Cuộc đời của mỗi người là một cuộc hành trình của những sự lựa chọn. Ngay từ lúc thức giấc buổi sớm mai cho đến lúc chiều tàn có muôn vàn điều ta phải lựa chọn. Ta sẽ mặc bộ trang phục nào cho hôm nay, bữa cơm trưa sẽ có món gì, và tối nay mấy giờ ta sẽ đi ngủ.
Rồi khi tính đến chuyện trăm năm chẳng hạn, trong số những “ý trung nhân” đang vây quanh, ai sẽ là người chồng hoặc vợ của cuộc đời mình! Và ta sẽ phải đưa ra sự chọn lựa.
Vâng, chỉ một điều duy nhất mà ta không được quyền lựa chọn, đó là sự xuất thân của mình. Còn tất cả những điều khác, ta đều có quyền lựa chọn, vì đó là đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho con người ngay từ tạo thiên lập địa.
Chỉ tiếc rằng, tại vườn Eden , ngay khi nhận được đặc ân đó, nguyên tổ Adam và Eva đã có sự lựa chọn sai lầm để rồi hậu quả là dẫn đến sự chết.
Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương. Tình thương của Thiên Chúa được tỏ lộ qua việc Người đã “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Người Con Một đó chính là Đức Giêsu Kitô.
*****
Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Nazareth , Đức Giêsu bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng. Có rất nhiều điều đã được Đức Giêsu giảng dạy và một trong những điều quan trọng luôn được Ngài loan báo đó là “ơn cứu độ và sự sống đời đời”.
Về ơn cứu độ ư! Có thể nói rằng ông Nicôđêmô là điển hình cho những kẻ tin điều ấy. Ông ta đã nhận ra Đức Giêsu “là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”. Ông ta tin rằng “chẳng ai làm được những dấu lạ” như Đức Giêsu đã làm “nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”. Và ông ta đã không cất lên lời phản đối khi Đức Giêsu phán rằng “như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14).
Còn sự sống đời đời thì sao! Đối với người Israel , không phải là không có những người tin và muốn được sự sống đời đời. Câu chuyện chàng thanh niên giàu có chạy theo Đức Giêsu và xin Ngài cho biết “phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” là một minh chứng điển hình.
Câu trả lời của Đức Giêsu, hôm đó, thiên về một hành động bác ái “hãy yêu người như mình ta vậy”.
Và cũng với câu hỏi đó, vào một hôm khác, tại một hội đường ở Caphanaum, Đức Giêsu nhấn mạnh đến yếu tố “mến Chúa” hay nói đúng hơn là “tin vào Ngài”.
Thật vậy, trước hết là “phải tin”, tin lời Đức Giêsu đã tuyên bố “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…”(Ga 6, 54).
Một phút tâm tình và suy tư…
Có đáng ngạc nhiên khi nhiều môn đệ cho rằng lời nói của Đức Giêsu “chói tai quá! Ai mà nghe nổi”.?
Thưa không, không ngạc nhiên lắm, bởi vì đối với người Do Thái, huyết máu là thực phẩm cấm kỵ, luật Lêvi dạy rằng “bất cứ người nào thuộc nhà Israel… ăn bất cứ thứ huyết nào, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt kẻ ăn huyết và sẽ khai trừ khỏi dân nó…
Không một ai trong các ngươi được ăn huyết” (Lv 17, 10…12).
Điều đáng ngạc nhiên là, hôm nay, còn rất nhiều người mang danh là môn đệ của Đức Giêsu thế mà vẫn không tin lời Ngài nói “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…”(Ga 6, 54).
Qua trình thuật Tin Mừng, chúng ta không thấy Đức Giêsu đính chính hay giải thích rằng thì là mà lời Ta nói phải hiểu theo nghĩa bóng v.v…
Ngược lại Ngài khẳng định rằng “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và sự sống.” (Ga 6, 63).
Đừng quên, trước ngày chịu nạn, trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu tái khẳng định lời tuyên bố đó bằng một nghi thức trang trọng. Ngài “Cầm lấy bánh , dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ” và long trọng tuyên bố rằng : “Anh em cầm lấy mà ăn, Đây là mình Thầy”. Cùng một thể thức đó – Đức Giêsu nói tiếp: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy”. (Mt 26, 26-28).
Lịch sử cứu độ là một chuỗi những sự lựa chọn.
Mở đầu là sự lựa chọn của Maria. “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”! Tại sao chuyện hoang đường như thế mà Maria vẫn chọn lời xin vâng? Xin thưa, thật giản dị, là bởi Maria tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
Rồi đến tông đồ Phêrô, thánh nhân cũng đã lựa chọn, bởi ngài nhận biết rằng “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?”.
“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao ?” Phải chăng đây cũng là câu hỏi dành cho mỗi chúng ta hôm nay? Và phải chăng, Đức Giêsu, khi đặt câu hỏi này, Ngài đã tôn trọng để cho mỗi chúng ta quyền tự do chọn lựa?
Vâng, chúng ta phải lựa chọn.
Chúng ta sẽ “bỏ Chúa” bởi vì chúng ta vẫn cảm thấy “chói tai” khi phải nghe những lời giáo huấn của Đức Giêsu rằng :”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Và rằng :”Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.(Mt 6, 24).
Chúng ta sẽ “bỏ Chúa” bởi những tiếng gọi đầy quyến rũ của trần gian, những tiếng gọi của quyền lực, của danh vọng, của tiền tài nghe “êm tai” hơn?
Hãy nhìn xem những biến động đã xảy ra trong những ngày tháng qua trên thế giới. Quyền lực. danh vọng, tiền tài như Bạc Hy Lai, như Cốc Khai Lai cũng đâu có mua được “sự sống đời đời”.
Nếu xưa kia, dân Israel đã phải đưa ra một lựa chọn “…không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA…” hoặc “gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA”(Gs 24, 15)…
… Thì cũng vậy đối với chúng ta hôm nay, chúng ta phải đưa ra một quyệt định hoặc cho rằng những lời phán của Đức Giêsu “lấy làm chướng, không chấp nhận được” hoặc tin rằng Lời Chúa chính là “lời ban sự sống đời đời”.
Tưởng cũng nên nghe tiếp lời tông đồ Phêrô đã nói với Đức Giêsu hôm đó “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 69).
“Phần chúng con”… phải chăng “chúng con” cũng có “chúng ta”?
Vâng, nếu có “chúng ta” thì quả thật chúng ta đã có “một sự lựa chọn sáng suốt cho cả cuộc đời”.
Petrus tran
Views: 0