Uncategorized

Thánh Thể, mầu nhiệm Tạ Ơn

“Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”.

 

Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Nầy là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người.” (Mc 14: 22-24

“Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”.

 

Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Nầy là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người.” (Mc 14: 22-24

Tình Chúa yêu thương nhân loại đã được Hội Thánh đưa vào phụng vụ lễ Mình Máu Thánh Chúa. Suy niệm về điều này mỗi khi tham dự Thánh Lễ và rước Chúa sẽ giúp Kitô hữu chúng ta biết làm sao để tri ân, cảm tạ Ngài; đặc biệt, sống đời tri ân, cảm tạ ấy. Lễ Mình Máu Chúa, không chỉ nhắc chúng ta nhớ lại việc Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly năm xưa, nhưng còn để giúp chúng ta duy trì sự hiệp thông với Người. Tri ân, cảm tạ Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã cảm tạ Cha Người. Người đã cảm tạ Chúa Cha khi nâng chén, và cũng đã truyền cho các môn đệ mình làm như thế.

 

Chúa Giêsu cảm cảm tạ Chúa Cha, vì Chúa Cha đã ủy thác cho Người sứ vụ cứu độ trần gian, và đã để Người hành xử theo cách cho đi chính mình hầu làm của ăn, thức uống, cho những ai tin nhận và yêu mến Người. Trở nên sức mạnh cho họ trên hành trình đức tin, và cũng là sự sống đời đời cho họ sau này: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết” (Gio 6:55). Kitô hữu chúng ta khi lên rước Mình Máu Thánh Chúa, cũng phải cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban Chúa Giêsu cho mình. Cảm tạ chính Chúa Giêsu vì đã trở thành của ăn uống cho linh hồn mình. 

 

Cảm tạ và tri ân là hành động của kẻ thụ ân, một hành động của con người có lý trí và tình người. Nó là một hành động khiêm tốn biết đón nhận của người tự biết mình thiếu thốn và cần sự giúp đỡ. Ngoài ra, nó còn như một lời nhắc nhở mình sống sao cho xứng đáng với những gì mình đã lãnh nhận. Bản thân Chúa Giêsu cũng thường nói với những kẻ mà Người đã ban ơn cho họ như phải đi trình diện với các tư tế, dâng của lễ… những hình thức tri ân cảm tạ. Và Người đã bỡ ngỡ trước thái độ vô ơn của 9 kẻ phong cùi đã được Người cho lành sạch. Nhưng lời chúc tụng và tạ ơn Người làm trong Bữa Tiệc Ly mang một ý nghĩa khác, cao cả và siêu nhiên hơn. Nó nhắc nhở đến biến cố vượt qua được Thiên Chúa giải thoát tổ tiên Người khỏi kiếp nô lệ Ai Cập.  Từ “toda” mà người Do Thái dùng để nói về biến cố ấy mang ý nghĩa cảm tạ, tri ân. Thánh Vịnh 107 cùng với lời Tiên tri của Giêrêmia đã nói về niềm vui và cảm tạ này: “Người người sẽ nghe tiếng mừng vui, hoan lạc, tiếng cô dâu, chú rể, tiếng những kẻ nói: ‘Hãy cảm tạ Giavê các cơ binh vì Người tốt lành, vì ơn Người miên man vạn đại.”(Gr 33: 14). Hình ảnh ấy cũng ám chỉ niềm vui và ơn giải thoát mà chính Người sắp sửa làm cho dân mới của mình.

 

Chúng ta chỉ có thể đạt đến Bí Tích Thánh Thể khi hiểu được thế nào là lời ca tạ ơn mà Chúa Giêsu đã thực hiện qua việc Người cống hiến mạng sống, chết đi và phục sinh của Người cho Chúa Cha. Đức Bênêđíchtô XVI đã diễn tả điều này như sau: “Tiệc Ly của Đức Giêsu chính là lời cảm tạ rất “toda” ngay trước khi đi vào cõi chết.” Và lời Thày trước khi trỗi dậy: “Anh em hãy làm việc này như Thày làm hôm nay.”

 

Khi viết về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu các Thánh Sử dường như qui hướng về Thánh Vịnh 22 mang ý nghĩa “toda” – Tri ân, cảm tạ.  Với ý nghĩa này, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người chính là một lời tạ ơn Người dâng lên Thiên Chúa Cha, Đấng mà Người đã thưa với tấm lòng tri ân ngay từ muôn thuở: “Này con xin đến để làm theo ý Cha”. Cùng với tâm tình tri ân ấy mà Người đã phục sinh sau cõi chết để tiếp tục mãi mãi lời tạ ơn. Đó cũng là ý nghĩa ta gọi Thánh Lễ là Lễ Tạ Ơn. Bởi vì trong đó Chúa Giêsu lại một lần nữa hy hiến mình vì vinh danh Chúa Cha và vì phần rỗi muôn dân.  

