Ngày nay người ta nói nhiều đến tục hóa. Thế giới tục hóa, con người tục hóa, nhà thờ, nhà chùa cũng tục hóa! Vậy tục hóa là gì?
Người xưa hay dùng chữ “hoàn tục” để nói về người bỏ tu để về với thế gian. Thực ra, tục hóa không chỉ là hoàn tục của người đi tu mà còn nói về một trào lưu loại bỏ sự hiện diện của thần linh để đưa tinh thần thế tục vào chính sự linh thánh.
Cụ thể ta vẫn thấy ở Việt Nam rất nhiều “ngôi chùa” hoàn toàn để tham quan du lịch, người ta còn cổ vũ cả một tour du lịch tâm linh tại Bái Đính. Các nước phương tây đã sử dụng các ngôi “nhà thờ cổ kính” để làm nơi tham quan du lịch và tìm lợi nhuận như nhà thờ Đức Bà Pari . . . Sự tục hóa len lỏi trong cả những việc “bác ái từ thiện”. Trước đây việc bác ái hoàn toàn dựa vào sự hảo tâm của bá tánh, ngày nay nhiều nhà thờ, nhiều hội dòng cũng biết kiếm tiền bằng cách kinh doanh buôn bán nhân danh gây quỹ từ thiện. Ở thời đại này ta rất dễ thấy bóng dáng các nữ tu, các đệ tử, các thầy dòng đứng bán tranh ảnh, băng dĩa, đồ dùng ở những nơi hành hương hay những ngày lễ hội lớn nơi các giáo xứ. . .
Nhiều nhà thờ nhân danh người nghèo để biến sân nhà thờ thành nơi thuê mướn mặt bằng để đám tiệc linh đình, ca hát, nhảy nhót trên cả lễ đài vẫn để dùng làm lễ Chúa nhật! Điều tệ hại là khuôn viên nhà thờ thì không có khu vệ sinh để đáp ứng nhu cầu tối thiểu nên ta vẫn vô tình nhìn thấy những cách thiếu tôn kính nơi tường rào chung quanh hay một góc khuất nào đó quanh nhà thờ của những người say sỉn, thiếu ý thức. . . Đây là điều mà Đức Cha Giuse giáo phận Xuân Lộc đã thấy nhà thờ bị tục hóa nên đang đề nghị các giáo xứ chấm dứt dùng sân nhà thờ để cho thuê đám cưới.
Phúc âm kể rằng ngày hôm ấy Chúa Giêsu vào trong Đền Thờ, Ngài thấy người Do Thái đã biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán. Họ lợi dụng Đền thờ để kiếm lời. Kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền. Ngay cả các tư tế cũng chủ trương kiếm lợi nhuận hoa hồng từ những việc trao đổi buôn bán trên. Họ đã đánh mất sự linh thánh cần thiết của Đền thờ.
Chính vì Đền thờ bị lạm dụng, Chúa đã hành động thẳng thắn để thanh tẩy Đền thờ. Chúa đã đòi hỏi họ phải trả lại ý nghiã đích thực của Đền thờ. Chúa bảo rằng “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Ngài đã tẩy chay một lối thờ phượng lệch lạc, không phải là thờ Thiên Chuá, mà là thờ quyền lợi của mình.
Thế giới tục hóa vẫn là lời mời gọi chúng ta đem đạo vào đời. Đem ánh sáng lời Chúa thánh hóa thế gian đang hư đốn bởi tham sân si. Hãy dùng lời Chúa để canh tân xã hội. Người Kytô phải làm sao dậy men tin mừng trong đời sống của mình. Đừng vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm, mà tục hóa những nơi linh thánh, nhất là trong chính thân xác con người là đền thờ của Chúa. Xin đừng tục hóa đến độ xem thường thân xác để chỉ tìm thú vui bất chính, để thỏa mãn tính xác thịt mà tìm lợi nhuận trên thân xác.
Mùa Chay là mùa mợi gọi chúng ta sám hối và canh tân đời sống. Có thể nói mùa chay là mùa giúp chúng ta nhìn lại đến thờ tâm hồn của mình để xin ơn Chúa thanh tẩy tâm hồn khỏi những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu, ngõ hầu xứng đáng là Đền thờ cho Chuá ngự trị.
Lạy Chúa, tâm hồn con là đền thờ của Chúa, thế mà con đã để tâm hồn mình hoen ố bởi biết bao thói hư tật xấu, biết bao đam mê thấp hèn. Xin Chuá hãy thanh tẩy tâm hồn con khỏi những bợn nhơ tội lỗi, hầu xứng đáng là đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chuá ngự trị. Amen
Lm. Jos Tạ duy Tuyền
Views: 0