Uncategorized

Thông Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Về Ngày Truyền Thông Thế Giới

Cánh Cửa của Sự Thật và Niềm Tin
Tân Không Gian để Hoành Dương Tin Mừng

 

Anh chị em thân mến,

Cánh Cửa của Sự Thật và Niềm Tin
Tân Không Gian để Hoành Dương Tin Mừng

 

Anh chị em thân mến,

      Nhân ngày Truyền Thông Thế Giới năm nay 2013 sắp đến, tôi muốn gửi tới anh chị em một vài suy tư về một thực tế quan trọng liên quan đến phương cách mà người dân ngày nay thường liên lạc với nhau. Tôi muốn nói đến sự phát triển của mạng lưới xã hội hiện đang tạo ra một tân “Agora” tức một công trường mở rộng cho công chúng, trong đó mọi người cùng nhau chia sẻ tư tưởng, ý kiến và tin tức; cũng trong đó những mối dây liên đới mới và những hình thức tân cộng đồng có thể xuất hiện.

      Những khoảng không gian này, một khi được cam kết một cách khôn ngoan và cân bằng, sẽ giúp cho đối thoại và tranh luận có hiệu quả, và nếu được điều khiển một cách đứng đắn và tôn trọng bí mật cá nhân, có trách nhiệm và yêu sự thật thì có thể làm tăng sức mạnh đường dây hiệp nhất giữa những cá nhân với nhau và khuyến khích sự hoà hợp gia đình nhân loại một cách hiệu quả. Trao đổi tin tức có thể trở thành truyền thông thực sự, mối dây nối kết chín mùi trở thành tình bạn, và các móc nối khiến cho liên lạc được dễ dàng. Nếu mạng lưới được dùng để thực hiện khả năng to lớn đó thì những ai can dự vào hệ thống này phải cố gắng để trở nên chính thức, bởi vì, trong khoảng không gian này, không phải chỉ có những tư tưỏng và tin tức được chia sẻ, mà cuối cùng còn là chính chúng ta với nhau nữa.

      Sự phát triển mạng lưới xã hội kêu gọi mọi người tham gia và cam kết kiến tạo tình liên đới và làm bạn, tìm những giải đáp cho các vấn nại và để giải trí, nhưng đồng thời cũng tìm kiếm những kích thích trí năng, chia sẻ kiến thức và hiểu biết. Mạng lưới đang ngày càng trở thành một trong những  cấu trúc của tổ chức xã hội khi nó tập họp được thật nhiều người lại với nhau trên nền tảng những nhu cầu căn bản này. Mạng lưới xã hội vì vậy được nuôi dưỡng bởi những khát vọng bắt rễ từ trong tâm con người.
 

      Nền văn hóa mạng lưới xã hội và sự thay đổi cách thức cùng đường lối truyền thông đòi hỏi nhiều thách đố nơi những người muốn nói lên sự thật và những giá trị của nó. Thông thường, như trường hợp ta có nhiều cách  truyền thông xã hội khác, thì ý nghĩa và hiệu quả của những cách diễn tả khác nhau đó xem ra được đánh giá bởi sự ưa thích của đa số quần chúng  hơn là sự quan trọng và giá trị thực của nó. Về sự ưa thích của quần chúng thì thường dựa trên nhân vật nổi tiếng hoặc tài thuyết phục hơn là biện luận hữu lý. Đôi khi có rất nhiều tư tưởng hay nhưng phát biểu với giọng nói nhẹ  nhàng và đều đều lại bị thất bại vì không gây được sự chú ý của người nghe bằng những người có giọng nói hùng hồn hấp dẫn có sức lôi cuốn. Vì vậy, mạng lưới xã hội cần sự cam kết của tất cả mọi người có ý thức sáng suốt về giá trị của đối thoại, tranh cãi hữu lý và luận giải đúng cách cũng như cam kết của những người chủ trương nhiều hình thái đàm thoại và cách thức diễn tả khác nhau khả dĩ thu hút được những ước vọng cao quí nhất của những người tham gia vào tiến trình truyền thông. Đối thoại và tranh luận cũng có thể sinh hoa kết trái khi mà chúng ta biết tôn trọng thực sự những ý kiến khác với ý kiến của mình. “Trường hợp một thực tế của hiện trạng đa văn hóa, người ta cần, không những chỉ chấp nhận sự hiện diện văn hóa của người khác, mà còn phải ao ước được trở nên phong phú hơn vì nó, cũng như cung hiến cho nó bất cứ cái gì hay ho, đẹp đẽ và chân thật mà mình có.” (Diễn văn tại buổi Tập Hợp Văn Hóa Thế Giới, Belem , Lisbon 12-5-2010)

