Uncategorized

Thử đi tìm lý do vì sao Việt Nam là nước đi đầu ở Châu Á về hợp pháp hóa “Hôn Nhân Đồng Tính”

Thử đi tìm lý do vì sao Việt Nam là nước đi đầu ở Châu Á về hợp pháp hóa “Hôn Nhân Đồng Tính”. Nhưng tại sao một nước rất ít tiến bộ về nhân quyền như Việt Nam, lại tỏ ra hết sức “cấp tiến” về một sự kiện, một “phong trào”, mà cho tới giờ nầy. 

I. THÔNG TIN.

 

Thử đi tìm lý do vì sao Việt Nam là nước đi đầu ở Châu Á về hợp pháp hóa “Hôn Nhân Đồng Tính”. Nhưng tại sao một nước rất ít tiến bộ về nhân quyền như Việt Nam, lại tỏ ra hết sức “cấp tiến” về một sự kiện, một “phong trào”, mà cho tới giờ nầy. 

I. THÔNG TIN.

 

Vào đầu tháng Tư vừa qua, các phương tiện truyền thông Việt Nam đã đưa tin Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến thay mặt bộ này đề nghị nên sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, cho phép kết hôn đồng tính.

 

Ông Nguyễn Việt Tiến đã trích dẫn nghiên cứu về phân biệt đối xử đối với người đồng tính và nói rằng những người đồng tính có các quyền như những người khác để yêu, được yêu và kết hôn.

 

Bà Hayley Conway, Giám đốc Nhóm ủng hộ hôn nhân đồng tính All Out, trả lời phỏng vấn chương trình Connect Asia của ABC Radio Australia rằng một cuộc bỏ phiếu tại thời điểm này sẽ không thu hút được đa số phiếu ủng hộ từ 500 đại biểu quốc hội.

 

Tuy nhiên, từ lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến, bà Hayley khá lạc quan về cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2014: “Hành động này được xem như sự công nhận các quyền con người và cho thấy pháp luật hiện hành đã vi phạm nhân quyền của các cặp vợ chồng đồng tính và những người đồng tính nam nữ tại Việt Nam,”

 

Bộ Tư pháp Việt Nam đã bắt đầu xem xét dự luật về hôn nhân đồng tính vào tháng Bảy năm ngoái.

 

Gần đây, chính phủ Việt Nam cũng đã bãi bỏ quy định xử phạt kết hôn đồng giới.

 

Tuy nhiên, trước đó, dự thảo về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đã đề nghị tăng gấp đôi số tiền phạt đối với những hành vi bị cấm kết hôn, trong đó có người đồng tính.

 

Tháng 8 năm 2012, cuộc diễu hành ủng hộ người đồng giới đầu tiên đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.
(ABC Radio Australia)

 

II. TẠI SAO CÓ CUỘC ‘ĐỘT PHÁ NGOẠN MỤC” NẦY?

 

Trong một thời gian dài, nhất là thời kỳ mở cửa (1986/1990), câu “giữ gìn đậm đà bản sắc dân tộc” là câu thời thượng xuất hiện khắp nơi, như một sự chống trả yếu ớt trước sức tấn công ồ ạt vũ bão không chỉ của văn minh kỹ thuật, của kinh tế thị trường, mà còn và nhất là những luồng gió “mới” muốn lung lay và xô ngã nền văn hoá truyền thống. Cùng với sự sụp đổ của văn hoá luỹ tre làng, giới trẻ Việt Nam ít hoặc chưa được chuẩn bị để “hoà nhập mà không bị hoà tan” (lại một câu thời thượng nữa!), đã mau chóng “quy hàng” trước sức hấp dẫn lớn lao của những trào lưu,phong trào hoặc du nhập hoặc được nhập khẩu. Cái “mới” đa phần là lố bịch, tai hại, suy thoái, đồi bại, xuất hiện trong mọi lãnh vực, núp dưới chiêu bài “nghệ thuật” : học đường mất hết ý nghĩa “tiên học lễ, hậu học văn”; nam nữ sinh viên sống thử, kết quả là nạo phá thai, coi nhẹ trinh tiết và giá trị của hôn nhân và gia đình. Học sinh nhiễm sách báo phim ảnh khiêu dâm và bạo lực, quan hệ nam nữ rất sớm (1), mà không hề lường hậu quả. Những vụ nữ sinh đánh lộn, thanh toán nhau xảy ra thường xuyên. Và đã có không ít vụ chuyển đổi giới tính,mà một số trong đó công khai vuệc làm của họ. Gia đình, giềng mối cuối cùng của xã hội truyền thống Châu Á nói chung và là nét đẹp,đáng trân trọng của Việt Nam nói riêng, đang lung lay dữ dội trước cơn cuồng phong “đổi mới”. Thế rồi, con sóng ngầm “đồng tính” nổi lên, được hậu thuẫn bởi phong trào đồng tính trên thế giới, dần dà bộc lộ bộ mặt và sức tàn phá của nó đối với hôn nhân và gia đình.

