Uncategorized

Thánh Luca

Thánh Luca là tác giả, là Thánh sử, và là người một trong số bốn tác giả viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Ðồ.

 

Thánh Luca là tác giả, là Thánh sử, và là người một trong số bốn tác giả viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Ðồ.

 

Trong hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Ðức Kitô và của Giáo Hội. Trong các thánh sử, Thánh Luca là người duy nhất thuộc dân ngoại. Truyền thuyết cho rằng ngài sinh quán ở Antioch, và Thánh Phao-lô gọi ngài là "người thầy thuốc yêu quý của chúng ta" (Col. 4:14). Có lẽ ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.

Thánh Luca là một y sĩ đã trở về với đức tin vào khoảng năm 40, và sau đó theo thánh Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai. Thánh Luca không cho biết Ngài sinh ra ở đâu và sinh vào năm nào,nhưng theo nhiều tài liệu để lại,thánh nhân là một thầy thuốc,hành nghề ở Antiôkia và Ngài cũng là một văn sĩ giỏi.Tin Mừng về cuộc đời của Chúa Giêsu do Ngài viết diễn tả tài nghệ điêu luyện của Ngài về cách hành văn,về lối viết lưu loát và truyền cảm của Ngài.

Thánh nhân là một người ngoại giáo đã theo thánh Phaolô nhiều năm trên đường giảng đạo.Thánh Phaolô đã loan báo Tin Mừng ở thành Troa,Luca đã tin,đã xin theo đạo và đã xin đi theo thánh Phaolô làm môn đệ của Ngài và trong những năm tháng cuối đời của vị Tông Đồ Dân Ngoại này, thánh Luca luôn ở bên cạnh ngài. Vào giai đoạn thánh Phaolô bị bắt giữ,người ta không biết gì về quãng đời cuối cùng của Ngài. Tuy nhiên,theo một tài liệu tìm được ở Constantinople,thánh Luca đã lần lượt loan báo Tin Mừng ở Achaie,ở Béotie,sau này làm Giám mục ở Thébes. Thánh Luca đã cùng lãnh nhận triều thiên tử đạo cùng với thánh Anrê tại Patras thuộc vùng Achaie. Ðọc Phúc Âm của thánh Luca,điểm nổi bật nhất nơi ngòi viết của Ngài là lòng thương xót. Thánh nhân còn viết tông đồ công vụ nói lên sự hiệp nhất,sinh hoạt của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi,một cộng đoàn luôn làm mọi việc theo ý Chúa.Nhờ ngòi bút của Ngài,mọi người hiểu rằng Giáo Hội của Chúa ngay từ lúc ban đầu luôn có Chúa Thánh Thần hoạt động và hiện diện.

Thánh Kinh cũng cần sự cộng tác của nhân loại, và trong mọi sự trợ giúp, Thiên Chúa không loại bỏ tài năng con người. Thánh sử Luca là mẫu gương chuyên cần trong công việc và đầy ơn Thánh Thần soi dẫn. Sau khi cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thánh nhân mới tuần tự viết ra. Ngài cho thấy thông tin ấy phù hợp với chứng từ của những người đã được chứng kiến ngay từ đầu. Công việc biên soạn đòi hỏi phải có những cuộc phỏng vấn các chứng nhân, trước tiên là Đức Maria, các Tông Đồ của Đức Kitô, và những người được hưởng các phép lạ khi ấy đang còn sống. Thánh Jerome nhận định lối văn của thánh Luca là phản ảnh về mức khả tín về các nguồn tài liệu của thánh nhân. Nhờ thánh Luca đã ân cần đáp ứng ơn Chúa Thánh Thần, ngày nay chúng ta mới diễm phúc đọc được mọi trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu và những dụ ngôn tuyệt đẹp mà chỉ mình ngài ghi lại như: “ dụ ngôn người con hoang đàng, người trộm lành,ông Giakêu thu thuế , câu chuyện người Samaria nhân hậu, đoạn kể về Lazarus nghèo khổ và ông nhà giàu…v..v..”  Và cũng chỉ có Phúc Âm của ngài đã ghi lại sự kiện hai môn đệ về làng Emmaus, tường tận đến từng chi tiết.

Ngài xuất hiện trong sách Công Vụ trong chuyến hành trình thứ hai của Thánh Phao-lô, và ở lại Philippe một vài năm cho đến khi Thánh Phao-lô trở về đó trong chuyến hành trình thứ ba, và ngài tháp tùng Thánh Phao-lô đến Giêrusalem và ở gần thánh nhân trong thời gian cầm tù ở Ceasarea. Trong hai năm này, Thánh Luca đã có thời giờ để tìm tòi thêm các chi tiết và phỏng vấn những người đã từng gặp Ðức Giêsu. Sau cùng ngài là người đồng hành trung tín đã tháp tùng Thánh Phao-lô trong chuyến đi đầy nguy hiểm đến Rôma. Trong thư gửi Timôthê, Thánh Phao-lô có nhắc, "Chỉ có Luca là ở với tôi" (2 Tim 4:11).

