Đề tài II
Thời đại và tiểu sử của Thánh PHAO-LÔ
I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU
– Gợi ý của người hướng dẫn: Hôm nay chúng ta sẽ học hỏi và trao đổi về một số đặc điểm của thời đại và tiểu sử của Thánh Phao-lô. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần thể hiện sự hiện diện và tác động của Người trên từng anh chị em chúng ta để giúp mỗi người chúng ta nhận ra hoạt động của Thiên Chúa trong thời đại của Thánh Phao-lô cũng như trong thời đại của chúng ta ngày nay, trong cuộc đời của Thánh Phao-lô cũng như trong cuộc đời của chúng ta!
– Cùng hát : LẠY CHÚA THÁNH THẦN
ĐK: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến. Canh tân đổi mới đời sống chúng con, tăng sức linh hồn, bồi thêm lửa mến, soi sáng trí khôn, hiệp nhất muôn lòng.
PK 1: Chúa hỡi! Khấn xin ngự đến đổ tuôn muôn ơn phù giúp chúng con. Xin thương soi dẫn nhân tâm nương theo Thần Khí bước trong bình an.
PK 2: Hãy đến! Thánh Linh từ ái suối ơn mát trong là Đấng ủi an. Xin thương nâng đỡ ủi an con chiên lạc hướng khổ đau lầm than.
II. CHIA SẺ KHÁM PHÁ/CẢM NGHIỆM/QUYẾT TÂM MỚI LIÊN QUAN TỚI «CUỘC TRỞ LẠI» CỦA THÀNH PHAO-LÔ
Bạn muốn chia sẻ «khám phá », «cảm nghiệm » hay «quyết tâm» gì mới hoặc muốn nêu «ý kiến» hay «thắc mắc» gì liên quan tới đề tài I là cuộc «trở lại» hay «đổi đời» của Thánh Phao-lô mà bạn đã học lần trước. Xin mời bạn chia sẻ hay phát biểu.
III. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Muốn tìm hiểu về một con nguời nói chung, một vị thánh nói riêng, chúng ta phải tìm hiểu những gì? Muốn tìm hiểu về Thánh Phao-lô một vị thánh nổi tiếng, chúng ta phải tìm hiểu những gì?
2. Thời đại của Thánh Phao-lô có những đặc điểm gì?
3. Nếu chúng ta muốn biết thêm về Thánh Phao-lô thì ngoài ”cuộc trở lại” của Ngài, chúng ta phải quan tâm đến những gì khác nữa?
4. Thân thế, sự nghiệp của Thánh Phao-lô có những đặc điểm gì?
5. Chúng ta có thể học được gì từ việc tìm hiểu thời đại và tiểu sử của Thánh Phao-lô?
IV. HỌC HỎI VÀ CHIA SẺ
1. Muốn tìm hiểu về một con người nói chung, một vị thánh nói riêng, chúng ta phải tìm hiểu về thời đại và tiểu sử của con nguời hay của vị thánh ấy. Muốn tìm hiểu về Thánh Phao-lô, một vị thánh nổi tiếng, chúng ta phải tìm hiểu về thời đại và tiểu sử của Ngài.
