Uncategorized

Thánh Tử Đạo Việt Nam – Máu Của Hồng Ân

Hằng năm cứ vào khoảng sau Thanksgiving, trong lúc mọi người lo tất bận mua sắm trong mùa lễ “Tạ ơn” , thì Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ngược lại lại tổ chức ngày mừng kính long trọng các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam như một lời ca, khúc nhạc ghi tạc, tạ ơn và ghi công mở đường cho cánh đồng truyền giáo Việt Nam ngày nay.

 

Hằng năm cứ vào khoảng sau Thanksgiving, trong lúc mọi người lo tất bận mua sắm trong mùa lễ “Tạ ơn” , thì Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ngược lại lại tổ chức ngày mừng kính long trọng các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam như một lời ca, khúc nhạc ghi tạc, tạ ơn và ghi công mở đường cho cánh đồng truyền giáo Việt Nam ngày nay.

 

Riêng ở Giáo phận Orange Nam California, Trung Tâm Công Giáo Việt Nam nhỏ bé, một tập hợp của 14 cộng đoàn công giáo lớn nhỏ tề tựu về Irvine, UCI-Bren Events Center để cùng cử hành đại lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chúng tôi đoàn lữ hành của Gia Đình Nazareth giáo phận Orange cùng chung một niềm hãnh diện với Công Đồng dân Chúa về đây trong tay Chúa và Mẹ để mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam;  những người luôn là tấm gương cho chúng tôi noi theo.

 

Các thánh tử đạo Việt Nam chính là những con người như chúng ta, nhưng các ngài đã theo đạo Giatô (đạo theo Chúa Giêsu), sống và làm chứng cho đạo của mình theo là đạo thật. Khi bị bắt và giết các vị tử đạo và người Công giáo hiện nay không những không căm thù ngưới đã bức hại mình, mà các thánh tử đạo và ngay cả chúng ta ngày nay đã yêu và sẽ yêu mến họ (những người bức hại chúng tôi) nhiều hơn. Bởi vì các Thánh Tử Đạo, cha ông chúng tôi và cả chúng tôi đã theo “Đạo Của Yêu Thương”.

 

“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ…”

 

Andre Dũng Lạc và các bạn tử vì đạo cộng chung là 117 người đã được ĐGH Gioan Phao lô II phong Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 và vị thứ 118 là Anrê Phú Yên, được phong Chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000. Khi được tin về việc phong thánh, Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã lên tiếng phản đối và cho rằng, trong số những người sẽ được phong thánh, có nhiều người là tay sai của đế quốc, lót đường cho Pháp đô hộ Việt Nam từ năm 1884. Nhưng thật ra, nếu đem so với già Hồ và hiểm họa đưa chủ thuyết Cộng Sản quốc tế và Trung Quốc trở lại Việt Nam thì có lẽ Vua Lê Chiêu Thống cũng phải chào thua. Sống đạo giữa đời đã bị bóp méo theo một sự chụp mũ mà ai đã biết về Cộng Sản vô thần thì không cần phải giải thích. Mừng kính 117 Thánh Tử Đạo, gồm 8 Giám mục, 50 Linh mục, 15 Thầy giảng, 1 Chủng sinh, 15 Giáo dân và 1 Á Thánh, và đó là những vị đã được Hội thánh tôn phong, chưa kể hàng trăm ngàn vị khác đang được cứu xét. Chúng ta muồn vàn cảm tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội  Việt Nam chúng ta một hồng ân đặc biệt là hồng ân Tử Đạo cho các thánh Tử Đạo Việt Nam một diễm phúc thật lớn lao. Các thánh Tử Đạo đã sống trọn sự trung tín với Thiên Chúa và chết vì tin yêu Thiên Chúa.

 

Có rất nhiều người Việt rất mơ hồ nghĩ về các vị Tự Đạo Việt Nam như là:

 

Phong thánh để làm gì?

 

Phong thánh là để hãnh diện thì hãnh diện ở cái chỗ nào?

Thánh người Việt mình có được coi trọng không (đồ nội hóa)? Hay sùng kính các Thánh Tây có gốc lớn như Thánh Vinh Sơn, Thánh An Tôn, Thánh Mạc Tin, Thánh Anphongxô, Thánh Inhaxiô, Thánh Tôma, Thánh Phanxicô, Thánh Augustitô, Thánh Inê, Thánh Têrêsa Hài Đồng… (hàng ngoại) cho chắc ăn.

 

Thật ra án Phong Thánh được hoàn tất trong ba giai đoạn. Trước tiên ứng viên được tuyên bố là “Tôi Tớ Chúa”. Vị Tôi Tớ Chúa đây trước khi được tôn phong Chân Phước (Á Thánh) phải thực hiện ít nhất một phép lạ. Thí dụ, chúng ta đang chờ đợi phép lạ để tôn phong Hồng Y Nguyễn Văn Thuận hoặc cha Trương Bửu Diệp lên hàng Chân Phước. Và để một vị Chân Phước được Giáo Hội tôn phong Hiển Thánh, vị này cũng còn phải thực hiện thêm ít nhất là một phép lạ nữa. Thí dụ, chúng ta đang chờ đợi phép lạ để tôn phong Mẹ Têrêxa Calcutta, và Đức Gioan Phaolô II lên hàng Hiển Thánh.

