Theo Sách Tông Đồ Công Vụ ( cuốn sách ghi lại các hoạt động truyền giáo của các Thánh Tông Đồ vào thuở ban đầu của Giáo Hội), Chúa Giêsu sau khi sống lại, đã hiện ra với các Thánh Tông Đồ nhiều lần trong vòng “40 ngày” (Công Vụ 1:3).
Trong những lần hiện ra đó, Chúa Giêsu Phục Sinh đã “nói chuyện với các Ông về Nước Trời”, củng cố đức tin cho các Ông về việc Chúa thực sự đã sống lại, chuẩn bị tâm hồn các Ông để “đón nhận Chúa Thánh Thần” và trao cho các Ông nhiệm vụ truyền giáo “cho đến tận cùng trái đất”. Sau đó Chúa Giêsu đã “lên Trời trước mặt các Ông” (Công Vụ 1:1-9).
“Chúa Giêsu Lên Trời” chỉ có nghĩa là Ngài không còn hiện ra với các Tông Đồ nữa; tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn ở cùng các Thánh Tông Đồ và Giáo Hội Chúa, như lời Chúa đã hứa “Thầy vẫn còn ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế…” (Mat 28:20). Chúa Giêsu vẫn họat động truyền giáo với các Thánh Tông đồ và Gíao Hội qua dòng thời gian : “Các Tông đồ ra đi rao giảng các nơi, có Chúa cùng họat động với các Ông…) (Matcô 16,20…). Chúa Giêsu vẫn là vị Chủ Chăn chính của Giáo Hội. Các Đức Giáo Hòang chỉ là vị “Đại Diện” (Vicar) của Chúa Giêsu nơi trần gian; nhưng không “kế vị” Chúa Giêsu. Qua họat động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu vẫn rao giảng, ban ơn Thánh hóa chúng ta qua các phép Bí Tích, ban ơn tha tội, Tế lễ trên Bàn Thờ, nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình và Máu Thánh Chúa trong Bí Tích Thánh Thể…
Trước khi “Lên Trời”, Chúa Giêsu đã hứa với các Thánh Tông Đồ là Chúa Thánh Thần sẽ đến (Công Vụ 1:8); (Gioan 16:7…). Chúa Thánh Thần là “Đấng Bảo Trợ” (The Advocate), là “Đấng an ủi” (the “Paraclete”, “Comforter”).
Đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống dưới “hình lửa” trên từng Tông Đồ và các Tông Đồ “được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần” (Công Vụ 2: 1-4). Ngày đó trùng vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ Tuần là Đại Lễ của Do Thái Giáo, vào đúng ngày thứ 50 sau ngày Chúa Giêsu sống lại (‘Pentecost’ ‘ngày thứ 50’); vì thế chúng ta mừng Lễ Chúa Thánh Thần vào ngày thứ 10 sau Lễ Chúa Lên Trời. Lễ Chúa Giêsu Lên Trời được mừng vào ngày Thứ Năm sau Chúa Nhật VI mùa Phục Sinh (đúng 40 ngày sau Chúa Nhật Phục Sinh), nhưng thường được chuyển vào Chúa Nhật VII mùa Phục Sinh. Như vậy Lễ Chúa Thánh Thần được mừng vào Chúa Nhật sau Chúa Nhật VII mùa Phục Sinh; sau đó chúng ta bước sang Mùa Thường Niên, chu kỳ II.
Ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khởi đầu của Giáo Hội, ngày “Sinh Nhật” của Giáo Hội, cũng là ngày khởi đầu công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Ơn Chúa Thánh Thần đã biến cải các Tông đồ trở nên những người can đảm, những người thông hiểu Kinh Thánh và nhớ lại các điều Chúa Giêsu đã giảng dạy. Các Ngài không còn “đóng kín cửa vì sợ người Do Thái” (Gioan 20:19); nhưng bắt đầu rao giảng cho dân chúng đang tụ họp chung quanh nơi các Ngài ở (Công Vụ 2:14…) và đã có nhiều người ăn năn sám hối và xin chịu Phép Rửa để gia nhập Giáo Hội Chúa (Công Vụ 2:41).
Từ ngày đó, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, công cuộc truyền giáo của Giáo hội tiếp tục phát triển qua thời gian cho đến ngày nay, và Giáo hội được mở rộng đến các dân tộc (Luca 24:47) để đem Tin Mừng tình thương và ơn cứu rỗi đến cho mọi người, để “ai tin thì sẽ được cứu rỗi….” (Matcô 16:16…). Qua dòng thời gian, Chúa Thánh Thần vẫn che chở Giáo hội qua “mọi cơn gian nan thử thách!”; qua bao cuộc “bách hại” khủng khiếp.