 

Nhưng tại sao một nước rất ít tiến bộ về nhân quyền như Việt Nam, lại tỏ ra hết sức “cấp tiến” về một sự kiện, một “phong trào”, mà cho tới giờ nầy, cả thế giới mới chỉ có 14 quốc gia công nhận và hợp pháp hoá (Pháp là quốc gia thứ 14,với chủ trương “Mariage pour tous” – hôn nhân cho mọi người – do tổng thống Pháp Francois Hollande, đề ra).

 

Trong đời một đảng viên cộng sản, nhất là với những người giữ các chức vụ cao trong bộ máy nhà nước hoặc ở quốc hội, thì một trong những điều họ lo sợ nhất, nhưng không dễ gì làm chủ hoặc kiểm soát được, ấy là sinh hoạt ngoài xã hội của vợ con. Một ông nghị đảng viên khó mà ăn nói, khi bà vợ say mê cờ bạc, trai gái hoặc các cô chiêu, công tử chỉ biết ăn chơi, đàn đúm, hút xách. Nhưng sẽ ra sao khi cậu ấm, cô chiêu của một quan chức cấp cao (dĩ nhiên là đảng viên) lại tuyên bố mình là “gay”, là “lesbian” và đòi được công khai yêu, được công khai sống cùng “người yêu” đồng giới. Và nếu luật pháp nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấm đoán và ra hình phạt cho “tội danh” nầy (hôn nhân đồng tính), thì rõ ràng quan chức ấy lãnh đủ, không chỉ búa rìu dư luận, mà cả kỹ luật ngay trong nội bộ đảng.

 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Cũng không còn sớm nữa. Các quan chức cấp cao, các ông nghị, phải đưa vấn đề “hôn nhân đồng tính” ra để thảo luận và để dùng đa số gây áp lực nhằm hợp pháp hoá một cách nhanh nhất có thể, trong một vài kỳ họp quốc hội tới đây.

 

Đó là cách duy nhất để có thể lý giải “bướn tiến bộ” nhảy vọt của Việt Nam, khiến không ít cá nhân, tập thể, quốc gia trong nước và trên thế giới phải kinh ngạc.

 

Chúng ta thì không hề ngạc nhiên! Điều chúng ta quan tâm – và sẽ ngạc nhiên – là phản ứng của các môi trường đạo đức,luân lý, như các tôn giáo (đặc biệt là Công Giáo) và các nhà nghiên cứu văn hoá.

 

14 quốc gia đi đầu trong việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính,thì tất cả đều gặp những phản ứng dữ dội của công luận, nhất là các quốc gia có nền văn hoá Kitô giáo. Ngay Hoa Kỳ cũng để (đúng hơn là “đẩy”) quyền quyết định về các bang và cho đến nay cũng chỉ có 09 bang và Hạt Columbia (có thủ đô Washington) là công nhận hôn nhân đồng tính. Ở Pháp, trước đề nghị “Mariage pour tous” (hôn nhân cho mọi người) của tổng thống Francois Hollande, Giáo Hội Pháp vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Nhiều cuộc biểu tình,diễn hành được tổ chức và thật đáng kinh ngạc, số người tham gia – đặc biệt giới trẻ – lên đến hàng triệu. Ngay những ngày nầy, dù biết cuộc đấu tranh khó dành phần thắng, vì cánh tả của ông Francois Hollande và đồng minh chiếm ưu thế ở cả hai viện, nhưng đây cũng là một chiến thắng lẫy lừng của Giáo Hội và Hàng Giáo Phẩm nước Pháp:

 

