Uncategorized

Thiên Đàng và Cõi Phúc (2)

Nếu ai đã gặp Chân phước Teresa Calcutta, người sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxico phong thánh vào ngày 4 tháng 9 năm 2016 năm nay.

Nếu ai đã gặp Chân phước Teresa Calcutta, người sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxico phong thánh vào ngày 4 tháng 9 năm 2016 năm nay. Nhìn vào bà, cầm lấy bàn tay của người phụ nữ sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái ở Calcutta (Ấn Độ) này, người mà bao nhiêu cao cấp lãnh đạo trên thế giới, các đệ nhất phu nhân tiếp đón bà đã phải kinh ngạc ôm hôn bà, hôn lấy bàn tay của bà trong nước mắt, kính phục và cảm mến…Trong khi những người phụ nữ trên thế gian chọn cái đẹp từ dáng vóc thon đẹp, mịn màng với sự hổ trợ của lụa là, gấm vóc, son phấn , hàng hiệu, tiền bạc, danh vọng để làm cõi phúc, làm kim chỉ nam cho cuộc sống, thì bàn tay thô kệt, nứt nẻ, to như một khúc củi của bà, và với vẻ mặt đen đủi, xấu xí nhăn nhúm vì bao khó nhọc, hy sinh cho các bệnh nhân, cho người nghèo…làm chúng ta thấy giá trị Thiên đàng và cõi phúc nó càng xa xăm, mờ mit và khó định nghĩa ra sao !

Một trong những chuyện của Mẹ Teresa, do Mẹ kể lại:

Một tối nọ chúng tôi ra ngoài và đưa về bốn người lăn lóc trên đường phố. Tình trạng một phụ nữ trong số đó rất tuyệt vọng. Tôi bảo các nữ tu:

“Các chị chăm sóc mấy người kia. Mẹ sẽ lo cho người yếu nhất này.”

Tôi giúp chị ấy tất cả những gì mà tình thương của tôi có thể làm được. Tôi đặt chị lên giường, và thấy một nụ cười tươi bừng nở trên gương mặt chị. Xiết chặt bàn tay tôi, chị chỉ thốt được hai tiếng “Cảm ơn.” Và rồi đôi mắt chị khép lại.

Đứng bên cạnh xác chị, tôi không thể không tự hỏi: “Nếu mình ở trong hoàn cảnh chị này, mình sẽ nói gì nhỉ?”

Câu trả lời của tôi đơn giản lắm. Có lẽ tôi sẽ than van là tôi đói, tôi lạnh, tôi sắp chết. Hoặc tôi sẽ kể lể rằng tôi đau chỗ này đau chỗ nọ. Nhưng chị ấy lại cho tôi nhiều hơn thế. Chị cho tôi tình thương đầy lòng biết ơn của chị. Và chị ra đi với nụ cười trên môi.

Là một người vĩ đại của thời đại nhưng Mẹ nói về mình khiêm nhường đến như thế. Bất giác tôi nhớ lời Chúa dạy môn đồ: “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người phục vụ… Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22: 26-27). Như vậy, Mẹ đã làm chứng lời Chúa khuyên dạy chúng ta: “Anh em hãy cho đi, thì sẽ được cho lại.” (Lc 6: 38)

Rất nhiều câu nói của Mẹ Teresa đánh động lòng người giúp mọi người tìm cõi phúc trong phục vụ, chẳng hạn:

– “Đừng chờ đợi các lãnh tụ. Hãy làm đơn độc, một người với một người.”
– “Những người hấp hối, tàn tật, tâm thần, bị ruồng rẫy, ghét bỏ – họ đều là Giêsu ngụy trang.”
– “Tôi thấy Chúa trong mỗi con người. Khi tôi rửa vết thương cho người cùi, tôi thấy mình đang chăm sóc chính Chúa.”
– “Thương yêu là làm những chuyện nhỏ nhặt với tình thương bao la.”
– “Nếu bạn phán xét con người, bạn không có thời gian để yêu thương họ.”
– “Không phải là ta làm được bao nhiêu, mà là bao nhiêu yêu thương ta đặt vào việc làm. Không phải là ta cho đi bao nhiêu, mà là bao nhiêu yêu thương ta đặt vào việc cho đi.”

Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới luôn tôn trọng đạo giáo và đạo đức con người, dù trải qua bao thế hệ con người vẫn mưu cầu lấy hạnh phúc, tự do và vẫn luôn tìm cho mình điều hay, lẽ phải để tu thân, tích đức và tìm lấy sự hạnh phúc, bình an cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Nếu là người phật giáo, tuân giữ đạo giáo thì lấy 14 điều răn của nhà Phật làm kim chỉ nam cho cuộc sống tìm về cõi phúc:

1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
2. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
3. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
8. Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi vấp ngã
9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ
11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
13. Khuyết điểm lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

Còn người theo Kitô giáo thì tuân giữ 10 điều răng như là cây thước đo mẫu mực cho hạnh phúc Thiên Đàng:

Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự
Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
Giữ ngày Chúa Nhật
Thảo kính cha mẹ
Chớ giết người
Chớ làm sự dâm dục
Chớ lấy của người
Chớ làm chứng dối
Chớ muốn vợ chồng người
Chớ tham của người

Mười điều răn ấy còn tóm về hai điều: kính mến Đức Chúa Trời, và yêu mến tha nhân như chính ta vậy.

Vậy theo các bạn tất cả mọi ràng buộc của đạo giáo và sự tự do cá thể cái nào đưa con người tìm về cõi phúc ???
 
Mới đây nhất khi Đức giáo hoàng Phanxico đi thăm Ba Lan và ghé thăm  Trại tập trung Auschwitz thứ sáu 29-7-2016, Đức Phanxicô ngồi giữa các nhà tù, mắt khép lại, hai tay mở ra để trên đầu gối, ngài thinh lặng ngồi một lúc. Trước đó, ngài ngừng lại ở nơi Thánh Maximilien Kolbe bị bắt, và cha đã chết thay cho ông Franciszek Gajowniczek.

Maximilian Kolbe chỉ là tù nhân như mọi tù nhân trong trại tập trung của Đức Quốc xã, như Maximilian Kolbe đã tìm cõi phúc trong cái chết để thế cho người bạn tù Franciszek Gajowniczek sống mà lo cho gia đình và các con.

Sinh tại Zdunska Wola, Ba Lan với tên cha mẹ đặt là Raymond Kolbe. Ngài gia nhập tiểu chủng viện của các cha Phanxicô ở Lwow, Ba Lan, gần nơi sinh trưởng, và lúc ấy mới 16 tuổi. Mặc dù sau này ngài đậu bằng tiến sĩ về triết học và thần học, nhưng ngài rất yêu thích khoa học, có lần ngài phác họa cả một phi thuyền không gian.

Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm vào thời ấy. Nhiệm vụ của ngài là phải chiến đấu chống với căn bệnh này. Ngài sáng lập tổ chức Ðạo Binh của Ðức Vô Nhiễm mà mục đích là chống lại sự dữ qua đời sống tốt lành, siêng năng cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Ðức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Ðức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc.

Năm 1939, Ðức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.

Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. "Tên này." "Tên kia." Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.

Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng:

"Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con."

Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.

"Mày là ai?"

"Là một linh mục." Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng; Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.

Trong "hầm tử thần" tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày áp lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (14 tháng 8 năm 1941) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như những tù nhân khác.

Cha được Đức Thánh Cha Paul VI tôn phong Chân Phước ngày 17 tháng 10 năm 1971 và Đức Giáo Hoàng John Paul II đã chính thức ghi tên cha vào sổ các thánh tử vì đạo của lòng nhân ái của Giáo Hội ngày 10 tháng 10 năm 1982.

(Còn Tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.