“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời.
…Nằm trong hang đá nơi máng lừa…”
Hằng năm ở Mỹ cứ sau lễ Tạ Ơn, là nhạc giáng Sinh bắt đầu vang lên khắp mọi nơi từ các đài phát thanh cho tới các chương trình truyền hình, từ trong nhà riêng cho tới ngoài đường phố, những bài hát Giáng Sinh quen thuộc lại được vang lên, khiến lòng mọi người không phân biệt tôn giáo, lại rộn ràng chờ đón một mùa Giáng Sinh mới! Trong không khí tưng bừng rộn rã đó, thánh đường là nơi những lời nhạc Giáng Sinh thánh thoát vang lên nhiều nhất!. Riêng ở quận Cam (Nam Cali), bên cạnh những chương trình hát thánh ca Giáng sinh trong các nhà thờ (Công Giáo và Tin Lành), có 2 chương trình Thánh ca Giáng Sinh nỗi bật với quy mô lớn được tổ chức ở nhà thờ La Vang (9/12/11) với giá vé đồng hạng 10$, và tuần tiếp sau đó ở nhà thờ Thánh Linh ( vé mời, nhưng phải email, gửi thư dán tem xin vé) nghĩa là cũng phải yêu nhạc Giáng sinh lắm nên mới bỏ công, bỏ giờ ( giữa lúc cuối năm bận rộn) để kiếm vé mời!
Riêng tôi vốn mê âm nhạc từ nhỏ đặc biệt là nhạc Thánh ca, vì nghe nó thấm vào tâm hồn mình. Mỗi lần được nghe và hát những bài thánh ca “tâm đắc”, cứ tưởng như đó chính là những tiếng nói thầm thì với Chúa từ trái tim mình. Quả đúng là “Hát thánh ca bằng 2 lần cầu nguyện”. Do đó tôi tham dự cả 2 chương trình ở 2 nhà thờ La Vang và Thánh Linh, mỗi nơi đều có nét hay riêng!
Ở nhà thờ La Vang trước khi bước vào bên trong để thưởng thưởng thức chương trình nhạc Giáng sinh, ai cũng bị lôi cuốn bởi hang đá rực rỡ với nhiều đèn lấp lánh sáng trưng ngay trước cửa nhà thờ, nhưng đa số cũng chỉ kịp cúi đầu bái chào hang đá, rồi vội đi vào trong kẻo sợ hết chỗ (nhất là với tệ nạn giữ chỗ hằng loạt của người VN!)
Chương trình Nhạc hội Giáng Sinh “Chúa thương loài người” do ban hợp xướng Magnificat dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Trần Chúc, có sự đóng góp của ca đoàn giáo xứ La Vang, ca đoàn trung học Orange.Các em tuy không phải là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng hát rất đều và hay, chứng tỏ các em đã bỏ nhiều thời gian để luyện tập công phu. Nói tới đây tôi lại nhớ tới màn trình diễn nhạc Giáng Sinh của trường tôi năm rồi. Theo thông lệ hằng năm, trường đều có buổi trình diễn nhạc Giáng sinh, các lớp đều phải tham gia, mỗi lớp 2 bài (được chỉ định trước) Dĩ nhiên đối với các em mẫu giáo nên trường phải chọn những bài dễ hát, cô giáo cũng dạy cho các em những vũ điệu đơn giản (vỗ tay, đi tới đi lui, xoay người..), nhưng các cô thật vất vả, khổ công, khổ sức để tập cho các em cả tháng trời. Đến ngày trình diễn, phụ huynh cho các em mặc thật đẹp, đến nơi cô giáo cho đeo thêm chuông tay, đội nón ông già Noel…và dặn dò kỹ lưỡng. Khi ra trình diễn, phụ huynh thì háo hức máy quay phim, máy chụp hình lóe sáng, một số em nhìn thấy đông người khớp quá, cứ đứng trơ ra, em thì quên lời ca, em thì quên điệu bộ.. nhưng được cái phụ huynh vẫn “chín bỏ làm mười” vổ tay tán thưởng nhiệt liệt, có lẽ vì “con hát, mẹ khen hay” Vì thế tôi rất thấm thía với sự khổ công tập luyện của các màn hợp ca (đơn ca thì đỡ hơn). Trình diễn một bài 5, 7 phút nhưng tập luyện khổ cực cả tháng, nên lúc nào đi nghe các màn hợp ca tôi cũng sẳn sàng vổ tay tán thưởng nhiệt liệt, vì tôi biết đằng sau đó là sự khổ công tập luyện của nhiều người. Đúng là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”!
