Trong phần hai chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô trình bầy đề tài “Cuộc sống mới Thiên Chúa ban cho kitô hữu qua bí tích Rửa Tội nhờ đức tin”.
Đó là cuộc sống tự do, thoát khỏi ách thống trị của Tỗi Lỗi để phụng sự Thiên Chúa. Sự tự do thánh Phaolô nói tởi ở đây không phải là một kết qủa thụ động của ơn cứu độ, nhưng là nguyên lý sinh động giúp kitô hữu chống trả lại Tội Lỗi và các quyền rũ của nó để bảo vệ cuộc sống mới đã nhận lãnh: “Vì thế, Tội Lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em, khiến anh em nghe theo các dục vọng của thân xác”. Thể sai khiến khước từ lập lại sau đó trong nghĩa tích cực: thánh Phaolô nhắn nhủ tín hữu đừng dùng các chi thể của mình để phục vụ Tội Lỗi. Đây là kiểu nói dùng một phần để diễn tả toàn con người. Chi thể như là hình ảnh diễn tả khả năng hoạt động đã được thánh Phaolô trình bầy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 12,12 tt. Ở đây, thánh nhân dùng một hình ảnh quân sự để khuyến khích tín hữu đừng để cho chi thể, tức toàn thân xác của mình trở thành khí giới trong tay của Tội Lỗi, đừng để cho Tội Lỗi sử dụng chúng cho các hành động tội lỗi (adikía). Trái lại, họ phải phụng sự Thiên Chú\\a như những “người sống lại từ cõi chết trở về” và phải duyệt xét cuộc sống mới mà họ đã có được nhờ bí tích Rửa Tội. Nghĩa là có cung cách sống như những ”người công chính”, vì đã chiếm được liên hệ giao ước với Thiên Chúa và với tha nhân.
Kitô hữu đã có thể duy trì được khoảng cách tích cực đó đối với Tội Lỗi, vì họ không còn sống dưới quyền thống trị của Tội Lỗi nữa (c.14). Tuy nhiên, thánh Phaolô không chỉ bằng lòng lập lại điều đã trình bầy sâu rộng trong các câu trước đó, mà tiến thêm một bước xa hơn: “Bởi vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng”. Giữa sự lệ thuộc Tội Lỗi và sự lệ thuộc luật lệ có liên hệ mật thiết.
Trong nghĩa luật lệ trở thành dụng cụ của Tội Lỗi trong cuộc sống con người. Trong chương 3,9 thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô đã viết: “Vậy Lề Luật để làm gì? Chính là để gây ra các sự vi phạm mà Lề Luật đã được đặt thêm”. Trong chương 3,20 thư gửi giáo đoàn Roma thánh nhân khẳng định: ”Qua luật lệ con người sống kinh nghiệm của Tội Lỗi”. Và thánh nhân viết thêm trong chương 5,20: “Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn”. Tóm lại, sự tự do khỏi Tội Lỗi và sự tự do khỏi Lề Luật tương xứng với nhau và kéo lôi nhau. Do đó, lối thoát duy nhất là cuộc sống mới trong ân sủng của Đức Giêsu Kitô.
