Uncategorized

Thánh Lễ kính Chúa Tình Thương và cầu nguyện cho Khóa Nazareth

– Anh Hai Lúa ơi! Mai có lên Trung Tâm Công Giáo Việt Nam không anh?
– Chi vậy chị Tư?
– Nếu có anh Hai ghé cho tui quá giang chút được không? Tui muốn đi dự Thánh Lễ kính Chúa Tình Thương và luôn tiện cầu nguyện cho Khóa Nazareth đó mà.
– Ủa! Vậy anh Tư Lượm đâu, sao không đi với chị?

– Anh Hai Lúa ơi! Mai có lên Trung Tâm Công Giáo Việt Nam không anh?
– Chi vậy chị Tư?
– Nếu có anh Hai ghé cho tui quá giang chút được không? Tui muốn đi dự Thánh Lễ kính Chúa Tình Thương và luôn tiện cầu nguyện cho Khóa Nazareth đó mà.
– Ủa! Vậy anh Tư Lượm đâu, sao không đi với chị?
– Ông lười lắm anh hai! Tui biểu ổng chở tui đi, ổng nói ổng hổng “rét” hổng lạnh gì hết trọi nên hổng đi.
– Ðược vợ chồng tui sẽ ghé qua đón chị lúc 8 giờ rưỡi sáng, chị nhớ sẵn sàng nghe.

 

Thế là vợ chồng Hai Lúa và chị Tư Lượm đã đến Trung Tâm Công Giáo lúc 9 giờ kịp đúng lúc cha ra làm lễ. Thánh Lễ Kính Lòng Thương Xót thật sốt sắng. Nguyện đường Các Thánh Tử Ðạo chật chỗ ngồi. Linh mục Trịnh Ngọc Danh, khởi xướng và cũng là linh hướng Gia Ðình Nazareth chủ tế và giảng thuyết.

 

Phải nói thiệt thà là cha Danh hôm nay giảng thật xuất sắc. Ðề tài mà cha trình bày trong thánh lễ không những diễn tả được lòng Chúa yêu thương nhân loại, mà còn là một lời khuyến khích cho mọi gia đình cần phải hợp nhất, yêu thương và sống trọn vẹn ơn gọi hôn nhân gia đình noi theo gương của Chúa Phục Sinh.

 

Hai Lúa tui vốn là người khô khan, nguội lạnh nhưng hôm nay khi nghe cha linh hướng giảng cũng thấy nóng bừng bừng trong lòng, tỉnh con mắt linh hồn. Lần đầu tiên Hai Lúa mới nghe một câu hỏi mà chưa bao giờ được nghe, đó là: “Tại sao Chúa Giêsu sống lại mà còn mang mấy dấu đinh trên tay, chân và cạnh sườn?” Nghe câu hỏi hơi lạ, nên Hai Lúa chăm chú nghe để coi cha giảng giải như thế nào. Và khi nghe cha giảng, Hai Lúa mới hiểu rằng, sở dĩ Chúa mang những dấu thánh ấy trên thân xác vinh hiển của Ngài, là vì Ngài muốn cho mọi người biết rằng đó chính là những dấu ấn tình yêu. Tình yêu đã khiến Ngài hy hiến trọn vẹn, yêu đến chết. Tình yêu đã đem lại chiến thắng phục sinh cho Ngài. Và cũng chính tình yêu ấy, Ngài muốn mọi người đón nhận vào cuộc đời mình để cảm nhận sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống, và để sống mật thiết với Ngài. Tình yêu ấy Ngài cũng muốn vợ chồng, cha mẹ và con cái đem ra thực hành cho nhau để cùng nhau hạnh phúc. Nghe đã quá!

 

Và câu hỏi thứ hai cũng khiến Hai Lúa hết sức ngạc nhiên, đến nỗi không thể ngủ gật được, đó là: “Tại sao Tôma không được chứng kiến Chúa hiện ra lần thứ nhất?” Và câu trả lời là vì Tôma đã không đoàn kết, không hợp nhất, và không cùng chia sẻ với các Tông Ðồ khác trong những phút buồn vui với nhau. Sự vắng mặt của Tôma khi Chúa hiện ra lần đầu đã khiến chúng ta phải xét lại thái độ của mình trong tương quan với vợ, với chồng, với con cái, và với những anh chị em khác.