Về thủ tục tiến hành, trước khi Ðức Giáo Hoàng phong Chân Phước hoặc Hiển Thánh cho một người, phải hoàn tất các thủ tục ở cấp địa phương và cấp Tòa Thánh, và theo quy định mới vụ án Phong Thánh chỉ được tiến hành ít nhất năm năm sau ngày ứng viên đó qua đời. Cũng không tiến hành vụ án 30 năm sau, kể từ ngày ứng viên qua đời, trừ phi việc trì hoãn lại được xét là không thể tránh khỏi; biện pháp này nhằm ngăn ngừa việc cố tình trì hoãn để tránh những chứng từ tiêu cực của những người đã quen biết ứng viên. Tuy nhiên, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chấp thuận ngoại lệ trong trường hợp của Mẹ Têrêsa xét yêu cầu thời gian chờ đợi năm năm.

 

Giai đoạn lịch sử thời 117 thánh Tử Đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi năm 1745 (thánh Phanxicô Federich Tế và Matthêu Liciniana Đậu) đến vị cuối cùng 1862 (thánh Phêrô Đa), qua các triều đại vua Lê – chúa Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, rồi Tự Đức). Chân dung đích thực cuộc đời của các vị tử đạo Việt Nam nổi bật ở lòng yêu thương, tình bác ái và sự trung tín. Chúng ta hãnh diện là con cháu của các Ngài và luôn học hỏi ở các ngài “Tình yêu và sự Trung Tín” ấy. Đâu đây chúng ta vẫn còn nghe âm hưởng của các vị khi mà tình yêu Thiên Chúa dâng lên cao vời:

 

“Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”, Thánh Cai Tả thường nói với bản thân như là bài học yêu người từ Đức Ki Tô.

 

“Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ”, Thánh Năm Quỳnh thể hiện đức bác ái một cách không thể tin được.

 

“Đừng làm việc thiện cách máy móc qua loa chiếu lệ, mà phải làm với thiện ý”. (Thánh Hy)

 

“Công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện”. (Thánh Martino Thọ)

 

“Xin cầm tiền và gửi cho người nghèo dùm tôi” , Thánh Emanuel Triệu nói trước khi bị lôi đi hành hình.

 

“Nếu tôi cả gan bước lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với mẹ cha. Vì song thân sinh ra tôi đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết”. (Thánh Đaminh Úy)

 

“Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, yêu thương nhau và săn sóc việc nhà….”, lời trăn trối chí tình của Thánh Phan Đắc Hòa.

 

“Con hãy nhận lấy kỷ vật của Ba. Đây là ảnh đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, ảnh này quí hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé!”. Lời giáo huấn cuối cùng  của Thánh Lê Văn Phụng cho con như sự minh chúng cho lòng mến yêu Thiên Chúa.

 

Hiến tế đầu tiên của Giáo hội là Chúa Giêsu, Đấng đã tự hiến mạng sống mình vì yêu nhân loại và vì đền tội cho nhân loại. Các vị tử đạo đã theo sát mẫu gương của ngài trong cuộc khổ nạn ươm trồng mồng móng đức tin cho Giáo Hội Việt Nam. “Đạo Của Yêu Thương” là bởi vì các ngài đã noi theo gương Đức Giêsu, sống và chết vì yêu. Tình yêu đó được khởi đi từ Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

 

Chúa Giêsu xuống trần gian chính là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, cả cuộc đời  và sứ mạng của Ngài đều vì tình yêu: “Đây là Điều Răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12); và “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12,33). Một mầu nhiệm của tình yêu, các Thánh Tử đạo đã rút ra được một bài học về Đấng mà các ngài yêu mến và tin theo, và các Ngài đã định nghĩa đó là: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).

 

“Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô.” Đó là câu trả lời của ông Micae Hồ Đình Hy khi vua Tự Đức mời ông giả vờ bước qua thánh giá. Chúng ta thấy tình yêu và sự trung tín của các Ngài không cần phải so sánh với bất kỳ các Thánh “Ngoại” nào hay các Thánh “nặng ký” hơn các Ngài…bởi vì “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13,35). Nó có nghĩa rằng nước trời là của những anh em có lòng biết thương nhau.

 

Ơn gọi Kitô hữu thật là ơn gọi lớn lao, đã đặt các Ngài vào một thế đứng dễ ghét, một thế đứng đòi phải trả giá, và Tử đạo là cái giá và cách làm chứng tuyệt vời trong thời bách hại. Ngày Nay, trong thời kỳ đương đại, chúng ta noi gương các Ngài nên cần phải có những cách làm chứng khác. Người Kitô hữu vẫn bị cám dỗ bước qua lương tâm của mình để mua lấy chút địa vị, lợi nhuận, an toàn, thoải mái… Chúng ta chẳng sợ bỏ đạo, nhưng chúng ta chỉ sợ mình bỏ sống theo đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế như xã hội Châu Âu ngày nay. Thế gian ở ngay trong lòng ta và ước gì chúng ta dám chấp nhận thiệt thòi, phiền hà, mất mát, và can đảm làm chứng cho lòng tin và tình yêu như các Thánh Tử đạo đã làm khi xưa.

 

Trong năm Đức Tin này, xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống của mình. Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui là được diễm phúc trở nên giống Chúa. Lạy các Thánh Tự Đạo Việt Nam, xin cầu bào cho chúng con; xin cho chúng con luôn dũng cảm và không bao giờ chạy trốn trong mọi hoàn cảnh khó khăn để luôn làm chứng cho “Tình yêu và Lòng Trung Tín” bởi vì đạo chúng con theo là “Đạo của Tình Yêu”.

 

Orange County Ngày 25 tháng 11 Năm 2012
Biết Văn

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.