Quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh đích thân chỉ huy 500 lính đột xuất bao vây làng Phúc Nhạc, Ninh Bình, vào đúng sáng ngày lễ Phục Sinh (14.04.1841). Ông truyền tập trung giáo dân lại để quân lính lục soát từng nhà… Cha Lý được ông Trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê ở sát bên. Bà Đê chỉ cho cha đường mương khô ở sau vườn cạnh một bụi tre: "Xin Cha ẩn dưới rãnh này, Đức Chúa Trời gìn giữ thì Cha thoát, bằng không Cha và con đều bị bắt." Nói xong bà cùng con gái Lucia Nụ, lấy rơm và cành khô che phủ lên, nhưng quân lính đã trông thấy Cha chạy qua vườn nhà bà, nên họ đến bắt cha Lý và bà Đê, chủ nhà. Ông Trùm Cơ, bốn hương chức trong làng và hai nữ tu Mến Thánh Giá Anna Kiêm và Anê Thanh cũng bị bắt. Tất cả bị trói mang gông điệu ra đình làng. Nhà bà Đê bị lục soát, thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc đều bị lính lấy hết. Khi bị bắt, bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu bà ra đình làng thì gương mặt bà vui tươi và không có vẻ gì là sợ sệt nữa…
Quân lính áp giải các nạn nhân về Gia Định. Họ phải đi suốt đêm rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu, không chịu nổi gông quá nặng, phải có người nâng đỡ nhiều lần. Tới thành Nam bà bị giam chung với hai nữ tu. Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà chối đạo bà đáp: "Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời." Các quan truyền đánh đòn bà. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau dùng củi lớn quật vào chân bà. Bà không nản lòng, khi chồng bà đến thăm, bà giải thích vì sao bà kiên tâm như vậy: "Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn." Đến lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba thấy bà Đê vẫn một long trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà qua Thánh Gía. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá." Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu. Một nhân chứng tên Đang, về sau cho biết: "Bà Anê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa.” Cô Lucia Nụ, đến thăm Mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lỗ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan: "Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?" Bà còn khuyên: "Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng”…
Sau ba tháng bị giam cầm hy sinh vì đức tin, ngày 12.07.1841, trong giờ hấp hối người ta thường nghe bà Anê Lê Thị Thành cầu nguyện: "Lạy Chúa, chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con". ( Lm. Đào Trung Hiệu, OP, Thánh Anê Lê Thị Thành (bà thánh Đê, 1781-1841 )
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 19. 6. 1988 tại Rôma, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh, trong đó có thánh Anê Lê Thị Thành. Các vị gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc. Đây là con số tiêu biểu cho hơn 100 ngàn Vị Tử Đạo trong thời gian 300 năm Giáo Hội bị bách hại. Hôm nay Giáo Hội hoàn vũ chung niềm vui với Giáo Hội Việt Nam, cảm tạ, chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa đã ban tràn đầy hồng phúc cho dân Việt.
Chết đi bản thân
Các Thánh Tử Đạo đã đổ máu đào làm chứng cho Tin Mừng, cũng như trung thành thực hành Lời Chúa đến hơi thở cuối cùng. “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” Trong gian truân bách hại, Đức Giêsu sẵn sàng đương đầu gánh chịu, các Thánh Tử Đạo cũng noi gương Người, đã không bỏ trốn, mà từ bỏ mình đi theo Chúa, hoàn toàn phó thác, tuân thủ Thánh Ý Chúa: “Đức Chúa Trời gìn giữ thì Cha thoát, bằng khôngCha và con đều bị bắt." Bà Thánh Anê đã tuyên xưng đức tin sáng ngời, xứng đáng trở thành vị Thánh nữ tiên khởi của dân Việt.
Chết đi bản thân cũng có nghĩa là chẳng thiết tha những gì dính líu đến đời sống phàm tục, của cải, tiền bạc, danh phận, chức tước, bổng lộc. “Nhà bà Đê bị lục soát, thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc đều bị lính lấy hết.” Khi mất đi của cải là lúc được Thiên Chúa bù đắp gấp trăm, gấp vạn lần, chính là Nước Trời. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Chết đi cái tôi có nghĩa là hy sinh thân xác, mặc bao đòn vọt, khổ nhục, để hiên ngang làm chứng nhân Tin Mừng. Một lòng chính chuyên phó thác và cậy trông ơn trên, cầu bầu Mẹ Maria cứu giúp. "Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn." Bà Thánh Anê còn an ủi lại người chồng xót thương đến thăm.
