Chỉ có lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô mới giải thoát được con người khỏi tình trang sống thê thảm tuyệt vọng mà thôi. Vì giờ đây Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng cứu độ nơi chính con người của Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.
THIÊN CHÚA BAN ƠN CỨU RỖI CHO NGƯỜI CÓ ĐỨC TIN
Trong ba chương đầu thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô trưng dẫn mọi lý cớ để chứng minh cho thấy con người được ơn cứu độ nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải vì tuân giữ luật lệ như nền thần học Do thái dậy. Sự kiện thuộc dân riêng Chúa chọn, việc tuân giữ lề luật, đặc biệt là luật cắt bì như dấu chỉ hữu hình của sự tùy thuộc này, không tự động trao ban ơn cứu độ cho người Do thái. Bởi vì tất cả mọi người, Do thái cũng như dân ngoại, đều sống dưới ách thống trị của Tội Lỗi, Sữ Dữ và Cái Chết. Do đó, chỉ có lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô mới giải thoát được con người khỏi tình trang sống thê thảm tuyệt vọng đó mà thôi. Vì giờ đây Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng cứu độ nơi chính con người của Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.
”Nhưng giờ đây sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện, mà không cần đến Luật Môshê”: khẳng định này của thánh Phaolô giống như một tia lửa hy vọng. Nó trái ngược với lời kết án mọi người khước từ Tin Mừng kitô. Nó đặc biệt mạnh mẽ vì cho thấy rằng thời giờ cứu độ đã điểm, ngay trong lúc này đây, ngay trong hiện tại này. Giờ đây là lúc Thiên Chúa tỏ lộ hoạt động cứu rỗi của Ngài, qua chính con người của Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh, đã bị đóng đanh trên thập giá nhưng đã sống lại (cc. 24-25). Thời điểm hiện tại có sức nặng định đoạt đối với ơn cứu độ của con người. Thực tại vĩnh viễn ngày sau hết, ”eskhaton” đã thực sự xảy ra trước trong lịch sử thế giới và lịch sử nhân loại.
Trước hết thánh Phaolô minh định rằng ”sự công chính” cứu độ của Thiên Chúa xảy ra ngoài phạm vị luật lệ (c. 21), một cách độc lập chứ không tùy thuộc ”các công việc làm của lề luật” (c. 28). Đây là điều trái nghịch với giáo lý của Do thái giáo rabbi và của người biệt phái. Vì ơn cứu độ không phát xuất từ luật lệ nên ai tin tưởng nơi việc tuân giữ luật lệ là tự động loại mình khỏi cơ may được ơn cứu rỗi và sẽ không bao giờ gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng thứ tha và hòa giải con người với Ngài. Khẳng định này của thánh nhân không trái nghịch với lời Thiên Chúa mặc khải trong Kinh Thánh Cựu Ước. Trái lại sự công chính ở đây cũng đã là sự công chính mặc khải trong Cựu Ước. Nghĩa là có sự phù hợp giữa Tin Mừng kitô với lời các ngôn sứ nói với dân Do thái như ghi lại trong Kinh Thánh Cựu Ước. Xem ra là điều mâu thuẫn, nhưng chính Kinh Thánh Cựu Ước chứng minh cho thấy các ”công việc làm của luật lệ” bị loại bỏ khỏi tiến trình công chính hóa. Thánh Phaolô sẽ khai triển điểm này rộng rãi hơn trong chương 4. Ở đây thánh nhân chỉ muốn cho thấy sự hòa hợp giữa tư tưởng thần học của ngài với lời mặc khải của Thiên Chúa.
Ngoài ra, thánh Phaolô còn khẳng định rằng sự công chính cứu độ của Thiên Chúa ”hiện thực nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô”. Chỉ người tin Chúa Kitô mới là kẻ gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng khiến cho con người được trở nên công chính, chứ không phải người tuân giữ luật lệ. Sự đối chọi đó làm sáng tỏ yếu tố tích cực thánh Phaolô muốn chỉ cho tín hữu thấy ở đây. Tin có nghĩa là tín thác nơi sáng kiến của Thiên Chúa, rộng mở tâm trí cho ơn cứu độ của Thiên Chúa, và từ bỏ thái độ sống đạo tự mãn của mình. Đức tin như thế là một thái độ nòng cốt định đoạt hướng đi cho con người. Nó đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của con người, vì nó dẫn đưa con người tới các cử chỉ và cung cách hành xử cụ thể theo cái luận lý của Thiên Chúa chứ không theo tâm thức của con người. Việc loại trừ ”các công việc của luật lệ” (cc.27-28) thật ra không có nghĩa là loại trừ mọi hoạt động, mà chỉ loại trừ kiểu sống tôn giáo chuyên chế của người kiêu căng tự mãn coi mình là khác biệt với những người ngoại giáo và có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn những kẻ không có luật lệ và không tuân giữ luật lệ. Thật ra, đức tin cũng bao gồm công việc làm, công việc làm của tình yêu thương như được thể hiện nơi Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, Đấng tín hữu tin tưởng. Trong chương 5,6 thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô đã mạnh mẽ khẳng định như sau: ”Qủa thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có gía trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái”.