Trở về với đêm nhạc, các ca đoàn luân phiên trình diễn những bản nhạc Giáng sinh nổi tiếng, thỉnh thoảng xen vào những màn đơn ca với những giọng hát điêu luyện thu hút sự lắng nghe của mọi người. Bầu không khí âm nhạc rộn ràng với những tiếng đàn réo rắt, với các âm thanh trầm bỗng từ nhiều loại đàn khác nhau của dàn nhạc hợp xướng Mỹ đã góp phần đưa người nghe tăng thêm phần rạo rực, sốt sắng chờ đón ngày Chúa đến vì “thương loài người”.
Kết thúc chương trình mọi người cùng đứng lên đồng ca bài “Đêm Đông”, một bài hát Noel VN quen thuộc nên không cần giấy in bài hát, mọi người đều có thể cất cao lời hát:
“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời
Nằm trong hang đá nơi máng lừa…”
Và cũng thật là thú vị khi cả nhà thờ có thể cùng hát một bài hát Giáng Sinh VN 100% ( không cần tập dượt trước) để dâng lên Chúa Hài Đồng tâm tình của chính con dân VN. Thật đáng tự hào lắm thay!
Tuần sau khi đến tham dự đêm nhạc Giáng sinh với chủ đề “Đêm Hòa Bình” với linh mục nhạc sư Kim Long ở nhà thờ Thánh Linh, tôi và chị bạn đã đi sớm gần một tiếng trước giờ khai mạc, nhưng suýt nữa gần hết chỗ, phải ngồi gần chót, mặc dù vừa bước vào cửa nhà thờ đã thấy có bảng nhắc nhỡ, và trên màn ảnh lớn gần cung thánh cũng chạy hàng chữ lớn đập mắt “Kính xin qúy vị vui lòng đừng giữ chổ cho người khác” vì ai tới trước, ngồi trước, nhưng tệ nạn giữ chỗ vẫn xảy ra? Nếu là giữ một chỗ vì người nhà đang tìm chỗ đậu xe thì còn thông cảm được, đằng này giữ cả một băng ghế dài thì thật là không chấp nhận được! Ban tổ chức nói trên loa “Như vậy là lỗi đức công bằng”, nhưng người ta vẫn không nghe! Tôi lại nhớ có lần cha Danh nói “ Đối với người Mỹ lỗi đức công bằng là tội nặng, còn đối với người VN lỗi đức công bằng là không có tội”?! Ôi biết đến bao giờ người VN mình mới học được cách xử sự lịch sự theo văn hóa xứ người ?? Tệ nạn giữ chỗ này khiến có màn “nói qua, nói lại”, dù là đến để nghe thánh nhạc “ Đêm Hòa Bình”, nhưng nhiều người đã mất “Hòa Bình” ngay từ đầu chương trình! Tâm đã bực bội, bất an thì làm sao thưởng thức được thánh nhạc, nên vấn đề xem ra nhỏ nhưng thực sự không nhỏ chút nào! Các chị trong ban tiếp tân cần có hành động cụ thể hơn thay vì chỉ nhắc nhỡ suông!
Thôi bỏ qua những hạt sạn văn hóa đó , hãy chú tâm vào sự chu đáo trong việc điều hành đêm thánh nhạc Giáng Sinh, các chị trong ban tiếp tân trông thật rực rỡ với màu đỏ Christmas trong tà áo dài duyên dáng VN làm tăng thêm phần không khí lễ hội cho đêm nhạc. Mỗi người khi vào cửa đều được các chị vui vẻ phát cho một cuốn chương trình “Đêm Hòa Bình”in trên giấy láng nhiều màu với hình “Chúa Hài Đồng” trông rất mỹ thuật.Đó là nhờ sự “bảo trợ” của các vị Mạnh thường quân, xin chân thành cám ơn lòng hảo tâm của quý vị!
