Thiên sứ bảo các mục đồng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Thật lạ lùng. Thiên Chúa giáng trần cứu nhân độ thế không tỏ mình qua một dấu chỉ ngoạn mục, cao cả, lẫy lừng. Nhưng tỏ mình qua một dấu chỉ nhỏ bé, yếu ớt, tầm thường. Đó là dấu chỉ của Lòng Thương Xót.
Vì Lòng Thương Xót Thiên Chúa mặc lấy thân phận con người. Thiên Chúa yêu thương đã tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng quá yếu đuối, tội lỗi, con người không giữ được hình ảnh cao đẹp ấy. Vẫn trung tín với dự định ban đầu, Thiên Chúa đành phải mặc lấy thân phận con người. Con người không thể mang hình ảnh Thiên Chúa thì Thiên Chúa đã mang lấy hình ảnh con người. Đó là kết quả của Lòng Thương Xót.
Lòng Thương Xót nói lên tình yêu vượt quá sức tưởng tượng của con người. Con người bỏ Chúa đi xa lạc. Dù xa lạc đến đâu con người vẫn ở trong trái tim của Chúa. Nên Chúa đi đến tận chân trời góc biển để tìm kiếm. Logo của Năm Thánh Lòng Thương Xót là một minh hoạ tuyệt vời. Chúa đã trở nên giống hệt con người. Mặt Chúa và mặt người giống hệt nhau. Hướng về nhau. Đến nỗi có chung một con mắt. Để từ nay Thiên Chúa nhìn con người bằng chính mắt của con người. Để cảm thông với con người. Để yêu thương con người. Để hoán cải con người. Để từ nay con người nhìn vũ trụ bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Để hiểu được Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Để sống trong vũ trụ theo chương trình ban đầu của Thiên Chúa. Đó chính là chương trình đem lại hạnh phúc cho con người và cho thế giới.
Lòng Thương Xót là sự tha thứ vô cùng. Vì con người bỏ Chúa mà đi. Đã lầm đường lạc lối. Đã rơi vào ngõ cụt. Đã bị thương tích. Đã không tìm được lối về. Chúa vẫn yêu thương. Băng rừng vượt suối để đi tìm con người. Tìm được rồi. Vác lên vai mang về. Hãy chiêm ngắm logo Năm Thánh. Chúa đã vất vả lắm. Chân thấp chân cao. Tay vẫn còn mang thương tích vì bị con người đóng đinh. Nhưng Chúa không quan tâm đến thương tích của mình. Quên đau đớn của mình. Để vác con người trên vai. Tìm được con người rồi Chúa không lên án lỗi lầm. Nhưng mở tiệc ăn mừng. Đó là tình yêu thương vô biên. Yêu thương đến tha thứ những phản bội. Yêu thương đến quên mình. Dám chết vì người mình yêu. Lòng Thương Xót của Chúa thật vô biên. Không ai hiểu thấu. Không lý luận nào có thể cắt nghĩa.
Lòng Thương Xót lại nói lên sức mạnh vô biên của Thiên Chúa. Sức mạnh trần gian bộc lộ trong sự giận dữ. Đó là sức mạnh không tự kềm chế. Sức mạnh của Thiên Chúa biểu lộ trong sự yêu thương. Đó là sức mạnh vô biên, thắng được sự giận dữ. Làm chủ được sức mạnh của mình. Sức mạnh trần gian thích trừng phạt. Sức mạnh của Thiên Chúa yêu tha thứ. Sức mạnh của trần gian dùng để ức hiếp. Sức mạnh của Thiên Chúa dùng để phục vụ. Sức mạnh của trần gian kiêu căng. Sức mạnh của Thiên Chúa khiêm nhường. Sức mạnh của trần gian tàn nhẫn. Sức mạnh của Thiên Chúa thương xót. Sức mạnh của trần gian tìm bành trướng. Sức mạnh của Thiên Chúa tự trở nên bé nhỏ. Như một em bé sơ sinh. Chính trong sự bé nhỏ, yếu ớt, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ, Chúa biểu lộ sức mạnh vô biên. Đó là sức mạnh của Lòng Thương Xót.
Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ khai mở một triều đại mới. Triều đại của Lòng Thương Xót. Hài nhi Giê-su sinh làm em nhỏ sơ sinh để sống đời phó thác. Phó thác cho Lòng Thương Xót. Phó thác trong bàn tay của Chúa Cha. Phó thác cho cả nhân loại. Đó là món quà trọng đại Thiên Chúa tặng ban cho con người. Để con người sử dụng theo ý mình. Và trẻ thơ Giê-su cần đến Lòng Thương Xót để tồn tại, để hiện diện, để yêu thương. Vì thế trẻ thơ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ kêu gọi Lòng Thương Xót của thế giới, của con người.
Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ khai mạc một thế giới mới. Thế giới sống chung hoà bình. Trẻ thơ không có sức mạnh. Không có khí giới. Chỉ có tâm hồn trong trắng. Ánh mắt ngây thơ. Vòng tay giang rộng. Nằm giữa anh em mục đồng nghèo khổ. Giữa bầy súc vật hiền lành. Trên cỏ khô dân dã. Tất cả là một cảnh hoà bình. Con người sống hài hoà với Thiên Chúa. Với nhau. Với thiên nhiên vạn vật. Đó chính là Lòng Thương Xót. Thương xót chính Thiên Chúa đang chịu đau khổ vì tội lỗi nhân loại. Thương xót anh em đồng loại. Để tránh cảnh máu đổ đầu rơi. Thương xót thiên nhiên vạn vật. Đừng gây nên những vết thương cho thân thể vũ trụ. Phá hoại thiên nhiên là giết chính mình. Là tàn phá ngôi nhà khiến chính mình không còn nơi trú ngụ.
Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ khai mạc một nhân loại mới. Như hài nhi Giê-su mới sinh. Nhân loại mới không sinh ra trong tội lỗi để tàn sát lẫn nhau. Nhưng sinh ra trong ân sủng của Chúa để yêu thương nhau. Không sinh ra theo xác thịt để sống theo thú tính. Nhưng sinh ra trong Thần Khí để làm chủ dục vọng. Không sống theo ý riêng với tính ích kỷ chỉ biết cá nhân. Nhưng sống theo ý Chúa biết mở lòng ra với tha nhân. Không chỉ sống cho mình. Nhưng quên mình để sống cho mọi người. Vì Chúa Giê-su nằm trên máng cỏ đã trở thành lương thực nuôi đoàn chiên.
Một triều đại mới như thế sẽ kiến tạo một nền “hoà bình vô tận” như I-sa-i-a loan báo từ ngàn xưa. Và mọi người trở thành nhân loại mới như thư Ti-tô hướng dẫn để “được thanh luyện, khiến ta trở thành Dân Riêng của Người, một dân riêng hăng say làm việc thiện”.
Mừng lễ Chúa Giáng Sinh, ta hãy nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong “Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Để hân hoan đón nhận món quà cao quí Thiên Chúa tặng ban. Để tâm hồn ta được biến đổi theo Lòng Thương Xót. Đó là ánh sáng soi đêm tối. Là hi vọng cho những bế tắc. Là phương thuốc chữa lành vết thương. Là nhịp cầu xây dựng tình người. Là phương án cho thế giới mới. Thế giới chan hoà sức sống và tình yêu.
Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa, vì Lòng Thương Xót của Chúa tồn tại đến muôn ngàn đời. Amen.
+TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Đan viện Châu Sơn
Thánh lễ Đêm Giáng Sinh, 24-12-2015
Views: 0