Nhưng chưa hết, thánh Phaolô còn nhấn mạnh trên chiều kích đại đồng của ơn cứu độ, khi nêu bật rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ ”cho tất cả những ai tin”. Hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa trải dài vô biên giới và không bị bất cứ gì hạn hẹp, cản ngăn. Đây lại là một điểm thần học khác trái nghịch với giáo lý Do thái giáo. Thiên Chúa không kỳ thị và không thiên vị. Trước mặt Ngài người Do thái cũng như người ngoại giáo đều bằng nhau. Đúng vậy, bởi vì cả hai ”đều đã phạm tội và đã đánh mất đi vinh quang của Thiên Chúa”, như thánh Phaolô đã minh chứng rõ ràng trong chương 1,18-3,20. Vinh quang mà thánh nhân nói tới ở đây ám chỉ vinh quang rạng ngời bao bọc con người trong vườn Địa đàng, vào thời khai nguyên vũ trụ, khi con người chưa phạm tội bất tuân phục Thiên Chúa, chối bỏ Thiên Chúa và xa rời Ngài. Nó được đồng hóa với sự ”công chính” nguyên thủy. Cuốn mạo thư tựa đề ”Cuộc sống của Adam và Eva” có đoạn nói về vấn đề này như sau: ”Adam sau khi đã phạm tội nói với Evà: ”Hỡi phụ nữ gian ác kia, ngươi đã làm cho chúng ta mất đi vinh quang của Thiên Chúa”. Trước đó một chút ông thở than: ”Tôi đã biết mình trần truồng không có quần áo sự công chính che thân, nên tôi lấy lá vả che mình” (J. Bonsirven, op, cit., 186). Cũng thế, người Do thái và người ngoại giáo ngang hàng với nhau trong số phận bị hư mất nên cũng ngang hàng với nhau trong việc cần được cứu chuộc.
Thánh Phaolô tiếp tục trình bầy tư tưởng thần học của mình liên quan tới ơn công chính cứu độ của Thiên Chúa bằng cách khẳng định rằng “cả hai đều được công chính hóa nhờ ơn thánh của Thiên Chúa”. Nghĩa là thánh nhân loại trừ mọi công nghiệp và cái luận lý tưởng thưởng được Do thái giáo đề cao, bởi vì ở đây chỉ có năng động ơn thánh nhưng không mà Thiên Chúa ban cho con người đem lại ơn cứu rỗi. Thiên Chúa mặc khải cho thấy Ngài là Đấng tiến đến gặp gỡ con người tội lỗi, tha thứ cho nó và hòa giải nó với Ngài. Kiểu lý luận của thánh Phaolô bao gồm hai loạt tư tưởng gắn liền nhau đối nghịch với giáo lý của Do thái giáo rabbi. Một đàng là lòng tin trao ban ơn cứu độ và tính chất đại đồng của ơn cứu độ như là ơn thánh nhưng không Thiên Chúa ban cho con người. Đàng khác là các ”công việc làm của lề luật”, tính chất riêng tư thiên vị của ơn cứu độ như là công nghiệp mà con người có được và Thiên Chúa phải tưởng thưởng.