Tới đây thánh Phaolô lập lại câu hỏi có nội dung tương tự như câu hỏi ở đầu chương 6: “Vậy thì sao, chúng ta cứ phạm tội ư, vì chúng ta không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng?”. Câu hỏi này mở đầu cho phần còn lại của chương 6 gồm các câu 15-23. Thật ra, đề tài chính vẫn là một: kitô hữu được mời gọi vun trồng một cuộc sống phù hợp với thế giới mới của những người đã phục sinh, bởi vì ơn thánh Chúa đã cống hiến cho họ khả năng sống cuộc sống mới, cuộc sống tự do không nô lệ quyền lực Tội Lỗi. Thánh Phaolô trả lời cho câu hỏi trên bằng kiểu nói dứt khoat: ”Không đời nào”. Để giải nghĩa lý do sự khước từ quyết liệt này, thánh nhân đưa ra nguyên tắc kinh nghiệm sống, mà tín hữu cũng đã có: đó là kinh nghiệm đối chọi giữa sự nô lệ và tùng phục Tội Lỗi và Cái Chết, và sự vâng phục dẫn đưa tín hữu tới sự ”công chính”, tức ơn cứu độ (c. 16). Nhưng thánh nhân không có ý đặt để tín hữu trước một sự lựa chọn, bởi vì chiến tuyến đã được phân biệt rõ ràng và lựa chọn rồi. Chính vì thế thánh Phaolô trình bầy vấn đề bằng lời tạ ơn Thiên Chúa. Chính nhờ Thiên Chúa và qua đức tin, kitô hữu đã có thể từ cuộc sống nô lệ Tội Lỗi bước sang cuộc sống hết lòng tuân phục sự công chính (c. 17). Văn bản quan trọng vì tiếp tục đề cập tới bí tích Rửa Tội, bằng cách nêu bật thái độ của tín hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội đón nhận sứ điệp kitô, được trình bầy với một công thức đặc biệt (typos), diễn tả sự tín thác trọn xác hồn của họ cho Thiên Chúa. Tắt một lời, tín hữu “đã được giải thoát khỏi ách nô lệ của Tội Lỗi để trở nên nô lệ của sự công chính” (c. 18). Nghĩa là thánh Phaolô giải quyết vấn đề dựa trên kinh nghiệm sống của tín hữu. Nếu trong phần đầu, chương 6,1-11, thánh Phaolô nhắc tới sự kiện kitô hữu chết cho Tội Lỗi trong bí tích Rửa Tội nên có được cuộc sống mới, thì giờ đây thánh nhân nêu bật tình trạng họ được giải thoát khỏi Tỗi Lỗi để sống tuân phục sự công chính. Thánh Phaolô cũng rất ý thức được thứ từ ngữ ám tỷ khiêu khích ngài dùng ở đây để cho tín hữu dễ hiểu (c. 19). Nhưng điều quan trọng là nội dung của nó. Thánh nhân muốn cho họ ý thức được trách nhiệm phải có đối với cuộc sống mới đã nhận lãnh.
Bên cạnh tương quan giữa thể chỉ định và thể sai khiến là sự đối kháng giữa qúa khứ và hiện tại, giữa trước kia và giờ đây (cc. 19b-22). Cuộc sống trước khi hoán cải chấp nhận Thiên Chúa là cuộc sống ô uế (akatharsia) và gian tà (anomía), bởi vì tín hữu nằm dưới ách thống trị của Tội Lỗi và bị ảnh hưởng của nó. Nhìn trở lại qúa khứ cuộc sống và các hành động của mình, tín hữu phải xấu hổ, vì cuộc sống đó đã dẫn đưa họ tới cái chết đời đời. Nhưng đời họ đã thay đổi, khi gặp gỡ Chúa Kitô và tin nhận Ngài. Họ được Chúa Kitô giải phóng khỏi ách nộ lệ Tội Lỗi để từ cỗi chết bước vào sự sống, bước vào cuộc đời công chính. Và từ nay toàn cuộc sống của họ phải hướng về sự thánh thiện, để đạt ơn cứu độ vĩnh cửu mai sau. Tuy nhiên, đây không phải là một tiến trình tự động. Cuộc sống mới có cái luận lý của nó: đó là tín hữu phải dùng chi thể của mình để làm nộ lệ cho sự công chính hầu trở nên thánh thiện.
Câu cuối cùng của chương 6 cố ý trình bầy lý do giải thích tương quan giữa hiện tại và tương lai. Kiếp sống nô lệ tội lỗi sẽ khiến cho tín hữu phải hư nát trong tương lai. Thánh Phaolô dùng hình ảnh quân sự để khẳng định rằng Tội Lỗi trả lương cho con người bằng Cái Chết. Nhưng ngài tránh đùng từ “lương bổng” (opsômía) để nói về cuộc sống vĩnh cửu, bởi vì nó là ơn Thiên Chúa ban một cách nhưng không, chứ không phải do công lao của con người. Và ở đó Thiên Chúa chỉ ban cho những ai sống tùy thuộc Chúa Kitô mà thôi: “trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”. Như thế, sự khởi đầu và kết thúc của toàn tiến trình cứu độ đều là ân sủng của Thiên Chúa. Việc được giải thoát khỏi ách thống trị của Tỗi Lỗi cũng như sự tự do trong cuộc sống mới đều là ân sủng.