2. Thời đại của Thánh Phao-lô: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong Bài Huấn Đức trong buổi triều yết chung vào ngày Thứ Tư, ngày 2 tháng 7 năm 2008, cũng là bài Giáo lý thứ nhất về Thánh Phao-lô với chủ đề «Thế Giới và Thời Đại của Thánh Phao-lô» đã phát biểu rằng: «Thánh Phaolô đã được diễn tả như một “người của ba nền văn hóa,” kể cả nguồn gốc Do Thái của ngài, ngôn ngữ Hy Lạp, và đặc quyền công dân Rôma của ngài, như tên gọi gốc La-tinh của ngài làm chứng.» Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói thêm cho rõ hơn về Thánh Phao-lô: «Như chúng ta biết, Thánh Phao-lô là một người Do Thái, và như thế là một phần tử của một thiểu số về văn hóa trong Đế Quốc Rô-ma. Đồng thời ngài cũng nói tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ của nền văn hóa Hy Lạp rộng hơn, và là một công dân Rô-ma. Việc rao giảng Đức Ki-tô Phục Sinh của Thánh Phao-lô, trong khi đặt nền tảng trên Do Thái giáo, được đánh dấu bằng viễn tượng phổ quát và được dễ dàng nhờ sự quen thuộc của ngài với ba nền văn hoá. Như thế ngài có thể rút ra từ sự phong phú tinh thần của nền triết học đương thời, đặc biệt là trường phái Khắc Kỷ, trong khi rao giảng Tin Mừng. Cuộc khủng hoảng của tôn giáo theo truyền thống Hy Lạp – Rôma ở thời đại của Thánh Phao-lô cũng thuận lợi cho một quan tâm lớn lao hơn về một cảm nghiệm cá nhân về Thiên Chúa. Như chúng ta thấy trong bài giảng của ngài trước Areopagus ở A-ten (x. Cv 17,22 tt), Thánh Phao-lô đã có thể dựa vào những dòng tư tưởng này trong bài trình bày Tin Mừng của ngài. Dựa vào khung cảnh văn hóa rộng rãi này, Thánh Phao-lô đã khai triển các giáo huấn của ngài, mà chúng ta sẽ khám phá trong các bài Giáo Lý của Năm Thánh Phao-lô này.
Như vậy có thể nói là thời đại của Thánh Phao-lô có những đặc điểm sau đây:
a) Vê mặt chính trị thì đây là «thời của cơ cấu chính trị – hành chánh của Đế Quốc Rô-ma, là cơ cấu đảm bảo sự bình an và yên ổn từ Anh Quốc cho đến miền Nam Ai Cập, thống nhất lãnh thổ với một chiều kích chưa từng thấy. Ở không gian này, một người có thể đủ tự do và an toàn để di chuyển, được hưởng giữa những tiện nghi khác là một hệ thống đường xá ngoại hạng, và tìm thấy ở bất cứ nơi nào mình đến những đặc tính văn hóa căn bản mà không phương hại đến những giá trị địa phương, được tiêu biểu, trong mọi trường hợp, một công trình thống nhất chung “super partes,” đến nỗi triết gia Phi-lô người Do Thái ở Alexandria, đồng thời với Thánh Phao-lô, đã ca tụng Hoàng Đế Augustô bởi vì ông “đã đem tất cả mọi dân man rợ lại với nhau trong sự hòa hợp … trở thành một người bảo vệ hòa bình” (Legatio to Caium, § § 146-147).
b) Vê mặt văn hóa thì đây là thời đại của «nền văn hóa Hy Lạp, hay đúng hơn là văn hóa cổ Hy Lạp (Hellenistic), là nền văn hóa mà thời hậu Alexander Đại Đế đã trở thành di sản chung ít ra của vùng Đông Địa Trung Hải và Trung Đông, mặc dù chính nền văn hóa này đã hội nhập nhiều yếu tố của các nền văn hóa của những dân tộc được truyền thống coi là man di »,.với kho tàng thần thoại vô cùng phong phú (đa thần và mỗi thần có đền/miếu thờ và cúng lễ khác nhau) và xu huớng tìm kiếm sự minh triết (hiểu biết, khôn ngoan) và đề cao tài hùng biện trong khoa ăn nói. Cũng trong bài Giáo lý thứ nhất về Thánh Phao-lô với chủ đề «Thế Giới và Thời Đại của Thánh Phao-lô» ngày 11.10.2008 vừa nhắc đến ở trên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đã lưu ý rằng: «Chúng ta phải đặc biệt nhắc đến triết thuyết Khắc Kỷ, là triết lý nổi bật trong thời Thánh Phao-lô và cũng ảnh hưởng đến Ki-tô giáo, dù chỉ một phần nào….. Chúng ta tìm thấy nơi các triết gia Khắc Kỷ, những giá trị cao quý về đề tài nhân loại và sự khôn ngoan, là những điều được Ki-tô giáo đón nhận một cách tự nhiên. Như một học giả về đề tài này đã viết cách tuyệt tác, “Thuyết Khắc Kỷ … công bố một ý tưởng mới, là ý tưởng áp đặt trên con người nhiệm vụ đối với đồng loại, đồng thời giải thoát họ khỏi tất cả mọi ràng buộc thể lý cùng dân tộc và làm cho họ thành một thực thể tinh thần thuần túy” (M. Pohlenz, La Stoa, I, Florence 2, 1978, pp. 565ff).»