Xuyên suốt Tân Ước, Thánh Luca đã mô tả lòng thương xót Chúa dành cho những ai cùng khốn một cách rõ nét hơn các thánh sử khác. Ngài nhấn mạnh đến tình yêu Chúa Kitô dành cho các tội nhân để minh chứng Chúa đã đến để cứu vớt những kẻ đã hư mất. Thánh nhân còn kể cho chúng ta sự kiện Chúa tha thứ cho người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa đã ghé thăm nhà ông Giakêu đầy tai tiếng, và ánh nhìn của Chúa đã biến đổi Phêrô sau khi đã trót chối Thầy. Thánh Luca ghi lại lời hứa của Chúa Kitô dành cho người trộm lành sám hối, và lời cầu của Chúa dành cho những kẻ đã đóng đinh và lăng mạ Người trên đồi Canvê.

Hơn thế nữa, Vai trò phụ nữ trong xã hội – một điều không được coi trọng trong thế kỷ đầu của Kitô Giáo – đã có một chỗ đứng quan trọng trong Phúc Âm thánh Luca. Bằng ngòi bút của ngài và qua phỏng vấn những người minh chứng Chúa Giêsu ra sức phục hồi phẩm giá cho phụ nữ. Chỉ có vị thánh sử này đã mô tả nhiều nhân vật nữ trong tác phẩm của mình, chẳng hạn bà góa thành Naim, người phụ nữ sám hối đã rửa chân Chúa, những phụ nữ Galilê đạo đức đã dâng cúng tài sản, đi theo phục vụ Chúa và các tông đồ trên đường truyền giáo, rồi hai chị em thân thiết tại làng Bethany, người đàn bà còng lưng được Chúa chữa lành, và nhóm phụ nữ thành Jerusalem khóc thương khi Chúa vác thánh giá lên núi Canvê.

Qua Phúc âm Thánh Luca, chúng ta gặp và dỏi theo những giáo huấn căn bản của Chúa Kitô. Thánh sử đã làm nổi bật tầm quan trọng của sự khiêm nhượng, chân thật, nghèo khó, chấp nhận thánh giá, và nhu cầu cám tạ Thiên Chúa. Phúc Âm thánh Luca là căn bản cho tri thức về lòng sùng kính Đức Mẹ và đem lại cảm hứng cho nghệ thuật Kitô Giáo suốt nhiều thế kỷ qua. Ngoài Chúa Giêsu, không ai đã được mô tả một cách đầy yêu mến trong Phúc Âm như Đức Mẹ Maria. Dưới ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, thánh sử Luca đã viết cho chúng ta về những đặc ân Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ. Mẹ được đầy ơn phúc và Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Là Mẹ Chúa Giêsu, Đức Maria đã thụ thai nhờ phép Chúa Thánh Thần mà vẫn trọn đời đồng trinh, và được mật thiết liên kết với mầu nhiệm cứu độ. Mọi thế hệ sẽ ngợi khen Mẹ là Đấng diễm phúc, bởi Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ những điều kỳ diệu, thật đúng như lời một phụ nữ đã cất tiếng chúc mừng Mẹ Chúa Giêsu.

Tình yêu đối với Chúa khiến chúng ta phải biết ơn thánh Luca về sự tinh tế nơi tâm hồn ngài được biểu hiện qua công trình tuyệt vời. Từ xa xưa, các tín hữu đã xưng tụng thánh Luca là họa sĩ của Đức Trinh Nữ. Một số bức tranh về Đức Mẹ được truyền tụng là do thánh nhân vẽ ra. Chắc chắn thánh Luca thường xuyên suy gẫm những hành vi của Chúa Kitô mà ngài viết lại; ngoài ra Thánh nhân cũng dạy cho chúng ta biết yêu mến Phúc Âm như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai.

Thánh Luca,một trong bốn thánh sử đã để lại cho hậu thế một lịch sử sáng ngời của Ðấng Cứu Thế: “Chúa Giêsu Kitô”. Chỉ cần đọc Phúc Âm của một trong bốn thánh sử,nhân loại ở muôn thời sẽ thấy rõ cả cuộc đời của Chúa Giêsu. Ðó là nét nổi bật nhất của các thánh sử.Tuy nhiên,với thánh Luca,khi đọc Tin Mừng của Ngài,nhân loại sẽ nhận ra lòng thương xót của Chúa,nhìn ra bộ mặt đầy yêu thương của Chúa Giêsu và như thế thánh Luca đã làm sáng danh Chúa vì chính Ngài đã ghi lại những nét đặc sắc nhất của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Luca như nhiều vị thánh khác đã hy sinh cả mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa là Ðường,là Sự Thật và là Sự Sống .Ngài xứng đáng lãnh nhận triều thiên vinh quang của Chúa. Muôn đời nhân loại sẽ không bao giờ quên được công ơn to lớn của thánh sử Luca.

 

Ngoan-Thùy-Dương sưu tầm

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.