Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng đã nói: “Thiên Chúa đã cứu chuộc tất cả chúng ta, tất cả, bằng Máu Chúa Kitô: Tất cả chúng ta, không phải chỉ có người Công Giáo.
Tất cả mọi người, lạy Cha, thế còn người vô thần thì sao? Cả những người vô thần nữa. Tất cả mọi người! Máu Thánh này đã biến chúng ta thành con Thiên Chúa hạng nhất. Chúng ta là con cái được Thiên Chúa tạo nên giống như hình ảnh Thiên Chúa và, Máu Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta, tất cả! Và chúng ta có bổn phận làm việc thiện. Giới răn này là cho tất cả mọi người. Tôi thiết nghĩ nó là con đường tuyệt đẹp để có hòa bình. Nếu chúng ta, mỗi người đều làm phần của mình, nếu chúng ta đều làm tốt cho tha nhân, nếu chúng ta cùng gặp nhau ở chỗ làm việc thiện, làm chậm rãi, từ từ, nhẹ nhàng, ít một, chúng ta sẽ tạo thành một nền văn hóa hội ngộ: Đó là việc rất cần thiết chúng ta phải làm. Chúng ta phải gặp nhau ở chỗ cùng làm việc thiện. ‘Nhưng, lạy Cha, con không tin con là kẻ vô thần !’ Nhưng hãy làm việc thiện thì chúng ta sẽ gặp nhau ở đó.”
Vấn đề đặt ra được tóm gọn trong ba điểm sau đây.
1. Người vô thần được cứu rỗi thế nào?
2. Đức Thánh Cha có nói tới loại “Kitô Giáo vô danh” hiện đang hoạt động trong thế giới ngày nay không?.
3. Bài giảng của Đức Thánh Cha ám chỉ gì trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta?
Người viết cố gắng suy nghĩ để tìm hiểu những vấn nại trên dựa vào những học hỏi cá nhân có được về thần học, những suy nghiệm về Trung Đông, về Kitô giáo thiểu số ở Á Đông, Việt Nam, Israel, Palestine, Jordan và Ai Cập cùng những việc làm trong công tác đối thoại liên tôn với Do Thái và Hồi Giáo. Chúng tôi cũng dựa vào những tranh luận mà chúng tôi đã có dịp va chạm với những người gọi là vô thần và chủ trương thuyết bất khả tri trong khi làm việc, ở nhà thương, tại đại học và ngoài xã hội, cả phần ở quê hương đau khổ Việt Nam…
Đức Phanxicô là mục tử, nhà giảng thuyết của đại chúng
Hãy để ý đến thành phần khán thính giả và bài giảng hàng ngày của Đức Phanxicô. Ngài là mục tử và nhà giảng thuyết theo định kỳ từng mùa đã có nhiều kinh nghiệm đi vào lòng người đại chúng. Lời giảng của ngài không phải để cho thành phần chuyên khoa thần học hay hàn lâm hoặc đối thoại và tranh luận liên tôn. Ngài nói theo ý nghĩa của thánh lễ mỗi ngày để hướng dẫn suy niệm về Lời Chúa. Ngài nói với những người công giáo khác và những nhà lãnh đạo tôn giáo. Sự hiểu biết rất thâm sâu của ngài về thần học Công Giáo và truyền thống đã được diễn tả bằng lời nói rất bình dị, thích hợp với tất cả mọi người, mọi giới, ai cũng hiểu được một cách dễ dàng. Đây là một tài năng đặc biệt mà không phải bất cứ một mục tử nào, một nhà thần học nào cũng có được. Vì vây người ta chẳng ngạc nhiên gì tại sao lại có nhiều người say mê nghe ngài giảng, đọc bài giảng hàng ngày của ngài, thảo luận và đặt những câu hỏi về những điều mà họ đã nghe và đọc được.