c) Còn vê mặt tôn giáo thì đây là thời khởi đầu của Ki-tô giáo: Như chúng ta biết Thánh Phao-lô «xuất thân từ một nền văn hóa rất đặc biệt và giới hạn, chắc chắn là thiểu số, đó là nền văn hóa và truyền thống của dân Ít-ra-en. Trong thế giới ngày xưa và nhất là ở trọng tâm của Đế Quốc Rô-ma, như các học giả cho chúng ta biết, thì có chừng 10% tổng số dân chúng là người Do Thái. Vào đầu thế kỷ thứ nhất tại thành Rô-ma này, tỷ lệ đó còn ít hơn, tối đa là 3% dân số thành phố. Như vẫn còn xảy ra ngày nay, niềm tin và cách sống của họ phân biệt họ cách rõ ràng với môi trường chung quanh, và việc ấy có thể đưa đến hai hậu quả: hoặc là bị chế diễu, có thể đi đến việc kỳ thị, hoặc được thán phục, là điều được diễn tả dưới những hình thức cảm thông khác nhau như trường hợp những dân ngoại “kính sợ Thiên Chúa” hoặc “tòng giáo” liên hệ với hội đường và chia sẻ đức tin vào Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi chính Thánh Phao-lô cũng là người chịu hai cách đánh giá trái ngược nhau mà tôi đã đề cập đến. Có một điều chắc chắn là tính cách đặc thù của nền văn hóa và tôn giáo của Do Thái đã tìm được chỗ đứng dễ dàng trong một thực thể có mặt khắp nơi như là Đế Quốc Rô-ma. Chỗ đứng khó khăn và đau đớn hơn là của một nhóm những người, Do Thái hay Dân Ngoại, là những người tin chắc chắn vào con người Chúa Giê-su thành Na-da-rét, đến độ họ trở nên khác biệt với cả đạo Do Thái lẫn hình thức lương giáo thịnh hành.» (ĐTC Bênêđictô XVI, bài Giáo lý thứ nhất về Thánh Phao-lô với chủ đề «Thế Giới và Thời Đại của Thánh Phao-lô» ngày 2.7.2008).
3. Tiều sử của Thánh Phao-lô: Muốn biết thêm về Thánh Phao-lô chúng ta phải quan tâm đến tiểu sử tức thân thế sự nghiệp của ngài. Những dòng sau đây là của chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viêt về Thánh Phao-lô trong bài giáo lý mang tựa đề «Thánh Phao-lô thành Tarsô» ngày 25 tháng 10, 2006:
«Người đầu tiên đã được Chính Chúa, là Đấng Phục Sinh, gọi làm một Tông Đồ thật, chính là Thánh Phao-lô thành Tar-sô. Ngài nổi bật như một ngôi sao sáng nhất trong lịch sử Hội Thánh, nếu không nói là trong việc thành lập Hội Thánh. Thánh Gio-an Kim Khẩu ca tụng ngài như một người cao trọng hơn nhiều thiên thần và tổng lãnh thiên thần (x. Panegirico, 7, 3). Dante Aligheiri trong Hài Kịch của Thiên Chúa (Divine Comedy), cảm hứng bởi câu truyện Thánh Lu-ca kể trong Tông Đồ Công Vụ (x. 9:15), đã diễn tả ngài cách đơn giản là “cái bình được chọn” (inf. 2:28), có nghĩa là: một dụng cụ được Thiên Chúa chọn. Những người khác gọi ngài là “Vị Tông Đồ Thứ 13”, hay cách trực tiếp, “vị trước nhất sau vị Duy Nhất.”
