Ba ngày sau cuộc bố ráp ở vườn Ghetsimani, với kết cục là cuộc tử nạn của Đức Giêsu trên đồi Golgotha, nhóm mười một các môn đệ luôn sống trong tâm trạng lo lắng, băn khoăn và sợ hãi.
Họ lo lắng về những gì Đức Giêsu đã tuyên bố rằng : “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31) liệu có phải là lời tuyên bố “cuội” không ?
Họ băn khoăn về lời hứa của Thầy Giêsu rằng “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật”. Và rằng : “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em”… Ôi ! không biết lời hứa của Thầy đến bao giờ mới trở thành hiện thực !
Họ sợ hãi sự rình rập của người Do Thái. Chính vì thế “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín” (Ga 20,19).
Có thể nói rằng, suốt ba năm ròng theo Thầy Giêsu, dù đã phải đối diện với nhiều gian nan thử thách, nhưng chưa bao giờ các môn đệ lại ngã lòng như lúc này. Sự ngã lòng được biểu lộ qua việc có vài người anh em rời bỏ nhóm để trở về quê nhà.
Trong bối cảnh tang thương như thế, bất ngờ Đức Giêsu hiện đến. Sự hiện đến của Đức Giêsu như một liều thuốc “hồi sinh” sinh lực rệu rã của các ông.
Sự lo lắng trong tâm hồn các ông lập tức bị xua tan trước hình ảnh một Giêsu Phục Sinh thực sự. Chính Ngài đã “cho các ông xem tay và cạnh sườn”(Ga 20,20).
Một nguồn sinh lực mới ngự trị trong tâm hồn các ông, khi Đức Giêsu “thổi hơi vào các ông và nói : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Và hơn bao giờ hết, các ông cảm nhận được sự bình an. Sự bình an do chính Thầy Giêsu chúc phúc “Bình an cho anh em”.
Có thể nói rằng, giờ đây, các ông đã hiểu tại sao việc Thầy Giêsu “ra đi thì có lợi” cho các ông. Chính vì thế, các ông đã giữ đúng lời “Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa”(Cv 1,4).
Và quả thật, điều Chúa Cha hứa đã trở thành sự thật vào ngày lễ Ngũ Tuần. Ngày mà các môn đệ “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”(Cv 2,4).
Một chút tâm tình…
Qua những gì Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong ngày lễ Ngũ Tuần, có thể nói rằng Thánh Thần Chúa chính là nguồn ơn đổi mới tâm hồn con người.
Ơn đổi mới thứ nhất và quan trọng nhất đã xảy ra trên các môn đệ. Sự nhát đảm của các ông được đổi mới bằng sự can đảm. Các ông không còn đóng kín cửa vì sợ người Do Thái nữa.
Tông đồ Phêrô đã hiên ngang “đứng chung với nhóm mười một… chứng thực sứ mạng của (Đức Giêsu)”(Cv 2,14…22) cho mọi người nghe.
Ơn biến đổi thứ hai đã làm cả Giêrusalem rúng động. Thánh Thần Chúa đã biến đổi ngôn ngữ của các môn đệ. Các ông có thể “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”.
Thật không thể tin được “các dân thiên hạ” phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình”(Cv 2,6). Dù là : “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay ngưởi Ảrập”. Tất cả mọi người đếu được nghe các môn đệ : “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11).
Ơn biến đổi thứ ba, như lời Đức Giêsu đã nói “Khi (Đấng Bảo Trợ) đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính” (Ga 16,8).
Thì đây, vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần Chúa, qua miệng lưỡi các tông đồ, đã cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”.
Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. Thánh Thần Chúa đã tác động tâm hồn “khoảng ba ngàn người”. Và Thánh Thần Chúa đã biến đổi họ từ người không theo đạo trở thành “người theo đạo” (Cv 2,…41).
Thánh Thần Chúa đã làm cho mọi người “luôn luôn hiệp thông với nhau… hợp nhất với nhau ca tụng Thiên Chúa”. Chính ơn Chúa Thánh Thần đã làm cho “cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”.
Vâng, Thánh Thần Chúa không chỉ đổi mới “nhóm nhỏ mười một”. Thánh Thần Chúa không chỉ đổi mới ba ngàn… năm ngàn và giờ đây là gần hai tỷ người trên khắp thế giới tin vào Đức Giêsu. Nhưng Thánh Thần Chúa sẽ còn “đổi mới mặt địa cầu” này.
Một phút suy tư…
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Vâng, bất cứ một Kitô hữu nào cũng phải nhận lấy Chúa Thánh Thần. Bởi vì như Tông đồ Phaolo đã nói : “không ai có thể nói rằng : Đức Giêsu là Chúa, nếu không phải bởi Chúa Thánh Thần” (1Cor 12,…3).
Hơn thế nữa. Một Kitô hữu không chỉ nhận lấy Chúa Thánh Thần nhưng còn phải “đầy dẫy Chúa Thánh Thần”(Ep 5,18).
Làm sao có thể đầy dẫy Chúa Thánh Thần, nếu người Kitô hữu đó cứ “say sưa chè chén” hay cứ miệt mài “thỏa mãn đam mê của tính xác thịt”.
Nếu chúng ta, là những người Kitô hữu, cứ “say sưa chè chén” hay cứ miệt mài “thỏa mãn đam mê của tính xác thịt” thì rượu và tính xác thịt sẽ làm chủ cuộc đời của chúng ta.
Nếu chúng ta đầy dẫy Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ làm chủ cuộc đời của chúng ta.
Một khi Chúa Thánh Thần làm chủ cuộc đời của chúng ta. Vâng, đương nhiên hoa trái Chúa Thánh Thần sẽ nở rộ trong cuộc sống của chúng ta.
Hãy cứ tưởng tượng, một khi hoa trái Chúa Thánh Thần, hoa trái của bác ái và yêu thương, của nhịn nhục, nhân từ và hiền lành, của trung tín và tiết độ, nở rộ trong cuộc sống của chúng ta. Vâng, chắc chắn chúng ta sẽ có một gia đình “anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu”. Và chắc chắn chúng ta sẽ có được những người bạn “láng giềng thân thiết”.
“Anh em hòa thuận. Láng giềng thân thiết. Vợ chồng ý hợp tâm đầu”. Hãy nhớ rằng, “cả ba đều đẹp lòng Thiên Chúa và người ta”(Cn 25,1). Một khi cả ba điều trên được chúng ta thực hiện một cách trọn hảo. Hãy tin rằng, ơn Chúa Thánh Thần, qua chúng ta, đủ sức để “đổi mới mặt địa cầu” này.
Chúng ta tin chứ ! Nếu tin, chúng ta hãy cùng nhau mà ca nguyện rằng “Lạy Chúa, xin sai Thánh Linh. Để Ngài đổi mới, đổi mới mặt địa cầu”. Vâng, để Ngài và chúng con cùng đổi mới mặt địa cầu.
Petrus tran
Views: 0