Tất cả mọi người đều được cứu rỗi
Đức Phanxicô không chủ ý khích động những tranh luận thần học về bản tính của cứu chuộc qua bài giảng của ngài hay những suy niệm kinh thánh khi ngài nói rằng “Thiên Chúa đã cứu chuộc tất cả chúng ta, tất cả, bằng máu Chúa Kitô: Tất cả chúng ta, không phải chỉ có người Công Giáo thôi đâu. Tất cả mọi người!”Chúng ta hãy coi lại những phần sau đây trong bản tóm tắt Giáo Lý Công Giáo xem ai là người sẽ được cứu rỗi và cứu rỗi thế nào?
135- Chúa Kitô sẽ phán xét người sống và kẻ chết thế nào?
Chúa Kitô sẽ phán xét tất cả mọi người với quyền năng của đấng Cứu Chuộc nhân loại đến để mang ơn cứu độ cho họ. Những bí ẩn trong tâm hồn sẽ được phơi bày ra ánh sáng cũng như cung cách của từng người đã đối xử với Thiên Chúa và những người chung quanh mình. Tất cả mọi người, theo như cách thức họ đã sống, sẽ hoặc được thưởng sống hay bị luận phạt đời đời. Theo cách thức đó, “Chúa Kitô sẽ đạt tới viên mãn” (Ephesians 4: 13), và “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Corinthians 15: 28).
152- Có ý nghĩa gì khi nói rằng Giáo Hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ?
Điều này có nghĩa là Giáo Hội là dấu chỉ và dụng cụ của cả hai bí tích hòa giải và thông công/Thánh Thể của tất cả nhân loại cùng với sự kết hợp của toàn thể loài người với Thiên Chúa.
162- Giáo Hội của Chúa Kitô tồn tại ở đâu?
Giáo Hội của Chúa Kito như là một xã hội đưọc thiết lập và tổ chức trên thế giới, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, được điều hành bởi đấng kế vị thánh Phêro và các giám mục cùng hiệp thông với người. Chỉ qua Giáo Hội này, người ta mới đạt được đầy đủ ý nghĩa của ơn cứu độ, bởi lẽ Thiên Chúa đã chỉ ủy thác các phép lành của Tân Giao Ước cho cộng đoàn các tông đồ do thánh Phêro cầm đầu mà thôi.
166- Tại sao Giáo Hội gọi là Giáo Hội “Công Giáo”?
Công Giáo có nghĩa là phổ quát, rộng rãi, đi xa đến độ có Chúa Kito hiện diện trong đó:“Ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đó có Giáo Hội Công Giáo” (Lời Thánh Ignatius of Antioch). Giáo Hội tuyên xưng đầy đủ và trọn vẹn niềm tin. Giáo Hội cưu mang và phân phát trọn vẹn ý nghĩa ơn cứu chuộc. Giáo Hội được Chúa Giêsu Kitô gửi đến với sứ mệnh cho toàn thể loài người.
171- Khi quả quyết “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” có ý nghĩa gì?
Điều này có nghĩa là: Tất cảơn cứu độ đều đến từ Chúa Kitô, là Đầu và được thông qua Giáo Hội là thân thể Người. Do đó, những ai biết Giáo Hội là do Chúa Kitô thiết lập và cần thiết để được cứu độ mà từ chối không gia nhập hay ở lại trong Giáo Hội thì sẽkhông được cứu rỗi. Đồng thời, nhờ Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, những ai, không phạm tội lỗi gì do chính mình làm lại không biết đến Tin Mừng của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, nhưng thành khẩn muốn tìm biết Thiên Chúa, và được thúc đầy bởi ân sủng, cố gắng làm theo ý Chúa theo tiếng gọi của lương tâm mình thì có thể đạt đượcsự cứu rỗi đời đời.
Ngăn cách người ngoại giáo là “giết” họ nhân danh Thiên Chúa.