Chắc chắn rằng sau Chúa Giê-su, ngài là một trong những vị tiên khởi mà chúng ta biết nhiều nhất. Thực ra, chúng ta không những chỉ có câu truyện mà Thánh Lu-ca viết trong sách Tông Đồ Công Vụ, mà còn cả một số Thư mà chính tay ngài viết, là những văn kiện trực tiếp tỏ lộ cá tính và tư tưởng của ngài mà không qua trung gian.
Thánh Lu-ca cho chúng ta biết tên ngài trước kia là Sau-lô (x. Cv 7,58; 8,1), cũng là Sau-lê trong tiếng Hi-pri (x. Cv 9,14, 17; 22,7, 13; 26,14), như Vua Sau-lê (x. Cv 13,21), và ngài là người Do Thái lưu vong, vì thành Tarsô tọa lạc giữa A-na-to-li-a và Sy-ri-a.
Ngài xuống Giê-ru-sa-lem rất sớm để học tận gốc Luật Mô-sê theo chân Vị Thầy nổi danh là Ga-ma-li-e-lê (x. Cv 22,3). Ngài cũng học một nghề thủ công và phổ thông, là đan lều (x. Cv 18,3), mà sau này giúp ngài tự cung cấp cho mình để không trở thành gánh nặng cho Hội Thánh (x. Cv 20,34; 1 Cr 4,12; 2 Cr 12,13).»
Tiểu sử của Thánh Phao-lô một phần nào được biểu lộ qua biểu đồ dưới đây:
(Sự Kiện – Niên Biểu và Tác Phẩm có liên quan và của Thánh Phao-lô:
Sự kiện
Niên Biểu Tác phẩm
Chúa Giê-su sinh ra 6 trước CN
Phao-lô sinh ra 8 sau CN tại Tácxô
Gioan Tẩy Giả rao giảng 27
Sứ vụ công khai của Chúa Giê-su 28-30
Chúa Giê-su bị đóng đinh và phục sinh 30
Stêphanô tử đạo. Các Ki-tô hữu gốc Hy Lạp và Do Thái bị bách hại. 33
Phao-lô trở lại, 3 năm ở Đa-mát. 33 (36)
Phaolô ở Tar-sê 37 (40)
Phao-lô với Bar-na-ba ở An-ti-ốt 45
Hành trình truyền giáo I của Phao-lô 46-49
Công đồng Giê-ru-sa-lem 49
51 1 Tx
Hành trình truyền giáo II của Phao-lô 50-52
Hành trình truyền giáo III của Phao-lô 54-58 54 Gl
55 1 Cr
56 Pl
56-57 2 Cr
Phao-lô bị tù ở Xê-da-rê 58-60 58 Rm
Phao-lô đến Rô-ma 60-61
Phao-lô bị tù ở Rô-ma 61-63 62 Plm.
Cl
Phê-rô và Phao-lô tử đạo trong cuộc bách hại của Nê-rô ở Rô-ma 64 (67) 64 Mc
Chiến tranh giữa người Do Thái và Rô-ma 67-70 66-70 Gc ?
Đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy 70 70 Ep,
2 Tx,
Mt
85 (90) Lc/Cv,
Ga/Kh,
Cuộc bách hại của Đô-mi-xi-a-nô 90-96 Thư Mv
2 Pr
Cuôc nổi dậy của người Do Thái dưới thời Bar Kochbah 132-135
Giê-ru-sa-lem bị phá bình địa 135
4. Những đặc điểm về thân thế, sự nghiệp của Thánh Phao-lô:
a) Nguồn gốc, nền giáo dục và cuộc đổi đời lạ lùng: Thánh Phao-lô là người Do Thái (tên là Sa-un hay Sao-lô), sinh tại Tác-xô (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), thậm chí là một Pha-ri-sêu thông thái, nhiệt thành, am tường Thánh Kinh Do Thái, nhưng lại có quốc tịch Ro-ma (tên là Phao-lô). Thánh Phao-lô chẳng những hấp thụ nền giáo dục Do Thái giáo, mà còn thông thạo văn hóa Hy Lạp là văn hóa thịnh hành thời bấy giờ.