1. Sự thức tỉnh lương tâm đạo đức và luân lý Kitô giáo nơi một số đông các tín hữu,vốn đã trở nên khô khan, nguội lạnh với những vấn đề đạo. Giáo Hội Pháp đã nhọc lòng dò dẫm một phương pháp, những phương pháp tiếp cận,để lấy lại niềm tin nơi các tín hữu,vốn nhìn hàng Giáo Phẩm và hàng giáo sĩ với những ánh mắt xa lạ, nghi kỵ, nếu không muốn nói là “thù ghét”. Giáo Hội nước Pháp đã không tìm ra. Nhà thờ trống vắng. Các Bí Tích không mấy ai màng tới. Một Giáo Hội được mệnh danh là “trưởng nữ của Giáo Hội” nay sa cơ thất thế và phần lỗi rõ ràng không thể trút được cho ai khác. Vì thế, thử thách gửi đến là sự an bài của Thiên Chúa, để qua phản ứng mạnh mẽ của Hàng Giáo Phẩm Pháp, như gà mẹ liều thân bảo vệ con dưới cánh mình, các tín hữu Công giáo (và cả những người thiện chí) hiểu và cùng đi theo ngọn cờ do các Chủ Chăn giơ cao. Từ nay, họ cảm thông và có thể nói là bắt đầu “yêu mến” các Chủ Chăn của họ. Rồi Đức Tin sẽ trở về xây tổ trong lòng tín hữu Pháp. Rồi bầu khí đạo đức trong các thánh đường sẽ rộn ràng lại. Nhưng quan trọng hơn cả là NIỀM TIN CỦA HỌ vào Giáo Hội,vào giáo huấn của Giáo Hội, vào “Đường, Chân Lý và Sự Sống” – Chúa Kitô – mà Giáo Hội chỉ cho họ.

 

2. Hàng Giáo Phẩm bằng tiếng nói và hành động dũng cảm,bảo vệ truyền thống gia đình và hôn nhân, đã lấy lại được niềm tin của giáo hữu. Nay họ tự nguyện sát cánh với các Ngài, tuân lệnh các Ngài và sẵn sàng hy sinh vì “chính nghĩa”. Cảnh hàng triệu người chịu giá rét,tuyết rơi dày đặc,để đến đông đủ và giữ vững hàng ngũ diễn hành, là một lời nói hùng hồn nhất về nguyện vọng của dân và tỏ cho mọi người thấy họ chọn tiếng lương tâm,lẽ phải, luân lý đạo đức, mà cầm đầu,hướng dẫn họ, dạy dỗ họ, động viên họ, chính là các Giám Mục Công Giáo Pháp. Chỉ thiếu những giọt máu đào nữa thôi, thì những cuộc đấu tranh nầy là những cuộc tử vì đạo. Mục Tử hy sinh vì đoàn chiên.Mục Tử không bỏ rơi đoàn chiên trong thử thách,tối tăm,khó khăn,bơ vơ. Trong lúc người dân Pháp nói chung và người Công giáo Pháp nói riêng, đang hoang mang vì nhiều dư luận trái chiều, đang có nguy cơ mất phương hướng trong chọn lựa về luân lý đạo đức, thì sự nhiệt thành,dũng cảm và mau lẹ của các Chủ Chăn Giáo Hội trong các chiến thuật và chiến lược chống lại Sự Dữ, – đặc biệt từ những thế lực chính trị cầm quyền,có thể có đủ quyền hạn và mưu lược để làm hại các Ngài,- đã đánh động mọi người,gây rúng động lo sợ cho nhữg kẻ thủ ác. Hàng giáo phẩm phút chốc tìm lại được đoàn chiên. Sự hy sinh nhỏ của các Ngài đã được Đấng Mục Tử Nhân Lành tưởng thưởng xứng đáng.

 

III. CÒN PHẢN ỨNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM?

 

