Trong chương 11 thư thứ II gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã phải miễn cưỡng so sánh cuộc sống và các hoạt động của ngài với nhóm thừa sai kitô gốc do thái nói tiếng hy lạp để chứng minh cho thấy ngài không thua kém gì họ, trái lại còn trổi vượt họ rất xa.
Mọi tước hiệu họ dùng để khoe khoang, nào là thuộc dân do thái, có truyền thống do thái giáo, và là dòng dõi tổ phụ Abraham, Phaolô cũng đều có. Họ tự xưng mình là những người phục vụ Đức Kitô, Phaolô cũng thế và còn hơn họ nữa. Thật vậy, liên quan tới các khổ đau khốn khó mà thánh nhân phải chịu vì Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài, thì không ai trong nhóm thừa sai nói trên có thể sánh bằng. Thánh Phaolô vượt xa hơn họ rất nhiều, vì những lao nhọc và mọi thứ hiểm nguy gặp phải trên bước đường truyền giáo, vì những những lần ra tù vào khám, bị đánh đập nhừ tử và ném đá sắp chết.
Trong mười câu đầu chương 12 thánh Phaolô liệt kê ra danh sách các kinh nghiệm thiêng liêng phi thường ngài đã được sống, kể cả các lần xuất thần nữa. Đây là câu trả lời trực tiếp cho nhóm thừa sai kitô góc do thái nói trên. Họ cho rằng các đặc sủng phi thường họ nhận được, đặc biệt là đặc sủng xuất thần chứng minh cho thấy họ mới là những tông đồ, những người phục vụ Đức Kitô đích thực. Chính các đặc sủng phi thường này khiến cho họ thành công tại Côrintô, bởi vì các tín hữu giáo đoàn này rất ham mộ các dấu chỉ tinh thần, vĩ đại, phi thường, gây đảo lộn ngạc nhiên cho mọi người. Khi kiếm tìm các đặc sủng như thế, họ có khuynh hướng biến cuộc sống lòng tin trở thành việc tìm kiếm các ơn lạ cả thể. Họ cho rằng thánh Phaolô không được các ơn đó như họ, nên không phải là tông đồ đích thực. Do đó Phaolô không dám yêu sách gì nơi các tín hữu, vì chỉ là kẻ kém cỏi, không có các kinh nghiệm đặc sủng siêu phàm. Thật ra, Phaolô không muốn khoe khoang các ơn trọng đại Chúa đã ban cho mình, vì đó là điều vô ích. Nhưng giờ đây bị bó buộc trả lời cho nhóm thừa sai và tín hữu Côrintô, bất đắc dĩ thánh nhân mới nói tới các đăc sủng Chúa ban cho ngài. Một trong các đặc sủng đó là biến cố xuất thần.
Biến cố xuất thần được trình thuật ở ngôi thứ ba, trong các câu 2-4. Chắc chắn đây là một trang tự thuật. Nhưng thánh Phaolô cho thấy có hai con người: một bên là cái ”tôi”: tôi biết, tôi không biết; và bên kia là một người không được xác định. Đây chắc chắn không phải chỉ là kiểu hành văn, mà còn diễn tả một chủ ý riêng biệt khác nữa. Thánh Phaolô muốn phân biệt giữa con người được Chúa cho sống kinh nghiệm đặc sủng xuất thần lên tới tầng trời thứ ba và con người của cuộc sống thường ngày. Trong câu 5 ngài khẳng định rằng: chính con người được đặc sủng xuất thần đó là con người ngài muốn khoe khoang. Còn phần mình thánh nhân chỉ muốn khoe khoang những yếu đuối của ngài. Tuy nhiên ở đây xem ra thánh nhân không muốn phân biệt trong con người của mình một Phaolô được kết hiệp với Chúa Kitô và một Phaolô tự nhiên. Ranh giới nằm trên một bình diện khác, tức bình diện kinh nghiệm đặc sủng. Nó phân chia Phaolô của kinh nghiệm xuất thần phi thường đầy hứng khởi khỏi Phaolô của cuộc sống thường ngày phục vụ Tin Mừng. Nói cách khác, nó phân biệt Phaolô được Chúa cho xuất thần và đem lên tầng trời thứ ba với Phaolô yếu đuối đang bước đi trên trái đất này. Cũng có thể nói một cách đơn sơ hơn rằng: lằn ranh giới phân chia lãnh vực cuộc sống tư khỏi lãnh vực cuộc sống công khai.
