Phaolô trình bầy trước cuộc biện luận thần học với tín hữu Roma và xin họ ủng hộ lập trường của ngài, là người đang tranh đấu cho các tín hữu kitô gốc ngoại giáo khỏi bị ràng buộc vào lề luật của Do thái giáo.
CHƯƠNG I
THƯ GỬI GIÁO ROÀN ROMA: BỐI CẢNH, CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG
_________________________________________
THƯ GỬI GIÁO ĐOÀN ROMA:
MỘT BỨC THƯ TRÌNH BẦY GIÁO LÝ THẦN HỌC HAY CHỈ LÀ MỘT BỨC THƯ TÌNH CỜ?
Bình thường các thư của thánh Phaolô đều có tính chất tình cờ, trong nghĩa chúng được viết để đáp ứng các nhu cầu của tín hữu hay của người gửi trong những hoàn cảnh chính xác. Đó đã là trường hợp của hai thư gửi giáo đoàn Thêxalônica, hai thư gửi giáo đoàn Côrintô và thư gửi các giáo đoàn vùng Galata. Đó cũng sẽ là trường hợp thư gửi giáo đoàn Philiphê và thư gửi cho ông Philêmôn. Thư gửi giáo đoàn Roma thoạt đầu xem ra không thuộc loại này, vì tính chất giáo thuyết của nó. Xem ra thánh Phaolô biên soạn thư để trình bầy hệ thống thần học của ngài, chứ không nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của giáo đoàn Roma, là giáo đoàn không do thánh nhân thành lập và ngài cũng chưa tới thăm lần nào. Chính vì thế trong bao thế kỷ, từ các học giả Melantone cho tới học giả F.Ch. Bauer, từ các giáo phụ cho tới các thần học gia Kinh Viện thời Trung Cổ và một vài học giả hiện đại, vẫn nghĩ rằng thư gửi giáo đoàn Roma là một tác phẩm trình bầy giáo thuyết và thần học của thánh Phaolô. Nhưng với Bauer, học gỉa Kinh thánh nổi tiếng của trường phái Tuebingen bên Đức, thư gửi giáo đoàn Roma được đọc hiểu trong bối cảnh lịch sử của cộng đoàn Roma. Theo học giả Bauer, thánh Phaolô viết bức thư này cho các tín hữu kitô gốc do thái của cộng đoàn Roma, là những người chủ trương tuân giữ các luật lệ Do thái giáo một cách tỉ mỉ, và chống lại tinh thần cởi mở của thánh nhân bênh vực các tín hữu không phải gốc do thái và không buộc họ tuân giữ luật lệ do thái giáo đặc biết là luật cắt bì cho nam giới. Dĩ nhiên, học giả Bauer sẽ bị nhiều học giả khác đả kích, nhưng nguyên tắc đọc hiểu này của ông vẫn có uy tín. Theo đó chìa khóa giúp giải thích thư gửi giáo đoàn Roma nằm trong cộng đoàn này và các vấn đề nội bộ của nó.
Ngành chú giải hiện đại vẫn theo nguyên tắc trên đây. Chẳng hạn học giả Bartsch cho rằng thánh Phaolô viết bức thư này cho đa số các kitô hữu không phải gốc do thái của cộng đoàn Roma có khuynh hướng bài do thái và khinh rẻ các anh chị em kitô gốc do thái. Đây là lý do giải thích tại sao trong phần chính của thư tức các chương 9-11 thánh Phaolô đề cậo tới vấn đề thần học do thái. Học giả W. Marxsen nghĩ rằng thánh Phaolô có ý giải hòa và tái tạo bình an cho cộng đoàn Roma đang bị chia rẽ nội bộ. Theo học gỉa Klein, thánh Phaolô đã phải viết bức thư này, vì tình hình đặc biệt của cộng đoàn Roma, là cộng đoàn không có nguồn gốc tông đồ, tức không do các Tông đồ thành lập, do đó không thể tự coi là một giáo hội đích thực của Chúa Kitô. Vì thế thánh Phaolô cảm thấy có bổn phận trình bầy Tin Mừng của ngài và bảo đảm tính chất tông truyền cho giáo đoàn Roma.