Ngày HĐGM Việt Nam công khai bản góp ý sửa đổi hiến pháp, rất nhiều giới trong và ngoài nước, đều vui mừng và hài lòng phấn khởi về sự minh bạch, thẳng thắn, chân thành và thiện chí của Hàng Giáo Phẩm, đại diện cho hàng triệu tín hữu Công Giáo Việt Nam. Các Giám Mục không thể thờ ơ với trách nhiệm công dân và trong tư cách đại diện cho hàng triệu công dân Công Giáo. Một thời gian dài, sự im lặng “khôn ngoan” của các Ngài đã khiến nhiều người trong và ngoài Công Giáo không hiểu và có phần thất vọng. Những bình luận ác ý, chủ quan đa phần từ một số cá nhân, bloggers và nhất là một ít trang webs ở trong nước và hải ngoại, đã làm méo mó không ít hình ảnh của các Ngài. Có người còn nghĩ tới hình ảnh một Giáo Hội kiểu Trung Quốc, nơi hình thành “hai” Giáo Hội: một do nhà nước kiểm soát và chỉ đạo thông qua Hội Công Giáo Yêu Nước, tự quyết và độc lập khỏi Toà Thánh; một Giáo Hội khác,trung thành với Toà Thánh và hiệp nhất, vâng phục Đức Thánh Cha, thì phải thầm lặng,’lén lút” (“chui”), chịu đủ bách hại về cả vật chất lẫn tinh thần. Tín hữu Trung Quốc hãnh diện với các Chủ Chăn dũng cảm,dám hy sinh tính mạng vì Đức Tin và vì Phúc Âm. Sau khi Đức Giám Mục phụ tá Giáo phận Thượng Hải Tađêo Mã Đạt Khâm (2) tuyên bố rút khỏi Hội Công Giáo Yêu Nước ngay sau khi được tấn phong, Ngài đã bị quản thúc và không cho thực thi tác vụ Giám Mục, nhưng đã trở thàng gương Đức Tin sáng ngời, củng cố Đức Tin nơi các tín hữu Công Giáo và xoá tan sự do dự,nghi ngại nơi một số rất đông tín hữu về lập trường trung thành và vâng phục Đức Thánh Cha,Toà Thánh và Huấn Quyền Giáo Hội. Gương tử vì đạo luôn được trân trọng và làm nẩy sinh nhiều mầm giống và hoa trái Đức Tin mới. Đó là điều Chúa Kitô đòi hỏi nơi các Tông Đồ và những kẻ kế vị các Ngài. Đó là điều Giáo Hội Công Giáo chờ mong nơi các Chủ Chăn. Đó là điều các tín hữu Công Giáo cần đến.

 

Bản hiến pháp “phi hiến” [non-constitutional] và “vi hiến” [unscontitutional] với những điều 4 (đảng trị) hoặc 88 (quy kết tội chống phá lật đổ chính quyền),….phải được xoá bỏ, sửa đổi. Các Giám Mục Việt Nam đã khá mạnh dạn khi đưa ra bản kiến nghị sâu sắc,đầy đủ,dù biết “giang sơn dễ đổi,bản tính khó dời” và đảng cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ nhượng bộ, khi họ hiểu sẽ mất hết,khi bị trút bỏ những tấm bùa hộ mệnh nầy,như lời khẳng định của ông Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị trung ương đảng khai mạc hôm 01/05/2013 và sẽ kéo dài tới ngày 10/05/2013. Dù nội bộ đấu đá nhau,tranh giành quyền lực, nhưng khi đụng đến “nồi cơm chung” (quyền bính,quyền lợi vật chất) thì họ luôn biết trở thành một khối “đoàn kết” hết sức kiên cố.

Chúng ta nói “các Giám Mục Việt Nam đã khá mạnh dạn”,vì vẫn còn một chút tiếc nuối,khi nghĩ rằng giá như tiếng nói nầy được gióng lên sớm hơn, – chẳng hạn sau khi hiến pháp 1992 được ban hành – thì cục diện hẳn đã có không ít đổi thay, không cần đợi khi nhà nước “hô hào” góp ý sửa đổi hiến pháp,mới lên tiếng. Tuy vậy,muộn vẫn hơn là không. Chính quyền không thể coi thường những tiếng nói nặng ký nầy, đặc biệt vừa qua đại diện 5 tôn giáo đã ký chung một bản kiến nghị gửi chính phủ.

 

Trở lại vấn đề chính hôm nay: khả năng nhà nước hợp pháp hoá “hôn nhân đồng tính”. Đây sẽ là đòn chí tử huỷ hoại tận căn rễ Hôn Nhân và Gia Đình truyền thống,tự nhiên,đặc biệt đối với hôn nhân Công Giáo. Cùng với sự hợp pháp hoá “hôn nhân đồng tính”, định nghĩa “hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ” sẽ không còn giá trị. Cấu trúc nền tảng của gia đình – cha, mẹ, con cái – cũng sụp đổ, kéo theo bao vấn đề luân lý, xã hội khác. Việc “hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính” không hề là một cái sẩy, có nguy cơ trở thành cái ung, mà chính là cái ung đích thực cần cắt bỏ ngay. Trình độ dân trí hiện tại của người Việt Nam nói chung và cách riêng người Công Giáo Việt Nam,chưa cao và chưa được hướng dẫn về tác hại khôn lường của “hôn nhân đồng tính”, cho nên càng cần thiết thực hiện ngay hai điều:

 

1. Một tiếng nói chung của HĐGM Việt Nam, minh bạch lập trường của Giáo Hội Công Giáo về Hôn Nhân và Gia Đình, nhấn mạnh đặc biệt tới “hôn nhân đồng tính”.