Biến cố «bị/được» Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh «chộp bắt» trên đường Đa-mát đã làm thay đổi cách kỳ diệu con nguời và cuộc sống của Phao-lô. Một «cuộc đổi đời có một không hai» trong lịch sử nhân loại nói chung và Ki-tô giáo nói riêng.
b) Ơn gọi và sứ mạng đặc biệt: «15 Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. 16 Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại.» (Gl 1,15-16).
c) Đời sống thánh thiện: « 3Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi. 4 Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, 5 đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng. 6 Chúng tôi còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, 7 bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, 8 khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; 9 bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; 10 coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.» (2 Cr 6,3-10).
d) Một cuộc đời tận hiến cho việc truyền giáo được thể hiện qua 3 hành trình truyền giáo: Theo sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Phao-lô có 3 hành trình truyền giáo, thêm vào đó, chuyến cuối cùng là bị giải từ Giê-ru-sa-lem về Rô-ma để thụ án do chính quyền tố cáo. Hành trình thứ nhất (khoảng từ năm 45-49) được ghi lại trong Công Vụ Tông Đồ 13,1 – 14,28. Phao-lô và Bar-na-ba rời tàu từ An-ti-o-ki-a (vùng Sy-ri-a) qua Cy-rus, qua Per-ga ở Pam-phi-li-a, qua An-ti-ô-ki-a (vùng Pi-si-di-a), rồi đến I-co-ni-um, Lys-tra, và Der-be trong vùng Tiểu Á. Sau đó Phao-lô dự Công Đồng Giê-su-ra-lem cùng với Bar-na-ba và trở về lại An-ti-ô-ki-a (vùng Sy-ri-a). Hành trình thứ hai (khoảng năm 50-52) được ghi lại trong Cv 15,6 – 18,22. Sau khi bất đồng ý kiến với Bar-na-ba, Phao-lô chọn Si-lô làm người đồng hành truyền giáo. Họ rao giảng khắp vùng Sy-ri-a, Ci-li-ci-a, Tiểu Á, qua đến Phry-gi-a và Ga-lát. Tại Troa bên bờ Tiểu Á, Phao-lô có thị kiến là được tàu đưa qua Ma-ce-do-ni-a. Từ đó, Ngài theo đường bộ đến Phi-lip-phê, Thê-xa-lo-ni-ca, Be-ro-e-a, A-then và Cô-rin-tô. Rồi theo tàu về E-phê-sô ở Tiểu Á và vào Cê-sa-rê và Giê-ru-sa-lem. Sau cùng các Ngài về lại An-ti-o-ki-a (vùng Sy-ri-a). Hành trình thứ ba (khoảng năm 53-58) được ghi lại trong Cv 18,23 – 21,17. Từ Giê-ru-sa-lem, Phao-lô đi về Ga-lát, Phry-gi-a và E-phê-sô để vượt qua vùng Ma-ce-do-ni-a. Ý định theo tàu về lại Sy-ri-a bị hủy bỏ vì Ngài biết có người muốn ám hại Ngài trên đường qua Ma-ce-do-ni-a đến Troa. Phao-lô và đồng bạn dùng tàu đến My-ti-le-ne, Sa-mos và Mi-le-tus, băng qua E-phê-sô để đến Rho-des và Ty-re trong vùng Sy-ri-a. Sau một thời gian ngắn, Phao-lô trở lại Giê-ru-sa-lem để gặp tông đồ Gia-cô-bê. Hành trình cuối cùng (khoảng năm 60) là bị giải về Rô-ma cùng với các tù nhân khác, được kể lại trong Cv 27,1-28,16. Họ đi từ Xê-da-rê đến Xi-đon, My-ra trong vùng Tiểu Á, rồi đến Crê-tê. Từ Crê-tê đến Man-ta, thời tiết xấu làm đắm tàu tại Man-ta. Sau 3 tháng, họ đi tàu đến Sy-ra-cu-se, Rhe-gi-ô và Ro-ma, nơi Phao-lô bị quản chế và bị giết (Lm Mát-thêu Nguyễn Khắc Hy, S.S. «Sống Năm Thánh Phao-lô – Bài 5: Những hành trình của Thánh Phaolô thế nào? »).