      Thách đố đang phải đối diện với mạng lưới xã hội là làm sao có được tính bao quát thực sự: Vậy, để có kết quả tốt thì cần phải có sự tham gia trọn vẹn của những tín hữu ước mong được chia sẻ thông điệp của chúa Giêsu và những giá trị nhân phẩm mà giáo huấn của Chúa khuyến khích. Các tín hữu hiện đang ngày càng nhận thức ra được là -không kể Tin Mừng Chúa cũng đã được biết tới trong thế giới digital[1]- có nhiều người có thể không biết đến điều đó trong khi cái không gian này lại quan trọng đối với họ. Môi trường digital không phải là một thế giới đi song hành hoặc hoàn toàn là ảo ảnh, nhưng nó là một phần của kinh nghiệm hàng ngày của nhiều người, đặc biệt  giới trẻ. Mạng lưới xã hội là kết quả của tình tương giao giữa con người với nhau, nhưng chính những mạng lưới đó cũng góp phần vào việc uốn nắn lại  sự linh động của truyền thông hiện đang tạo ra tình liên đới. Do đó hiểu biết về môi trường này như vậy phải là điều tiên quyết. Sự hiện diện đầy ý nghĩa này là ở đó.  

      Linh động dùng những loại ngôn ngữ mới là việc cần phải làm, không phải để theo kịp trào lưu, nhưng là để giúp cho sự phong phú vô biên của Tin Mừng tìm ra được những hình thức diễn tả khả dĩ có thể đạt được tâm tư ý nghĩ của tất cả mọi người. Trong môi trường digital thì chữ viết thường có tính tượng thanh tượng hình. Truyền thông có hiệu quả  -như trong các dụ ngôn của chúa Giêsu-  phải gợi được trí tưởng tượng và tình cảm của những người mà chúng ta muốn mời gọi họ đến tiếp cận với màu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng ta biết rằng truyền thống Kito giáo thì luôn luôn phong phú về dấu hiệu và biểu tượng: Tôi lấy thí dụ thập tự giá, các ảnh tượng, hình Mẹ Maria đồng trinh, máng cỏ chúa hài đồng, các cửa kính muôn màu sắc và các bức tranh treo ở các thánh đường. Một phần đầy ý nghĩa của di sản thừa kế của nhân loại đã được tạo nên bởi các nghệ sĩ và nhạc sĩ là những vị đã tìm cách để diễn tả những sự thật của niềm tin.

      Trong mạng lưới xã hội, các tín hữu nói lên sự thành tâm của mình bằng cách chia sẻ nguồn hy vọng và niềm vui sâu xa của họ là niềm tin nơi Thiên Chúa đầy khoan dung và nhân ái được thể hiện qua đức Giêsu Kitô. Sự chia sẻ này không phải chỉ là minh thị diễn tả niềm tin của mình mà thôi, nhưng còn phải chứng tỏ mình là chứng nhân trong cung cách truyền đạt “những chọn lựa, những ưa thích và những phán đoán đúng với Tin Mừng một cách trọn vẹn, ngay cả khi Tin Mừng không được nói đến một cách đặc biệt” (Thông Điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới năm 2011).  Một cách đặc biệt và có ý nghĩa để thể hiện bằng chứng như vậy sẽ phải là ước muốn hiến thân mình cho tha nhân bằng cách đưa ra những vấn nại và nghi vấn một cách bền bỉ và trân trọng khi họ đề xuất công tác tìm hiểu sự thật và ý nghĩa sự hiện hữu của loài người. Cuộc đối thoại nơi mạng lưới xã hội về niềm tin và sự tin tưởng sẽ xác định sự quan trọng và thích đáng của tôn giáo trong những cuộc tranh luận công khai và trong đời sống xã hội.
 