Chương trình có sự tham dự của Đức cha Mai thanh Lương, có lẽ một phần vì sự tham dự và điều khiển các ca đoàn của linh mục nhạc sư Kim Long?. Mở đầu chương trình, mọi người được mời đứng lên để cùng hát Kinh Hòa Bình hầu thấm nhuần tinh thần Hòa Bình của Chúa khi sinh xuống làm người :
“ …Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm..”
Nếu ai cũng đem ra thực hành điều này thì chắc chắn Hòa Bình đã ngự tri mọi nơi từ lâu rồi!
Sau đó hằng trăm ca viên nam, nữ của Liên ca đoàn Thánh Linh, từ hai bên tiến vào cung thánh để bắt đầu chương trình trình diễn thánh nhạc Giáng Sinh Các chị trong các tà áo dài đầy màu sắc rực rỡ, các anh thì mặc veste đen trông thật tề chỉnh. Những lời hát thánh thóat trầm bỗng vang lên qua bài Cao Cung Lên mở đầu cho phần Vọng Giáng Sinh:
“Trong đêm u tối chúng con mong ngày mau tới. Như nai đang khát ước mong mau tìm thấy suối. Chúa ơi! Dừng con giận Chúa lại thôi! Chúa ơi đoàn con đã hối tội rồi..”
Đúng là chúng ta đang nài van: “Dừng cơn giận Chúa lại thôi!” vì thiên tai, động đất, sóng thần, lũ lụt …đang hoành hành khắp nơi trên thế giới ngày càng nhiều, nhưng không biết chúng ta đã thực lòng “hối tội” chưa ???
Tiếp theo là bài hát “Thiên Thần Gabriel” của Linh mục Hoàng Kim, trong chương trình nhạc đêm nay có 2 bài của Linh mục nhạc sĩ Hoàng Kim, khiến tôi lại bùi ngùi nhớ tới những kỷ niệm với cha khi còn sinh hoạt với đoàn Nữ sinh Công giáo Gia Long, đặc biệt là lần cha cùng tham dự trai hè Đà Lạt với chúng tôi. Tôi còn nhớ như in những lời hát cha dạy chúng tôi đến tận bây giờ:
“Tạ ơn Chúa vì đồi non núi rừng đẹp xinh
Vì câu hát, vì dòng sông uốn khúc hữu tình..”
Chúng tôi hát khi ở trong một trường nội trú trên đồi cao Đà Lạt, nhìn ra chung quanh khung cảnh đẹp bao la hữu tình của thiên nhiên Đà Lạt càng thấy thấm thía lời ca! Do đó nó ghi sâu vào ký ức, để bây giờ mỗi khi đi đâu nhìn thấy cảnh đẹp của thiên nhiên, tôi lại nhớ tới những lời hát cha dạy để thầm hát lên lời tạ ơn Chúa! Cha H.K. có niềm đam mê âm nhạc thật lớn và sáng tác nhạc thật mê say, cha đã từng mở trường âm nhạc BACH ở Saigon với những dư tính về âm nhạc lâu dài, nhưng biến cố 75 đã thay đổi tất cả! Rất tiếc là cha đã bị bạo bệnh và mất quá sớm trong những năm cùng khổ sau 75, nếu không cha sẽ còn để lại nhiều bản nhạc tuyệt vời cho dòng thánh nhạc VN. Xin thắp lên một nén hương lòng để tưởng nhớ cha!
Trong phần hát Vọng Giáng Sinh này, có thêm phần minh họa của các em trong ca đoàn thiếu nhi với hình ảnh Thiên thần đến báo tin cho Đức Mẹ “Bà đã được tuyển chọn là Mẹ Thiên Chúa”. Ta học được từ Đức Mẹ bài học “khiêm cung và vâng phục”, nghe thì đơn giản, nhưng có lẽ học cả đời vẫn chưa xong!