e) Kho tàng các Thư gửi cộng đoàn và cá nhân: Đọc trong Tân Ước, ta thấy có 13 thư mang tên tác giả Phao-lô gởi cho các giáo đoàn hay cá nhân theo thứ tự: Rô-ma, 1 và 2 Cô-rin-tô, Ga-lát, E-phê-sô, Phi-lip-phê, Cô-lô-sê, 1 và 2 Thê-xa-lô-ni-ca, 1 và 2 Ti-mô-thê, Ti-tô, và Phi-lê-mon.
Một số học giả Thánh Kinh cho rằng tất cả 13 thư trên là do Phao-lô viết hay những trợ tá trực tiếp viết. Nhưng phần lớn các học giả Thánh kinh ngày nay tin rằng chỉ có 7 thư do chính Phao-lô viết là: Ro-ma, 1 và 2 Cô-rin-tô, Ga-lát, Phi-lip-phê, 1 Thê-xa-lô-ni-ca và Phi-lê-mon. Ngay cả trong số 7 thư này cũng có những cộng sự viên cùng viết với Ngài và tên của họ được liệt kê trong những lời giới thiệu đầu thư như thư 1 và 2 Cô-rin-tô, Phi-lip-phê, 1 Thê-xa-lô-ni-ca và Phi-lê-mon. Còn sáu thư còn lại (2 Thê-xa-lô-ni-ca, Ê-phê-sô, Cô-lô-sê, 1 và 2 Ti-mô-thê và Ti-tô) là đề tài tranh luận giữa những học giả Thánh Kinh về tác quyền, và họ gọi những thư này là Thứ Kinh (Deutero-Pauline letters).
Về thời gian, rất khó biết chính xác, nhưng các học giả sắp xếp những thư như sau: 1 Thê-xa-lô-ni-ca chừng 50-51; 1 và 2 Cô-rin-tô chừng 54-55; Ga-lát chừng 54-55; Phi-líp-phê chừng 56; Rô-ma chừng 57-58; Phi-lê-mon chừng 60-61; 2 Thê-xa-lô-ni-ca, Cô-lô-sê và E-phê-sô chừng giữa thập niên 80 (và nếu thật sự Phao-lô viết những thư này thì có thể vào giữa những năm 50); 1 và 2 Ti-mô-thê và Ti-tô chừng giữa 60-90 (và nếu thật sự Phao-lô viết thì có thể đầu những năm 60).
Nhìn chung, tất cả 13 thư trên đều trình bày những giáo huấn thống nhất của một Phao-lô cương nghị, dứt khoát và nhiệt tình trong giảng dạy (Lm Mát-thêu Nguyễn Khắc Hy, S.S. «Sống Năm Thánh Phao-lô – Bài 3: Phaolô viết bao nhiêu thư và khi nào?)