Ngay từ thuở ban đầu, Giáo hội đã bị “bách hại” mà vị tử đạo đầu tiên là Thánh Têphanô. Các Giáo hữu đầu tiên đã phải tản mát đi khắp nơi để bảo vệ đức tin và đi đến đâu lại rao truyền Đạo Thánh Chúa cho mọi người họ gặp gỡ hàng ngày; nhờ thế càng thêm nhiều người được rao giảng Tin Mừng và gia nhập Giáo Hội Chúa. Đó là phong trào “Diaspora” của người Kytô hữu thuở Giáo hội lúc ban đầu. Nhưng khi Giáo hội tràn lan đi khắp nơi, tới Thủ đô Rôma thì cuộc bách hại trở nên dữ dội hơn với Néron và nhiều Hòang Đế Rôma khác, suốt hai ba thế kỷ cho đến năm 313. Trong những cuộc bách hại đó, từ các vị Giáo Hòang (mà đầu tiên là Thánh Phêrô), các Giám Mục, và mọi Kytô hữu đều bị lùng bắt và bị hành hạ dã man cho đến chết, có người bị thiêu sống, có người bị ném cho thú dữ ăn thịt nơi các hý trường tại Rôma. Thánh Phaolô và các Tông Đồ đều bị tử đạo. Thánh Gioan bị đày ra đảo Patmos và chết tại đó. Lúc đó chẳng có một tổ chức “Nhân quyền” nào, hoặc một tổ chức nào có thể lên tiếng để bênh vực. Các vua chúa có tòan quyền bách đạo. Các Tín hữu không còn đường nào trốn chạy, phải vào các Nghĩa trang để đào các hầm mộ mà trú ẩn trong những điều kiện thật khổ sở; đó là các “Catacombes” đào sâu xuống đất và dài hằng cây số, hiện còn ở Rôma, mà khách hành hương có thể đến thăm viếng để thấy đức tin của các tín hữu lúc ban đầu mạnh mẽ như thế nào.
Tất cả đều nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Cũng nhờ ơn Chúa Thánh Thần họat động trong Giáo hội mà dù bách hại tàn bạo như vậy, nhưng Giáo hội tại Rôma lúc đó không bị tiêu diệt, nhưng vẫn triển nở, vẫn lan tràn đi khắp nơi cho đến ngày nay. Trái lại các Hòang Đế Rôma cũng như đế quốc Rôma hùng vĩ như vậy đã tan biến đi, nay chỉ còn là “vang bóng một thời!”
Ngay tại quê hương Viêt Nam, Giáo hội lúc ban đầu cũng bị các vua chúa triều Nguyễn bách hại thật tàn bạo và bằng nhiều cách khác nhau , như chính sách “Gia Tô phân sáp…” Tất cả đều nhằm tiêu diệt Đạo Chúa, dù mới được chớm nở tại quê hương chúng ta. Dầu vậy Giáo Hội tại Việt Nam cũng đã không bị tiêu diệt, mà vẫn triển nở; còn các triều đại Nhà Nguyễn đều đã đi vào dĩ vãng.
Nếu không có Chúa Thánh Thần nâng đỡ che chở làm sao Giáo hội mới chớm nở ở Rôma, ở Việt Nam, và nhiều nơi khác trên thế giới không bị tiêu diệt dù bị đàn áp tàn bạo như vậy.
Những người Cộng Sản vô thần cũng đã tìm đủ mọi cách để tiêu diệt đức tin của các tín hữu nơi các nước họ đã chiếm được. Với những tính tóan rất kỷ lưỡng họ đã tin tưởng mạnh mẽ là Giáo hội sẽ bị họ tiêu diệt mau chóng ở khắp nơi họ tràn đến; nhưng chế độ Cộng Sản đã bị sụp đổ ở hầu hết các nơi; nhưng Giáo hội ở các nơi đó vẫn không bị tiêu diệt mà vẫn phát triển nhờ Chúa Thánh Thần che chở, giữ gìn.
Đạo Thánh Chúa không phải chỉ bị bách hại ở một nơi nào đó, vào một thời kỳ nào đó; nhưng luôn bị bách hại ở mọi nơi và dưới thật nhiều hình thức khác nhau do mưu mô của “ma quỷ thế gian” bày đặt ra ; vì “bóng tối thì luôn ghét ánh sáng…”. Chúng ta hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến để canh tân thế giới chúng ta, để bảo vệ nhân quyền và tự do Tôn giáo, “ hiệp nhất chúng ta nên một” trong cùng một gia dinh nhân loại và ban hòa bình cho các tâm hồn , các gia đình và thế giới chúng ta.