 

Như vậy, khi chúng ta đến với Thánh Lễ là đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, là hiệp thông, là đón lấy Lời Tạ Ơn của Người để cùng với Người tạ ơn Thiên Chúa Cha. Lời tạ ơn này được đi vào thực tế khi chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh Chúa. Lúc ấy, không phải chỉ có chúng ta, mà cùng với Chúa Giêsu, với Đức Trinh Nữ Maria, với muôn thần thánh, và mọi người đang thông hiệp với Người sẽ hợp lời tạ ơn dâng về Chúa Cha Chí Thánh là nguồn ơn vĩnh cửu của tất cả mọi tạo vật. Lời tạ ơn khởi đi từ nguyên thủy, tiếp nối mãi trong vô biên và cho đến muôn đời.

 

Khởi đi từ nguyên thủy khi Thần Khí Chúa bay là là trên nước: “Khởi thủy Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất. Đất trời trống không mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang và Thần Khí là là trên mặt nước” (Gen 1:1-2). Đây chính là Thần Khí ban sự sống, do Lời Ngài mà muôn vật được tạo thành. Mọi sự từ hư vô ra hiện hữu đều do Ngài. Công trình ấy con người phải tạ ơn. Và lời tạ ơn của con người phải hòa nhập với lời tạ ơn của Chúa Giêsu Kitô mới có giá trị. Mới đẹp lòng Thiên Chúa.

 

Lời tri ân cảm tạ phát xuất từ nguyên thủy ấy nay đi vào hiện hữu và được tiếp nối qua biến cố Nhập Thể (Lc 1). Cũng Thần Khí ấy, Đấng phủ tràn làn nước khởi nguyên, nay lại bao phủ và thánh hóa con người và cung lòng thánh khiết của Trinh Nữ Maria để ở đó Lời mặc xác phàm đến với nhân loại và ở giữa chúng ta “emmanual”. Nơi cung lòng này Thần Khí đã làm một cuộc sáng tạo mới vô cùng kỳ diệu, vượt xa sự kỳ diệu của sáng tạo: Tính “Người” của Thiên Chúa bằng với tính “Người” của Chúa Giêsu, để từ đó Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha lời tri ân, cảm tạ rất mật thiết, rất đẹp lòng Thiên Chúa. 

 

Trong Thánh Lễ lời tạ ơn, tri ân, cảm tạ vẫn tiếp tục được dâng lên. Hình ảnh Thần Khí bay là là trên nước. Hình ảnh Thần Khí thánh hóa và bao phủ Trinh Nữ Maria để ban tặng sự sống, để đem Chúa Giêsu vào đời lại xuất hiện. Khi chủ tế đọc lời truyền mà Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly xưa: “Này là Mình Ta, Này Máu Ta”, thì trong khoảnh khắc ấy, sự sống rất Giêsu nảy sinh. Dưới hình thù bánh và rượu, Người đã trỗi dậy, đích thân hiện diện với và giữa con người. Một sự hiện diện thực sự, chứ không là biểu tượng. Sự hiện diện rất thật, chứ không là hiện-diện theo ký ức mà ai đó tưởng nhớ.

 

Sự hiện diện đem Chúa Kitô có mặt thật sự nơi Tiệc Thánh Thể không chỉ vào lúc chúng ta nhớ đến Người, mà cả vào khi chúng ta không nghĩ về Người, hay ngay cả khi ta hoài nghi về sự hiện diện ấy. Người không diện chỉ bằng hành động suông mà đích thân có mặt, bằng chính bản thể rất “người” của Người. Thánh Phaolô cho đây là biến cố mà Chúa Giêsu đã vượt qua các tầng trời, đã vượt qua mọi trở ngại xác phàm để tiến vào Cung Thánh Nhiệm Mầu dâng hiến chính mình cho phần rỗi các nhân loại: “Người đã đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rẩy trên kẻ ô uế còn thánh hóa được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Đức Kitô, Đấng để nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.” (Her 9:11-14)

