Ðọc trình thuật của Thánh Gioan về tiệc cưới ở Cana (Gioan 2:1-10), có ít nhất những điểm sau khiến chúng ta phải suy nghĩ:
– Tại sao trong một tiệc cưới như thế lại có thể xảy ra cảnh thiếu rượu. Do thiếu chuẩn bị? Gia đình nghèo không đủ tiền mua rượu? Hoặc người được mời quá chén?
– Chúa Giêsu có biết bữa tiệc hôm ấy sẽ thiếu rượu không? Tại sao phép lạ như thế mà đôi tân hôn không biết?
Những thắc mắc trên có thể là nhỏ mọn, tầm thường, nhưng thực tế nó đang phản ảnh rất trung thực não trạng và cách sống của con người thời đại; đặc biệt não trạng cho rằng hôn nhân chỉ là một trò chơi ái tình. Theo đó, ngoài việc đôi trai gái thích và ở với nhau ra, nó chẳng có gì ràng buộc, quan tâm và đáng để suy nghĩ. Có lẽ cũng từ suy tư này dẫn đến hai lý do đang làm đổ vỡ và ly tán rất nhiều gia đình.
1. Thiếu chuẩn bị:
Sự đổ bể của hôn nhân ngày nay phần lớn đến từ thái độ thiếu chuẩn bị. Cũng như đôi tân hôn tại tiệc cưới Cana, ngay cả rượu dùng trong bữa tiệc mà họ cũng tỏ ra lơ là, nên đã dẫn đến tình trạng thiếu rượu nửa chừng mà vẫn không hay biết.
Rượu trong tiệc cưới là tượng trưng cho tính chất nồng nàn, say sưa, thu hút và nhất là hy sinh của tình yêu. Thiếu rượu hay hết rượu cũng có nghĩa là đôi tân hôn đang gặp bế tắc, khó khăn có thể dẫn tới đổ vỡ. Hiện tượng ly dị ngày nay đã cho biết phần đông các cặp vợ chồng đã thiếu rượu hoặc hết rượu nửa chừng.
Ngày nay, nam nữ, trai gái được hầu như hoàn toàn tự do trong vấn đề tình yêu và kết hôn, và không bị cưỡng bức, hoặc ép gả như những thế hệ xa xưa. Do đó, những đổ vỡ hay thất bại của họ không thể đổ lỗi cho những lý do bên ngoài, mà chính là vì họ đã thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào đời sống này. Một sự chuẩn bị cần thiết cả về ngân sách gia đình, tâm lý và đạo đức.
– Về tài chính:
Ðối với các đôi vợ chồng trẻ ngày nay, tài chánh và kinh tế gia đình là một nhu cầu hết sức cần thiết mà họ cần phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng cả trước và sau khi lập gia đình.
Nhiều cặp yêu nhau tha thiết nhưng không dám cưới hỏi vì không đủ ngân quỹ. Không những thiếu khả năng lo cho lễ cưới, tiệc cưới, mà còn chưa đủ khả năng để có một nơi ở đàng hoàng và thích hợp cho một đôi vợ chồng trẻ. Cưới nhau rồi mà còn phải sống lệ thuộc vào cha mẹ, phải ở chung với cha mẹ là một quan niệm lỗi thời thiếu tính thuyết phục đối với các bạn trẻ.
Một số cặp còn tính toán xa hơn đến việc mình phải chuẩn bị tài chánh như thế nào cho đứa con đầu lòng ra đời. Và số con là tùy vào ngân khoản của vợ chồng.
Sở dĩ vấn nạn tài chánh được đưa ra cho các đôi vợ chồng trẻ ngày nay, là vì phần đông bạn trẻ trước khi bước vào đời sống hôn nhân đều đã có khả năng tự lập về tài chánh. Ða số họ là những người trẻ tốt nghiệp đại học, hoặc các ngành nghề chuyên môn, và do đó, thiếu chuẩn bị về tài chánh, hoặc không tìm hiểu và trao đổi với nhau về tài chánh gia đình sẽ đem lại ảnh hưởng tiêu cực và trở thành một lý do đưa đến đổ vỡ sau này. Ðiều này thường thấy xảy ra tại các nước Âu Mỹ, khi vợ chồng mặc dù đã cưới hỏi, nhưng mỗi người vẫn gữi tiền riêng của mình.