Bước sang Phần 1 Giáng Sinh đa số các ca khúc là của cha Kim Long, dĩ nhiên là do chính cha điều khiển dàn hợp xướng, với sự điều khiển xen kẻ của nhạc trưởng Đổ mạnh Chu Riêng phần 1 này đặc biệt có sự góp giọng của nữ ca sĩ Mai thiên Vân qua 2 bài “Bên Máng cỏ” và “Cao cung lên”, đươc mọi người tán thưởng nhiệt liệt.( Thực ra trước đây cô đã từng là giọng ca chính của ca đoàn nhà thờ Đức Bà Saigon với tên Mai Hậu). Phần này được kết thúc với bài “Về Bêlem” của cha Kim Long do ban hợp xướng Thánh linh trình bày. Nhắc tới Bêlem, tôi lại nhớ tới lần “Về Bêlem” trong một chuyến hành hương thăm đất Thánh (Israel).
Khi đến viếng hang đá Bêlem, nơi Chúa sinh ra, tôi nhìn thấy nhiều sắc dân khác nhau, với nhiều tôn giáo khác nhau cùng đến chiêm bái nơi Chúa giáng trần năm xưa. Lúc đó tôi mới chợt ý thức được rằng: Số người tin Chúa ra đời cứu chuộc nhân thế quá đông ( nếu không bị phân chia thành nhiều tông phái khác nhau : Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành…số người tin Chúa hiện nay lên đến hơn một tỷ người trên khắp thế giới). nhưng thay vì cùng thực hiện lời Chúa đã truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau”, họ lại kình chống nhau và giết hại lẫn nhau. Riêng các công trình xây dựng tại Bêlem được các nước Thụy Điển, Ý, Đức… tài trợ,nhưng ngay cả đền thờ Giáng Sinh cũng vậy, được xây dựng rồi lại bị tàn phá nhiều lần..tất cả đều do bàn tay của con người gây nên, nhất là tại miền đất này, chiến tranh hầu như không bao giờ vắng bóng suốt 2000 năm qua, tới nay vẫn không thay đổi! Mới đây báo chí lại vừa loan tin “Mừng lễ Giáng Sinh, hai phe tu sĩ ở Bêlem đánh nhau”(12/2011). Thật đáng buồn thay !
Trong đền thờ Giáng Sinh, giữa gian cung thánh, ngay dưới bàn thờ chính, nằm sâu dưới lòng đất là hang đá nơi Chúa sinh ra. Có lối đi nhỏ hẹp, vừa đủ cho 1 người, với những bậc thang nhỏ dẫn từ trên nền đền thờ xuống hang đá. Nơi được các nhà khảo cổ ghi nhận chính là chỗ Chúa đã sinh ra, được đánh dấu bằng ngôi sao bạc 14 cánh trên nền đá cẩm thạch với hàng chữ khắc trên ngôi sao bằng tiếng Latin “ NƠI NÀY ĐỨC TRINH NỮ MARIA ĐÃ HẠ SINH CHÚA GIÊSU KITÔ” ! Ai muốn hôn lên ngôi sao đó, phải quỳ xuống, khom lưng lết vào trong hang đá, rồi mới cúi mình xuống để hôn lên nơi Cực Thánh đó, nghĩa là muốn “gặp” được Chúa, ta phải biết khiêm tốn, hạ mình xuống, vì chính Chúa cũng đã hạ mình xuống, sinh trong hang đá nhỏ bé, khó nghèo!