Kinh Thánh nói rõ ràng là Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi (1Timothy 2: 4). Giao ước hòa bình mà Thiên Chúa đã hứa với ông Noah sau cơn đại hồng thủy thì không bao giờ bị hủy bỏ, trái lại chính con một Thiên Chúa đã niêm kín nó bằng chính quyền bính tình yêu tự hiến mình hy sinh để cứu chuộc muôn dân. Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo người Công Giáo đừng có chê bai, coi rẻ hay quỉ hóa những ai không phải là thành viên của Giáo Hội. Ngài cũng đặc biệt bào chữa và bảo vệ những người vô thần khi Ngài nói rằng tạo một bức tường ngăn cách những người ngoại giáo là“giết chết họ” nhân danh Thiên Chúa.
Người Kitô hữu vô danh
Một nhà thần học đại tài, nổi danh, người Đức, dòng Tên, là linh mục Karl Rahner đã đưa ra một tư tưởng về “Người Kitô hữu vô danh” để suy niệm. Quan niệm này được đưa ra để tặng những người Kitô hữu. Linh mục nói rằng Thiên Chúa ao ước tất cả mọi người đều được cứu rỗi, và không thể nào tất cả những ai không phải là Kito hữu lại có thể bị giam cầm trong hỏa ngục. Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa duy nhất có ý nghĩa cứu chuộc. Điều này phải hiểu là những người không phải là Kito hữu cuối cùng cũng được lên thiên đàng là vì họ đã nhận được ân sủng chúa Kitô mà họ không biết. Do đó mới có danh hiệu“người Kito hữu vô danh”.
Ý nghĩa của luận án về người Kito hữu vô danh này cũng được nói đến trong Lumen Gentium / Ánh Sáng Muôn Dân, Hiến chế tín lý vể Hội Thánh trong công đồng Vatican 2 (Số16). Theo tài liệu này, những ai không được biết Tin Mừng Chúa và không phạm tội lỗi gì thì vẫn có thể được ơn cứu rỗi đời đời…Thiên Chúa – với ân sủng của Người qua một cách thức nào đó – có thể ban cho họ niềm tin mà nếu không có nó sẽ không được ơn cứu độ, kể cả những người không hề được nghe biết đến giảng huấn Tin Mừng.
Người Công Giáo không chấp nhận thái độ chủ nghĩa tương đối tôn giáo coi tất cả mọi tôn giáo đều tốt như nhau, đều khuyên con người ăn ngay ở lành nên thường có sự lẫn lộn, coi chẳng có gì là quan trọng. Thiên Chúa rõ ràng và thực sự mong muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi. Người công giáo tin tưởng rằng chỉ trong chúa Giêsu Kitô, qua Kito Giáo và một Giáo Hội làm trung gian cho tất cả muôn dân thì ơn cứu độ mới được ban phát.
Đối thoại không có nghĩa là Hứa Hẹn, Thỏa Hiệp
Ngày nay, việc đối thoại liên tôn hay đối thoại với những người vô thần và người chủ trương thuyết bất khả tri luôn luôn có những bất ổn. Thay vì bàn luận tranh cãi vấn đề lại trở thành cuộc hội thoại mang tính xã giao lịch sự không thích hợp và đúng chỗ. Đối thoại không có nghĩa là hứa hẹn, thỏa hiệp. Đối thoại ngày nay nên và phải là trao đổi quan điểm của nhau trong tình trạng hoàn toàn tự do thực sự, không đơn thuần chỉ là‘nhân nhượng, chịu đựng’ và ‘chung sống’ với chủ ý o bế, đưa đối thủ lên cao khi chưa đủ sức tiêu giệt hắn. Dĩ nhiên cuộc đối thoại này phải được thi hành với thái độ yêu thương và tương kính. Người Kito hữu biết rằng chỉ có tình yêu thương là ánh sáng rõ tỏ nhất đưa tới hiểu biết nhau như thánh Phaolo đã nói về tình yêu, do đó nó rất có giá trị trong đối thoại.