Ngoài ra, khi cả hai cùng có khả năng kiếm tiền, nhất là trong những trường hợp mà người vợ lại có đồng lương cao hơn, hoặc kiếm được nhiều tiền hơn chồng mà không có sự chia sẻ và hiểu biết sẽ dễ đem lại những thử thách rất tế nhị. Do đó, những bất đồng về tiền bạc, về cách thức quản lý và sử dụng tiền bạc, là những gì mà hai người cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Trong thực tế, tiền bạc đã trở thành một trong những lý do quan trọng khiến đỗ vỡ nhiều gia đình.
– Về tâm lý:
Nói đến sự chuẩn bị tâm lý, là nói đến việc hai người tìm hiểu để cân nhắc, và chấp nhận những cá tính dị biệt, bất đồng của nhau. Ðiều trái ngược thường xẩy ra là suốt trong thời gian quen nhau, phần đông các cặp tình nhân chỉ muốn dành thời giờ để ve vãn tính tự ái của nhau, hoặc để thỏa mãn những đòi hỏi cảm tình nhất thời của nhau. Do đó, đã không có thời gian để nghiêm chỉnh đi sâu vào những tâm tính của nhau, để xem coi mình có thể chấp nhận con người ấy được đến bao nhiêu và như thế nào. “Tình yêu không phân biệt đẹp xấu, giầu nghèo, tuổi tác, học vấn, địa vị xã hội…” Nhận xét này không thực tế theo quan niệm và lối sống của con người thời đại.
Trong hôn nhân, việc vợ chồng hạnh phúc không căn cứ vào những gì tốt đẹp mà họ làm cho nhau, nhưng lệ thuộc vào việc mỗi người có thể chấp nhận và hòa đồng được với những cá tính và dị biệt của nhau như thế nào và bao nhiêu. Những cá tính làm nên mỗi con người cá biệt và không ai giống ai đó, đòi hỏi người chồng và người vợ mỗi ngày phải tích cực khám phá bằng một cặp mắt hiểu biết, trưởng thành và quân bình thì mới có thể dễ dàng dẫn đến sự chấp nhận người mình yêu. Trong thực tế, nhiều khi những nét đẹp của người này nhưng lại trở thành dễ ghét đối với người kia, vì thế mới dẫn tới việc người chồng hay người vợ phải chấp nhận nhau. Có những bất đồng rất nhỏ và hầu như người gây ra sự bất đồng ấy vô tình và không biết, nhưng đối với người chịu đựng những bất đồng ấy thì lại là một chuyện lớn lao, nhất là khi những bất đồng ấy chồng chất và tích lũy ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.
– Về tâm linh:
Mặc dù theo Giáo Luật buộc mọi đôi hôn nhân Công Giáo phải có thời gian học hỏi qua những khóa Dự Bị Hôn Nhân. Nhưng kinh nghiệm đã cho biết rằng, hầu hết những bạn này chỉ đến các khóa học với ý nghĩ là làm cho xong việc để lấy chồng hoặc lấy vợ. Kinh nghiệm này có thể kiểm chứng được vì mặc dù đã có chứng chỉ tốt nghiệp, phần đông các cặp vợ chồng tương lai này vẫn tỏ ra rất yếu kém về giá trị, về tinh thần, và sự quan trọng, cần thiết của ơn gọi hôn nhân.
Một điều mà nhiều người vẫn cho là không quan trọng, nhưng lại trở thành hết sức quan trọng trong đời sống hôn nhân, đặc biệt, là hôn nhân Công Giáo, đó là sự trưởng thành tâm linh. Người trưởng thành tâm linh là người có khả năng đối phó với những khó khăn và thử thách bằng niềm tin và thực hành tôn giáo. Thí dụ, việc chung thủy và giới luật “một vợ một chồng” của Công Giáo.
Cũng chính vì thế, trong hôn nhân việc bảo đảm hạnh phúc lệ thuộc vào sự trưởng thành và giá trị tâm linh, chứ không phải dựa trên sắc đẹp, tài năng, địa vị, hoặc giầu có. Căn cứ vào điểm này, việc chọn lựa một người chồng hay người vợ tương lai được khuyên phải đặt ưu tiên cho mức độ trưởng thành tâm linh. Người yêu của mình phải có cái “tâm” đạo đức. Chính cái tâm này mới giúp vượt thắng những thử thách mà ngay cả sự trưởng thành tâm lý trong nhiều trường hợp cũng không mang lại kết quả.
Tóm lại sự chuẩn bị tinh thần được coi như chuẩn bị quan trọng và cần thiết nhất cho những ai bước vào đời sống hôn nhân cần phải có.