Điểm xác định cuối cùng thánh Phaolô đưa ra trong tư tưởng thần học sự công chính hóa đó là ơn cứu rỗi con người có được là ”nhờ công trình cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô”. Trên bình diện lịch sử chính biến cố trung gian đó của Đức Giêsu Kitô vén mở cho thấy sự ”công chính” của Thiên Chúa. Nói cách khác thánh Phaolô đề cao chiều kích kitô học của sự công chính hóa. Đây là điều thánh nhân đã khẳng định trong chương 2,21 thư gửi giáo đoàn Galát: ”Thật vậy, nếu nhờ lề luật mà người ta được ơn công chính, thì hóa ra Đức Kitô đã chết vô ích”. Tư tưởng này được khai triển rộng rãi ở đây. Nhưng xem ra thánh Phaolô chỉ lập lại các yếu tố của truyền thống tiên khởi, mà không giải thích chúng theo kiểu riêng. Nhiều học giả tên tuổi cho rằng đây là một văn bản tiền Phaolô bằng cách xác định một vài ý niệm không thấy có trong các thư khác của thánh nhân. Chẳng hạn như ý niệm ”hilastêrion”, dụng cụ đền tội, tương quan giữa sự công chính của Thiên Chúa với việc đền bù tội lỗi và từ ”haima”, máu, trong khi thánh Phaolô thường nói về ”stáuros”, thập giá. Có lẽ thánh nhân đã đưa vào văn bản truyền thống tiên khởi này vài yếu tố đặc thù của tư tưởng thần học riêng như việc nhấn mạnh trên tính cách nhưng không của ơn công chính hóa và tầm quan trọng của đức tin. Đồng thời ngài sửa lại quan niệm truyền thống liên quan tới sự công chính của Thiên Chúa. Giờ đây không phải là sự kiện Thiên Chúa trung tín tái lập giao ước với dân Ngài nữa, mà là cử chỉ sáng tạo một giao ước mới với toàn nhân loại và với thế giới.
Tóm lại, có thể nói rằng thánh Phaolô đã lấy nguồn cảm hứng từ truyền thống của Giáo Hội tiên khởi gắn liền với các lược đồ thần học cựu ước và Do thái và thêm vào đó một vài đặc thái thần học của mình là đức tin, ơn cứu độ nhưng không và tính cách đại đồng của sự công chính hóa, tức ơn cứu rỗi Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người tin nhận Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh. Liên quan tới việc thánh Phaolô có trích lại công thức của Kitô giáo tiên khởi trong hình thái trung thực của nó hay không, các học giả đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Dù sao đi nữa phải công nhận rằng việc giải thích văn bản không hoàn toàn tùy thuộc nơi giải pháp của vấn đề phê bình lịch sử. Nghĩa là không tùy thuộc nơi sự kiện công thức được trích dẫn có nguyên tuyền hay đã được thánh Phaolô sửa đổi. Lý do là vì chúng ta không có đủ các dữ kiện cho phép tầm nguyên hình thái trung thực của công thức đó. Vì thế không thể đưa ra các kết luận chắc chắn đả thông vấn đề. Đàng khác đây không phải là điều có tầm mức quan trọng định đoạt đối với sứ điệp thần học của văn bản.
TỔ PHỤ ABRAHAM MẪU GƯƠNG CỦA NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Luận thuyết của thánh Phaolô liên quan tới sự công chính hóa ”độc lập với các công việc của lề luật” không những gây chống đối nơi tín hữu Do thái, mà cũng khiến cho các kitô hữu gốc Do thái nghi hoặc nữa, bởi vì rõ ràng là nó đi ngược lại lý chứng của Kinh Thánh, theo đó giao ước và luật lệ của Thiên Chúa bảo đảm cho dân Do thái được ơn cứu độ. Nhưng trước đó nữa là chứng tá của Abrahamm, tổ phụ của dân Israel, người đã được Thiên Chúa chấp nhận, vì thái độ sống tuân phục của ông. Thánh Phaolô không thể tránh né vấn đề này. Do đó, thánh nhân bắt buộc phải minh chứng cho thấy có sự tiếp nối hòa hợp trong tư tưởng thần học của ngài với Lời Chúa trong Cựu Ước và với lịch sử cứu độ bắt đầu với tổ phụ Abraham. Đối với thánh Phaolô chứng từ của Kinh Thánh cũng phải là tiêu chuẩn sự thật. Vì thế thánh nhân phải chứng minh cho thấy giáo lý về sự công chính hóa của ngài chỉ dựa trên đức tin cũng phù hợp với những gì Kinh Thánh khẳng định, và ngài có thể lấy chính cuộc đời của tổ phụ Abraham như mẫu gương và là bằng chứng. Đây là đề tài của chương 4 thư gửi giáo đoàn Roma.