Sự thay đổi và hiện diện kỳ diệu của Thánh Thể đã làm kinh ngạc các thiên thần và con người, điều mà Tôma Aquinô gọi là “Phép lạ lớn lao nhất Chúa từng làm”. Nó vượt quá trí khôn tự nhiên. Và cũng Thánh Tôma đã bảo chúng ta, điều đó không có gì lạ, nếu mắt chúng ta không nhìn thấy, trí khôn không đo lường được. Để bù lại, ngài khuyên chúng ta phải dùng đến cặp mắt đức tin: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.” Như trong biến cố Nhập Thể, chúng ta cũng nghe lời Tổng Thần Gabriel đã nói với Đức Maria: “Với Chúa, chẳng có gì là không thể!” (Lc 1: 34-35) Vì khi nhìn vào tấm bánh, chén rượu sau lời truyền phép, tuy con mắt không thấy có sự thay đổi nào, nhưng đức tin cho biết, do Thần Khí thánh hiến của Thiên Chúa, Lời Ngài (Chúa Giêsu Kitô), Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết, nay đang nói và thành hiện thực. Và khi chính Người đã nói: “Này là Mình Ta.” thì không ai còn ngờ vực tính xác thực Người đang hiện diện trong Thánh Thể nữa. Chính vì thế, sau khi truyền phép, chủ tế chỉ vào bánh và rượu và nói với mọi người: “Đây là mầu nhiệm đức tin.”

 

Và sau cùng, sau truyền phép chủ tế lại một lần nữa kêu gọi Thần Khí biến đổi cả chúng ta những người đang chờ thông hiệp với Đấng đã trở nên Bánh và Rượu. “Nguyện xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng con trở nên lễ vật vĩnh cửu, để chúng con được lãnh nhận gia nghiệp cùng với các người Chúa đã chọn, nhất là với Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa, các Thánh Tông Đồ và Tử Đạo hiển vinh cùng với các thánh…” Một lời nguyện để khi chúng ta đón nhận Mình Thánh Chúa vào lòng, thì Thần Khí và Lời hợp lực biến đổi chúng ta thành Thân Mình nhiệm màu của Chúa Kitô, khiến chúng ta thành Hội Thánh của Thiên Chúa. Và cũng biến chúng ta trở thành trời mới đất mới, làm một trong Thân Mình Chúa. Nhờ sự hiệp thông khi nhận đón Thánh Thể, nhờ sự sống của Chúa Giêsu cắm rễ sâu nơi tâm hồn mỗi người và mọi người giúp chúng ta cùng với nhau cảm tạ hồng ân và bày tỏ thái độ tri ân ấy bằng chính cuộc sống chứng nhân của mình. Đây là hành động mà con người phải thực hiện và tiếp nối thực hiện kéo dài cho đến vĩnh cửu.

 

Thánh Thể mầu nhiệm Tạ Ơn. Mầu nhiệm dẫn ta đến vĩnh hằng để ở đó cùng với Đức Trinh Nữ Maria, muôn vàn thần thánh chúng ta sẽ mãi mãi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Vì tình yêu vô biên của Ngài mà chúng ta được hiện hữu, được biết, và được yêu mến Ngài. Cũng chính từ tình yêu thương ấy mà mọi ngày chúng ta lại được dẫn đến bàn tiệc Thánh Thể để rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, để  hiệp thông, chia sẻ, và sờ mó Lời Hằng Sống. 

 

Tiệc Thánh Thể – Lời tạ ơn vô biên, bao la và không bao giờ cùng của Chúa Giêsu Kitô dâng lên Chúa Cha, của những Kitô hữu hằng ngày đến với Người trong Thánh Lễ, và đón nhận Mình Máu Thánh Người khi rước lễ. Một mầu nhiệm tuyệt vời, khôn sánh mà chỉ có đức tin mới giúp con người hiểu nổi phần nào. Phải chăng Thiên Chúa đã chẳng còn làm gì hơn cho con người ngoài trừ Phép Thánh Thể. Phải chăng khi chia sẻ sức sống Thần Linh này con người đã chẳng được hòa tan vào với vô biên của Thiên Chúa, với bao la tình Ngài! 

 

Nhưng như Chúa Giêsu đã tạ ơn Chúa Cha bằng đời sống thánh hiến, và bằng cái chết của Người. Khi rước Mình Máu Chúa, và khi hòa nhập vào với Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải sống đời tạ ơn bằng với hy sinh và chứng nhân của chính đời mình. Thánh Thể, không chỉ là hình thức phụng vụ mang tính tôn giáo. Nó cũng không phải là một lối nhìn và sống “đạo đức”. Chúng ta đến với Thánh Thể vì đó là Tình Yêu cho đi. Là nhận lãnh, là sẻ san, là sống thực bằng đời sống với lời cảm tạ, biết ơn, và tôn vinh.  Đây là một mầu nhiệm mà con người phải suy ngắm, cầu nguyện, và sống.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.