Một đề nghị có tính cách thực tế, đặc biệt cho những ai có trách nhiệm và điều hành các Khóa Dự Bị Hôn Nhân, là cần phải có một chương trình soạn thảo kỹ lưỡng vừa có tính cách chuyên nghiệp, lại vừa tâm linh để giúp các đôi hôn nhân sau này. Hơn nữa, chương trình học phải nghiêm chỉnh và được theo dõi bằng kết quả những lần hiện diện và kỳ thi tốt nghiệp. Nếu bỏ lỡ cơ hội này để giúp các bạn trẻ trước khi họ bước vào đời sống hôn nhân, là bỏ lỡ cơ hội để tạo lập một gia đình hạnh phúc. Trong thực tế, mọi ngành nghề đều được học hỏi, huấn luyện đầy đủ, kỹ lưỡng, nhưng chỉ có nghề làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ lại bị coi thường và rất ít được chuẩn bị.
2. Thiếu Chúa trong cuộc sống:
Dưới cái nhìn tâm linh, thiếu chuẩn bị, thiếu nhận thức và hiểu biết về ơn gọi và đời sống hôn nhân chẳng qua là thiếu Chúa Giêsu, thiếu Mẹ Maria trong cuộc đời của mỗi người, và của gia đình.
Trong tiệc cưới Cana hôm đó, chắc chắn với cái nhìn của một Thiên Chúa, Chúa Giêsu biết rõ là họ sẽ hết rượu vì thiếu chuẩn bị. Nhưng cũng như trường hợp Chúa cho Lazarô sống lại, Ngài chắc cũng mừng cho đôi tân hôn hôm đó, vì nhờ đó mà Ngài đã thực hiện một phép lạ đầu tiên dành cho họ cũng như cho tất cả những ai đã và sẽ bước vào đời sống hôn nhân như họ.
Sự kiện Chúa Giêsu và Mẹ Maria có mặt trong tiệc cưới nhắc nhở chúng ta rằng sự hiện diện của Ngài và Mẹ Ngài trong đời sống hôn nhân của các gia đình là một sự hiện diện không thể thiếu, mặc dù họ biết hay không biết, hoặc muốn hay không muốn chấp nhận sự có mặt này. Ngay cả khi cuộc sống của họ được mọi điều may lành và hạnh phúc, thì sự hiện diện của các Ngài vẫn là một sự hiện diện hết sức cần thiết. Dĩ nhiên, những lúc vợ chồng gặp khó khăn và thử thách thì sự hiện diện ấy càng trở nên quan trọng và không thể thiếu như trường hợp của đôi tân hôn tại Cana.
Cũng theo Thánh Kinh, hoạt động và hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria hết sức tế nhị và kín đáo. Nó kín đáo, và tế nhị đến độ ngay đôi tân hôn ngày hôm đó cũng không hề hay biết họ đã hết rượu, và ai là người đã cứu nguy cho mình. Ðó cũng là điều mà tại sao Giáo Hội lại dậy các đôi tân hôn trong ngày thành hôn, phải đến dâng mình cho Ðức Mẹ. Vì cũng như đôi tân hôn Cana, nếu không có sự can thiệp của Ðức Mẹ vào cuộc đời của mỗi người, chúng ta cũng không biết lúc nào mình hết rượu và hậu quả nào sẽ xảy ra.
Một điều nữa mà rất nhiều người vẫn vô tình không để ý tới nữa, đó là Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã thực hiện phép lạ mà không cần đôi tân hôn hôm đó đến xin xỏ. Nó chứng tỏ rằng sự đổ vỡ trong đời sống hôn nhân của nhiều người không phải là do Chúa hoặc Mẹ không can thiệp, hoặc thờ ơ với những khó khăn của họ. Nhưng nếu có sự đổ vỡ xảy ra, thì đó chính là lỗi của hai người. Mà cái lỗi lớn nhất là không có Chúa và Mẹ ở với họ, và ở giữa họ.
Tuy nhiên, khi đề cập đến việc thiếu vắng bóng hình của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong đời sống hôn nhân của nhiều gia đình, là nói đến sự thiếu vắng theo ý nghĩa tâm linh. Thiếu Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong đời sống hôn nhân, cũng có nghĩa là thiếu vắng tấm lòng đạo đức, thiếu sót cầu nguyện, và thiếu sót thực hành những giới luật Chúa. Người chồng hoặc người vợ không nhìn nhau qua lăng kính của đức tin, của lòng đạo đức, và vì thế không khám phá ra hình ảnh của Chúa và Mẹ trong nhau. Từ đó, mất dần lòng kính trọng nhau, chấp nhận nhau, và tha thứ cho nhau.