Thực ra, trong chương 1,17 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô đã loan báo đề tài sự công chính cứu độ của Thiên Chúa, được Kitô giáo loan báo. Thánh nhân cũng đã trích lời ngôn sứ Khabacúc làm bằng chứng. Và trong chương 3,21 thánh nhân đã khẳng định rằng chứng từ cựu ước, tức lề luật và các ngôn sứ, cũng cho thấy sự trùng hợp với luận thuyết của ngài. Đấy là chưa kể ngay trong đầu thư chương 1,2 thánh Phaolô đã nhấn mạnh rằng tin mừng mà ngài rao giảng đã được Thiên Chúa hứa trong Cựu Ước qua miệng các ngôn sứ. Giờ đây trong chương 4, thánh nhân muốn khai triển đề tài đã loan báo, không chỉ bằng việc trích các văn bản Kinh Thánh, mà còn giải thích và chứng minh cho thấy tổ phụ Abraham đã được công chính hóa nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ các giới răn của Chúa. Chương 4 thư gửi giáo đoàn Roma cho thấy Phaolô là một người có tài tranh luận, hùng biện, lý sự và rất hữu hiệu đối với Do thái giáo thời đó, một nhà chú giải Kinh Thánh sắc sảo và là một người dùng các gương mặt điển hình của Cựu Ước để giải thích lịch sử cứu rỗi. Thật vậy, trước hết thánh nhân tấn công lập trường của Do thái giáo giam cầm tổ phụ Abraham trong màng lưới giáo lý về công nghiệp thưởng phạt bằng cách trình bầy một cách gượng ép tổ phụ như là mẫu gương tuân giữ lề luật của Giavê Thiên Chúa. Chúng ta có thể nhận ra lập trường này trong các tác phẩm Do thái giáo. Chẳng hạn trong sách Kinh Thánh mạo thư, chúng ta có thể đọc cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và tổ phụ Abraham, do sử gia Giuse Flavio viết như sau: ”Nhưng Thiên Chúa ca ngợi nhân đức của ông mà nói: ”Con sẽ không mất phần thưởng (misthós) được ban cho con vì công nghiệp lớn con đã làm được”. Ông thưa lại Chúa: ”Phần thưởng tương lai có lợi lộc gì cho con, khi con không có miêu duệ?”. Lúc đó tổ phụ chưa có con. Và Thiên Chúa đã hứa cho ông có một người con trai và một dòng dõi đông như sao trên trời” (J. Bonsirven, La bibbia apocrifa, Milano 1962,76-77). Sách mạo thư ”Các Năm Thánh” còn đi xa hơn nữa. Sách kể rằng khi mới có 14 tuổi Abraham đã khước từ tôn thờ ngẫu tượng của môi trường gia đình và xã hội thời đó. Nhưng đặc biệt là sách đã đảo ngược ý nghĩa việc lựa chọn của Thiên Chúa bằng cách khẳng định rằng chính Abraham đã chọn tin vào Giavê Thiên Chúa, chứ không phải Giavê Thiên Chúa đã chọn Abraham. ”Đêm đó Abraham cầu nguyện và nói: ”Lậy Chúa con, Thiên Chúa tối cao, chỉ có Chúa là Thiên Chúa của con, chính con đã chọn Chúa và sự tối thượng của Chúa”. (J. Bonsirven, id., 77). Ngoài ra cũng có vài văn bản Kinh Thánh Cựu Ước phản ảnh tiến trình chú giải này. Điển hình là chương 44,20 sách Huấn ca khẳng định rằng Abraham ”tuân giữ luật lệ của Đấng Tối Cao”.
Dĩ nhiên, Abraham đã luôn luôn là kẻ tin, nhưng người ta có khuynh hướng giải thích lòng tin của ông như là sự trung thành cụ thể tuân giữ luật lệ, coi thái độ sẵn sàng hiến tế con mình là Igiaác theo lời đòi hỏi của Thiên Chúa như là bằng chứng. Tệ hơn nữa, sau cùng người ta còn biến sự tuân phục đó thành một công phúc. Như thế trong nhãn quan thần học Do thái giáo tổ phụ Abraham trở thành gương mẫu của những người được công chính hóa nhờ tuân giữ luật lệ của Thiên Chúa, theo cái luận lý của việc tưởng thưởng công đức. Điển hình là kiểu giải thích trong chương 2,52 sách Macabây I sau đây: ”Tổ phụ Abraham đã không được nhận ra là trung thành trong thử thách và vì thế nên được kể như là người công chính hay sao?”. Có một văn bản trong nền văn chương rabbi chú giải chương 14,31 sách Xuất hành như sau: ”Và họ tin… Cũng thế tổ phụ Abraham đã được thừa hưởng đời này và đời sau vì công nghiệp đức tin, như có lời nói: Abraham đã tin vì thế nên ông được kể như công chính” (J. Bonsirven, Textes rabbiniques, Rome 1955,82). Sau cùng kiểu giải thích trong thư thánh Giacôbê cũng nằm trong cùng chiều hướng đó, khi thánh nhân viết: ”Abraham tổ phụ chúng ta, lại đã chẳng được nên công chính nhờ các công việc làm, khi dâng Igiaác con mình trên bàn thờ đó sao? Bạn thấy đó, đức tin cộng tác vào các công việc của người và nhờ các công việc mà đức tin của người đã nên hoàn hảo. Như thế ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép: ”Ông Abraham tin vào Thiên Chúa và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa” (Gc 2,21-23).