Thế kinh nghiệm xuất thần thánh Phaolô đã có được là kinh nghiệm gì vậy? Thánh nhân bị Chúa ”bắt cóc” và đem lên tới tầng trời thứ ba. Động từ bắt cóc, ”harpázomai” trong tiếng hy lạp cũng là động từ được thánh Phaolô dùng trong văn bản 4,17 thứ thứ I gửi giáo đoàn Thêxalônica, để diễn tả biến cố các kitô hữu còn đang sống trên trần gian này sẽ bị bắt cóc trong ngày Chúa Kitô quang lâm, trong ngày tận thế, và sẽ được bước vào hưởng cuộc sống vinh quang bất diệt bên Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô và các anh chị em đã chết trước họ. Khoa vũ trụ học thời đó chia bầu trời thành hai lớp: lớp thứ nhất gồm 3 tầng và lớp thứ hai gồm 6 tầng, tất cả là 9 tầng. Đây cũng là quan niệm vũ trụ học như được diễn tả trong kiểu nói của Á đông “lên chốn cửu trùng”. Thiên đàng ở trên tầng trời cao nhất, tức tầng thứ 9. Khi nhớ lại kinh nghiệm xuất thần tuyệt diệu trên đây thánh Phaolô viết: ”Tôi không biết là trong thân xác hay ngoài thân xác” . Mới đầu xem ra thánh Phaolô thừa nhận cả hai hiện tượng: hiện tượng bắt cóc linh hồn như được thế giới thần bí hy lạp biết tới, và hiện tượng bắt cóc thân xác như trình thuật trong Kinh Thánh. Chẳng hạn biến cố ngôn sứ Elia được Thiên Chúa bắt cóc lên trời như kể trong sách các Vua I chương 2,11.
Hiện tượng này đặc biệt được nền văn chương do thái thời sau này đề cập tới. Tuy nhiên ở đây xem ra kiểu nói ”ở ngoài thân xác” không ám chỉ sự hiện hữu tuyệt đối không xác thể, cho bằng sự vắng bóng thân xác trần gian và ”thịt xác” như chiều kích vật chất hữu hình của cuộc sống con người.
Dầu sao đi nữa, thánh Phaolô cũng đã không biết thực hư như thế nào, vì ngài hoàn toàn bị kinh nghiệm bất ngờ đó đảo lộn. Ngoài xác định thời gian ”cách đây 14 năm” và xác định nhân vật ”một người kết hiệp với Đức Kitô”, tất cả trình thuật đều hướng tới kinh nghiệm thánh Phaolô đã được sống thưc sự. Ở đây thánh Phaolô đã không có thị kiến nào, mà chỉ nghe được những lời khôn tả, mà loài người không được phép nói lại. Người được xuất thần bị đưa ra khỏi thế giới lịch sử và màng lưới truyền thông của loài người trên trần gian này, và lạc vào trong một thế giới hoàn toàn khác lạ. Kể lại như thế, chỉ là để trả lời cho nhóm thừa sai kitô gốc do thái, chứ thực sự thánh Phaolô phân biệt kinh nghiệm xuất thần siêu phàm và sự yếu đuối trong công tác tông đồ thường ngày của ngài. Nếu có đáng khoe khoang, thì ngài phải khoe khoang cuộc sống của con người tầm thường, giòn mỏng dễ mang thương tích. Nói cách khác, thánh Phaolô khước từ coi kinh nghiệm đặc sủng xuất thần như là tiêu chuẩn đánh giá cuộc sống vị tông đồ của Đức Kitô. Chỉ vì bị nhóm thừa sai kitô gốc do thái khiêu khích nên thánh nhân mới kể lại kinh nghiệm đặc sủng trên đây của ngài. Nhưng Phaolô không coi nó như là lý cớ biện minh cho sứ mệnh tông đồ. Trái lại, ngài xin mọi người hãy xét đoán theo những gì họ thấy được nơi con người và trong hành động của ngài. Phaolô không ngừng lại trên các kinh nghiệm xuất thần cao cả phi thường trong cuốc sống, để không làm lệch lạc óc phán đoán của tín hữu Côrintô. Chính vì thế ngài viết trong câu 6: ”Qủa vậy, nếu muốn tự hào, thì tôi cũng không phải là người điên, vì tôi nói sự thật. Nhưng tôi không làm thế kẻo người ta đánh giá tôi qúa cao, so với điều họ thấy nơi tôi hoặc nghe tôi nói”. Cả thánh Phaolô nữa cũng có thể đánh giá mình qúa cao. Nhưng Thiên Chúa đã cho một cái gai đâm vào thịt ngài, một thủ hạ của Satan có nhiệm vụ vả mặt ngài, để ngài khỏi tự cao tự đại (c.7).