Trong qúa khứ có nhiều nhà chú giải cho rằng thần học thần bí của thánh Phaolô trình bầy sự kết hiệp của tín hữu với Chúa Kitô trong bí tích, mang ảnh hưởng của các tôn giáo thần bí của môi trường hy lạp. Kiểu giải thích này lỗi thời, vì thật ra có qúa nhiều khác biệt giữa hai bên. Thần thoại liên quan tới vị thần chết đi và sống lại chỉ là kiểu linh động diễn tả tiết nhịp của thiên nhiên chết đi vào mùa đông và tái sinh trong mùa xuân. Trong khi thần học của thánh Phaolô đề cập tới lịch sử cuộc đời Đức Giêsu thành Nagiarét và sự kết hiệp của kitô hữu với số phận của Người. Đàng khác, trong các tôn giáo thần thoại, những người tham dự vào lễ nghi có được sự bất tử một cách ma thuật, mà không phải cố gắng thay đổi nếp sống của mình, trong khi các người đã được rửa tội trong Đức Kitô bước vào trong cuộc sống vâng phục mới, cần nỗ lực vun trồng với các bổn phận chính xác. Tuy nhiên, phải công nhận có sự tương đồng từ ngữ và đề tài giữa các tôn giáo thần bí hy lạp và thần học thần bí của thánh Phaolô.
Trên bình diện thần học và phụng vụ, cũng cần ghi nhận lập trường của học giả O. Casel, giải thích bí tích Rửa Tội kitô như là lễ nghi tái diễn biến cố cứu độ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô dưới hình thái bí tích. Theo đó, văn bản chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma đề cập tới lễ nghi rửa tội dìm mình trong nước và ra khỏi nước như việc tái diễn một cách hữu hiệu sự mai táng và phục sinh của Đức Giêsu. Nhưng giả thuyết này bị các nhà chú giải khác phủ nhận, vì thật ra thánh Phaolô không ám chỉ các yếu tố của lễ nghi rửa tội, khi khẳng định sự kết hiệp của tín hữu với Chúa Kitô tử nạn và phục sinh. Nền thần học của thánh Phaolô chú ý tới hình ảnh Đức Kitô như mẫu gương của một nhân loại mới (x. 5,12-21) và cuộc sống tùy thuộc vào lãnh vực ảnh hưởng sinh động của Chúa Kitô (eis Christón). Học giả Schnackenburg cho rằng bối cảnh tư tưởng của thánh Phaolô là lược đồ văn hóa của Kinh Thánh Cựu Ước trình bầy nhân vật tập thể, như đã được học giả Robinson nghiên cứu. Theo đó, số phận của những người thuộc một dòng tộc tùy thuộc nơi số phận của vị tộc trưởng. Như vậy, thần học bí tích rửa tội của thánh Phaolô có thể được giải thích bằng mô thức đại diện.
Học giả Kaesermann bác bỏ mọi giả thuyết kết hiệp thần bí, và cho rằng tư tưởng thần học của thánh Phaolô trình bầy sự tùy thuộc vào Đức Kitô và quyền là Chúa của Người. Sự kết hiệp đó có tính cách năng động và hiện thực qua nếp sống tuân phục. Tín hữu kết hiệp với Chúa bằng cách bước vào trong môi trường cai trị của Người, chấp nhận sống điều kiện tùng phục đó. Như thế, sự công chính nở hoa đức tin, và sự hiệp thông với Chúa Kitô mà tín hữu có được, là hai kiểu diễn tả cùng một quan niệm thần học nòng cốt của tiến trình cứu độ.
Dẫu thế nào đi nữa, chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma cống hiến cho chúng ta các điểm giải thích chắc chắn sau đây. Thứ nhất, cái chết và sự sống lại của Đức Kitô đem lại ơn cứu độ cho con người. Thứ hai, bí tích Rửa Tội là khung cảnh gặp gỡ thực sự biến cố ơn thánh. Thứ ba, sự tham dự của người chấp nhận tin vào Tin Mừng được trình bầy qua một công thức tổng hợp. Chính vì thế thánh Phaolô trình bầy các hiệu qủa của bí tích Rửa Tội giống như các hiệu qủa của đức tin.
Linh Tiến Khải
Views: 0