượng khủng khiếp của sự dữ và sự hủy hoại. Ơn cứu độ đâm rễ sâu vào trong lòng đất liên đới gắn liền chúng ta với Đức Kitô và khiến cho chúng ta được tham dự vào hoạt động giải thoát của Ngài qua thái độ hoàn toàn tuân hành thánh ý của Thiên Chúa Cha và cử chỉ yêu thương hiến dâng mạng sống mình để chết thay cho toàn nhân loại.
 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.