Không chấp nhận Kito Giáo không có nghĩa là chối bỏ Thiên Chúa
Người ngoài Kito giáo có thể từ chối việc trình bày Tin Mừng Phúc Âm Chúa Kitô. Tuy nhiên việc đó không nhất thiết có nghĩa là người ấy thực sự chối bỏ chúa Kitô. Cứ cho rằng một người khi được nghe trình bày về Chúa Kitô đã không chấp nhận Kito gíáo, thì chúng ta cũng không thể quyết đoán là việc từ chối ấy thực sự do lỗi lầm hay do hành động của lương tâm người ấy. Chúng ta không bao giờ có thể nói chắc chắn là người ngoài Kitô giáo ấy đã từ chối Kito giáo -dù đã có gặp gỡ Kito giáo- sẽ không trở thành người Kito hữu. Người ấy vẫn còn đang trên đường đưa tới ơn cứu độ, và được chỉ dẫn đến gặp Thiên Chúa hoặc anh ta đã đi lạc lối vào chỗ để mất linh hồn.
Hành động Bác Ái là do tác động của Thiên Chúa
Kinh Thánh dạy chúng ta là Thiên Chúa coi chúng ta yêu mến tha nhân cũng như yêu mến chính Thiên Chúa vậy. Do đó tình liên đới yêu thương giữa một người và tha nhân nói lên tình liên đới mến yêu giữa người ấy với Thiên Chúa. Điều đó không thể nói được là người ngoài Kito giáo khi thi hành đức bác ái với những người hàng xóm thì không có sự giúp đỡ của Thiên Chúa.Những hành động bác ái ấy hiển nhiên là nằm trong tác động của Thiên Chúa nơi con người ấy.
Văn Hóa Hội Ngộ
Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Thiên Chúa luôn luôn đến với nhân loại bằng tình yêu. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người, nam cũng như nữ, ở bất cứ hoàn cảnh nào, địa vị nào đều có thể được cứu rỗi. Ngay cả những người không phải là Kito hữu cũng có thể nhận được tác động cứu chuộc của Thần Linh Thiên Chúa đáp ứng. Không một ai bị loại trừ ra khỏi ơn cứu độ đơn giản chỉ vì tội tổ tông. Họ chỉ có thể mất ơn cứu độ vì những tội do cá nhân họ đã làm mà thôi.
Thiết nghĩ Giáo Hoàng Phanxico hẳn luôn nghĩ trong đầu ý tưởng, đặc biệt được diễn tả trong bài giảng hôm 22-5-13: “Làm việc thiện” là một nguyên tắc để kết hợp tất cả nhân loại lại với nhau, bất kể những khác biệt về lý tưởng, tôn giáo, lập trường, hầu tạo dựng một “nền văn hoá hội ngộ”làm nền tảng cho hòa bình.
Sau cùng, chúng ta cũng nên đọc lại phần cuối bài phát biểu của Đức Gioan Phaolo II tại Đại Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 5-10-1995.