Tiến trình nghiên cứu thư gửi giáo đoàn Roma tiến thêm một bước định đoạt khác, khi một số học giả tìm đưa ra ánh sáng gạch nối lịch sử của thư, không phải trong tình hình của giáo đoàn Roma, mà nơi chính thánh Phaolô và tình trạng sinh hoạt truyền giáo của thánh nhân. Hồi đó Phaolô đã kết thúc công tác tông đồ bên Phương Đông và đang nghĩ tới các vùng truyền giáo mới. Ở đây là dự định của thánh Phaolô muốn đi rao giảng Tin Mừng bên Tây Ban Nha. Trong viễn tượng đó, thánh Phaolô muốn dùng giáo đoàn Roma làm cứ điểm hay đại bản doanh cho công tác truyền giáo mới này. Vì thế thư gửi giáo đoàn Roma là một loại giấy tự giới thiệu thánh nhân gửi cho tín hữu tại đây, với hy vọng họ sẽ giúp ngài một tay trong dự định này. Nhân tiện ngài trình bầy các nét nổi bật trong giáo lý thần học của ngài. Tuy nhiên, học giả Schlier nghĩ rằng Roma không phải chỉ là một bản doanh cho công tác truyền giáo tại Tây Ban Nha, mà cũng là môi trường, nơi thánh Phaolô muốn tới loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Chính ý thức là tông đồ của thế giới ngoại giáo, không do thái, thúc đẩy thánh nhân làm điều đó. Trong khi nhiều học giải khác lại chú ý tới liên hệ của thánh nhân với giáo đoàn mẹ Giêrusalem. Nghĩa là hồi đó thánh Phaolô đang bận vì chuyện phải đối chất với giới lãnh đạo Giáo Hội Giêrusalem, liên quan tới lập trường cởi mở của ngài chủ trương giải phóng các tín hữu ngoại giáo theo Kitô giáo khỏi mọi ràng buộc của luật lệ Môshê. Nói cách khác, thánh Phaolô đang chuẩn bị bảo vệ sự thật Tin Mừng của ngài, hợp thức hóa các giáo đoàn gồm tín hữu kitô không do thái và tranh đấu cho các giáo đoàn này được ngang quyền với các giáo đoàn kitô gốc do thái, trong Giáo Hội duy nhất đại đồng của Chúa Kitô. Do đó thánh nhân trình bầy trước trong thư gửi giáo đoàn Roma lý chứng giáo thuyết của mình. Theo học giả Bornkamm, bối cảnh lịch sử của thư gửi giáo đoàn Roma, cũng như của lời rao giảng và các tranh đấu của thánh Phaolô là bối cảnh lịch sử nội bộ của giáo đoàn, nhưng đồng thời cũng là bối cảnh lịch sử trong tư tưởng của thánh Phaolô.
Tuy nhiên, giữa các học giả có cùng lập trường như Bornkamm, người nhấn manh trên điểm này, kẻ nhấn mạnh trên điểm khác. Chẳng hạn học giả Kuss xem ra qúa đề cao các lý do nội tại và cá nhân, mà lãng quên những hoàn cảnh ngoại tại khiến thánh Phaolô viết bức thư này. Ông cho rằng đề tài thần học với ý hướng tự biện hộ cho cái tôi của thánh Phaolô là nét nổi bật trong nội dung chung của thư. Trái lại, học giả Wickens và Bornkamm thì lại nhấn mạnh trên tình hình nội tại của cộng đoàn Roma. Wickens nối liền cuộc khủng hoảng nảy sinh trong giáo đoàn Roma với cuộc khủng hoảng của các giáo đoàn vùng Galata, đặc biệt là các âm hưởng và phản ứng mà cuộc khủng hoảng đã gây ra trong kitô giáo gốc do thái bên Palestina. Thật ra, hồi đó thánh Phaolô đang phải sống trong một tình trạng ”trên búa dưới đe” rất tế nhị. Do đó thánh nhân trình bầy cho tín hửu Roma biết các tư tưởng của ngài, như ngài sẽ trình bầy trước Giáo hội mẹ Giêrusalem và xin họ trợ lực ngài trong nhiệm vụ khó khăn này.