g) Cái chết chứng nhân tại Ro-ma: Việc tử vì đạo của Thánh Phao-lô được kể lại đầu tiên trong sách Công Vụ của Thánh Phao-lô, được viết vào cuối thế kỷ thứ II. Sách tường thuật rằng hoàng đế Nê-rô lên án chém đầu ngài, và bản án được thi hành ngay sau đó (x. 9,5). Ngày chết của ngài khác nhau ngay từ những tài liệu cổ, khoảng giữa cuộc bách hại mà chính hoàng đế Nê-rô phát động sau vụ hỏa hoạn của thành Ro-ma, xảy ra vào tháng 7 năm 64, và năm cuối cùng của triều đại Nê-rô là năm 68 (x. Giêrônimô, De viris ill. 5,8). Tường thuật ấy như sau : “Nhằm đạt được điều ấy (Nê-rô) ra sắc chỉ là tất cả những ai được phát hiện là Ki-tô hữu và lính của Đức Ki-tô đều sẽ bị giết chết. Và Phao-lô cũng bị cầm tù trong số nhiều người; tất cả các bạn tù là người có đạo lưu ý đến ngài khiến Xê-da-rê quan sát thấy rằng ngài là người chỉ huy. Ông ta nới với Phao-lô: “Người của vua vĩ đại nay trở thành tù nhân trong tay ta, tại sao ngươi đã cho là tốt việc bí mật đến đế quốc Rô-ma của ta và lối kéo các binh lính của ta ra khỏi tỉnh của ta?” Nhưng Phao-lô, đầy Thần Khí, nói trước mọi người rằng: “Thưa ngài Xê-da-rê, chúng tôi chiêu dụ binh lính không chỉ từ các tỉnh của ngài mà từ khắp thế giới. Vì nhiệm vụ này được giao cho chúng tôi, để không một ai bị loại trừ nếu người ấy muốn phụng sự Đức Vua. Nếu ngài cho rằng đó là việc tốt, ngài hãy phụng sự Người. Không có của cải vinh hoa nào của cuộc đời này sẽ cứu được ngài, nhưng nếu ngài đầu phục Người, Người sẽ cứu ngài. Vì chỉ trong một ngày Người sẽ phá hủy thế giới bằng lửa. Khi Xê-da-rê nghe những lời ấy, ông ra lệnh thiêu tất cả các tù nhân, nhưng Phao-lô thì phải bị chém đầu theo luật của người Rô-ma… Lúc ấy Phao-lô đứng hướng mặt về phía đông, giơ tay lên trời mà cầu nguyện lần cuối. Và sau khi hiệp thông trong cầu nguyện bằng tiếng Híp-ri với các tổ tiên, ông chìa cổ ra mà không nói thêm một lời nào nữa. Nhưng khi viên lý hình kéo đầu ông ra, sữa phun vào áo của người lính ấy. Và khi chúng nhìn thấy vậy, người lính và tất cả những người đứng gần đó đều kinh ngạc và chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã ban cho Phao-lô vinh quang ấy. Họ ra đi và báo cáo cho Xê-da-rê sự việc đã xẩy ra.” (Cv của Thánh Phao-lô 11,1-3.5).
5. Chúng ta có thể học được gì từ việc tìm hiểu thời đại và tiểu sử của Thánh Phao-lô? (Xem phần ỨNG DỤNG)
V. ỨNG DỤNG [LINH ĐẠO VÀ SỐNG LINH ĐẠO]
1. Từ việc tìm hiểu thời đại của Thánh Phao-lô, chúng ta có thể học được những điều sau đây:
a) Tin Mừng của Thiên Chúa cần được rao giảng cho mọi người (lớn/bé, già/trẻ, tự do/nô lệ…) và mọi dân (Do Thái cũng như Dân Ngoại).
b) Tin Mừng của Thiên Chúa có khả năng thích ứng với và đi sâu vào các nền văn hóa khác nhau của nhân loại.
c) Tin Mừng của Thiên Chúa sẽ phúc âm hóa các nền văn hóa tức đón nhận và phát huy những điều tốt đẹp của các nền văn hóa ấy và thanh luyện, bổ sung và hoàn thiện những gì còn khiếm khuyết của các nền văn hóa ấy.
2. Từ việc tìm hiểu tiểu sử của Thánh Phao-lô, chúng ta có thể học được những điều sau đây:
a) Thiên Chúa có thể dẫn đưa một con người từ chốn lầm lạc trở về chân lý. Thiên Chúa cũng có thể biến đổi một con người từ tội lỗi nên thánh thiện để người ấy làm vinh danh Thiên Chúa và đem lại lợi ích thiêng liêng cho các linh hồn. Thánh Phao-lô là một điển hình “có một không hai” trong lịch sử Ki-tô giáo.
b) Thiên Chúa có một kế hoạch riêng cho mỗi Ki-tô hữu.
c) Thiên Chúa cần đến tất cả những gì là tốt đẹp sẵn có trong mỗi con người chúng ta để chúng ta dễ bề chu toàn sứ mạng Người giao.
d) Chúng ta có học cùng Thánh Phao-lô trong đời sống đức tin cậy mến: tin tuởng, cậy trông, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa hêt lòng, hết trí khôn, hết linh hồn và yêu tha nhân như chính mình.