      Đối với những ai đã chấp nhận tặng phẩm niềm tin với một tấm lòng mở rộng, thì đáp ứng căn bản nhất cho những vấn nại về tình yêu, sự thật và ý nghĩa cuộc sống của loài người  -những vấn nại này chắc chắn là không thiếu ở mạng lưới xã hội- phải được tìm thấy nơi con người chúa Giêsu Kitô. Nó rất tự nhiên đối với những ai có niềm tin và ước muốn chia sẻ nó, một cách trang trọng và khéo léo, với những người mà họ gặp nơi diễn đàn digital. Tuy nhiên, cuối cùng nếu những cố gắng của chúng ta muốn chia sẻ Tin Mừng có mang lại kết quả tốt, thì luôn luôn là do quyền lực của chính lời Chúa đã đánh động lòng người trước tất cả những cố gắng của chúng ta. Tin tưởng vào quyền năng của Lời Chúa phải luôn luôn mãnh liệt hơn bất cứ một tin tưởng nào mà chúng ta có ở sức con người. Cũng trong môi trường digital, chỗ nào mà dễ dãi cho những phát ngôn nóng bỏng và phân hóa, chỗ nào thường có những chuyện giật gân xẩy ra thì chúng ta phải tới để lắng nghe hầu phân biệt phải trái, đúng sai. Về chuyện này, để tôi nhắc lại trường hợp tiên tri Elijah đã nhận ra tiếng Chúa gọi, không phải trong tiếng gió thổi ào ào như vũ bão, rung chuyển như động đất hay phừng phực như  lửa cháy, mà là “tiếng nói êm đềm và nhỏ nhẹ” (1Kg 19:11-12).  Chúng ta cần tin tưởng vào thực tế là ước vọng căn bản của con người để yêu và được yêu, để kiếm ra ý nghĩa và sự thật –cái ước vọng mà chính Thiên Chúa đã đặt để trong tâm của mỗi người nam và người nữ- để giữ cho những bạn đồng nghiệp của chúng ta trên mạng luôn luôn cởi mở với điều mà Chân phước hồng y Newman gọi là “ ánh sáng hào hiệp” của niềm tin.
 

      Mạng lưới xã hội, cũng như là một phương pháp phúc âm hóa, cũng có thể là một yếu tố phát triển con người. Lấy thí dụ, trong một vài hoàn cảnh địa dư văn hóa nào đó mà ở đó người Kito hữu cảm thấy bị lẻ loi thì mạng lưới xã hội có thể củng cố thêm ý thức hiệp nhất thực sự của họ với cộng đồng tín hữu thế giới. Mạng lưới sẽ giúp họ chia sẻ dễ dàng những suối nguồn linh dạo và phụng vụ, giúp người ta có ý thức cầu nguyện sát cánh hơn với những người có cùng niềm tin. Việc cùng nhau chính thức tham gia vào  những vấn nại và hồ nghi của những người còn xa vời niềm tin sẽ khiến chúng ta cảm thấy có nhu cầu nuôi dưỡng niềm tin của chúng ta bằng lời cầu nguyện và suy niệm, trước mặt Chúa cũng như việc chúng ta thực thi bác ái: “Nếu tôi nói được tiếng nói của mọi thứ người và của cả thiên thần đi nữa mà tôi không có đức ái, thì tôi cũng chỉ như cái thanh la kêu phèng phèng mà thôi” (1Cr 13:1). 
 

      Trong thế giới digital, có những mạng lưới xã hội cung ứng cho những bạn lưới của chúng ta những cơ hội để cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ lời Chúa. Nhưng những mạng lưới này cũng có thể mở cửa cho nhiều chiều kích khác của niềm tin. Nhiều người hiện đang khám phá ra -rõ ràng là nhờ ở tiếp cận với mạng- sự quan trọng của va chạm trực tiếp, kinh nghiệm cộng đồng và ngay cả việc hành hương, là những yếu tố luôn luôn quan trọng trong hành trình đức tin. Khi cố gắng làm cho Tin Mừng hiện diện trong thế giới digital, chúng ta có thể mời gọi mọi người tụ họp lại để cầu nguyện hoặc cử hành phụng vụ trong những nơi đặc biệt như nhà thờ hay nhà nguyện. Sẽ không thiếu liên kết hay hiệp nhất trong việc diễn tả niềm tin và làm chứng cho Tin Mừng trong bất cứ một thực tế nào mà chúng ta được mời gọi để sống, hoặc trực tiếp hoặc ở diễn đàn digital. Khi chúng ta hiện diện trước mọi người, bằng bất cứ cách nào, chúng ta cũng được kêu gọi để làm cho mọi người biết đến tình yêu Thiên Chúa, cả ở những nơi xa xôi nhất tận cùng thế giới.

      Tôi cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần đi theo anh chị em và luôn luôn soi sáng cho anh chị em. Tôi thân ái chúc lành cho tất cả anh chị em, để anh chị em có thể là những sứ giả và chứng nhân thực sự của Tin Mừng. “Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho toàn thể nhân loại” (Mc 16: 15).     

      

Vatican 24 Jan. 2013.
Lễ Thánh Francis de Sales.
Giáo Hoàng Benedictus XVI

 

                  ****    

Nguyễn Tiến Cảnh chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh được Vatican đưa ra  ngày 24-1-2013 (Zenit.org)
Fleming Island, Florida
Feb. 3, 2013

________________________________________
[1] Digital là một danh từ chuyên môn của mạng lưới truyền thông, hiện tiếng Việt mình chưa có một từ nào tương ứng nói lên ý nghĩa của nó. Vì vậy xin tạm giữ nguyên ngữ của nó.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.