Hãy Tin Tưởng và Hy Vọng
Là Kitô hữu, Hy Vọng và Tin Tưởng của chúng ta đặt nơi Chúa Giêsu Kitô. Lễ sinh nhật thứ 2,000 của Người sẽ được mừng vào Tân Thiên Niên Kỷ sắp tới. Chúng ta là những Kito hữu tin rằng, trong cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Người, tình yêu Thiên Chúa và sự chăm lo săn sóc của Người đối với tất cả mọi loài thụ tạo sẽ được biểu lộ đầy đủ và trọn vẹn. Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa xuống làm người cho chúng ta đã tạo thành một phần của lịch sử nhân loại. Đặc biệt trong mùa này, niềm hy vọng về một tương lai thế giới sáng lạng của người Kito hữu cũng ảnh hưởng đến mỗi một người chúng ta. Không có gì là con người thực sự lại không đánh động được con tim của người Kito hữu bởi vì nhân tính Đức Kitô tỏa sáng. Với niềm tin vào Chúa Kitô, không gì có thể buộc chúng ta phải hẹp hòi cố chấp. Trái lại, nó khuyến khích và thúc đẩy chúng ta tham gia đối thoại với tha nhân trong tình yêu thương và tương kính. Tình yêu đối với Chúa Giêsu không thể làm chúng ta sao lãng, dửng dưng vô cảm trưóc những lợi ích của tha nhân, những khốn khổ của con người, nhưng là mời gọi chúng ta thiết tha với trách nhiệm đối với họ, không trừ một ai, nhất là đối với những kẻ yếu đuối và đau khổ khốn cùng nhất. Vậy, khi mừng kỷ niệm sinh nhật thứ 2,000 của chúa Kitô, Giáo Hội chỉ yêu cầu chúng ta đề xuất sứ điệp cứu chuộc này một cách kính cẩn và quảng bátình đoàn kết toàn thể gia đình nhân loại trong bác ái và phục vụ. Đức Thánh Cha đã phải thốt lên:
Thưa tất cả quí vị,
Tôi đến đây trước quí vị, như đấng tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI đúng 30 năm về trước, không phải như kẻ thi hành quyền lực trần thế -đây là lời của ngài- cũng không phải như vị lãnh đạo tôn giáo đi tìm kiếm đặc quyền đặc lợi cho cộng đồng của mình. Tôi đến trước quí vị như một nhân chứng: Nhân chứng cho phẩm giá con người, nhân chứng của hy vọng, nhân chứng cho lòng xác tín là số phận của mọi quốc gia nằm trong tay của đấng Quan Phòng đầy lòng thương xót.
Văn Minh Tình Yêu và Văn Hóa Tự Do
Chúng ta phải vượt qua nỗi sợ hãi về tương lai. Nhưng chúng ta sẽ không thể vượt qua nó một cách trọn vẹn trừ khi chúng ta đồng lòng cùng nhau làm. Câu “trả lời” cho sự sợ hãi không phải là ép buộc, cũng chẳng phải là cưỡng bức, hay áp đặt một “mẫu mực” xã hội nào đó trên toàn thể thế giới. Câu trả lời cho nỗi sợ hãi đang bôi đen đời sống con người ở cuối thế kỷ 20 là cùng nhau cố gắng tạo dựng một nềnvăn minh tình yêu đặt nền tảng trên những giá trị phổ quát của hòa bình, của tình đoàn kết, công lý và tự do. “Linh hồn” của văn minh tình yêu chính là nềnvăn hóa của tự do: Tự do cá nhân và Tự do quốc gia dân tộc, được sống trong tình đoàn kết tự hiến và trách nhiệm.
Chúng ta đừng sợ tương lai. Chúng ta đừng sợ con người. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta hiện hữu. Mỗi một người trong chúng ta đã được tạo dựng nên“giống như hình ảnh” của đấng là nguồn gốc mọi sự. Chúng ta có trong mình những khả năng về khôn ngoan và nhân đức. Nhờ những tặng phẩm đó và với sự trợ lực của ân sủng Thiên Chúa, chúng ta có thể tạo dựng được ở kỷ nguyên tới và thiên niên kỷ mới một nền văn minh xứng đáng cho nhân loại, một nền văn hóa thực sự của tự do. Chúng ta có thể và phải làm như vậy! Khi thực hiện như thế, chúng ta sẽ nhận ra những giòng lệ của kỷ nguyên này đã chảy ra để chuẩn bị cho mặt đất đâm chồi nảy lộc, sinh hoa kết trái cho Mùa Xuân Mới của tình nhân loại.
Fleming Island, Florida
May 24, 2013
NTC
____
[1] “Chung sống” khác với “Sống chung”. Chung Sống là hòa hợp ba phải, đúng sai thế nào cũng được miễn là yên thân. Sống Chung là cùng sống với nhau nhưng tôi có lập trường của tôi. Ở đây, với ý nghĩa thực sự của đối thoại thì nên “Sống Chung”, không thể "Chung Sống" được.
*****
Views: 0