VI. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC .
– Gợi ý của người hướng dẫn: Chúng ta vừa học về thời đại và tiểu sử của Thánh Phao-lô, qua đó chúng ta thấy Thánh Phao-lô đã nỗ lực hết sức mình để đem Ki-tô giáo vào trong thế giới và xã hội thời của Ngài. Chúng ta cũng có trách nhiệm đem hết khả năng và ân sủng mà chúng ta đã nhận từ Thiên Chúa mà đem Tin Mừng đến cho đồng bào của chúng ta. Chúng ta hãy cùng cảm tạ ngợi khen Chúa về sứ mạng cao trọng mà Người đã giao và cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của Thánh Thần để thực thi sứ mạng ấy.
– Cùng hát : TÁN TỤNG HỒNG ÂN
ĐK : Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la. Xin dâng lời cảm mến hòa theo tiếng hát dâng lên. Đôi bàn tay Chúa nâng đỡ con, xin dâng lời cảm tạ. Cho đời con vững một niềm tin, xin dâng lời cảm mến. Đôi bàn tay Chúa dẫn con đi, xin dâng lời cảm tạ. Tay hồng ân Chúa đưa con về, xin dâng lời cảm mến. Chúa cho con Trời mới Đất mới, đường đời con (i) đổi mới. Con sẽ ca ngợi lòng thương xót Chúa muôn muôn đời.
1. Đời đời Người đã thương con. Đời đời Người vẫn thương con. Thương con như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh. Chúa thương yêu ấp ủ con đêm ngày.
– Cùng cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa là Đấng đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người cho thế gian. Chúa Giê-su Ki-tô Con Cha đã xuống thế làm người và đi vào lịch sử nhân loại. Người đã chiêu mộ những con người nhiệt thành và trung thực là các Tông Đồ, nhất là Thánh Phao-lô, để đem Tin Mừng yêu thương đến với mọi người, mọi dân tộc. Chúng con xin cảm tạ Cha và cảm tạ Con Cha là Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng con cảm tạ Cha cách đặc biệt trong việc Cha tuyển chọn Thánh Phaolô và biến Người thành vị thánh lớn lao, thành nhà truyền giáo vĩ đại.
Xin Cha giúp chúng con biết noi gương bắt chước Thánh Phao-lô mà sống hết mình với Chúa Giê-su Ki-tô, Con Cha và với Tin Mừng của Ngài, với anh chị em trong cộng đoàn Hội Thánh và với những người còn ở ngoài Hội Thánh.
CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI III
CÔNG CUỘC, CHIẾN THUẬT VÀ PHƯƠNG THẾ
TRUYỀN GIÁO CỦA THÁNH PHAO-LÔ
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
Nhờ đề tài II về «thời đại và tiểu sử» của Thánh Phao-lô bạn có «khám phá », «cảm nghiệm » hay «quyết tâm» gì mới?
Xin ghi «nhật ký»để chuẩn bị chia sẻ vào lần học tới với các anh chị em khác.
Câu hỏi gợi ý tìm hiểu:
1. Tại sao Thánh Phao-lô được gọi là Tông Đồ Dân Ngoại?
2. Công Cuộc Truyền Giáo hay Loan Báo Tin Mừng có tầm quan trọng như thế nào đối với Thánh Phao-lô?
3. Để loan báo Tin Mừng, Thánh Phao-lô đã sử dụng chiến thuật và phương thế nào?
4. Chúng ta có thể học được gì từ Thánh Phao-lô là Nhà Truyền Giáo nhiệt thành, là Vị Tông Đồ Dân Ngoại vĩ đại của Ki-tô giáo?
Views: 0