Chết cho tha nhân
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, tuy không công khai tái diễn thảm họa bách hại đạo Chúa, nhưng khuynh hướng thực dụng và duy vật đang thách đố tín hữu Kitô sống đạo, sống trung thực Tin Mừng. Tiên quyết để theo Đức Giêsu là tuân theo lời dạy bỏ mình, vác thập giá mà theo Người. Vậy xả kỷ, vị tha cũng chính là chết cho tha nhân, dấn thân phục vụ, không quản khó khăn, trở ngại, chấp nhận những hiểm họa, nhục hình có thể xảy đến.
"Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng”… Dù đang chịu xiềng xích, tù đầy, roi vọt, Thánh nữ Anê vẫn không hề nao núng hãi sợ, mà còn ân cần, lo lắng khuyên nhủ con cái sống đạo chu đáo, sốt sắng và sẵn sàng tuyên xưng đức tin. “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”
Khiêm nhường, nhân ái, hy sinh, phục vụ, làm chứng nhân, chính là chết cho tha nhân được nảy chồi đâm lộc, sinh hoa kết trái. Như hạt lúa chịu mục nát, thối đi, chết đi mới có thể nảy mầm, đâm chồi, sinh hoa, kết hạt, bội thu gấp chục, gấp trăm. Những giọt máu đào của chư thánh Tử Vì Đạo Việt Nam đã trổ sinh cánh đồng Giáo Hội xanh tươi, bát ngát, được mùa như ngày hôm nay. “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.”
Chết cho Chúa
“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thứ tám là phần thưởng cho những ai chịu chết vì danh Chúa, vì Tin Mừng. Người tín hữu Kitô nào dám can đảm lội ngược dòng đời để sống Tin Mừng, làm chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa, cũng gian nan khốn khổ không kém phúc tử vì đạo. Không im lặng, đồng lõa, hùa theo, toa rập theo bầy đàn làm điều ôi ác, đê hèn, xấu xa, gian tham, háo danh, vụ lợi, không chấp nhận bất công, phân biệt, kỳ thị, không chiều theo khuynh hướng hưởng lạc, rượu chè, cờ bạc, dâm ô, khước từ văn minh sự chết, mà công khai sống theo Tin Mừng, thấm nhuần Bát Phúc, trở nên chứng nhân đích thực của Đức Giêsu, chính là chết cho Chúa.
Hôm nay, chứng nhân Tin Mừng không phải chịu đổ máu đào như xưa, nhưng vẫn quyết tâm tiếp tục chiến đấu mãnh liệt và liên tục giữa sự dữ của thế gian, ma quỷ và xác thịt, giữa một thế giới duy vật, hưởng thụ, thực dụng, sa đọa, vị kỷ, chối bỏ Thiên Chúa. Một cuộc tử vì đạo âm thầm, lặng lẽ, thách thức, dai dẳng trong suốt cuộc đời Kitô hữu, với niềm hy vọng sâu sắc, cháy bỏng, bền vững và bất tận: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Còn lời hứa nào trọng đại và cao quý hơn?
“Con trung thành theo một vị lãnh đạo là Chúa Kitô và Đại Diện của Ngài: Đức Thánh Cha, các giám mục, kế vị các thánh Tông Đồ. Sống và chết vì Hội Thánh như Chúa Kitô. Đứng nghĩ chết vì Hội Thánh mới hy sinh. Sống vì Hội Thánh cũng đòi hỏi nhiều hy sinh.” ( Đường Hy Vọng, số 987 )
Lạy Chúa Giêsu, các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những vị tiền nhân, đã anh dũng hy sinh cả cuộc đời, trở nên những chứng nhân Tin Mừng cho toàn thể dân Chúa. Các ngài đã nêu tấm gương thật sáng ngời, bỏ tất cả mọi sự, kể cả sinh mạng, để trung kiên theo Chúa đến cùng. Xin Chúa ban ơn, giúp sức chúng con quyết tâm luôn noi gương các ngài làm chứng nhân Tin Mừng.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu, an ủi, khích lệ chúng con luôn làm chứng nhân cho Chúa trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, noi gương các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam. Amen.
AM Trần Bình An
Views: 0