Trước các lập trường nói trên, học giả Rengstorf kêu gọi giới chú giải đừng hủy bỏ nền thần học của thư, nhưng hãy từ bỏ lựa chọn đề cao điểm này hay điểm nọ, nghĩa là hãy có lập trường quân bình hơn, đừng chọn một bỏ một. Hiện nay lập trường chỉ coi thư gửi giáo đoàn Roma như là một khảo luận tín lý phi lịch sử không còn thời sự nữa. Nói cho cùng các đề tài quan trọng trong nền thần học của thánh Phaolô như giáo hội và bí tích Thánh Thể không được đề cập tới trong thư. Mặt khác có lẽ không nên nhấn mạnh trên song quan luận phải tìm nguồn gốc bối cảnh lịch sử của thư trong giáo đoàn Roma hay nơi thánh Phaolô. Thật ra, phần khuyến khích của thư gồm các chương 12,1-15,13 chứng minh cho thấy tuy chứa đựng nhiều công thức khuyến dụ có sẵn, nhưng chúng trình bầy lập trường của thánh nhân đối với các vấn đề cụ thể, mà giáo đoàn Roma đang gặp phải. Trừ những gì nói trong chương 16, toàn thư cho thấy thánh Phaolô hiểu biết khá rõ ràng tình hình của cộng đoàn.Đàng khác, cũng phải ghi nhận là phần tín lý của thư gồm 11 chương đầu không nhắc tới các tín hữu của cộng đoàn. Dĩ nhiên phần này cũng có những đoạn đối thoại, nhưng người đối thoại với thánh nhân là nhân vật tưởng tượng. Bởi vì thánh Phaolô dùng lại lối văn trào phúng của nền văn chương hy lạp, cần tới nhân vật tưởng tượng để cho kiểu hành văn được sống động. Chắc chắn trong phần này hoàn cảnh sống tế nhị của thánh nhân khi đó nắm giữ vai trò chính, chứ không phải cuộc khủng hoảng của giáo đoàn Roma. Vì đang muốn kết thúc công tác truyền giáo tại Phương Đông với sự thừa nhận của Giáo hội mẹ Giêrusalem qua cuộc lạc quyên như là “dấu chỉ của sự hiệp thông với giáo hội kitô gốc do thái” (15,26), Phaolô phải thắng vượt hai thử thách lớn phát xuất từ thái độ chống đối của các kitô hữu gốc do thái và thái độ nghi ngờ dè dặt của hàng lãnh đạo Giáo hội tại Giêrusalem. Nhưng Phaolô không thể lùi bước nhượng bộ. Bởi nhượng bộ có nghĩa là thánh nhân khước từ sự thật Tin Mừng ngài rao giảng. Đàng khác cũng không thể mạnh mẽ tố cáo phe chống đối. Vì làm như thế sẽ khiến cho các tín hữu kitô do thái tức giận từ chối không nhận số tiền quyên trợ giúp. Tốt nhất là nên trình bầy giáo thuyết và lập trường của mình một cách có hệ thống và mạch lạc vũng chãi, với Kinh Thánh và kiểu lý luận biện chứng. Và điểm nòng cốt của tư tưởng thần học đó là: dù có là gốc do thái hay ngoại giáo, mọi tín hữu đều cần đến ơn cứu độ của Chúa Kitô và đều phải tuân phục lòng tin. Chính vì thế thánh Phaolô viết trong chương 3: ”Vậy thì sao? Người Do thái chúng tôi có hơn gì người khác chăng? Không hơn gì cả! Qủa thế, chúng ta đã chứng minh rằng mọi người, Do thái cũng như Hy lạp đều bị tội lỗi thống trị” (3,9). ”Qủa thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban cho một cách nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (3,22-24). Và thánh nhân khẳng định trong chương 11,32: ”Qủa thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để xót thương mọi người”.
Tóm lại, thánh Phaolô trình bầy trước cuộc biện luận thần học với tín hữu Roma và xin họ ủng hộ lập trường của ngài, là người đang tranh đấu cho các tín hữu kitô gốc ngoại giáo khỏi bị ràng buộc vào lề luật của Do thái giáo.
Linh-Tiến-Khải
Views: 0