Ôi! xin Chúa dạy con luôn có lòng khiêm tốn, yêu thương từ trong gia đình cho tới ngoài xã hội, để tâm hồn con sẽ hưởng được Bình An như lời chúc của các Thiên thần khi xưa : “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Trong phần nghĩ giải lao là phần tâm tình với linh mục nhạc sư Kim Long và cũng là để chúc mừng 50 năm bài Thánh ca “Kinh hòa Bình” ra đời (1961- 2011). Trong phần giới thiệu về cha Kim Long, Đức ông Phạm Quốc Tuấn đã nhấn mạnh tới nhiều bài hát nổi tiếng và phổ biến rộng rãi trong giáo dân của cha Kim Long bằng cách hài hước hát đổi lời bài hát:
“ Khi Chúa thương gọi con về, con không về, con không về, ngu sao về!” Hoặc “Con “lom khom” (hân hoan) bước lên bàn thờ Chúa” (ý chỉ cha KL nay đã già!) làm cả nhà thờ lăn ra cười!. Trong phần tâm tình cha KL cho biết cha đi tu từ năm 10 tuổi,và 17 tuổi bắt đầu sáng tác bài thánh ca đầu tiên “Con hân hoan bước lên bàn thờ Chúa”(nên bây giờ 71 tuổi “lom khom” bước lên bàn thờ Chúa” là đúng rồi! Chúc mừng cha được ơn bền đỗ trên con đường tu trì hơn 60 năm!). Cha KL cho biết cha sáng tác bài hát “Kinh Hòa Bình”(dựa vào bản kinh HòaBình ) khi còn là “Thầy” vừa mãn tiểu chủng viện, bắt đầu vào Đại chủng viện. Cha luôn tin rằng có sự soi sáng của Chúa khi cha sáng tác thánh ca, vì cha luôn thực hiện 3 điều:Đọc lời Chúa, suy ngẫm và cầu nguyện bởi triết lý sáng tác thánh ca của cha là “hát để cầu nguyện”. Khi đọc bản văn “Kinh Hòa Bình”, thầy Kim Long dạt dào cảm hứng nên đã sáng tác ca khúc Kinh Hòa Bình (được nhiều người biết nhất kể cả những người ngoại đạo). Bài Kinh Hòa Bình tương truyền của thánh Phanxico thành Assisi, nhưng theo nghiên cứu lịch sử thì bản kinh thời danh này đã có trước thời thánh Phanxico cả hằng thế kỷ. Dù vậy tất cả những gì kinh Hòa Bình diễn tả, có lẽ thánh Phanxico là người đã thực hiện được đầy đủ trong đời sống của ngài: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người..”. Trong một chuyến hành hương, chúng tôi được đến viếng thăm nhà dòng của ngài (cách Roma khoảng 3 giờ lái xe), nằm trên một ngọn đồi cao, như là một thành phố nhỏ mang tên “City of Peace”. Phía trước nhà thờ là một bãi cỏ xanh rộng lớn với hàng chữ nổi bằng cây cảnh: P.A.X.(Hòa Bình) và cây thánh giá nghiêng. Chúng tôi vào nhà dòng viếng mộ ngài, rồi đi tham quan một số hình ảnh và di tích của ngài còn để lại như: dép gai, gối đá, áo nhậm (dệt bằng sợi bố to sù sì)…đó là những gì gắn bó với cuộc sống khó nghèo, ăn chay hãm minh cầu nguyện và chuyên lo cho người nghèo của thánh nhân. Khi ra về chúng tôi được Đức ông Phan văn Hiền nhắc nhở 2 điểm chính cần ghi nhớ về thánh Phanxico:
– Ngài là người đầu tiên được Chúa in 5 dấu Thánh trên thân thể.
– Ngài là người đầu tiên có ý tưởng làm “hang đá” để mừng chúa Giáng sinh. Từ đó về sau, ý tưởng đó mới lan truyền khắp nơi và người ta mới có truyền thống làm hang đá để mừng Chúa ra đời.