 

2. Một phong trào học hỏi về Hôn Nhân và Gia đình,cùng với lập trường của Giáo Hội Hoàn Vũ, của Huấn Quyền Giáo Hội, của các Đức Giáo Tông về ‘hôn nhân đồng tính”, không thể chậm trễ hơn nữa, làm sao cho mọi tín hữu hiểu rõ vấn đề, giúp họ: a).sống tốt hơn đời sống Hôn Nhân và Gia Đình Công Giáo, b). phản ứng đúng đắn và kiên cường những lập luận,những tuyên truyền,những “lệnh” sai trái luân lý đạo đức về Hôn Nhân và Gia Đình c). Và nhờ sự kiên vững,thấu đáo cũng như thể hiện qua chình đời sồng hôn nhân và gia đình Công Giáo, họ sẽ là những nhà truyền giáo tốt nhất, giúp giữu vững nền nếp xã hội vốn rất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam,đang đứng trước cơn cuồng phong,mà khởi đầu sẽ là sự hợp pháp hoá “hôn nhân đồng tính”.

 

Tôn trọng người đồng tính và sinh hoạt của họ, không bao giờ đồng nghĩa với cách sống, cách làm trái tự nhiên và nghịch luân thường đạo lý của họ. Và khi những thế lực cầm quyền muốn công khai thừa nhận những sai trái,nghịch thường ấy, thì bổn phận của mỗi người, nhất là tín hữu Công Giáo, phải phản ứng,phản đối bằng mọi hình thức. Tiếng nói của tập thể Hàng Giáo Phẩm quan trọng hơn hết : đây không phải là tiếng nói đại diện cho hàng triệu tín đồ Công Giáo. Đây là tiếng lương tâm, lập trường luân lý của Giáo Hội Công Giáo, đặt nền tảng trên Kinh Thánh và dựa vào luật tự nhiên. Tín hữu và cả những người ngoài Công Giáo sẽ có được ngọn đuốc sáng soi dẫn đời sống Hôn Nhân và Gia đình của họ, bảo vệ chúng và nêu gương cho xã hội.

Giáo dân đang khát mong đợi chờ những lời giáo huấn của các Mục Tử, không chỉ trong sinh hoạt giáo lý mục vụ ở cấp giáo phận, mà là một bản tuyên bố không còn mang tính chất “kiến nghị”, mà là răn đe, cho mọi tín hữu, cho toàn xã hội,cho cả các cấp chính quyền vô thần. Trong vấn đề luân lý và tín lý, Giáo Hội là “Mẹ và Thầy” (Mater et Magistra – Yêu thương,nhưng dạy dỗ nghiêm khắc). Trong hai lãnh vực nầy, Các Giám Mục là “Mẹ và Thầy” : nghiêm khắc dạy dỗ,cảnh cáo,răn đe!
Tháng Hoa – Tháng Đức Bà 2013

Người Giáo Dân

————————————————————–
(1) Tuy nhiên thăm khám lâm sàng thực tế và khảo sát trên các trẻ vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Sức khỏe sinh sản TP HCM cho thấy có những trường hợp quan hệ tình dục (tự nguyện) từ 10-12 tuổi. Cũng trên khảo sát này, tuổi quan hệ tình dục lần đầu của các em là 14 tuổi, sớm hơn rất nhiều so với điều tra quốc gia (Dân Trí)

(2) Đức Giám Mục Tađêô Mã Đạt Khâm,ngay trong thánh lễ tấn phong giám mục vào tháng 7/2012, đã công khai tuyên bố rút khỏu Hội Công Giáo Yêu Nước. Lập tức Ngài đã bị chính quyền trừng phạt bằng cách quản thúc tại chủng viện Xá Sơn và không cho thi hành sứ vụ giám mục. Cách nay vài tuần, ngày 14/04/2013,khi tình trạng sức khoẻ của Đức Cha Aloysius Kim Lỗ Hiền xấu đi và tỏ ra nguy kịch [Ngài từ trần ngày 27/04/2013, thọ 97 tuổi],nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đưa Đức Cha Mã rời khỏi chủng viện đến một địa điểm khác không được tiết lộ (trang Web HĐGM Việt Nam)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.