Giới học giả kinh thánh đã tốn rất nhiều giấy mực để giải thích bản chất cái gai thánh Phaolô nói tới trên đây. Ngày nay đa số nghĩ rằng đó là một tật bệnh, nhưng không ai biết là thứ bệnh gì. Vì tính cách ám tỷ và kiểu giải thích thần thoại trên đây không giúp xác định tật bệnh của thánh Phaolô. Thật ra vấn đề không đến nỗi qúa quan trọng như thế. Điều quan trọng đó là lượng định được ý nghĩa của nó trong chương trình của Thiên Chúa, bởi vì Phaolô đã ba lần xin Chúa cất cái gai đó khỏi thân xác ngài, mà không được nhận lời. Sự yếu đuối bất lực của thánh nhân cho thấy chúng nằm trong một chương trình chính xác của Thiên Chúa: đó là ”sức mạnh của Chúa ra tay tỏ hiện trong sự yếu đuối” (c.9). Có thể nói rằng sự kiện Phaolô yếu đuối và bất lực là điều cần thiết, để Chúa Kitô có dịp tỏ hiện quyền năng cứu rỗi của Ngài: ”Để quyền năng của Chúa Kitô sống trong tôi”. Chính vì thế Chúa Giêsu đã trả lời : ”Có ơn Thầy ban cho con là đủ”. Đây không phải là sự cứu trợ, lại càng không phải là việc bù đắp những thiếu sót của thánh nhân. Trái lại nó chính là quyền năng cứu độ của Đức Kitô hoạt động trong cuộc sống bị đóng đanh của Phaolô. Để có thể tiếp tục tiến bước đi trên con đường thập giá, Phaolô chỉ cần biết rằng có ơn Chúa là đủ. Và đây mới chính là lý cớ khiến thánh Phaolô hãnh diện khoe khoang các yếu đuối của ngài và bằng lòng với các yếu đuối đó. Tuy nhiên, đây không phải là khuynh hướng bệnh hoạn tâm lý, cảm thấy sung sướng trong đau khổ. Các yếu đuối, nhục mạ, nghịch cảnh, bắt bớ và âu lo tự chúng không phải là cớ để hoan hỷ mừng vui, mà là bí tích, là dấu chỉ của ơn thánh và quyền năng của Chúa Kitô. Xác định ”vì tình yêu Chúa Kitô” rất là quan trọng. Thánh Phaolô sung sướng và tự hào vì phải gánh chịu tất cả mọi khổ đau khốn khó, vì Chúa Kitô, như Chúa Kitô cũng đã phải gánh chịu vì tội lỗi loài người. Nghĩa là Phaolô sung sướng vì được trở nên giống Thầy mình. Nhưng quan trọng hơn nữa là khẳng định kết thúc: ”Vì khi tôi yêu đuối lại chính là lúc tôi mạnh mẽ”. Lời khẳng định súc tích này tóm gọn tất cả những gì Phaolô muốn nói. Nó giúp chúng ta hiểu thấm thía hơn lời thánh nhân nói ”giờ đây không còn là tôi sống nữa, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Cái mạnh mẽ của Phaolô phát xuất từ sự hiện diện sinh động của Chúa Kitô phục sinh trong tâm lòng và trong từng giây phút cuộc đời của vị tông đồ cũng đã chịu đóng đanh như Thầy mình.
Đức Ông Linh Tiến Khải
Views: 0