Xin Chúa Thánh thần ngự đến giúp chúng ta là các tín hữu của Chúa, luôn biết sống làm sao để “làm chứng cho Chúa” bằng chính đời sống lương thiện, công chính, và hòa hợp, yêu thương đối với mọi ngừơi. Xin Chúa Thánh thần ngự đến để giúp chúng ta biết đem Tin Mừng tình thương của Chúa đến cho mọi ngừơi chung sống với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: trong gia đình, trong khu xóm, nơi sở làm, trừơng học…Xin Chúa Thánh thần ngự đến để gìn giữ Gíao Hội qua mọi cuộc bách hại, và gìn giữ chúng ta luôn nắm vững Đức Tin tinh tuyền giữa bao chủ trương sai lạc của thế giới hôm nay.
Khi Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse dâng Chúa Hài Nhi Giêsu vào Đền Thờ Giêrusalem theo lề luật Do Thái lúc bấy giờ, Ông Già đáng kính Simeon ẵm lấy Chúa Hài Nhi và sau khi nói tiên tri “Ngài sẽ là ánh sáng chiếu soi các dân tộc”, Ông lại nói tiên tri thêm rằng “Hài nhi này sẽ là dấu hiệu cho nhiều người chống đối….” (Luca 2:22…). Chúa Giêsu cũng đã cảnh cáo các Tông đồ và mỗi người chúng ta: “Nếu thế gian ghét chúng con, thì chúng con hãy biết rằng thế gian đã ghét Thầy trước rồi… Nếu chúng con sống theo thế gian, thế gian sẽ yêu thích chúng con; nhưng vì chúng con không sống theo thế gian, nên thế gian ghét chúng con… Nếu họ đã bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại chúng con… Họ sẽ làm tất cả những gì có thể được để chống lại chúng con chỉ vì chúng con mang danh Thầy!” (Gn 15:18). Trong thư thứ 1Gioan cũng có đọan viết “Anh em đừng ngạc nhiên, nếu thế gian ghét anh em…” (1Gn 3:13).
Tệ hại hơn nữa, Chúa Giêsu còn cảnh cáo thêm điều quan trọng này là “sẽ đến lúc những kẻ giết chúng con lại tưởng là họ đã làm một việc để tôn vinh Thiên Chúa!” (Gioan 16:2). Đó là những kẻ nội phản; những kẻ mà Thơ 1 Gioan gọi là “những kẻ phản bội Chúa Kitô” (Antichrists) (1Gioan 2:18…). “Họ xuất thân từ hàng ngũ chúng ta; nhưng rồi không còn thuộc về chúng ta nữa!”. (1Gioan 2:19). Những nhóm “Ly giáo” (Schism) hoặc “Lạc giáo” (Heresy) xuất hiện từ thời các Tông đồ và vẫn xuất hiện qua dòng thời gian “rao giảng những điều sai lạc để giết Đức tin tinh tuyền của các tín hữu của Chúa” cùng với những cuốn “mạo thư” như “Phúc Âm Giuđa”… Trong thời đại chúng ta, họ đã dùng những phương tiện truyền thông và phim ảnh để gieo rắc những điều lầm lạc để nhằm tiêu diệt lòng tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục Sinh và Giáo hội của Chúa. Đan cử như những cuốn phim nặng về thương mại của Hollywood như cuốn “The Last Temptation” “Da Vinci Code” (về cuốn tiểu thuyết và cuốn phim này đã có những Mạng lưới và Sách hướng dẫn của Giáo hội để “giải mã” những ngụy tạo của tác giả Dan Brown; đặc biệt cuốn sách nhỏ “The Da Vinci Deception”.
Trước những “tà thuyết” và những “ngụy tạo” như vậy (nhiều khi chỉ vì chủ trương “giựt gân” để kích thích tính tò mò của con người nhằm quảng cáo và làm thương mại), chúng ta không cần “hỏang sợ”; nhưng cần cầu xin ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn để sáng suốt nhận định và “nắm vững Đức Tin tinh tuyền”, như thơ 1 Phêrô đã chỉ bảo chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức; vì ma qủy, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Vậy anh em hãy đứng vững trong Đức tin mà chống cự lại…” (1 Phêrô 5:8…).
“Thánh Thần! Cúi xin ngự đến! Hồn con đang mong chờ Ngài… Xin Ngài đổi mới… Chiếu sáng thế gian u mê… Dẫn dắt chúng con trên đường… Xin ban thêm sức kiên vững
không lay…. (trích trong bài Thánh ca “Thánh Thần Hãy Đến” của Cha Thành Tâm).
Views: 0