 

Ứng dụng vào đời sống hôn nhân gia đình, sự đoàn kết và mật thiết giữa vợ chồng, cha mẹ, và con cái là một dấu chỉ của bằng an, và của việc đón nhận ánh sáng, sức sống Phục Sinh của Chúa. Cũng theo cha giảng thuyết thì Tôma đã được nhìn thấy Chúa, xỏ tay vào vết đanh nơi tay Chúa, thọc tay vào cạnh sườn Ngài, vì lúc đó ông đã có mặt trong phòng với các Tông Ðồ khác. Như vậy, sự kết hợp và thân thiết giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái chính là lý do để chúng ta nhận ra bình an, sức sống phục sinh, và tình yêu của Ngài. Ngược lại, bao lâu vợ chồng, cha mẹ con cái chia rẽ hay không có mặt trong những tương quan gia đình thì đó chính là dấu hiệu của chia rẽ, hận thù, buồn giận, và đắng đót.

 

Tóm lại, Chúa Phục Sinh mang lại cho nhân loại niềm vui, và mặc khải cho chúng ta tình yêu không điều kiện, tình yêu đến chết vì ta. Và tình yêu ấy khi đem vào đời sống hôn nhân gia đình, thì đó chính là sức sống và điều kiện để gia đình hạnh phúc.

 

Thánh lễ kết thúc với lời khuyên nhủ của cha giảng thuyết là mọi người cần phải tìm đến Tình Chúa Yêu Thương qua mầu nhiệm hy hiến được tượng trung bằng những dấu thánh vinh hiển phục sinh của Ngài, cũng như bằng việc vợ chồng, cha mẹ và con cái tham dự Thánh Lễ, đón nhận Thánh Thể. Cũng trong tâm tình ấy, ngài đã mời gọi mọi người hãy tham dự Khóa Nazareth sẽ được tổ chức vào cuối tuần 22, 23, và 24 tháng 5 năm 2009 để tiến vào sinh hoạt cùng với đại gia đình Nazareth hầu tái khám phá và phục hồi những giá trị và vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân.

 

Tuy nhiên, nếu phải ghi lại vài mẩu chuyện bên lề của buổi lễ, thì ai cũng nhận rằng Thánh Lễ hôm nay vì mang mầu sắc vui tươi của Tình Yêu nên vỗ tay hơi nhiều. Vỗ tay liên miên …   

 

Ðến phần gia trưởng thì vẫn chứng nào tật nấy, nói dài, nói giai, nhưng cám ơn Chúa là không đến nỗi “nói dở”. Thú thật, mỗi lần gia trưởng “đăng đàn” là Hai Lúa ở dưới phải rút tràng hạt bắt đầu đọc kinh xin Chúa soi sáng, mở lòng, mở trí cho gia trưởng biết ngừng đúng lúc và đáp xuống an toàn. Có lẽ nhờ lời cầu nguyện sốt sắng của Hai Lúa và của nhiều người mà chưa lần nào gia trưởng đáp ngoài phi đạo hay phải đáp khẩn cấp cả. Tạ ơn Chúa!

 

Sau cùng, bữa ăn trưa dã chiến với pate chaud, càphê và nước trà, tuy đơn sơ nhưng đậm đà tình người. Chị Mỹ Phượng chu đáo quá, tới nỗi ăn không hết còn chia phần cho anh chị em mang về gọi là “lộc thánh tình thương”. Bên cạnh quán của chị Mỹ Phượng là quán sữa đậu nành của gia đình Vĩnh Long. Gia đình này cũng họp mặt mừng Ðại Lễ Chúa Tình Thương do cha cố Ðỗ Thanh Hà chủ tế. Tình lối xóm thấm thiết, nên ai muốn thì cứ xẹc qua là uống sữa đậu nành thoải mái. Cám ơn chị Mỹ Phượng, và cũng xin cám ơn gia đình Vĩnh Long.

 

 

Tóm lại, ngày 19 tháng 4 năm 2009, nhân dịp Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa và cầu nguyện cho Khóa Nazareth, Hai Lúa xin ghi lại vài kỷ niệm để trình bà con. Hy vọng sẽ gặp mặt đông đủ tại Khóa Nazareth trên đồi Marywood vào tháng 5 sắp tới. Amen.
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.