Cũng như đôi tân hôn tại Cana, có Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong bữa tiệc mà không hề quan tâm và để ý tới nên xuýt nữa hỏng chuyện. Trong đời sống hôn nhân của nhiều người cũng thế, vì không nhìn ra Chúa Giêsu, không nhìn ra Mẹ Maria qua người chồng, người vợ mình, nên cái nhìn trở nên ích kỷ, hẹp hòi, và chủ quan. Ðó là cái nhìn dựa trên những giá trị vật chất và hoàn toàn tự nhiên, mà hậu quả của nó là tạo nên những chia rẽ, bất hòa, tranh cãi, để rồi những hũ rượu tình yêu của họ nếu có cũng trở thành rượu chua và đắng đót.
Tóm lại, chỉ có một người có thể biến tình trạng thiếu rượu trở thành dư rượu, hoặc rượu xòng, rượu xấu trở thành rượu ngon, rượu tốt. Ðó là Chúa Giêsu, và người đã nhắc cho Chúa Giêsu về tình trạng thiếu rượu tại tiệc cưới Cana là Ðức Trinh Nữ Maria.
3. Hậu quả của hôn nhân thiếu rượu:
Ðời sống hôn nhân là một ơn gọi cao cả, nhưng cũng là ơn gọi có rất nhiều thử thách lớn lao. Do đó, không chuẩn bị cẩn thận, và nhất là không có Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở giữa, thì thiếu rượu là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Chính do tình trạng thiếu rượu ấy, mà con người ngày nay đang có một cái nhìn hết sức lệch lạc và bệnh hoạn về đời sống hôn nhân:
– Cưới hỏi hay không cưới hỏi cũng như nhau:
Phần đông ngày nay người ta quan niệm rằng hôn thú chẳng qua chỉ là một tờ giấy thôi mà! Không có gì phải quan trọng. Ký rồi xé bỏ cũng như vậy thôi. Tại sao cứ phải cưới xin cho phiền phức. Cưới rồi bỏ, bỏ rồi cưới có khác gì không cưới. Quan niệm này dẫn đến phong trào trai gái sống chung với nhau mà không cưới hỏi như hiện nay.
– Sống chung mà không cần cưới hỏi:
Từ những tư tưởng trên, phần đông tuổi trẻ ngày nay không đặt nặng vấn đề cưới hỏi. Cưới hỏi đối với tuổi trẻ chẳng qua chỉ là một cơ hội để vui vẻ, chụp hình kỷ niệm, bạn bè họp mặt tiệc tùng, khiêu vũ. Nhiều thống kê còn cho biết, không chỉ con số cưới hỏi giảm, mà số tuổi cưới hỏi cũng ngày càng gia tăng. Phải học xong, phải có nghề nghiệp, phải ở với nhau thử cho biết có hợp không đã. Với những đòi hỏi ấy, tuổi trung bình để lập gia đình ngày nay xấp xỉ là 30 tuổi.
– Không muốn trách nhiệm:
Một trong những trách nhiệm chính của đời sống hôn nhân là việc sinh thành và dưỡng dục con cái, nhưng điều này đang bị trào lưu hưởng thụ và lối sống thực tế làm mờ phai. Nhiều vợ chồng ngày nay không muốn có con. Và nếu như muốn có con, thì số con rất giới hạn. Thống kê chung cho biết, các gia đình của lớp trẻ ngày nay chỉ có 1 hoặc tối đa là 3 con. Những khảo cứu cũng cho biết, tại Hoa Kỳ để nuôi nấng và giáo dục một người con từ lúc sinh ra đến tuổi trưởng thành, cha mẹ cần phải có, hoặc phải chi trả một số tiền lên đến 240.000 Mỹ kim.
Không chỉ vấn đề tài chánh, việc giáo dục con cái thời nay đang gặp rất nhiều thách đố và đòi hỏi trách nhiệm lớn lao. Ðiều này đã tạo nên những lý do khiến việc sinh con trở nên chậm chạp, và hầu như không đem lại niềm vui và hạnh phúc đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay. Phong trào phá thai ngày càng lan rộng đến độ nó trở thành một quan niệm và lối sống tự nhiên của con người ngày nay cũng vì nhiều người muốn trốn tránh trách nhiệm. Họ thích hưởng thụ nhưng không muốn trách nhiệm.
***
Tóm lại sự chuẩn bị và thời gian chuẩn bị được coi là rất quan trọng và cần thiết cho những ai sẽ bước vào đời sống hôn nhân. Nhưng việc chuẩn bị cần thiết nhất vẫn là làm sao để có Chúa và Mẹ Maria trong ngày cưới, cũng như có các Ngài ở giữa và với vợ chồng trong suốt hành trình hôn nhân của mình.
Views: 0