Phần 2 Giáng Sinh được mở đầu với bài “Trong cánh đồng Bêlem” tiếp đến là “Đêm Bình An”, ở phần 2 này có sự góp tiếng hát của ca sĩ Tấn Đạt từ San Jose xuống qua 2 bài “Nơi Belem” và “Đêm yêu thương” được mọi người chào đón bằng những tràng pháo tay ròn rã! Riêng bài cuối cùng “Hang Belem” do ca đoàn thiếu nhi Thánh Linh đảm trách, có cả hoạt cảnh Giáng Sinh đi kèm, tạo sự thú vị háo hức cho mọi người, đặc biệt là các em! Như vậy mới biết Thánh ca luôn là nét hấp dẫn nhất của mùa Giáng Sinh, nó không chỉ thu hút người lớn, trẻ em mà cả những người khuyết tật. Tôi nhớ đến màn trình diễn nhạc Giáng sinh của những người khuyết tật ở trường tôi. Lúc đầu khi nghe tin, tôi thật ngạc nhiên vì từ trước tới giờ hễ nghe nói đến trình diễn nhạc Giáng Sinh, người ta thường liên tưởng tới những ca đoàn nổi tiếng, với những nhạc trưởng “lẫy lừng”…Vậy mà bây giờ lại có màn trình diễn nhạc Giáng Sinh của những người khuyết tật?? Đến hôm trình diễn, khi dẫn các học sinh ra hallway để thưởng thức, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những hình ảnh thật cảm động: một “dàn hợp xướng” toàn ngồi xe lăn, với các trang phục khác nhau nhưng đầy màu sắc Noel rực rỡ ( đỏ, xanh lá cây), đầu đội mũ ông già Noel. Nhạc trưởng cũng là người khuyết tật, bà cho chúng tôi biết “dàn hợp xướng” của bà đã ráo riết tập luyện khổ cực mấy tháng nay ( Vụ này thì tôi rất hiểu, vì người bình thường tập còn khổ cực huống gì là người khuyết tật!) để trình diễn và bây giờ họ đang hồi họp vì không biết “kết qủa” ra sao ?. Bà kêu gọi chúng tôi hãy nhiệt tình vổ tay tán thưởng để họ lên tinh thần, và đó cũng có thể là món quà Giáng Sinh ý nghĩa nhất đối với họ, vì họ thấy vẫn “còn có ích cho đời”, còn “đem lại niềm vui cho người khác”! Ôi những lời tâm tình thật cảm động!, bà vừa dứt lời , từng tràng pháo tay của toàn trường vang dội! Chưa bao giờ tôi thấy màn trình diễn nhạc Giáng Sinh cảm động đến vậy, vì “dàn hợp xướng” say sưa trình diễn nhiều bài nhạc Giáng Sinh với tất cả tấm lòng: Người đàn, kẻ hát, người “xập xèng” hoặc vổ tay, nhịp chân tùy theo điều kiện thân thể khuyết tật của họ. Màn trình diễn kết thúc, mọi người đứng dậy vỗ tay không ngớt, tôi và một số học sinh chạy lên ôm, cám ơn họ. Tôi cảm nhận những vòng tay yếu đuối khẳng khiu, từ trong xe lăn, cố ôm chặt lấy chúng tôi, hình như từ lâu họ đã thiếu vắng những vòng tay yêu thương ?? Tôi nhìn thấy những đôi mắt ngấn lệ, những miệng cười méo xệch nhưng luôn mồm : “Thank you, thank you very much!” “ Merry Christmas” “ I’m very happy today!”. Tôi chợt nhận ra mùa Giáng Sinh, người ta hay mua quà tặng nhau, người ta thường chỉ nghĩ đến những món quà vật chất, mà quên đi những món qùa tinh thần, yêu thương có khi còn giá trị gấp bội lần. Tôi học được từ “dàn hợp xướng” đặc biệt này, tinh thần lạc quan, niềm vui “cống hiến” để ý thức hơn rằng: “khi nào ta còn có khả năng “cho đi” là ta còn có hạnh phúc”. Tôi tự hứa với lòng: “Dẫu cho khó khăn có bao trùm, nghịch cảnh có bủa vây…tôi vẫn cố tìm cách pha một màu thật dịu dàng, thật êm ái như thể trời vẫn quang, mưa vẫn tạnh..” ( Book of your life)
Trời đã khuya, ra về co ro trong không khí giá lạnh mùa đông, mới có dịp cảm thông phần nhỏ với cảnh ngày xưa Chúa sinh ra giữa “bốn bề tuyết sương mịt mùng”. Nhìn lên bầu trời đầy sao, tôi thầm khấn xin lời chúc “Bình An” của thiên thần trên cánh đồng Belem năm xưa, sẽ tuôn xuống cho khắp mọi nhà, mọi tâm hồn trong mùa Giáng sinh này và năm mới 2012 đang tới.
Chirstmas 2011
Phượng Vũ
Views: 0