Do đó, thánh Phaolô cố gắng vãn hồi gương mặt đức tin nơi tổ phu Abraham, là người đã tín thác vào lời hứa của Thiên Chúa, và vì thế nên đã được coi là công chính. Nói cách khác, không phải công nghiệp riêng, mà là ơn thánh Chúa đã khiến cho tổ phụ bước vào lịch sử cứu độ. Vì thế người là cha của tất cả mọi kẻ có đức tin, tức những ai không tín thác nơi công nghiệp riêng của mình, mà tín thác nơi Thiên Chúa. Chính vì vậy nên thánh Phaolô mới trưng dẫn Kinh Thánh để chứng minh điều đó. Văn bản định đoạt cho chứng tá này là sách Sáng Thế chương 15,6: ”Tổ phu Abraham đã tin vào Thiên Chúa nên lòng tin đó được kể như ”sự công chính”. Vì thế rõ ràng không phải nhờ các công việc làm, mà nhờ lòng tin vào lời Thiên Chúa hứa tổ phụ Abraham đã được công chính hóa. Như vậy, thánh Phaolô khai trừ mọi công nghiệp cũng như mọi khoe khoang tự mãn trước mặt Thiên Chúa.
Thánh Vịnh 31,1-2 chứng minh cho sự thật này: ”Phúc cho những người được tha mọi tội phạm và mọi lỗi lầm được khỏa lấp. Phúc cho người Giavê không hạch tội”. Ngoài ra lịch sử đời tổ phụ Abraham cho thấy người được công chính hóa trước khi chịu phép cắt bì, tức trước khi mang dấu chỉ hữu hình trên thân xác như bằng chứng là thành phần dân riêng Chúa chọn. Kết qủa là sự cắt bì không phải là yếu tố định đoạt cho tiến trình của sự công chính hóa, tức tiến trình được cứu độ. Do đó, các biên giới đặc quyền đặc lợi của Do thái giáo cũng sụp đổ. Tổ phụ Abraham là cha của tất cả những kẻ có lòng tin, Do thái cũng như dân ngoại, miễn là họ có lòng tin vào Thiên Chúa. Đây là điều được khẳng định trong sách Sáng Thế chương 17,5: ”Ta sẽ đặt con làm cha của nhiều dân tộc”. Do đó, đâu có phải chỉ có người Do thái mới là dân duy nhất của Thiên Chúa!
Cuộc tranh luận với Do thái giáo và kiểu chú giải Kinh Thánh cũng còn có một mục đích xa hơn nữa, đó là nó cho thánh Phaolô có nguyên do để trình bầy nền thần học sâu xa về lịch sử cứu độ. Hoạt động cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải trọn vẹn nơi con người của Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh cũng như đã được báo trước trong Kinh Thánh Cựu Ước, như trong chứng từ cuộc đời tổ phu Abraham, là thực tại tự nó rất trung thực. Nghĩa là nó luôn luôn được hiện thực qua đức tin và nhờ đức tin trong hiện tại cũng như trong qúa khứ. Thiên Chúa cho trở nên ”công chính”, tức ban ơn cứu độ cho những người tin vào Thiên Chúa và tín thác nơi Ngài. Tổ phụ Abraham là gương mặt tiêu biểu và là kiểu mẫu của người tín hữu được ơn thánh Chúa cứu độ. Đối với tổ phụ Abraham như thế nào thì đối chúng ta ngày nay cũng thế. Lời Kinh Thánh nói về tổ phụ: ”Người được kể như là công chính nhờ lòng tin” cũng là lời Thiên Chúa nói với các kitô hữu là những người “đã tin vào Đấng đã cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết” (c. 25b). Dĩ nhiên, đây là một lịch sử đặc biệt, nhưng cũng là lịch sử biểu tượng trước những gì đang xảy ra hiện nay, như được thánh Phaolô và Kitô giáo thời khai sinh rao giảng xưa kia và được Giáo Hội tiếp tục loan báo hiện nay. Trước sau như một. Thánh Phaolô đọc lại lịch sử cuộc đời tổ phụ Abraham dưới ánh sáng của Chúa Kitô. Và lịch sử cuộc đời Chúa Kitô giúp hiểu ý nghĩa lịch sử cuộc đời tổ phụ Abraham. Giữa hiện tại và qúa khứ có sự tiếp nối liên tục, chứ không chống đối hay hoàn toàn tách rời nhau.
Linh Tiến Khải
Views: 0